Yukichi Fukuzawa là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của Nhật Bản cận đại. Ông được xem là người có công mở đầu phong trào canh tân nước Nhật, cổ động dân chúng trút bỏ tư duy lạc hậu thời cổ đại mà tiếp thu học thuật Tây phương để sánh bước với các nước Âu Mỹ.
Tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn của ông – “Khuyến Học” đã xuất bản ở Việt Nam và nhận được nhiều đánh giá tốt.
Báo chí nói về Yukichi Fukuzawa
- Báo Tiền Phong: https://tienphong.vn/tu-tuong-thoat-a-va-khuyen-hoc-cua-fukuzawa-yukichi-post1125534.tpo
- Báo Thanh Niên: https://thanhnien.vn/bi-mat-dat-nuoc-khien-ta-ne-phuc-dung-tin-loi-noi-bay-cua-chu-tu-post899064.html
Sách của Yukichi Fukuzawa
- Khuyến Học
- Bàn Về Văn Minh
- Phúc Ông Tự Truyện
- Khái Lược Văn Minh Luận
- Sức Mạnh Cải Cách giáo Dục Và Haojch Định Doanh NGhiệp
- …
Review “Khuyến Học”
“Đây là quyển sách mà mọi người Việt Nam đều nên đọc. Đọc để biết họ đã xây dựng đất nước Nhật Bản như thế nào. Đọc để biết sự học nên là một quá trình của cả đời người. Đọc để biết hổ thẹn và phấn đấu xây dựng đất nước ngang bằng láng giềng và sánh vai với phương Tây. Cuốn sách này không hề là một cuốn sách dễ đọc. Bởi vì cứ sau một vài trang sách, ta lại thấy trong những hình ảnh minh họa cho thói hư tật xấu của quốc dân ẩn hiện bóng dáng của chính ta. Bởi vì cuốn sách khiến ta thấy xấu hổ với chính mình.
Không hẹn mà gặp, Khuyến học trả lời cho những câu hỏi mà tôi thấy mình và những người bạn quanh tôi vẫn nghi vấn bấy lâu nay. Đó là những câu hỏi trong quá trình vươn lên, như ý nghĩa của thực học, nên theo đuổi danh tiếng hay không, về chế độ xã hội và cách mạng nhân dân, về năng lực hành động…
Tác giả sử dụng lời lẽ đơn giản, dễ hiểu, nhiều hình ảnh bay bổng, gợi nhiều liên tưởng. Cách viết như đang trò chuyện thân tình với độc giả, thể hiện một tính cách khiêm tốn và uyên bác. Quả thật, nước Nhật trở thành cường quốc như ngày hôm nay, được cả phương Tây cúi đầu khâm phục, nhờ có những người như Fukuzawa.” – Rosie Nguyên (Goodreads)
“Những điểm tích cực
#1 Đọc sách, cảm giác chung của mình là “có hi vọng”. Xã hội Nhật trước có những hình hài và mông muội giống xã hội của mình bây giờ- tỉ như quốc sự đã có chính phủ lo, sự bàng quan và buông tay với “cuộc đời chung”, sự dèm pha và đố kị, vật chất và tinh thần, những thế hệ ngủ quên trong nhung lụa, những chí sĩ dởm,… Hơn 200 năm sau, họ ngẩng cao đầu với tư cách cả một dân tộc và nền giáo dục nổi tiếng không chỉ dạy nghề mà còn tạo ra những con người có trách nhiệm và hướng thiện. Mình nghĩ nếu họ từng làm được, thì hẳn Việt Nam làm được.
#2 Sách được viết vào những năm cuối XIX đầu XX, mình không rành sử Nhật, chỉ biết là trong bối cảnh đó, vẫn có nhiều bức màn chắn tầm nhìn của người dân. Họ không nghĩ là họ có quyền làm chủ và không dám làm chủ, “tự do” là một khái niệm mơ hồ, thậm chí không bận tâm đến,… Những suy nghĩ của bác đúng là có tính khai phóng, có tính…phang vào đầu. Người ta bất chợt ng���ng đầu – à thì ra mình không sinh ra để ở dưới ai, à ra mình có quyền làm chủ đời mình và có cách để làm chủ đời mình, à thì ra phụ nữ khúm núm chịu đựng số phận như thế,… Như chó con ngày mở mắt.
