Review sách Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu

Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu (Rosie Nguyễn)

“Bạn hối tiếc vì không nắm bắt lấy một cơ hội nào đó, chẳng có ai phải mất ngủ.

Bạn trải qua những ngày tháng nhạt nhẽo với công việc bạn căm ghét, người ta chẳng hề bận lòng.

Bạn có chết mòn nơi xó tường với những ước mơ dang dở, đó không phải là việc của họ.

Suy cho cùng, quyết định là ở bạn. Muốn có điều gì hay không là tùy bạn.

Nên hãy làm những điều bạn thích. Hãy đi theo tiếng nói trái tim. Hãy sống theo cách bạn cho là mình nên sống.

Vì sau tất cả, chẳng ai quan tâm.”

“Tôi đã đọc quyển sách này một cách thích thú. Có nhiều kiến thức và kinh nghiệm hữu ích, những điều mới mẻ ngay cả với người gần trung niên như tôi.

Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? được tác giả chia làm 3 phần: HỌC, LÀM, ĐI.

Nhưng tôi thấy cuốn sách còn thể hiện một phần thứ tư nữa, đó là ĐỌC.

Hãy đọc sách, nếu bạn đọc sách một cách bền bỉ, sẽ đến lúc bạn bị thôi thúc không ngừng bởi ý muốn viết nên cuốn sách của riêng mình.

Nếu tôi còn ở tuổi đôi mươi, hẳn là tôi sẽ đọc Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? nhiều hơn một lần.”

Tuoi tre dang gia bao nhieu
Ảnh: Tiki.vn

Thông tin tác giả Rosie Nguyễn

Rosie Nguyễn là bút danh của Nguyễn Hoàng Nguyên, một tác giả và nhà văn Việt Nam. Cô tập trung vào những cuốn sách phi hư cấu sáng tạo, với các chủ đề xoay quanh văn hóa thanh niên, giáo dục tự định hướng, phát triển thanh niên và các vấn đề xã hội.

Cuốn sách thứ hai của cô, mang tên Tuổi Trẻ Đặng Gia Bảo Nhiêu (Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?), Đã được xếp hạng Top 1 sách bán chạy nhất năm 2017 – 2018 và giành được một số giải thưởng, bao gồm Giải thưởng bình chọn của độc giả quốc gia của Fahasa, Top 10 tác phẩm có ảnh hưởng nhất Sách dành cho độc giả trẻ 2019.

Năm 2018, cô xuất bản cuốn sách Minh không có khi nói về hạnh phúc (Điều chúng ta nói về khi chúng ta nói về hạnh phúc), tổng hợp những bài luận ngắn về hạnh phúc, kỷ niệm, tình yêu và cách sống có ý nghĩa. sự sống.

Cuốn sách mới nhất của cô, Tren hanh trinh tu hoc (Trên hành trình tự học), kể về những câu chuyện cuộc đời cô trong hành trình tự giáo dục và hiện thực hóa bản thân từ một nhân viên văn phòng trở thành một nhà văn toàn thời gian.

Một số sách khác cùng tác giả

– Ta ba lô trên đất Á, NXB Hội nhà văn, 2015

– Làm thế nào để đọc sách hiệu quả, NXB Công Thương, 2017

– Mình nói gì khi nói về hạnh phúc,NXB Hội nhà văn, 2018

– Trên hành trình tự học, NXB Hội nhà văn, 2021

Tổng hợp review sách

Review từ bạn Lan Tô Thị Hoàng – Goodreads, 10/2016 

Lúc Rosie đăng thông tin quyển sách này, mình nghĩ là chắc mình quá tuổi để đọc (tuổi ở đây là tuổi trải nghiệm) và chỉ mua 2 quyển để tủ sách cho học sinh đọc. Tuy nhiên, khi cầm sách trong tay, lướt qua vài trang, mình nghĩ là mình cũng còn “trẻ” để đọc quyển này.

