5 cuốn sách về tình yêu hay nhất cho giới trẻ

1. Trà hoa nữ (Alexandre Dumas)

  Trà hoa nữ là câu chuyện đau thương về cuộc đời nàng kỹ nữ yêu hoa trà có tên là Marguerite Gautier. Nội dung kể về mối tình bất thành của anh nhà giàu Duval với cô kỹ nữ Marguerite, một đề tài tưởng đâu là quen thuộc, nhưng bằng ngòi bút sắc sảo cộng với tình cảm bao dung mà tác giả muốn truyền tải, truyện được độc giả đón nhận không ngần ngại, dù là giới quý tộc. Mặc dù Marguerite sống bằng nghề kỹ nữ nhưng trái với nghề của mình, Marguerite là người có tâm hồn và cá tính; nàng có lòng vị tha, biết hi sinh bản thân mình cho người mình yêu. Marguerite Gautier trong chuyện được viết dựa trên hình mẫu của Marie Duplessis, người yêu của chính tác giả.

  “Có lẽ vì nội dung câu chuyện mà mỗi khi nghe tới cái tên Trà Hoa Nữ mình lại thấy buồn mênh mang. Lại hình dung ra một người con gái phong sương, mỏng manh, và có cuộc đời đúng nghĩa với câu “Hồng nhan bạc phận”, mà không chỉ vậy, nàng còn bạc mệnh nữa. Kết thúc truyện lấy đi của độc giả bao nhiêu nước mắt, khi mà nhân vật nữ chết đi, nàng chết với con tim chứa chan yêu thương cũng như đau đớn cho người con trai nàng vô cùng yêu dấu; và khi sự hiểu lầm về nàng được xóa bỏ, thì người con trai ấy cũng đã vuột mất nàng mãi mãi rồi.” (Ngọc Anh – vnwriter.net, 2019)

  “Ban đầu đọc Trà hoa nữ mình cảm thấy khá khó hiểu, có thể do văn phong của thế kỷ 19 hơi khó hiểu so với bây giờ. Nhưng càng đọc về sau lại càng cảm thấy thích thú và bị cuốn theo mạch truyện. Sách cho ta 1 cách nhìn khác về người phụ nữ bán hoa, không phải là cách nhìn coi thường, cũng không phải là niềm thương cảm cho số cảnh mà là sự tôn trọng tuyệt đối của tác giả với cô. Cảm giác ông chính là 1 nhân vật trong tiểu thuyết, đã gặp gỡ và có những trải nghiệm với 1 cô gái như thế và viết nên cuốn sách này.” (Phạm Ngọc Anh – vnwriter.net, 2019)

  “Câu chuyện đưa người đọc trở về nước Pháp lãng mạn, đầy thi vị của thế kỷ XIX. Mối tình giữa nàng kỹ nữ Marguerite và chàng luật sư trẻ tuổi Duval. Ở vào xã hội thời đó, mối quan hệ giữa họ khó mà được chấp nhận. Nàng đã vì tình cảm với chàng mà hy sinh hết mình. Tác giả đã sử dụng lời văn đầy lòng vị tha và cách nhìn nhân văn đối với Marguerite để đối mặt với định kiến xã hội thời bị trói buộc với nhiều khuôn phép thời bấy giờ. Vào thời điểm ra mắt tác phẩm, nàng đã trở thành nhân vật gây chú ý và là tâm điểm thu hút giới phê bình văn học.” (Hang Phuong – vnwriter.net, 2019)

 “Lúc ban đầu đọc những trang đầu tiên thì thật lòng mình có hơi buồn ngủ, cảm thấy đôi chút nhàm chán, nhưng khi đọc nhiều hơn mình bắt đầu bị thu hút bởi câu chuyện này. Có thể nói đó quyển sách này đã được viết từ khá lâu nên ngôn ngữ có phần cao quý và trang trọng và đặc biệt là có hơi cổ kính. Tuy nhiên, nếu đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật như tác giả đã nêu thì quả thật ngôn từ của nó rất gần gũi chứ không hề hoa mĩ quá mức, vả lại nó khiến người đọc hòa mình vào dòng chảy thời gian, nơi mà những sự cổ hủ vẫn tràn lan khiến con người ta trở nên đau đớn hơn bao giờ hết. Đây có thể nói là một câu chuyện tình yêu đầy bi đát. Đọc xong tác phẩm này phải nói là rất nặng lòng luôn ấy. – Tình yêu, thù hận, cái chết. Vì yêu, nàng và chàng đều nguyện hy sinh tất cả. Đọc tác phẩm các bạn sẽ thấy tình yêu nó kì diệu đến mức nào nhưng cũng đau thương đến mức nào. Mình chỉ chấm về nội dung không chấm về hình thức. Và mình chỉ nêu cảm nhận của riêng mình, nên đối với mình đây là một tác phẩm tuyệt vời rồi.” (Hồng Hạnh – Tiki, 2019)