Mình nghĩ, tính chấn động và thời sự của bác nằm trong bối cảnh lịch sử của nó.
Những điểm mình không xuôi
#1 Bác tin rằng “mọi người đều bình đẳng” và “trời không sinh người đứng trên người”. Mình rất quý quan điểm này. Nhưng, đồng thời, trời cũng không sinh ra người đứng trên vật. Trong suốt quá trình đọc, mình cứ gặp phải những so sánh kiểu “loài người- chúa tể của muôn vật- bằng hoạt động trí óc và hoạt động chân tay biến mọi thứ trên thế giới thành có ích cho bản thân mình”
Mình nghĩ, trong thời điểm của bác, đó là giai đoạn đầu của các cuộc cách mạng công nghiệp, dấu vết sinh thái của con người còn mờ nhạt. Bác hẳn không lường một ngày, con người, với suy nghĩ là trung tâm cuộc đời, đối xử với mọi thứ như một khối vật chất, không chỉ dừng lại ở phục vụ nhu cầu mà để thỏa mãn lòng tham. Mất cân bằng sinh thái, mất cân bằng sinh lý, mất cân bằng tâm lý. Chính lối suy nghĩ “ta trên tất cả” “ta hơn loài vật” đẩy nhân loại lún sâu vào ngạo mạn và vô minh, “giẫm nát mái nhà của mình rồi đến mùa mưa lại đi vá víu, rồi cảm thấy tự hào về điều đó”.
Và thật ra, xã hội Nhật Bản 200 năm sau, dù có trở nên hùng mạnh và tự lực tự cường (như bác mơ ước), thì sự tự lực tự cường của dân tộc đó cũng không khiến họ hạnh phúc, yêu đời, muốn sống hơn là mấy.
…
Rốt lại, dù quan điểm lớn nhất về vị trí của con người trong hệ sinh thái của 2 bác cháu khác nhau, mình vẫn quý tiếng nói của bác.
Sách là một cú gõ vào đầu – để dấy lên những suy nghĩ của con người về việc làm chủ đời mình, làm chủ đời chung, thông qua thực học.
p.s: ngày trước sang nhật, có ghé Keio Uni, có đám bạn học ở đấy. Tiếc là không biết về bác để hỏi thử 200 năm sau, tinh thần của bác được dung dưỡng trong lớp trẻ ở đấy thế nào?
HA 15/11/2016″ – Phuong Vy Le (Goodreads)
“Trong khi hàng trăm quyển sách self-help ngoài kia cho kẹo, thì Khuyến học lại cho thuốc.
Thuốc đắng dã tật. Kẹo ngọt (dễ) sâu răng.
Mà đây còn là thuốc sắc hẳn hoi.” – Hoại Băng (Goodreads)
“Hồi xưa đọc cho tận 5 sao, giờ rút lại còn 3 sao 😀
Vẫn là một cuốn sách đáng đọc với phần đông người Việt Nam mình, khi mà khả năng tư duy độc lập còn kém, chưa có tầm nhìn xa, chưa có thực học, chưa có biết vai trò và trách nhiệm của mình với mình, với người, với cộng đồng.
Dù vậy, sự truyền bá tư tưởng nào cũng dễ rơi vào trạng thái cực đoan, khuyến học cũng như thế. Giờ mới nhớ ra là bác Vũ Trung Nguyên cũng có đưa cuốn này vào tủ sách khuyến học để đi tặng cho thế hệ trẻ Việt Nam thì phải.