Cách đây vài hôm, mình có đọc một trích đoạn của Osho về chín chắn và già. Người ta có thể già nhưng chưa chắc chín chắn. Mình cũng tin là cho dù xã hội chúng ta ngày hôm nay có phát triển hiện đại đến đâu thì quá trình một người lớn lên, trưởng thành vẫn không đổi: đứa trẻ phải té mới đi được, con người phải qua khó khăn, học hỏi mới trưởng thành. Việc này giống như một chú sâu ủ kén đủ ngày mới thành con bướm tuyệt đẹp. Không thể đi tắt.

Đó là một quá trình tích lượng đủ để đổi chất. Nếu trải nghiệm sớm, tích lượng đủ sớm thì quá trình đổi chất sẽ sớm và người ta tiết kiệm biết bao nhiêu là thời gian. Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu cho các bạn trẻ cách thức để “tích lượng” ấy.

Những trải nghiệm được chia sẻ của Rosie trong sách dĩ nhiên không giống mình (làm sao có 2 người nào trải nghiệm giống nhau) nhưng những những suy nghĩ và những bài học Rosie rút ra trong quá trình tự học rất đồng cảm với mình.

Đập vô mắt mình điều đầu tiên trong 10 điều mà Rosie chia sẻ nếu bạn quay trở lại thời đôi mươi là điều mình thật tâm đắc: đầu tư cho sức khỏe. Mình nghĩ Rosie có lý do khi đưa nó lên thành điều số 1. Nếu mình quay trở lại thời trẻ, trẻ hơn cả đôi mươi, mình sẽ đầu tư cho sức khỏe: luyện tập thể thao, chơi một môn nào đó, nâng cao sức đề kháng của bản thân. Khi qua 30, qua kỳ sinh nở cộng với làm việc cường độ cao, mình thấy sức khỏe giảm hẳn (mà ý là lúc đôi mươi mình cũng không khỏe bao nhiêu), mình mới có động lực mạnh mẽ để dành thời gian cho rèn luyện sức khỏe.

Không biết có duyên gì không mà mình tâm đắc điều số 10: dành thời gian cho hoạt động tinh thần. Cho đến thời điểm này, dù muộn, việc khám phá và tin tưởng những phương pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần đã đem lại cho mình nhiều giá trị của cuộc sống. Đây là điều mà khi trẻ mình không thèm tin, không thèm chú trọng. Sức mạnh nội tâm bằng việc luyện tập sự tĩnh tại, cảm nhận hạnh phúc từ những việc đơn giản xung quanh đã giúp mình vượt qua nhiều cơn bão của cuộc sống. Phải thú nhận rằng, làm điều này không dễ. Nếu chăm sóc sức khỏe cơ thể mình chỉ cần 6 tháng là thấy có kết quả và tạo được thói quen/kỹ năng thì chăm sóc sức khỏe tinh thần mình mất mấy năm mới thấy được chút ít kết quả.

Nếu liệt kê những gì mình tâm đắc trong quyển sách này thì chắc mất vài trang vì gần như mình tâm đắc hết ^^. Mình đồng ý về giá trị của việc học hỏi từ sách, và cũng đồng ý mạnh việc không phải đọc sách nào cũng có ích. Với mình, sách “rác” ở ngoài thị trường đầy rẫy và đọc nó thì có hại nhiều hơn là có lợi. Mình cũng là người đã dùng sách là kênh chính trong quá trình tự học, bên cạnh việc trải nghiệm.

Mình cũng rất thích quan điểm dẹp bỏ tivi trong nhà. Có lần mình chia sẻ việc này trên FB, nhiều bạn mình bảo mình cực đoan. Mình thì không sao, nhưng giờ có con, mình thật sự ác cảm với việc không thể dẹp hết tivi ở các phòng khác. Tivi có hại cho trẻ con khá nhiều.

Mình cũng khoái chi tiết đi ngủ sớm (dù mình chưa thể dậy sớm 4h như Rosie). Chỉ có ai trải qua việc đầu óc mình minh mẫn sảng khoái khi ngủ đủ và ngủ sớm mới thấy điều này rất quý giá.

Mình cũng bớt đọc báo. Mình không còn đọc báo giấy và hạn chế báo mạng. Nói cho cùng, trên đó không có nhiều thông tin có ích theo tiêu chí của mình. Mình cũng không chơi điện tử nhiều. Hồi nhỏ đến giờ mình chỉ biết có trò xếp gạch và kim cương.