“Tôi ước mọi người vẫn có thể thể hiện bản thân theo cách họ làm trong các tác phẩm kinh điển.
Sau khi tôi đọc được một vài chương, tôi thực sự không thể đặt cuốn sách này xuống, điều này thật bất thường đối với tôi, đối với thể loại này. Câu chuyện là một đống đổ vỡ của cảm xúc và cuộc sống, đó là lý do tại sao nó kéo trái tim của rất nhiều người. Tất cả đều rất thô.
Tôi thích sự lựa chọn của tác giả để biến nó thành một câu chuyện do Armond kể lại sau sự thật, vì vậy anh ấy đang nhớ chính xác nó, nhưng có thể nhìn thấy tất cả trong một bức tranh toàn cảnh, phần mở đầu, những gì và như thế nào mọi thứ dẫn đến kết thúc. Anh không bị mắc kẹt giữa dòng cảm xúc ở đâu đó.
Tôi yêu rằng nó không đơn giản và ngọt ngào, nhưng tình yêu và sự ghen tuông, giận dữ và nỗi sợ hãi và đau khổ đều được tích tụ và bùng phát.
Tôi đã đọc một điều gì đó nói về việc mọi người đã lo lắng như thế nào vào thời điểm đó, rằng điều này sẽ thúc đẩy lối sống của “phụ nữ được giữ gìn” hoặc của những người đàn ông đang tìm kiếm họ. Người kể chuyện (và do đó, tác giả) rất cẩn thận giải thích rằng họ không tin đây là hành vi điển hình nhưng đó là một người phụ nữ rất đặc biệt. Tôi thấy điều đó thật thú vị và ước rằng nếu phải có ‘xấu’, thì ‘xấu’ trong ngày của chúng ta cũng đẹp và sạch sẽ như ‘xấu’ của họ.” – Karen (Goodreads)

Xem thông tin chi tiết về sách trên Tiki theo Link tại đây

Xem thông tin chi tiết về sách trên Shopee theo Link tại đây

Xem thông tin chi tiết về sách trên Kim Đồng theo Link tại đây

01-Tra-hoa-nu-min
Ảnh: Sachhay24h.com

2. Nếu Gặp Người Ấy Cho Tôi Gửi Lời Chào (Takuji Ichikawa)

  Cuốn sách “Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào” là câu chuyện xoay quanh chàng trai Toyama Satoshi, chủ một cửa hàng thủy sinh nhỏ sau khi tốt nghiệp đại học. Cuộc đời bình lặng của anh cứ thế trôi đi cho đến ngày cô người mẫu nổi tiếng Morikawa Suzune bất ngờ xin ứng tuyển vào vị trí nhân viên trong tiệm và cả vị trí người yêu của chủ tiệm. Cùng lúc đó, cô bạn gái mới quen qua chương trình môi giới hôn nhân năn nỉ anh kể lại cho cô nghe câu chuyện về tình bạn của anh với hai đứa trẻ một trai một gái thuộc nhóm ‘lập dị’ trong trường suốt những năm tháng thơ ấu. Xuyên suốt câu chuyện, quá khứ và hiện tại cứ thay phiên nhau đan cài, vấn vít, khiến những tháng ngày bình yên của chàng trai trôi qua nhiều cung bậc cảm xúc.

“Ngôn từ đẹp, nội dung không mới nhưng cách viết sáng tạo, đủ làm cho người đọc mơ mộng là mình cảm thấy cuốn hút.Nói thế nào nhỉ, sách kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách Nhật Bản truyền thống và hiện đại, cách diễn tả độc đáo, lời thoại thông minh. Có những đoạn tả cảnh thiên nhiên tinh tế tuyệt vời, nhân cách hóa thiên nhiên, những chi tiết độc thoại nội tâm thâm trầm điềm tĩnh, những khúc hài hước đáng yêu, và cả những khoảng lặng để lại nhiều xúc động. Quyển này cũng không hẳn là tuyền trầm buồn và tinh tế nhạy cảm như văn học Nhật, mà có những sắc màu khác như sự mạnh mẽ, một chút điểm xuyết của những chi tiết nóng bỏng bạo dạn, nhân vật có cá tính vững vàng rõ rệt. Và nhất là đoạn cuối, khi tác giả đẩy cao trào lên thành một đỉnh chênh vênh giữa hai bờ hiện thực và ảo mộng, tạo ra một thế giới của giấc mơ và kỷ niệm. Nếu đọc không kỹ thì dễ cảm thấy hoang đường phi lý lắm, nhưng vì dẫn giải cảm xúc tốt nên vẫn thuyết phục.” (Rosie Nguyễn – Goodreads.com, 2020)