Vẫn mong là có nhiều người đọc, và thực hành được những khuyến khích mà cuốn sách mang lại.” – Vui Lên (Goodreads)
“Trời mấy bạn thấy một đứa anti-self-help như mình mà đọc hai cuốn self-help chỉ trong một tuần đầu năm mới này có thấy ghê gớm không =)) Nói chứ, cứ đến lúc đi làm là bạn sẽ thấy, bạn cua hơi bị gắt luôn.
Mình không bàn đúng sai gì về các quan điểm được nêu ra trong tác phẩm này, vì không có gì đúng mãi và sai mãi suốt chiều dài lịch sử (tác giả cũng công nhận điều này với các thuyết của Khổng Tử, luận ngữ hai trăm năm về trước không thể áp dụng một cách máy móc cho hiện tại được), nhưng ngắn gọn thôi, cuốn sách này đọc là để hiểu Nhật Bản mạnh như thế nào và làm sao mà họ mạnh được đến như thế. Đó là một quá trình tư duy rất khắt khe, rất độc lập tự cường, rất văn minh, thiết nghĩ đó chính là điểm tạo nên sự khác biệt của người Nhật so với những gã khổng lồ kinh tế khác của thế giới.
Thật thì có đôi chỗ người Việt mình đọc chắc chắn không thích đâu (nhất là những gì thuộc về chính trị), mà không thích thì chắc chắn sẽ bảo là ý này sai ý kia ngu ngốc, chỉ áp dụng được ở Nhật, mình biết tại vì mình cũng chẳng thích thú lắm ở đôi ba điểm, mình vốn dĩ gắn bó với Nhật Bản nhưng cái mình thích ở Nhật không nhiều tí nào luôn, thật sự =)) Nhưng không có gì là sai cả đâu. Người Nhật thời bấy giờ dám thẳng thắn nhận xét dân nước họ còn “vô học”, ngu dân, còn nông cạn thiển cận tụt hậu so với các quốc gia khác, rồi mạnh dạn sai chỗ nào phải uốn nắn mà sửa nhau chỗ đó. Bạn đọc thì sẽ thấy thôi, dù có thể không chủ ý thừa nhận, nước Việt ta ở đâu nếu so về mặt dân trí với họ.
Mình thì vẫn thấy dân mình giàu tiềm năng lắm, nhưng mà thôi chẳng nói đâu xa cho dại khờ, nói cho vui là thời trước chỉ nhìn mình thôi là thấy vận mệnh đất nước ra sao rồi, không có khá lên được. Nói đi nói lại đây vẫn là một quyển self-help, nhìn từ góc độ người Nhật, hãy khách quan và có chọn lọc một chút, cái gì hay thì học hỏi, không đồng tình thì thôi, quan trọng luôn là bản thân muốn nạp vô cái gì, loại trừ cái gì. Learn hay Unlearn đều quan trọng nha nha!
Mình cũng không đến nỗi thích tác phẩm này đâu, nhưng xét về g��c độ giá trị của tác phẩm thì không thể cảm tính được.” – Le Quynh Huong (Goodreads)
Tìm hiểu thêm về sách tại Tiki hoặc Shopee
Review “Phúc Ông Tự Truyện”
“Cho bạn mượn quyển Khuyến học và được bạn cho mượn lại quyển này. Vốn là người đọc sách chậm mà đọc chỉ trong một ngày. Vì sách tự truyện nên viết dễ đọc.
Phần đầu sách rất hay, nói về thời trẻ của Fukuzawa, tinh thần ham học cầu tiến tham vọng từ bé, tính gan lì kiên quyết vì việc học, hoạt bát quậy phá cùng bạn đồng môn, việc luyện tập khả năng tranh luận phản biện nhưng không cay cú mà mục đích để làm rõ lý luận. Vừa đọc vừa tự thấy xấu hổ vì mình đã sống gần nửa đời người rồi mà còn thua kém quá xa.
Phần sau có khá nhiều sự kiện không hẳn gây thích thú vì có vẻ quan trọng đối với cá nhân Fukuzawa nhiều hơn là đọng lại bài học cho người đọc. Có lúc buồn ngủ và đọc lướt.