Ba phần chính của sách là Học, thực hành và tỏa sáng. Đó cũng là con đường mà mình đã và đang trải qua. Không cần là một giáo viên mới thấy những lỗ hổng của giáo dục hiện nay. Nền giáo dục lạc hậu ở VN còn làm cho các bạn trẻ lẫn nhiều người lớn hiểu lệch lạc về việc học. Đôi khi, điều mà nhiều bạn trẻ tưởng mình đang học thực ra chẳng phải là học gì cả. Ngồi tuyển dụng, mình thấy nhiều hồ sơ các bạn bảng điểm cao, bằng cấp xịn, nhưng hỏi những kiến thức chuyên môn cơ bản thì không biết gì. Ảnh hưởng quá nặng nề từ tư tưởng nho giáo, các bạn chỉ quan tâm bằng cấp mà không chú trọng thực hành, cho nên, kỹ năng gì cũng không có. Có lần, nhóm bạn mình tranh cãi với nhau lý thuyết và trải nghiệm, cái nào đáng giá hơn. Mình thì theo phe trải nghiệm. Có nhiều điều đọc từ sách, học từ người khác nhưng đến khi mình tự thực hiện thì khác lắm. Trải nghiệm luôn quý giá và đáng giá.

Phần tỏa sáng của Rosie đề cập đến việc theo đuổi ước mơ, khám phá ra điểm mạnh của mình, rèn dũa nó và kiên trì chờ ngày tỏa sáng. Nhìn những bạn lớn có, nhỏ có xung quanh mình, mình thấy việc này không phải nhiều người làm được. Cá nhân mình, trải qua 12 năm phổ thông, 4 năm đại học, 2 năm cao học, đi làm đến 10 năm mình mới tự khám phá điểm mạnh của mình là gì, điều gì mà mình thoải mái khi thực hiện và “tỏa sáng” với nó. Hồi xưa mình luôn dằn vặt khi mình không phải là một giáo viên Toán giỏi, dù chuyên môn và nền tảng không tệ. Khi khám phá ra mình mạnh ở đâu, điều gì truyền cảm hứng để mình làm việc, mình hiểu rằng vì sao mình không hào hứng trong việc lên lớp dạy toán (trong khi đó mình dành hàng giờ để lên kế hoạch chủ nhiệm – một nhiệm vụ mà nhiều giáo viên làm cho có lệ). Giờ thì mỗi ngày của mình thường mình không xem là làm việc, bởi đơn giản là mình làm việc mình muốn làm và hên là nó được gọi là “công việc” và tạo thu nhập cho mình.

Khép lại quyển sách, nhiều điều Rosie đã trải nghiệm mình cũng thích lắm, ví dụ như thích “xê dịch”, thích viết, thích chia sẻ, muốn học yoga và thiền, muốn ăn chay, muốn dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, … nhưng mình chưa làm được hoặc chưa làm được nhiều. Vì vậy mà quyển sách này cũng tạo động lực cho mình tiếp tục từng bước thực hiện. Mình nghĩ là lần tái bản tới, Rosie nới rộng đối tượng của quyển sách. Quyển sách này không chỉ dành cho bạn nào từ 16 đến 29 mà có thể là 16 – lứa tuổi nào bạn thấy còn sức và còn muốn làm điều mình thích ^^. Với mình, 66 vẫn là trẻ, miễn sao mình vẫn giữ được sức khỏe và một cái đầu rộng mở.

Nếu hỏi có điều gì mình không hài lòng ở quyển sách này không thì mình trả lời có. Đó là khoảng 2/3 quyển sách phần đầu, nhiều câu Rosie viết không đúng ngữ pháp. Ví dụ trang 78:

“Nuôi dưỡng ngôi sao trong mình, vun trồng những tiềm năng tố chất. Để một ngày nào đó, tỏa sáng rực rỡ.”

hoặc trang 92:

“Trên chặng đường đó, thì bạn đã học được rất nhiều so với đứng yên.”

Mình đọc những câu kiểu này thấy nó …cụt cụt sao đó. Cũng có thể đây là chủ ý của tác giả mà mình không biết.

