Danh sách
1. Bức Tranh Cô Gái Khỏa Thân Và Cây Vĩ Cầm Đỏ (Hiền Trang)
Câu chuyện xoay quanh giữa hai chị em song sinh và một chàng họa sĩ, được kể lần lượt theo lời kể của ba nhân vật theo từng chương. Xuyên suốt cuốn sách kể về những góc khuất, những bí mật trong cuộc sống của họ. Hai cô gái mang trong mình hai số phận, một cô gái đào và một nghệ sĩ dương cầm. Người họa sĩ nặng lòng với vẻ đẹp mong manh hư ảo như khói sương của cô nghệ sĩ dương cầm, nhưng anh gần như rơi vào trạng thái không thể phân biệt được người nọ với người kia. Anh thấy họ chỉ là hai phân thân của cùng một con người. Càng đi sâu vào đời sống của họ, anh càng khám phá những trắc ẩn, ngoắt nghéo của số phận đằng sau cái đẹp ấy. Nghệ thuật xuất hiện giữa họ như một một sự cứu rỗi, một đường dẫn kết nối những tâm hồn.
“Một cuốn sách nghệ thuật kết hợp giữa mỹ thuật và âm nhạc. Không có những lời thoại dài dòng, không có những tình tiết gây cấn đến hồi hộp, cuốn sách như được chơi trên nền nhạc Sonata của Mozart, nhẹ nhàng, dìu dặt và ám ảnh.
Sợi dây liên kết cuộc đời là cây vĩ cầm sắc đỏ và bức tranh cô gái khỏa thân. Một bức tranh ảm đạm, u uất, đọc mà thấy lòng nặng trĩu…
Kinh khiếp vì đời như vực thẳm
Xui em truỵ lạc hỡi trời xanh!
– Cảnh Đoạn Trường | Thái Can –”
“Đem đến cho mình góc nhìn khác về những con người làm nghệ thuật, đúng hơn là nói về họa sĩ và nhạc công, câu chuyện kể về những góc khuất trong cuộc sống của họ, người nghệ sĩ luôn là người nhạy cảm nhất. Tất cả như tan biến, nhường chỗ cho những tâm hồn đồng điệu, để an ủi và xoa dịu nhau. Một bức tranh với gam màu buồn, u uất, đọc mà cứ thấy lòng nặng trĩu..” – Ngọc Khanh (Goodreads)
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Tiki.
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Kim Đồng.
2. Thiếu nữ đánh cờ vây (Shen Sa)
Cuốn sách tái hiện bối cảnh chiến sự Trung – Nhật đang diễn ra căng thẳng. Nội dung truyện lần lượt là lời tự thuật xen kẽ của hai nhân vật: một viên sĩ quan Nhật và một cô gái trẻ người Trung. Có duyên gặp nhau qua những trận cờ, cuộc đời phong kín của họ dần dần lộ ra, thay đổi, một mối tình thầm kín chẳng ai mở lời, những thế cờ vây làm họ xích gần nhau hơn.
” “Thiếu nữ đánh cờ vây” là một giấc mơ, mong sao những cảnh trầm luân và ái tình trong giấc mơ sẽ khiến con người có được sự tỉnh táo trước hiện thực, khiến con người có được khát vọng và niềm tin cháy bỏng về hạnh phúc và tương lai. Điểm cuốn hút nhất ở cuốn tiểu thuyết là những trận cờ vây sống động và kịch tính. Trong tác phẩm này, cờ vây chính là mật mã tượng trưng cho văn hóa và hòa bình.”
“” Thiếu nữ đánh cờ vây ” là một trong những cuốn sách tiêu biểu của Shan Sa . Truyện kể về tình yêu của một người lính Nhật và cô gái Trung Hoa mang một đam mê mãnh liệt vời cờ vây trong thời kì những năm 30 thế kỉ XX khi phát xít Nhật đang chiếm đóng Bắc Kinh. Ngòi bút của Sơn Táp không chỉ mang đậm săc thái Trung Quốc mà còn hàm chứa những ý nghĩa sâu xa của tiểu thuyết Phương Tây . Ngòi bút này len lỏi sâu vào tâm trí nhân vật , vạch trần từng suy nghĩ và nỗi đau , khiến người đọc hiểu được những xúc cảm của tuổi ngây thơ trong trắng , về tình yêu và sự tàn bạo …” – Trang Dương
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Tiki.
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Kim Đồng.
3. Kẻ trộm sách (Markus Zusak)
Cuốn sách kể một câu chuyện lịch sử, bối cảnh là cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, Markus Zusak lại chọn điểm nhìn đặc biệt của một “thần chết”. “Thần chết” như nhìn thấu tâm can uẩn khuất của con người, nhìn thấu mọi khổ đau, mất mát và chết chóc mà cuộc chiến tranh gây ra. “Thần chết” này không đáng sợ, mà có một trái tim, một tâm hồn để rung động trước những tình cảm nhân văn, gần gũi nhất. Qua đôi mắt tinh tường của thần chết, ta bắt gặp những con người, những nhân vật mà ta không thể nào lãng quên.
“Những người được che giấu (Người Do Thái) họ …
……chỉ luôn khiếp sợ?