Đọc xong thấy phần nào hiểu được cá tính con người ông và học hỏi được nhiều cái: không màng chức tước danh lợi, cả đời chỉ một mục đích khai mở dân trí Nhật Bản, đem tây học đến với thanh niên, dành nhiều thời gian vào việc dịch sách và viết sách, là người ăn to nói lớn dám nghĩ dám làm, thấy chuyện chướng tai thì phản đối tranh biện liền không giấu diếm, không ngại thể hiện quan điểm của mình, rất giỏi lập luận, không quan tâm tới kinh doanh, không vướng bận chuyện tiền bạc.
Rất nhiều khi thích sách của Alpha Books nhưng cũng không ít khi ghét. Vì quá nhiều đầu sách ra nên chất lượng không đồng đều, vài quyển dịch cẩu thả và hình thức cũng cẩu thả không kém. Quyển này có vẻ dịch tốt, trôi chảy (cảm nhận cá nhân vì không biết tiếng Nhật), nhưng vẫn có chỗ sai về năm tháng và lỗi hình thức. Lỗi không nhiều. Nhưng cũng không hẳn hài lòng tuyệt đối. Sẽ cân nhắc lại việc quyển hai có nên làm với Alpha hay không.” – Rosie Nguyên
“Fukuzawa Yukichi là một nhân vật mà bất kì người Việt nào từng nghĩ đến những vấn đề như “duy tân”, đổi mới, tây hoá, toàn cầu hoá… đều phải bận tâm khi Việt Nam trong quá khứ có vẻ như đã rất nhiều lần lỡ chuyến tàu cải cách của lịch sử, chuyến tàu đưa dân tộc đến với toàn cầu hoá, thay vì thân phận nô lệ như nó đã và đang phải gánh. Nếu như đã từng đọc “Thoát Á luận”, ta có thể hiểu nổi tư tưởng và quan điểm của Fukuzawa, rằng đối với ông, đối với người Nhật, Á châu và cái vòng tư duy Khổng giáo bao gồm cả Việt Nam trong ấy nó đáng khinh khi nhường nào. Nghiệt ngã hơn nữa, Việt Nam còn không nằm trong cái vòng đáng khinh ấy, nghĩa là đáng khinh hơn cả đáng khinh. Nếu Trung Hoa là nơi sản sinh ra Khổng giáo, tại những nơi nó truyền đến như Nhật Bản, Triều Tiên, Khổng giáo đều được hấp thu một cách chọn lọc và biến đổi thành vô vàn chi nhánh với những tư tưởng, quan điểm khác nhau, đa dạng, thích nghi với văn hoá và truyền thống bản địa, thì ở Việt Nam, nó được bê i đúc, không những thế dân xứ An Nam mấy ngàn năm tự nhận mình là Hán dân vẫn tự đắc là bản sao chính xác nhất của văn minh Trung Hoa, khi “Tống mất không còn Trung Quốc, Minh mất không còn Hoa Hạ”.
Đọc cuộc đời Fukuzawa để hiểu rằng Việt Nam chưa từng lỡ một chuyến tàu duy tân nào cả. Khi Fukuzawa vừa biết đến Tây học, thì ở Nhật Bản, Tây học đã vô cùng phổ biến rồi. Người Nhật dù trong thời kì mông muội nhất của họ, một lớp học giả Tây học đã kịp nhanh chóng hình thành và phát triển song song mạnh không kém các học giả Hán học. Họ đọc sách tiếng Hà Lan, học y học Hà Lan, học khoa học của thế giới mà nay ta gọi là văn minh bằng một tấm lòng nhiệt thành nhất, tin tưởng nhất, không kém sự nhiệt thành của các nhà Hán học khi nghĩ đến “sách thánh hiền”.Fukuzawa Yukichi sau khi phát hiện ra tiếng Anh rồi sẽ phổ biến hơn tiếng Hà Lan, chỉ trong vài năm đã thông thạo cả tiếng Anh, kiến thức khoa học cốt lõi thì hoàn toàn nắm vững. Nếu như đem so với Nguyễn Trường Tộ đi sứ Tây phương về kể rằng có cái đèn đốt ngược, thì quả thực chênh lệch: giữa một người nắm tường tận quá trình phát điện, làm đèn, sản xuất vũ khí, với một ông quan Hán học kể chuyện trên trời không ai tin. Sự khác biệt không chỉ nằm ở hiểu biết, mà nằm ở thân phận và xã hội. Việt Nam chưa từng có cơ sở cho một cuộc duy tân – tây hoá sớm dường ấy.