Cuối cùng, điều mình học được từ việc đọc nhiều sách là: từ câu chữ của người khác, mình được truyền cảm hứng và mong muốn thay đổi. Nhưng những từ ngữ cô đọng mà người viết chuyển tải trên trang sách thật ra rất nhỏ bé so với những gì mình thực hiện sau đó. Những từ ngữ kiểu “kiên trì”, “cố gắng”, “nỗ lực”,…khi vào thực tế đều có thể kể thành một câu chuyện dài không hết và mỗi người sẽ “thấm” nó khác nhau. Sẽ có nhiều người bỏ cuộc trên con đường kiên định đó, nhưng những ai đã vượt qua (dù chỉ là từng chặng nhỏ) đều nhận được niềm hạnh phúc và niềm tin mà chỉ riêng mình mới hiểu được. Nó giống như chuyện cá chép vượt vũ môn:

Cả bầy cá chép, con nào cũng muốn vượt qua cửa rồng. Bởi chúng biết, hễ vượt được qua cửa rồng, thì chúng sẽ từ những con cá chép tầm thường trở thành những con rồng siêu phàm thoát tục.

Khốn nỗi, cửa rồng cao quá, cả bầy cá chép con nào con nấy mệt đứt cả hơi va vấp đến nỗi thâm tím cả mặt mày mà chẳng con nào nhảy được qua. Bầy cá xúm lại xin với Long Vương, để Long vương hạ cửa rồng thấp xuống một chút. Long vương không bằng lòng, cả bầy cá chép bảo nhau quỳ mọp trước mặt Long vương, không đứng dậy nữa. Chúng quỳ luôn ở đấy chín chín tám mươi mốt ngày, cuối cùng Long vương cũng mủi lòng và đáp ứng yêu cầu của bầy cá.

Thế là cá lớn cá bé nhẹ nhàng thoải mái vượt qua cửa rồng và vui mừng hể hả đều biến thành rồng.

Không lâu sau, những con cá chép được hóa rồng ấy bấy giờ mới phát hiện ra một điều là tất cả cá chép đều hóa rồng, cũng chẳng có gì khác so với lúc tất cả đều chưa phải là rồng. Thế là, cả bầy cá lại đi tìm Long vương nói lên điều ngờ vực khó nghĩ trong lòng.

Long vương cười và bảo: “Cửa rộng chính thức thì không thể hạ thấp được, nếu các ngươi muốn có cảm giác thực sự của con cá được hóa rồng, thì hãy đi mà nhảy qua cái cửa rồng không hạ bớt chiều cao kia kìa”.

Không phải là đếm bao nhiêu quyển sách mình đọc, bao nhiêu nơi mình đi,… mà cái đích cuối cùng là sự thay đổi bản thân từ chính bên trong. Và đây cũng là điều mà mình tin là Rosie mong muốn chuyển tải.”

Review từ bạn Huyen Chip – Goodreads, 12/2016

Một cuốn sách khá nhẹ nhàng và tình cảm. Chị Rosie đã viết được những điều mà mình băn khoăn đã lâu mà chưa có thời gian để viết. Mình đặc biệt thích phần chị viết về việc đọc sách, theo đuổi đam mê, và quan hệ với gia đình. Mình đã giới thiệu để em trai mình đọc.”

Review từ bạn Linhi – Goodreads, 10/2016

Đi hội sách tháng 10 cầm lên quyển này, thấy lời giới thiệu được viết bởi chị Đặng Nguyễn Đông Vy là tôi quyết định mua ngay trong vòng một nốt nhạc ;)) Về đọc trong hai tối, ưng ý quá chừng.

Sách khuyến khích các bạn tuổi đang còn trẻ hãy dấn thân, phấn đấu tự học, hãy dám theo đuổi ước mơ; và viết về cái sự đọc (tôi mê nhất là phần này). Mô típ thì quen thuộc (kiểu self-help tự rèn luyện, cổ vũ tinh thần giới trẻ) nhưng tác giả viết rất thực tế, dễ tiếp thu, chỉ ra hướng đi rõ ràng chứ không giáo điều hô hào triết lý suông.