“Vẫn là văn phong nhẹ nhàng, dẫn dắt người đọc vào một câu chuyện “nào đó” mà không thể dứt ra được. “Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào” – câu chuyện của 3 đứa trẻ “lập dị” không thuộc nhóm bạn nào, tách hẳn ra khỏi những học sinh đang cố gắng để hòa nhập với mọi người bằng một thứ giả trân thì 3 đứa trẻ 14 tuổi cũng tạo thành một nhóm nhưng là ngẫu nhiên và đơn thuần nhất chứ không hề có chút vụ lợi nào.” (Ánh Ngọc – Goodreads.com, 2021)

“Đã lâu lắm rồi mới có một cuốn sách khiến mình cảm thấy “thỏa mãn” khi hoàn thành những dòng cuối cùng. Điều đó khiến mình phải lập tức mở lại đọc cuốn sách thêm lần thứ 2, rồi lần thứ 3. Một câu chuyện nhẹ nhàng, đan xen yếu tố kỳ ảo, mộng mơ sẽ là một món ăn vô cùng hấp dẫn với những kẻ đã yêu và đang yêu.” (Jack GeMYni – Goodreads.com, 2018)

“Sau khi đọc xong có cảm giác như vừa ngoi lên từ dưới mặt hồ. tự nhiên trở lại với gió thổi cây rung ngoài vườn, chứ không phải trong thế giới dưới mặt nước nhìn lên, thấy ánh sáng xanh len lỏi chiếu xuống và cảm giác xa vời lắm.

Y như Em sẽ đến cùng cơn mưa vậy, một quyển sách khiến người ta muốn ôm vào lòng. vì nó nhẹ nhõm, mềm mại, ấm áp, rúc vào người mình thì thật là tuyệt. cái lối kể theo đúng kiểu “cứ kể thôi”, bắt đầu những mảnh chuyện nhỏ xíu, như là thuận miệng nói ra, nhưng rồi cũng lại rả rích kết nối với nhau để có được một câu chuyện đầy say mê. thật tình chẳng biết sẽ nên cảm nhận từ chỗ nào.

Đọc xong hai quyển, phát hiện ra vì sao mình thích Ichikawa đến thế. đầu tiên là vì nhân vật. nhân vật của Ichikawa là những người bình thường tưởng đến độ bất thường. hay là bất thường thiệt. có lẽ cũng là một đặc trưng của truyện nhật bản? khi mà các nhân vật đều như rừng cây nhiệt đới sau mưa, mỗi người một vẻ và phát triển tính cách theo đủ mọi phía, tạo nên tầng lớp đa dạng phong phú đến vậy. có phải thế không, khi mà nếu nghĩ về những nhân vật được tả trong truyện của Ichikawa, thường sẽ cố lắm diễn đạt ví dụ như “là ông chủ cửa hàng thuỷ sinh vật”, nhưng không tìm được điều gì nổi trội để miêu tả. cơ mà mọi nhân vật đều được nghĩ đến với những hình ảnh rất đặc trưng không thể lẫn được, từ người cha với đường chạy, hay cậu bạn thân và những bức tranh rác. mình thấy mê những nhân vật này, vì họ luôn sống theo những gì họ nghĩ, làm những điều họ mong muốn, và hơn nữa là xã hội không có vẻ gì thắc mắc về vấn đề đó cả. mặc dù những cuộc đời rất lặng lẽ, đến độ nếu không có tác giả thêm thắt thì sẽ tẻ nhạt lắm nhỉ, nhưng họ luôn có hướng đi và biết phải mơ ước điều gì. có lẽ một phần tạo nên sự yêu thích với mảng văn học kiểu này là vì thế giới của những người bình thường trong đó thật đáng yêu và đáng ngưỡng mộ biết bao. nhìn xem, có một cửa hàng nhỏ xíu xiu, với đồng phục vẽ logo con chó nguệch ngoạc, một nhân viên thân thiết, xung quanh lại toàn những hàng ăn ngon, gặp những người dễ mến, và nhất là được làm việc mình thích hàng ngày. hay như Yuji, ở trong căn hộ bé tẹo, nghèo khổ khó khăn, nhưng vẫn có những thùng tranh ra đời, chẳng phải là hạnh phúc đấy sao? trong khi thế giới bên ngoài thật hỗn loạn và xung đột, thì việc ngó vào thế giới tĩnh lặng yên ái kia quả là rất đáng ghen tị, với những người sống trong đó. cảm tưởng như mỗi nhân vật đều đáng để nhìn ngắm thật kĩ, muốn được quan sát cuộc sống hàng ngày của họ, nghe họ nói chuyện, hình dung những biểu cảm nho nhỏ. đấy, không chỉ đơn giản là một anh chàng ế vợ vì mòn mỏi trông chờ mối tình đầu đâu nhé.