Những người che giấu (Người Đức thuần chủng) họ …
……luôn thanh thản và cao thượng?”
“Một cuộc chiến tranh đã xảy ra từ rất lâu – một cuộc chiến tàn khốc để lại rất nhiều mất mát, nhưng lại dạy ta những bài học rất nhân văn dù ta sống ở trong thời đại hay bối cảnh nào.
Giữa khung nền ảm đạm của cuộc chiến, len lỏi vào đó là sự trân trọng âm nhạc và sắc màu.”
“Cuốn này khúc đầu đọc cũng hơi từ từ tàn tàn, không phải kiểu cuốn hút đọc một mạch nhưng vẫn làm tò mò, gây thương nhớ( nghĩa là lại phải cầm lên đọc tiếp trong những ngày tiếp theo). Sách giàu giá trị nhân văn với bức tranh nền chủ yếu xoay quanh một cô bé có hoàn cảnh phức tạp và “ thú vị”, tại con phố nghèo nước Đức, cùng thời điểm Hitle phát động chiến tranh thế giới. Diễn biến tâm lí của bé gái và những cuộc “ xoay sở” trộm sách cứ thế chạy qua như một đoạn phim tư liệu cũ. Những tình cảm con người thuần khiết, gần gũi qua lời kể của một vị Thần Chết rất “ Người”. Để tránh spoil, xin tổng kết lại đây là cuốn sách hay, sâu sắc, có giá trị, có cung cấp thêm một số kiến thức lịch sử cơ bản, nên đọc.” – Thu Thủy
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Tiki.
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Kim Đồng.
4. Lễ hội vô nghĩa (Milan Kundera)
Những câu chuyện ngắn gọn, hài hước. Milan Kundera bàn đến những vấn đề tưởng chừng không nghiêm túc một cách đầy nghiêm túc, ông bày ra vô số tình huống, những trò đùa khiến ta bật cười, nhưng cũng phải suy ngẫm. Suy cho cùng, có thể khá trừu tượng nhưng sự vô nghĩa tồn tại trong mọi thứ, đặc biệt là trong chính cuộc đời của mỗi con người, phải chấp nhận đó là một phần thiết yếu, thiếu nó mọi thứ sẽ chẳng thành hình, bởi vì sự vô nghĩa chính là điều kiện cần thiết cho những thứ có nghĩa.
“Mỗi khi thấy cuộc sống của bạn tẻ nhạt, thì hãy tìm đọc Lễ hội vô nghĩa của Milan Kundera. Cũng chẳng phải đọc để thấy cuộc đời thú vị hơn, mà chỉ để an ủi mình đời ai cũng nhạt như đời mình.
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.
– Truyện Kiều | Nguyễn Du –”
“Mình bị ấn tượng về tên tác phẩm và trang bìa. Khi nhận được sách thì càng cảm thấy thú vị hơn vì sách khá mỏng, chỉ hơn 100 trang một chút. Tác phẩm cũng không phải là một quyển sách dễ đọc, dễ cảm nhận mà đòi hỏi một sự hưởng thụ từ từ thì sẽ chiêm nghiệm ra những điều tác giả muốn gửi gắm. Một sự chắp nối nhiều câu chuyện nhỏ, như những mảnh ghép rời rạc nhưng khi gấp lại sẽ cho ta cảm nhận được cả bức tranh hoàn chỉnh.” – Nguyễn Quốc Huy
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Tiki.
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Kim Đồng.
5. Nghệ thuật thị giác & những vấn đề cơ bản (Huỳnh Văn Mười)
Cuốn sách đề cập chủ yếu đến vấn đề quan năng cảm thụ của nghệ thuật không gian là con mắt (thị giác). Do đó, nó còn được gọi là Nghệ thuật thị giác (Visual Arts); quan năng cảm thụ của Nghệ thuật không gian – thời gian, tức là Nghệ thuật tổng hợp là cả hai: thị giác và thính giác. Nghệ thuật tạo hình (Plastic Art) và tất cả các loại hình nghệ thuật như nghệ thuật trang trí (Decorative Art), nghệ thuật thiết kế (Design Art) và nghệ thuật thủ công (Craft Art) của lĩnh vực mỹ thuật Ứng dụng (Applied Art) cũng là những bộ phận của nghệ thuật thị giác.
“Cuốn sách cho ta cái nhìn sâu sắc hơn về nghệ thuật thị giác, hay chính là kỹ năng quan sát. Một kỹ năng rất quan trọng của một người làm nghệ thuật, một họa sĩ. Công việc quan trọng nhất của một họa sĩ, không phải là vẽ như nhiều người từng nghĩ, đó là quan sát. Và cái năng khiếu bẩm sinh người ta hay gắn cho một họa sĩ, thực ra cũng không phải nằm ở đôi tay hay hoa tay, mà kì thực nằm ở đôi mắt. Nếu biết cách quan sát, bạn có thể nhìn thấy rất nhiều điều trong mắt một người, những xúc cảm, những trăn trở, những hoài bão, thậm chí đôi cả những khao khát và thèm muốn.”
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Tiki.
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Kim Đồng.
Vu Son