Tôi gọi đây là “Nhà Giả Kim” phiên bản Việt. Chủ đề “theo đuổi ước mơ” được Rosie Nguyễn viết lại theo hướng đời thường chứ không mang phong cách cổ tích đẫm chất thơ như Paulo Coelho.

Thu hoạch lớn nhất của tôi khi gấp sách lại là phần bàn về cái sự đọc. Tác giả nhắc đến nhiều trích dẫn hay, một số chuyện kể nhỏ nhỏ khá ấn tượng, và đề cập đến nhiều đầu sách. Sau khi đọc xong là tôi vào Goodreads tìm đọc thêm các sách chị đã review, như vừa có “một bữa no”, thấy sung sướng gì đâu!

Quý quyển sách này, vì đọc xong biết thêm được nhiều thứ.

Quý tác giả, vì thấy rõ sự đầu tư của chị khi viết ra nó.

Mong đợi thêm nhiều tác phẩm mới ạ!”

Review từ bạn Uyên Khôi – Goodreads, 06/2019

Thực sự mà nói mình đã bắt đầu quyển sách này với sự hào hứng tột độ vì rating của nó trên Goodreads là 4.4/5 sao trên tổng số 655 rating, và 100% bạn Goodreads của mình từng đọc quyển này đánh giá 5 sao. Nhưng kết thúc nó lại là cảm giác hụt hẫng và hoang hoải vô cùng.

Mình 20 tuổi, nằm trong độ tuổi vàng mà người ta nói nên đọc cuốn này và sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần, nhưng mình cảm thấy nó cũng không khác lắm những cuốn self-help khác. Và mặc dù chính tác giả đến cuối cùng có nói “tôi hiểu rằng mình chỉ là hạt cát trong sa mạc” nhưng cái cách mà chị đưa ra những phương pháp để có cuộc sống tốt nhất, phương pháp để phát triển bản thân,… bla bla rồi sau đó lại đưa chính bản thân mình vào làm ví dụ làm cho mình không mấy thiện cảm.

Mình không có ý phê phán Rosie hay nếp sống của chị. Mình thừa nhận chị là một người rất đáng ngưỡng mộ. Chị đã từng là một người không mấy nổi bật ở FTU, như mình, nhưng rồi chị đã đi, đã hiểu bản thân mình và đã tìm được cho mình một con đường phù hợp nhất với bản thân. Chị thật sự là một trong những hình mẫu mà mình muốn trở thành (ý mình là tìm được thứ mình thích và chiến đấu vì nó, chứ không phải là trở thành nhà văn :v ), nhưng mình vẫn không thể thích cuốn sách này được.

Có một số trích dẫn mà mình cảm thấy hay và đồng cảm thì mình có ghi ở dưới.

“Lúc trước mơ những vùng đất mới, những con người mới, bây giờ mừng rỡ giữa nơi xa lạ bắt gặp giọng Việt thân thương. Trước mơ về những chuyến đi, giờ còn mong cả những chuyến về. Vì tôi đã biết, có đi xa rồi trở về mới hiểu quê hương mình hơn. Có rời xa mới biết trân quý những điều mà mình vẫn cho là bình thường. Có đi mới biết rõ thế giới ngoài kia thế nào, mình đang đứng ở đâu và cần làm gì để phát triển.”

“Quyết định là ở bạn, nên trách nhiệm cũng là của bạn.

Thành công có được là của bạn, thất bạn cũng là do bạn.””

Review từ bạn Yen – Goodreads, 05/2017

Sau khoảng nửa tuần đọc cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” – Rosie Nguyễn, tôi muốn viết:

1. Cảm nghĩ của tôi về cuốn sách này.

2. Tôi sẽ email cho chị về 1 số vấn đề tôi muốn trao đổi với chị.

Cuối năm ngoái – năm 2016, khi tôi được giới thiệu cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”, tôi khá thờ ơ và hờ hững. Đơn giản thôi, bởi tôi đã mệt mỏi với những sách phát triển bản thân rồi. Tôi cũng đồng thời lờ mờ nhận ra, Tản Văn đang trong thời kỳ nở rộ. Những cuốn sách này (Không phải tất cả) chỉ là viết lại suy nghĩ của tác giả một cách quá giản đơn, thiếu khéo léo. – Tôi thấy nhạt nhẽo vô cùng. Tôi quyết định không đọc – “Mày đọc đi rồi kể cho tao, tao lười đọc lắm!” Tôi bảo bạn tôi như thế đấy.