Tiếp nữa, có lẽ là tư tưởng. dù theo hình thức nào, thì điều nổi trội vẫn là mối liên kết giữa con người với nhau và với thế giới. không hiểu sao mình liên hệ Yuji ở đây với Yuji ở Em sẽ đến cùng cơn mưa, thế giới trong mơ với Tinh cầu Lưu trữ, và hai con chó thì thật khó nhầm lẫn được. có thể là những điểm giống nhau đơn giản vì phong cách của tác giả là vậy. nhưng đặc biệt là về tư tưởng, rằng tất cả những người đã mất đi đều đến cùng một nơi, và đó là nơi lưu trữ những kỉ niệm, những kí ức, cảm giác, tình cảm… của chúng ta. nỗi đau càng lớn thì chúng ta càng nghĩ về họ nhiều hơn, và họ sẽ sống ở nơi ấm áp dễ chịu kia trong tình yêu và nỗi nhớ mong của chúng ta như thế. có cảm giác an ủi dễ chịu lắm khi nghĩ như vậy về sự mất mát và buồn đau, nhỉ? và cả tư tưởng về hạnh phúc, chạm đến mơ ước hạnh phúc cơ bản nhất của con người, ấy là được mãi ở bên người mình yêu thương. cái gì rồi cũng mất đi, nhưng mối dây tình cảm thì sẽ còn mãi. sẽ luôn luôn có ít nhất một câu chuyện tình yêu giản dị mà bền đẹp ở quanh ta. và tình yêu cũng sẽ chân thật lắm, sẽ là người mà ta có thể nói những điều vụn vặt, như là cây bách và mùi hương của nó chẳng hạn. chẳng cần lời hoa mĩ tán tỉnh gì đâu, chỉ cần nói về điều mình thích (và sẽ có người hiểu được, có thể cái này thì hơi bị văn học hoá quá). nhưng mà việc theo đuổi những triết lí giản đơn ấy có lẽ là điều nhiều người đọc đang cần. một điều khác mà mình rất thích ở Nếu gặp người ấy, đó là trên cái nền tình yêu đôi lứa xuyên suốt, thì tình bạn và tình cảm gia đình cũng được khắc hoạ rất đẹp. đẹp và chân thật như nó vốn thế, vì nó là tình bạn của những đứa trẻ cô đơn và trong sáng, kéo dài và lớn lên theo thời gian xa cách. vì chúng ta chẳng nhận ra mình cô đơn cho đến khi được sống trong trái tim người khác. bởi vì niềm tin đến độ hiển nhiên rằng cái gì luôn ở trong tim thì đâu thể gọi là xa cách được. vì một lời hứa rằng ngày nào cũng sẽ vẽ, “kể cả khi đau bụng hay đau đầu”. đúng là những điều xảy ra khi bé luôn theo mãi trong tâm trí mỗi người. bao gồm cả những kí ức về cha mẹ. hình ảnh những phụ huynh trong quyển sách này cũng vô cùng thú vị. cha mẹ tốt và cha mẹ xấu, không có ranh giới rõ ràng. giống như mẹ Yuji, người để lại lời hứa tốt đẹp đã gieo hi vọng suốt cuộc đời cậu, cũng là người sẵn sàng lừa chính con đẻ của mình. hay bố Satoshi, yêu thương cậu nhiều như vậy, nhưng cũng thiếu sót những răn dạy cứng rắn cần thiết. thế nhưng những lời của cha mẹ thì mãi được khắc ghi trong suốt cuộc đời bọn “trẻ lớn”, những khuyên bảo mộc mạc lắm, nhưng là sao Bắc Đẩu của cả đời ta. ai đọc xong quyển sách này hãy bày tỏ với cha mẹ nhé.

