Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (Lê Văn Nghĩa) là tập hợp những bài viết ngắn nhìn lại Sài Gòn ngày hôm qua, không phải bằng cặp mắt của nhà nghiên cứu mà của một người tha thiết yêu Sài Gòn, gắn bó với mảnh đất này từ bé và kể lại các câu chuyện thông qua những mảnh kỷ niệm; đó có thể là những câu chuyện hết sức sống động về chuyện ăn, uống, giải trí, thói quen sinh hoạt… cho đến những nhận định sâu sắc hơn về lịch sử, dấu tích cha ông trên một vùng đô thị đang hiện đại hóa từng ngày.
Danh sách
Sách được viết bởi nhà văn Lê Văn Nghĩa
Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại Sài Gòn, học tiểu học trường Bình Tây (nay là Trường tiểu học Nguyễn Huệ, quận 6), học trung học trường Petrus Ký (nay là trường chuyên Lê Hồng Phong, quận 5). Ông từng tham gia phong trào học sinh – sinh viên yêu nước xuống đường đấu tranh trước năm 1975, bị đối phương bắt giam, đày tận nhà tù Côn Đảo.
Lê Văn Nghĩa sớm hoạt động báo chí, từng là Phó Tổng thư ký toà soạn báo Tuổi Trẻ, phụ trách Chủ biên báo Tuổi Trẻ Cười, với các bút danh nổi tiếng: Điệp viên Không Không Thấy, Thằng Hề, Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ… Làm báo và viết văn, bên cạnh những tập truyện mang tính hồi ức thời niên thiếu ở Sài Gòn – Chợ Lớn đầu thập niên 1960 được bạn đọc nhiều thế hệ mến mộ, Lê Văn Nghĩa là cây bút trào phúng hàng đầu của nền báo chí và văn học Việt Nam đương đại với một vị trí riêng biệt.
Một số sách khác cùng tác giả
– Mùa hè năm Petrus (tập truyện), NXB Trẻ 2012
– Chuyện chán phèo (tập truyện trào phúng), NXB Trẻ 2013
– Nếu Adam không có xương sườn (sưu tầm, bình loạn… xạ), NXB Trẻ 2015
– Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (tập truyện), NXB Trẻ 2015
– Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (tập truyện), NXB Trẻ 2016
– Nỗi buồn đàn ông (tập truyện trào phúng), NXB Trẻ 2017
Tổng hợp review sách Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian
Review từ bạn Thảo Điền – Goodreads, 08/2019
“Những mảnh ký ức xưa cũ của Sài Gòn, bác Nghĩa đã cần mẫn khéo léo khâu lại bằng những tình yêu với thành phố này.
Để tìm ra các tác phẩm kinh điển nói về tình yêu Hà Nội thì nhiều vô số kể, nhưng khi thử tìm các tác phẩm hay thể hiện tình yêu về Sài Gòn thì có thể đếm trên đầu ngón tay. Và các cuốn hồi ký của bác Lê Văn Nghĩa chưa bao giờ làm mình thất vọng, càng đọc thì tình yêu của mình với thành phố mình đã học tập và làm việc 5 năm ròng rã. Bác Nghĩa phụ trách mảng Tuổi Trẻ Cười của báo tuổi trẻ, nên dĩ nhiên văn phong của bác lúc nào cũng trào phúng cả, khá là hợp với cái thằng lúc nào cũng thích cười cợt châm biếm cuộc đời như mình.
Cuốn sách này chỉ vừa mới ra không lâu, nên các thông tin và dữ kiện trong sách mà bác Nghĩa dùng để liên hệ vẫn còn khá mới và còn giá trị hiện thực rất nhiều. Từ chuyện mấy công ty đi sản xuất nước mắm hóa học đang giết chết nước mắm truyền thống, để liên hệ về nguồn gốc đặc sản nước mắm của dân tộc. Cho đến cây cầu Ghềnh vừa sập, để rồi liên hệ đến lịch sử ngành đường sắt nước ta … Sài Gòn trong mắt bác Nghĩa lúc nào cũng đẹp, mặc cho bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào, từ thời VNCH, qua thời bao cấp đến thời hiện đại.
Nếu bạn cũng yêu Sài Gòn như mình, thì cuốn sách này là dành cho bạn.”
Review từ bạn Ikhm – Gooreads, 02/2021
“”Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian”, như tên gọi, là tổng hợp những ghi chép của tác giả về Sài Gòn những ngày xưa cũ. Không khó để nhận ra rằng tác giả Lê Văn Nghĩa đã lục lọi trong trí nhớ của ông hình ảnh thành phố Sài Gòn năm xưa để làm tư liệu viết nên quyển sách này, bởi tôi có thể cảm nhận được sự hoài niệm và nỗi nhớ thương da diết từ trong từng tứ văn. Đây là điểm sáng của quyển sách, một quyển sách đánh nhiều vào ký ức và tính hình ảnh hơn là tính lịch sử, văn chương.