Rồi sau đó, một người bạn trong phòng, rồi đứa bạn thân của tôi cứ khen cuốn sách hay với tôi. Chúng nó còn đọc cho tôi những đoạn nó tâm đắc, chụp ảnh trang sách sang cho tôi, nhắn tin cho tôi 1-2 câu ngắn gọn trong sách. Thực sự những câu chữ đó đã cuốn hút tôi, và tôi mượn sách đọc.

Ngay từ chương đầu tiên, chị Rosie Nguyễn đã chạm đúng chỗ ngứa của tôi. “Nếu được quay ngược quá khứ, trở về với thời còn 18-20, tôi sẽ dành thời gian để… ” Danh sách dài đến 10 việc cơ, và tôi đã tự hào, được khuyến khích khi chính tôi, trong 5 năm đại học, ít nhất tôi đã chạm tới tất cả những việc đó. Dù tôi chưa chắc đã làm được nhiều hay đủ đầy trong thời gian này. Như bạn biết, là một sinh viên sắp ra trường, tôi luôn đượm nỗi nuối tiếc trong vài tháng gần đây vì thời gian trôi quá nhanh, tôi hụt hẫng, thật sự rất bơ vơ trong lúc này. Nhìn bạn bè đã bắt đầu đi làm, đã có nhiều kinh nghiệm mà tôi càng tự ti. Đấy, chính đoạn tác giả viết mà làm cho tôi vui cười, hạnh phúc biết bao.

Phần 3 là phần nội dung tôi yêu thích nhất. Ừ đúng rồi, chuyện chị kể quá hợp với một đứa sinh vào giờ Ngựa, ngày Ngựa, tháng Ngựa, năm Chó như tôi – CHUYỆN ĐI.

– Lần đầu được bay? Tôi đã may mắn có lần đầu làm chuyện ấy 1 năm trước. Tôi bay sang Bangkok, Thái Lan theo chương trình trao đổi sinh viên của trường. Và trong khoảng thời gian đó đến tận bây giờ, tôi thi thoảng chạy ra sân bay 2-3 lần gì đó. Bởi tôi nhớ lắm, khao khát lắm! Tôi nhớ các cảm giác kéo vali và đi, nhớ các cảm xúc quyến luyến rời nhà, rời đất nước để đi và học hỏi, để quay trở về và rồi tôi bỗng yêu thương mình hơn, trân trọng con người và cuộc sống xung quanh mình.

– FISH DON’T CARE: Từ lâu, tôi cũng mường tượng ra, chẳng có ai là quan tâm tới mình từ đầu đến cuối cả. Tôi, thực sự, không phải là cái rốn của vũ trụ. Mọi người xung quanh chỉ quan tâm, để dường như đang giúp tôi ra quyết định. Bởi thực tâm học nghĩ, đấy là tốt, rất tốt cho tôi. Nhưng sau đó, trách nhiệm, sau đó đặt lên vai ai? Đương nhiên là tôi rồi. Tôi không giống các bạn trẻ khác, bị lực cản từ gia đình, người yêu, bạn bè. Nhưng tôi thừa sức biết, tôi không mắc phải những cái lưới đó. Trớ trêu thay, tôi rơi vào đúng cái mạng mà tôi giăng ra. Tôi sợ sệt và thiếu tin tưởng ở bản thân mình, lo lắng thái quá. Vậy là tôi lại tự thu mình vào chiếc bình nhỏ xinh của mình.