Điểm cuối cùng khiến Ichikawa thu hút độc giả, là cái lối viết, xây dựng hội thoại và miêu tả của ông. dù không rõ sai lệch bao nhiêu phần, nhưng đọc bàn dịch mà thấy mê mẩn vậy, chắc bản gốc còn thích thú hơn nữa. những đoạn hội thoại của nhân vật thường ngắn gọn, chỉ một vài câu, nhiều khi là những câu tưởng như vu vơ. những diễn đạt kiểu “à, ra vậy”, “ra thế”, “ý tôi là cũng có những chuyện như thế”… theo mình là điều làm nên lối kể chuyện rủ rỉ và mạch văn như suối chảy vào lòng người. luôn có một chút gì khiến mình mỉm cười và thấy khoan khoái khi đọc thứ văn như vậy. hoàn toàn thư thái. trong khi đó, những chi tiết được miêu tả, thì giống hệt như tranh của Yuji vậy. cực kì bâng quơ nhưng lại vô cùng tỉ mẩn. có lẽ tác giả dày công đẽo gọt nên khung cảnh thế giới như vậy để tạo nên cái không khí thích hợp nhất cho nhân vật và câu chuyện của mình.

Có khóc một chút khi đọc những quyển sách như thế này, cũng là một cơn khóc rất nhẹ nhõm thư thái, buồn nhưng lại vẫn thấy ấm áp lắm.” – Linh Nguyen (Goodreads)

Xem thông tin chi tiết về sách trên Tiki theo Link tại đây

Xem thông tin chi tiết về sách trên Shopee theo Link tại đây

Xem thông tin chi tiết về sách trên Kim Đồng theo Link tại đây

02-Neu-gap-nguoi-ay-cho-toi-gui-loi-chao-min
Ảnh: Reviewsach.net

3. Những con chim ẩn mình chờ chết (Colleen McCullough)

  Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết là một tác phẩm, kể về câu chuyện trong một gia đình, trong suốt một thời gian dài trên đất nước Úc. Họ đã cố gắng sống phấn đấu để chống chọi với thiên nhiên, đứng trước những khắc nghiệt và khó khăn của bản thân, trong đó tác giả đã khắc họa lên hoàn cảnh từng nhân vật, nó có phần giống với cuộc sống của chúng ta: với chủ đề về tình yêu, sự lao động, sự cám dỗ và cả những nỗi bất hạnh đang rình rập và chờ đợi ta ở phía trước.

“Những con chim ẩn mình chờ chết” còn có ấn bản khác là “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”- bản này mình đã đọc và ấn tượng với tên sách hơn. Cuốn tiểu thuyết kể về gia đình Kliri qua các biến cố của gia đình và thời đại. Tác phẩm đã kể lại rất chi tiết những câu chuyện từ việc di cư, lao động, tình cảm gia đình và tình yêu. Nổi bật cả câu chuyện là mối tình ngang trái giữa Meggie và cha Ralph. Dù tình cảm đó có da diết, mãnh liệt, sâu đậm thì nó không được chấp nhận bởi vi phạm điều cấm kỵ trong tôn giáo. Đây là cuốn sách đầu tiên mình đọc theo lời giới thiệu của giáo viên Ngữ Văn năm lớp 11 và cũng là cuốn mình rất ấn tượng.” (Thảo Phạm – Tiki, 2022)

“Tác phẩm quá nổi tiếng rồi nên mình không cần bình luận thêm gì về nội dung. Trước mình đã đọc bản dịch mang tên “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, mà lần này đọc lại tác phẩm với một bản dịch khác vẫn thấy xao xuyến như đọc lần đầu, đủ thấy sức mạnh của một tác phẩm kinh điển. Nếu sách được in với khổ rộng hơn sẽ bớt dày và cảm giác cuốn sách có giá trị tương ứng với giá tiền hơn.” (Nguyễn Thu Huyền – Tiki, 2021)

“Nội dung thì tuyệt vời (đã đọc và xem phim từ lâu, nay mua để lúc nào có thời gian thì đọc lại)” (Trần Thu Thủy – Tiki, 2021)