Lùi lại xa hơn nữa, Nguyễn Ánh khi cầu viện Pháp và dùng quan tây, có lẽ mới thực sự là một chuyến tàu bị lỡ. Nếu như tư tưởng Nguyễn Ánh thực sự cởi mở để duy tân và Tây hoá An Nam, thì may ra mới là cơ hội để lịch sử có một bước đi khác.
Xét cho cùng, đọc Fukuzawa Yukichi để hiểu hơn về nước Nhật và người Nhật, có những thứ thuộc về tố chất dân tộc, để khi mà dân tộc ấy bị đẩy xuống bước đường cùng nhất, nó cũng đủ để vực dậy một nền văn minh.” – Hà Anh (Goodreads)
“Sách là những mẩu chuyện nhỏ về cuộc đời của Fukuzawa từ khi sinh ra đến khi ngoài 60. Fukuzawa thích dùng câu văn đơn giản, cụ thể nên sách rất dễ đọc, tuy dài và nhiều chuyện vụn vặt nhưng không bị chán. Đọc sách thấy khâm phục nhất là ý chí tự học tập, tự nghiên cứu của Fukuzawa. Ông học tiếng Hà Lan mất 5 năm nhưng khi lên Yokohama thấy người nước ngoài toàn sử dụng tiếng Anh. Nhiều bạn bè của ông chán nản vì mất công học tiếng mà không có chỗ sử dụng, còn ông lại tiếp tục học tiếng Anh. Thời đó sách vở, thầy giáo không có sẵn, nghe nói có người biết tiếng Anh là ông đi bộ hàng ngày hơn 10km đến gõ cửa xin được chỉ dạy. Ròng rã như vậy mấy tháng không có kết quả, sau kiếm được một bộ từ điển tiếng Anh thì ông mày mò tự học bằng từ điển.
Những mẩu chuyện cho người đọc cảm nhận nhiều khía cạnh về Fukuzawa. Tuổi trẻ của ông cũng đủ trò nghịch ngợm, quậy phá, lại còn hay đứng ra đầu trò cho chúng bạn. Đến tầm trung niên ông không theo đuổi con đường chính trị (mặc dù có nhiều lời mời) mà toàn tâm toàn ý cho công việc giáo dục trong ngôi trường của mình. Cả cuộc đời ông giữ lối sống thanh bạch, không màng danh lợi, luôn mưu cầu tiến bộ về giáo dục, xã hội cho nước Nhật” – Duy Dang (Goodreads)
“Một nhân cách đẹp , một tính cách Nhật Bản tuyệt vời: luôn học hỏi và trau dồi .” – Lan Anh (Goodreads)
“Được biết Fukuzawa qua một “Khuyến học” và “Bàn về văn minh”. Phúc Ông tự truyện cho mình một cái nhìn rõ rằng hơn về nguồn gốc của những tư tưởng kiệt suất của Fukuzawa. Xuất thân nghèo khó và cuộc sống khó khăn không bao giờ làm chùn bước cho một ước mơ về một Nhật bản Tây hóa và thịnh vượng của ông.” – Hồ Dũng (Goodreads)
Tìm hiểu thêm về sách tại Tiki hoặc Shopee
Như Hiếu