Phần cuối, chị có nhắc tới khủng hoảng tuổi trẻ. Haha, tôi đúng là đang bị khủng hoảng tuổi 23, mọi biểu hiện chị kể tôi đều có cả. Tôi cũng đã nhiều lần hỏi, Nếu tôi có cỗ máy quay ngược thời gian thì sao? Lúc đó, tôi chỉ đơn giản bảo rằng – Tôi sẽ yêu thương và Tin tưởng bạn Yến trong tương lai

Điều hay mà tôi đã làm trong quá trình đọc cuốn sách này là gì? Tôi đã bước đầu hình thành thói quen viết lại những câu nói hay, viết lại những dòng suy nghĩ bất chợt xuất hiện khi tôi đang đọc sách. Chắc chắn rồi, khi viết được ra vấn đề, tôi sẽ hướng tới những giải quyết tốt nhất. Tôi cũng tạo tài khoản Goodreads.com, lập mục tiêu và cứ tiếp tục đọc. Cuốn sổ của tôi cứ ngày một vơi dần những trang giấy trắng. Cái niềm yêu thích đọc – trải nghiệm – viết lách của tôi cũng đang được khơi dậy, dù đó chỉ là 1 thú vui nho nhỏ trong vô vàn những điều tôi thích làm.

Cuối cùng, cái tôi thực sự cần thiết đó là chương trình TỰ HỌC, chị Rosie Nguyễn đã viết lại trong sách. Quan trọng lắm lắm nhé. Bởi nhanh thôi, khi tháng 7 kết thúc, việc học chính thống tại trường sẽ dừng, tôi cũng hoàn tất việc thi IELTS, ngoài đi làm, tôi sẽ có những thời gian buổi tối và cuối tuần. Tôi có quá nhiều sở thích như đọc chuyện, thiền, yoga, bơi hay viết, … càng nhiều tôi lại càng bơ vơ, lúng túng. Tôi sẽ tiếp tục cho bộ não của mình ăn gì, uống gì, thưởng thức những món đặc sản nào. Vậy là giờ có chút hướng đi rồi.

Vậy đấy, đọc xong cuốn sách này là tôi muốn chạy ra Đinh Lễ, mua riêng cho mình một cuốn. Giữ bên mình và rèn luyện những thói quen tốt, follow các web cần thiết cho cuộc sống của mình.

Em cảm ơn chị nhiều.”

Review từ bạn Nguyen Linh Chi – Goodreads, 02/2017

Chả mấy khi đọc sách self-help tiếng Việt đâu nhưng hôm qua nổi hứng order 5 cuốn trên Tiki. Phải chăng đọc nhiều sách tiếng Anh quá nên ngán?

Dành cả ngày cuối cùng của năm 2016 để đọc cuốn sách này. Cuốn sách gồm 5 phần, nói về 3 vấn đề chính: học, làm, đi. Trong 10 điều tác giả khuyên tuổi trẻ nên làm, đã làm được 6 điều:

– Rèn luyện sức khỏe

– Đọc sách (Ngày cấp 3 và ĐH toàn đọc tiểu thuyết tình yêu Nicholas Sparks, Marc Levy mất thời gian quá. May mà mình ghét ngôn tình. Bây giờ chỉ tập trung sách business, self-help tiếng Anh và tiểu thuyết kinh điển).

– Đi du lịch bụi (Gọi là bụi cũng chưa phải, du lịch tiết kiệm nghe hợp lý hơn).

– 1 lần đi từ thiện ở Hà Giang, 1 lần ở chùa Bồ Đề.

– Làm thêm (gia sư).

– Học nhảy, học design, yoga.

Còn nhiều điều muốn làm lắm…

Cuốn sách này rất đáng đọc nhé, rất nhiều bài học cụ thể. Khác hẳn các cuốn self-help khác. Không nên tiếc tiền mua.”

Review từ bạn Ngọc Minh – Goodreads, 05/2017

Không thích quyển này lắm. Biết là chia sẻ bí kíp thành công rồi nhưng tác giả khá thẳng thừng ” Tôi tránh xa ngôn tình như người khoẻ mạnh tránh xa dịch bệnh “. Đọc có nhiều trích dẫn quá, thành ra nó kì kì. Lập luận khá thuyết phục nhưng nếu có ý kiến trái chiều khác đánh vào là thua tan tác. Về nội dung thì cũng kiểu ” bạn phải cố gắng, bạn phải abc xyz bạn phải ước mơ bạn phải chấp nhận bạn phải biết vượt qua “… khá giống sách cùng thể loại. Văn kiểu này áp dụng vào NLXH ngon ơ, dễ chiếm cảm tình, dễ ăn điểm… nhưng với vai trò là người đọc, mình không thích quyển này.”