“Cuốn sách cho mình thấy được trong đấy tình yêu, không chỉ đơn thuần là tình yêu của Meggie và Ralph, thứ tình yêu được truyền tải nhiều qua những câu chuyện bất hủ, là tình yêu vượt lên trên ham muốn thể xác, vượt trên cả sự ngăn cấm của đức tin, của tôn giáo, cả tuổi tác và vượt cả thời gian. Đó còn là tình yêu giữa Pady và Fiona, một cuộc hôn nhân đầy cam chịu vì sự áp đặt của xã hội, nhưng kết thúc bằng một tình yêu còn đang bỏ ngỏ, đầy đau đớn. Là một bức tranh tôn giáo khác hẳn với sự vô đạo vô thần ở Việt Nam, là sự dằn vặt đau đớn khi không thể lựa chọn, khiến mình luôn đặt câu hỏi rằng tại sao người ta luôn phải sống như thế? Nhưng rồi tự mình cũng trả lời được, đó là đức tin, là chỗ dựa, đấng cứu rỗi tâm hồn con người khi người ta hoang mang lạc lối. Thực ra mỗi chúng ta đều là những con chim đang ẩn mình chờ chết, chỉ là trước khi chết có người cất được tiếng hót thật hay cho đời, còn có những người trước khi chết vẫn không biết rằng mình có khả năng hót. ” Con chim mang chiếc gai nhọn xuyên qua ức vẫn tuân theo một quy luật bất biến, tôi không hiểu điều gì đã thúc đẩy nó tự đâm suốt vào tim và lịm dần trong tiếng hót. Vào lúc gai nhọn xuyên qua, nó không ý thức được cái chết đang chực chờ, nó chỉ mải mê hót và hót cho đến khi không còn hơi thở để cất thêm một nốt nhạc nào nữa. Nhưng chúng ta, khi tự ghim vào lồng ngực mình những chiếc gai nhọn, chúng ta biết, chúng ta hiểu, vậy mà chúng ta vẫn làm. Chúng ta vẫn làm “” – Hà My (Goodreads)

Xem thông tin chi tiết về sách trên Tiki theo Link tại đây

Xem thông tin chi tiết về sách trên Shopee theo Link tại đây

Xem thông tin chi tiết về sách trên Kim Đồng theo Link tại đây

03-Nhung-con-chim-an-minh-cho-chet-min
Ảnh: Sách Việt

4. Rừng Na Uy (Haruki Murakami)

 Rừng Na Uy  là câu chuyện tình được nhiều người mến mộ với nhiều tình tiết hấp dẫn. Đó là những ký ức về tình yêu về mối tính đã qua từ rất lâu, hồi nhớ về những cảm xúc mà đến hiện tại vẫn chưa thể quên. Câu chuyện sẽ dẫn người đọc đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác mà lãng quên đi thời gian của mình.

“Nội dung trầm lắng, từ đầu tới cuối là một không khí âm u và ảm đạm, buồn không tả được. Đâu đó lóe lên một chút ánh sáng của tình yêu chân thành, sự liên kết về thể xác, tia hy vọng mỏng manh cho cuộc đời. Mỗi nhân vật mang một tính cách riêng biệt và rồi có một số nhân vật lại biến mất một cách khó hiểu, tạo cho người đọc sự hoang mang, tò mò và rồi vụt tắt. Cái kết khá buồn, hầu như từ đầu đến cuối câu chuyện đều mang một không khí u buồn, đến nỗi làm cho người đọc cũng buồn theo không dứt… Tóm lại chỉ hai từ sâu sắc, ám ảnh.” (Lê Hoàng Mãi – Tiki, 2020)

“Nội dung câu chuyện rất hay, lôi cuốn mình đọc liên tục, có những đoạn mình đọc trong trạng thái ngại ngùng nhưng đọc hết quyển thấy ấn tượng rất lâu, và mình đã giới thiệu cho một người bạn người Nhật tìm đọc , hy vọng bạn ấy cũng sẽ thích.” (Nguyễn Thị Thương – Tiki, 2021)

“Sách quá hay” (Nhật Linh – Tiki, 2022)