Với những ai chưa từng sống ở Sài Gòn và không sẵn có trong mình cái tình cảm thương mến thành phố này thì đây sẽ là một quyển tạp bút không mấy hấp dẫn. Với người Sài Gòn, quyển sách này sẽ chỉ hay nếu họ đang bước vào độ tuổi ngấp nghé U60-70. Và hay ở đây là hay về mặt hoài niệm ký ức. Còn bản thân tôi- một người Sài Gòn trẻ, thì đây không phải là tác phẩm tôi đánh giá cao nhất viết về quê hương mình. Tôi tự hào là người Sài Gòn, tôi thương Sài Gòn với cả trái tim và tôi trân quý những giá trị xưa cũ của thành phố phồn hoa náo nhiệt này; nhưng tôi cảm thấy mình vẫn có thể dung hoà được cả những thay đổi theo dòng thời gian. Vì vậy mà nhiều phân đoạn trong quyển sách này làm tôi nhíu mày và thấy “hơi khó” để đồng tình một cách trọn vẹn. Khác với tác giả, tôi nghĩ việc “tạm biệt” thương xá Tax để thi công dự án Metro tàu điện ngầm là cần thiết. Với tôi, Sài Gòn vẫn sẽ luôn là Sài Gòn, dù có hay không thương xá Tax. Lịch sử là những điều cần được ghi nhớ và ký ức là thứ mà tiền bạc cũng không thể mua được nhưng nơi nào con người cứ mãi sống trong quá khứ thì nơi đó không có tương lai. Và Sài Gòn cần cái tương lai đó; dĩ nhiên là phải đi kèm với những hoạch định và tính toán rõ ràng.
Dù vậy thì công bằng mà nói tôi cũng thu nạp được khá nhiều chi tiết hay về Sài Gòn và đồng thời củng cố lại rất nhiều điều tôi thường nghe kể về Sài Gòn năm xưa thông qua quyển sách này. Tôi nhận ra Sài Gòn ở bất cứ thời điểm nào trong lịch sử cũng là một thành phố đông đúc và náo nhiệt. Vào năm 1961, tác giả Trọng Thăng đã viết bài “Sống ở Sài Gòn mệt quá” để kể khổ vì sự xô bồ đông đúc chốn phố thị. Và đó là thời điểm Sài Gòn chỉ có vỏn vẹn 2 triệu dân, so với hơn 12 triệu của hiện tại (2021). Xe thổ mộ, máy đánh chữ và lon sữa bột Guigoz đã luôn là nhân vật chính trong các câu chuyện ngày xưa của bố mẹ tôi – những thị dân Sài Gòn đã hằng vài thập kỷ, nay được tác giả Lê Văn Nghĩa gợi nhắc lại khiến tôi không khỏi bồi hồi.
Dông dài cả mấy trăm chữ, chung quy lại là quyển sách này không phải là một quyển sách tệ, nếu đọc giả là người Sài Gòn ở độ tuổi U60 trở lên đang tìm lại tuổi thanh xuân hoặc nếu đọc giả không khó tính và không kì vọng vào một tác phẩm văn chương nghệ thuật hơn. Còn về mặt cảm xúc, đoạn nào có dáng dấp ký ức của mình trong đó thì nhớ thì thương, đoạn nào không thì trôi qua và không đọng lại quá nhiều.
*** vài điều gửi tác giả/ nhà xuất bản:
– ở trang 215 có trích thư Nguyễn Văn Trỗi viết cho chị Quyên. Hình như đây là chị Phan Thị Quyên, vợ anh Nguyễn Văn Trỗi nhưng sách lại viết là Nguyễn Thị Quyên. Không biết chị Nguyễn Thị Quyên là một nhân vật nào khác, hay đơn thuần là viết nhầm tên chị Phan Thị Quyên?
– ở trang 35 có viết tỉ giá những năm 1960 (không rõ năm nào) là 1 USD = 73 đồng và 1 lượng vàng giá 5.300 đồng. Sang trang 91 footnote lại đề cập là vào tháng 4/1964, 1 USD = 35 đồng và 1 lượng vàng giá 6.700 đồng. Nhìn vào độ chênh lệch lớn ở tỉ giá ngoại tệ tôi có cảm giác thông tin này chưa chính xác lắm.”
Review từ bạn PAT – Goodreads, 05/2019
“Không có gì để nói, cảm giác như back to the feeling in the journey of Saigon every moment vậy. Siêu thích. Đọc lâu quá quên nhiều rồi nhưng mà nếu rảnh sẽ đọc lại nhiều lần nữa. Listed vào danh sách sách mốt đọc cho con cháu :))”
Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về sách Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian.
Nếu bạn muốn xem thêm thông tin chi tiết, hoặc đặt mua sách, bạn có thể ghé thăm Tiki theo link ở đây hoặc Kim Đồng theo link ở đây.
Tổng hợp bởi Thu Thủy