Review từ bạn Hà Khuất – Goodreads, 05/2018

Dành cho các bạn trẻ từ 16 đến 20 đọc sẽ phù hợp hơn. Mình thấy chị Rosie một số đoạn viết hơi khuôn mẫu và chuẩn mực quá, đọc nhiều lúc hơi nản và đọc xong cảm thấy không có insight hay cảm hứng gì mới :((( Nhưng những phần phụ lục ở dưới chị ấy list ra những cuốn sách nên đọc thì mình thấy rất có giá trị nha :)))) nói chung là 1 cuốn sách của 1 người viết có tâm chỉ là mình không related về mặt cảm xúc được nhiều như mình muốn.”

Review từ bạn Yen Phan – Goodreads, 10/2016

Mình có đọc review trên Trạm và thấy trích dẫn vài dòng rất ưng, rất đồng cảm nên quyết định đặt mua. Tuy nhiên đọc hết cuốn (trong có nửa buổi tối) thì cảm thấy hơi hụt hẫng. Có lẽ do kỳ vọng hơi nhiều chút.

Anyway, cảm ơn chị, những dòng chia sẻ của chị chắc chắn sẽ giúp đỡ được rất nhiều bạn trẻ quyết tâm hơn trên con đường họ đã chọn hay sẽ chọn. Còn đối với em, đọc văn của chị cảm giác như tận hưởng một cơn gió mát giữa trưa hè vậy.”

Review từ bạn Katie ♡ – Goodreads, 03/2017

Phản ứng của mình ngay sau khi đọc xong cuốn sách là mỉm cười (like a freak actually). Quyển sách nhẹ nhàng nhưng rất ý nghĩa, chắc hẳn tác giả đã chăm chút từng câu chữ bởi lẽ đối với mình, cuốn sách như những lời tâm sự thấm thía mà cũng rất đỗi hợp tình, hợp lý và đặc biệt phù hợp với giới trẻ hiện nay. Có những lúc mình cảm thấy lời nói của chị Rosie đúng thật, cơ mà có lẽ ngay lúc đó không có ai cùng thấu hiểu và chia sẻ suy nghĩ với mình.

Cách suy nghĩ của mình (theo mình nghĩ) khá là giống với chị Rosie hồi đầu, đó là khi mình là một đứa hơi ngại giao tiếp và khá là nerdy 🙂 Vậy đấy, mình rất thích đọc sách, và một khi đã tìm được một đứa bạn chung sở thích thì bám chặt luôn, mấy đứa suốt ngày update sách mới và goodreads với nhau. Mình cũng cảm thấy rất vui vì có lẽ nhờ việc mình đọc sách hàng ngày mà kiến thức được mở rộng hơn trước và dường như, như một cảm ứng dây truyền, mọi người xung quanh mình cũng bắt đầu để ý và đọc sách nhiều hơn, mình vui ghê gớm! Trong sách, chị Rosie cũng có nhắc tới một số câu quote nổi tiếng mà thường mỗi khi mình khởi động Goodreads, đọc được câu nói ấy là mình lại có thêm nghị lực cho bản thân.

“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” đóng vai trò như một bàn đạp để thúc đẩy những dự kiến, ước mơ trong tương lai mà mình đang theo đuổi. Giờ đây, nhờ chị Rosie, mình tin chắc rằng có cố gắng, tự lực thì mình hoàn toàn có thể theo đuổi những gì mình mong muốn, cho dù khả năng khó khăn, thử thách xuất hiện đầy rẫy trước mặt (duh!). Mình mong rằng các bạn trẻ ai cũng sẽ được một lần đọc được quyển sách này, và khi mỗi người đều có những suy nghĩ như vậy thì mong rằng đất nước mình sẽ thêm phát triển, cả về giá trị và con người nơi đây :)”

Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về sách Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian.

Nếu bạn muốn xem thêm thông tin chi tiết, hoặc đặt mua sách, bạn có thể ghé thăm Tiki theo link ở đây hoặc Kim Đồng theo link ở đây.

Tổng hợp bởi Nguyễn Hằng

Bấm Facebook để chia sẻ bài viết!