““Rừng Na-uy” là cuốn sách đầu tiên đọc mà bản thân chỉ hiểu được 2%. Một tháng đọc, gấp, lấn cấn, đọc lại, lại lấn cấn, tìm hiểu và viết review. “Rừng Na-uy” là câu chuyện dưới góc nhìn của cậu Toru Watanabe mười tám đôi mươi, về xúc cảm tình yêu, tình dục cùng các mối quan hệ xã hội của cậu. Bao trùm lên cuốn sách là “nỗi buồn Nhật Bản hiện đại”. Nỗi-buồn Nhật-Bản hiện-đại? Thật chẳng hiểu nổi, và mình đi tìm câu trả lời. Loạng quạng thế nào mà va phải bốn chữ ‘chủ nghĩa tư bản’.
Một câu chuyện tình yêu thì dây mơ rễ má quái gì tư bản?! Khi đọc “Rừng Na-uy”, mình bị ám ảnh bởi những cái chết. Kizuki, tự sát bằng ống xả trong ô tô kín, 17 tuổi. Chị gái Naoko, treo cổ trong phòng ngủ, 17 tuổi. Bác ruột Naoko, nhảy vào đoàn tàu đang chạy, 21 tuổi. Hatsumi cắt cổ tay sau khi kết hôn được hai năm. Họ giỏi, trẻ trung, đặc biệt, và cái chết của họ đều đùng một cái. Không dấu hiệu báo trước, chỉ đơn giản là bất thình lình đến mức không một ai có thể cứu-cản nổi. Không thể nào hiểu lại có điều gì khiến ai đó dễ dàng chấm dứt cuộc sống này đến vậy. 17 tuổi bình thường có gì để buồn thực sự? Thế nên mình đâm ra bối rối. Lộn ngược lộn xuôi quyển sách, bìa ghi “được giới trẻ Nhật Bản và Hàn Quốc tìm đọc nhiều nhất”, lộn ra lộn vào, thấp thoáng mấy chữ “chủ nghĩa tư bản”.
“Chủ nghĩa tư bản”, “nỗi buồn Nhật Bản thời hiện đại”, “nỗi ưu tư và cô đơn […] nơi những người mới lớn”, những từ khóa này có lẽ đã khiến ta mơ hồ xâu chuỗi chút ít điều gì. Nhật Bản, hiện đại và tuyệt vời, nhưng gắn liền với nó còn là những vấn đề mệt mỏi như tỉ lệ tự sát cao. Tất nhiên nguyên nhân dẫn đến tự sát có nhiều, nhưng ở đây mình chỉ đặt vào bối cảnh chung của xã hội tư bản. Ở một đất nước tư bản có cường độ làm việc cao và áp lực bậc nhất, ta phải không ngừng cố gắng để có vị trí, để không bị thất nghiệp, để nuôi sống bản thân và gia đình. Đi làm với tư tưởng đấy có gì vui? Đầu óc căng thẳng làm ta mệt nhoài, stress, vô hồn và im lặng. Không ngơi nghỉ, không chia sẻ và kết nối với xã hội làm ta thấy lạc loài, loanh quanh trong những vấn đề của chính bản thân. Vấn đề chồng vấn đề, đẩy ta đến ngõ cụt. Khi đó cách giải thoát duy nhất là tìm đường sang thế giới bên kia. Hóa ra cái mà Haruki đề cập đến không đơn thuần là tình yêu, mà còn là tâm bệnh của cả một xã hội. Đó không chỉ là tuổi 17, 19 hay 21 bình thường, mà còn là khoảng thời gian bồng bột của sự chênh vênh tròng trành. Haruki viết cho Nhật Bản hiện đại, viết cho giới trẻ tự thấy mình bế tắc cô đơn.
“Nhẽ ra đã phải có ai làm cái gì đó – bất cứ cái gì – để cứu cô ấy.” Watanabe hồi tưởng về cái chết của Hatsumi với nỗi niềm thương tiếc vô hạn. Đúng, đã chẳng ai có thể cứu những người như Hatsumi- Kizuki, hay làm cho họ biết cách cứu mình. Cứu thế nào được, khi họ im lặng và “đã đạt đến một giai đoạn nào đó của cuộc sống – và đã quyết định – hầu như hoàn toàn bất ngờ – kết thúc nó”, khi họ còn chẳng cho mình lấy đến một cơ hội. Mình nhớ đến Dazai Osamu, tác giả ‘Thất lạc cõi người’, với vẻ ngoài vui vẻ và thu hút, nhưng tồn tại với tâm can của người chết. Naoko cũng vậy, nàng mang tâm bệnh , chữa trị và gắng gượng, rồi cuối cùng tự về với đất trong rừng cây. Haruki mang Naoko xuyên suốt “Rừng Na-uy” , có lẽ cho ta hiểu được tâm trạng của một người bất ổn như nào, là cầu nối dẫn ta đến với cõi lòng đã chết của một người tự tử, để ta thấu hiểu và cố gắng giúp họ. Nhưng, “Dù cậu có cố mấy, thì người ta vẫn cứ bị đau khổ khi đã đến lúc họ phải đau khổ. Đời là vậy.”
“Rừng Na-uy” của Haruki Murakami là một tác phẩm văn chương rating 18+ đúng nghĩa, từ nội dung cho đến tư tưởng. Muốn cảm nhận hết từng xúc cảm trong câu chữ của ông, ta cần có đủ tuổi đời và trải nghiệm sống. Viết review để vài năm sau đọc lại, xem bản thân đã đi xa bao nhiêu” – Bùi Thu Hà (Reviewsach.info)

 

Xem thông tin chi tiết về sách trên Tiki theo Link tại đây

Xem thông tin chi tiết về sách trên Shopee theo Link tại đây

Xem thông tin chi tiết về sách trên Kim Đồng theo Link tại đây

04-Rung-Na-Uy-min
Ảnh: Reviewsach.net

5. Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell)

 Cuốn theo chiều gió được đánh giá là cuốn tiểu thuyết tình yêu đặc sắc và hấp dẫn người đọc. Trong chiến tranh và nhiều năm năm hậu chiến vô cùng đau thương và gian khổ ấy lại có một tình yêu nở rộ, sáng ngời và trở thành động lực làm cho con người có thể vượt qua được mọi sự đau thương, hèn hạ thậm chí là cái chết,… Tác phẩm không chỉ nói về tình yêu trai gái và còn là bài ca về tình yêu đất nước, dân tộc thân thương. Sau này tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành phim và đã trở thành là niềm tự hào của đất nước Mỹ.

“Tại sao 1 tác phẩm hay như vậy mà bây giờ mình mới đọc. Người đọc sẽ đồng cảm với Rhett hay vẫn phản đối anh ta? Còn Scarlett, những điều cô làm vì gia đình, tình yêu, những người cô yêu thương là đúng hay sai? Dù 100 năm trước hay 100 năm sau, định kiến xã hội, chủ nghĩa cá nhân, chiến tranh, nô lệ (ngày xưa là nô lệ, ngày nay là phân biệt chủng tộc, trong hệ thức hay hành động) vẫn diễn ra hằng ngày. Chúng ta là ai trong xã hội này, chúng ta đối diện với nó như thế nào? Vẫn làm dù biết điều đó là ngu dốt như Ashley hãy sống theo lý tưởng cá nhân và đương đầu với nó như Rhett?” (Duyen Hanh – Tiki, 2019)

“Tác phẩm này sẽ là một trong những tác phẩm mình chắc chắn sẽ nhớ mãi và sẽ đọc lại. Đề cử: Do tác phẩm xoay quanh thời kỳ chiếm hữu và giải phóng nô lệ, nó có lẽ sẽ khiến những người phản đối phân biệt chủng tộc hay ủng hộ nữ quyền khó chịu. Dù vậy, đây là tác phẩm huyền thoại và rất nên đọc.” (Bất Hối – Tiki, 2021)

“Đã mua nhiều sách nhưng chưa bộ nào xuất sắc như bộ này: Quá đẹp, bìa cứng xịn sò, sang chảnh. Nội dung thì là 1 trong những cuốn hay nhất mình đọc bên cạnh Hai số phận, Kiêu hãnh và định kiến.” (Trí Nguyễn -Tiki, 2021)

“Thực lòng tôi không biết nên chấm cho cuốn sách này 5 sao vì là một trong những tác phẩm văn học hoàn toàn hấp dẫn, gây sốc và thấm đẫm cảm xúc nhất từng được viết, hay cho nó 0 sao vì là cuốn sách bi thảm, không dứt, đáng lo ngại nhất mà tôi. đã từng đọc. Tôi đọc gần 50 trang cuối cùng theo nghĩa đen với cái miệng há hốc, không thể tin rằng nó thực sự sẽ diễn ra một cách thê thảm như vậy. Cuối cùng xong việc, tôi bàng hoàng bước xuống nhà, đưa cuốn sách cho chồng và bảo anh đốt đi đừng bao giờ cho tôi xem nữa. Trong suốt cuốn sách, tôi điên cuồng tiếp tục đọc, thường xuyên cho đến tận 2 giờ sáng hoặc muộn hơn, chỉ để xem khi nào nó sẽ quay đầu và bắt đầu hạnh phúc, nhưng không bao giờ có được bất kỳ sự đền bù nào – nó KHÔNG BAO GIỜ có được hạnh phúc hay nâng cao tinh thần. Nó cứ thế đi xuống, đi xuống, rơi vào tuyệt vọng.

CẬP NHẬT: Sau khoảng một tuần, tôi đã quyết định chấm cho cuốn sách này điểm 5, bởi vì bất kỳ tác phẩm hư cấu nào có thể có tác động mạnh mẽ đến độc giả đều xứng đáng được xếp hạng cao nhất có thể! Bên cạnh đó, tôi nhận thấy rằng, bất kể những người vẽ biểu đồ có bi kịch và đôi khi khó chịu đến mức nào, tôi vẫn nghĩ về họ nhiều ngày sau khi đọc xong. Tôi gần như nhớ họ! Họ đã thực sự trở nên sống động đối với tôi. Hơn nữa, ai mà không yêu thích một chiếc tàu lượn siêu tốc đầy cảm xúc lâu lâu một lần chứ ?!” – Eve Hogan (Goodreads)

Xem thông tin chi tiết về sách trên Tiki theo Link tại đây

Xem thông tin chi tiết về sách trên Shopee theo Link tại đây

Xem thông tin chi tiết về sách trên Kim Đồng theo Link tại đây

05-Cuon-theo-chieu-gio-min
Ảnh: Webdocsach.com

Minh Trang

Bấm Facebook để chia sẻ bài viết!