Danh sách
1. Hà Nội 36 phố phường
Hà Nội 36 Phố Phường là 21 bài bút ký như lời giới thiệu về Hà Nội với những vẻ đẹp riêng có và nét đẹp văn hóa tâm hồn người Hà Nội. Truyện chủ yếu viết về những câu chuyện phố phường, dân sinh, những món ăn, ẩm thực Hà Nội xưa, đặc biệt là những thức quà đặc trưng mà chỉ riêng Hà Nội có. Cuốn sách chính là tác phẩm giúp bạn đọc hiểu Hà Nội hơn, hiểu thêm những nét đẹp lãng mạn, đầy thơ mộng của thủ đô yêu dấu. Dù bạn không phải là người Hà Nội nhưng khi đọc xong cuốn sách chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được bóng dáng và nét đẹp của một Hà Nội xưa.
“Những phố phường dù đã cũ nhưng không hề cũ. Với ngòi bút của Thạch Lam người đọc như được trở lại thời đã qua , cùng Thạch Lam chiêm nghiêm vẻ đẹp của 36 phố phường.”
“Bác Thạch Lam viết về những thức quà của Hà Nội bằng tình thương dung dị và con mắt của kẻ quan sát tinh tế, am hiểu nhất. Những thức quà hiện lên đẹp đẽ, chúng hiện rõ trong lòng mình lúc nào tựa không hay những mùi vị, thanh âm và cả con người trong đấy. Đọc rồi nhìn lại hơn sáu mươi năm sau, cái tinh tuý, lành mạnh trong thưởng thức ăn uống giờ đã khác rất nhiều. Nhớ thương lắm những cái trong veo ngày xưa giờ đã mất. Những dòng văn của bác như thị dân Hà thành đích thực, len lỏi vào nếp sống của người bán rồi đặc tả nó như thể thêu tranh bằng mắt, nhìn đến đâu hiện rõ đến đấy. Một người dành cho văn hoá ẩm thực Hà Nội tình yêu chân thành, giản dị và mong muốn giữ gìn chúng, nâng niu khẽ khàng, lưu truyền đời sau. Những áng văn không bao giờ cũ, để yên một ngày mong được đến và cảm nhận trọn vẹn những điều đẹp đẽ của Hà Nội.
“Tất cả cuộc đời của những kẻ bên trong, cuộc đời xưa những ý nghĩ cũ, những hy vọng và mong ước khác bây giờ”” – Phương Nghi (Goodreads)
“Mình rất khoái văn phong của Thạch Lam, cảm tưởng lúc nào cũng tâm tình, nhẹ nhàng mà thổi vào đó bao nhiêu cái hay, cái sướng. Từ đoạn miêu tả cốm là thức dâng của những cánh đồng xanh bát ngát tới hình ảnh cô bán hàng nước ở chợ đêm và rất nhiều thứ nữa, Thạch Lam tâm tình như chính bản thân mình đi cùng tác giả ở vào những thời điểm đó cùng nhìn thấy, cùng cảm nhận rồi cùng hồi tưởng về một Hà Nội.” – Hung Nguyen Quang (Goodreads)
“Hà Nội băm sáu phố phường – một tập san về ẩm thực Hà thành ngập ngụa yêu thương. Đó là tình yêu và tình thương mà chàng trai trẻ Thạch Lam dạo ấy dành cho vùng đất kinh kỳ, tuy âm thầm và lặng lẽ nhưng đầy ắp, đầy đến mức một kẻ ngáo ngơ như mình cũng cảm nhận được.
Những thức quà trong cuốn sách mỏng tang này vẫn thật hợp thời làm sao! Dù là một thế kỷ trước hay ngày nay, chút quà Hà Nội vẫn là điều gì đó đầy mong đợi và quý hóa lắm. Mình cho là vậy bởi vì chính mình cũng mê tít thứ gọi là “quà Hà Nội”.
Nhân đây mình cũng xin trích dẫn một đoạn mà Thạch Lam viết rất hay, hay đến mức mình chẳng biết dùng mỹ từ nào để biểu đạt trọn vẹn cái sự hay của nó.
“Cơn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và tinh khiết. Các bạn có ngửi thấy, khi đi qua những cánh đồng xanh, mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi, cái mùi thơm mát của bông lúa non không? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại, bông lúa càng ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của Trời.”
(Mình sẽ dừng lại vài giây để tưởng tượng được hít hà hương bông lúa non giữa đồng ruộng xanh mởn trước khi quay trở lại viết nốt dòng cuối.)
Tác giả làm vậy có quá đáng lắm không? Sao lại có thể hay thế này ?! Trong lúc mình hú hét và khen lấy khen để thì bạn người iu đã nhắc cho mình nhớ rằng đoạn này đã được học ở chương trình Ngữ Văn. (Ồ, bro thật biết cách làm người khác ngạc nhiên đấy.) Hồi ấy mình còn quá ngớ ngẩn để có thể cảm nhận được cái hay, cái thi vị của câu chữ. Tạ ơn trời đã cho mình đọc lại vào 12 năm sau, để mình được tận hưởng sự tinh túy này. Chỉ muốn hớp một ngụm thật tràn căng những gì tinh túy ấy.
(Cho những ai đã trót quên như mình. Đoạn văn trên được trích trong “Một thứ quà của lúa non: Cốm”, Thạch Lam, Ngữ Văn 7.)” – V (Goodreads)
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Tiki theo Link tại đây
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Shopee theo Link tại đây
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Kim Đồng theo Link tại đây

2. Phố phường Hà Nội xưa
Với Phố phường Hà Nội xưa, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy đã kể lại thật sâu sắc văn hóa phong tục của mảnh đất kinh thành. Ông coi đó là những vật liệu quý để rèn đúc con người ngày mai.
“Không hổ khi được mệnh danh là nhà Hà Nội học hàng đầu Việt Nam, ông Hoàng Đạo Thúy đã đưa mình thăm quan và trải nghiệm một Hà Nội cũ nhưng đầy lạ lẫm, mới mẻ. Từ những Cửa Ô đến phố Hàng Gai, Hàng Bạc, Hàng Dép, Hàng Nón đến cách ăn mặc thời trước và các phố Hàng Đào. Từ sông bến, phố phường đến ẩm thực và những người thợ… Ông đã kể lại một cách chi tiết trong tác phẩm này. Những biến động trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược đến những cái nhìn khác lạ về các danh nhân nổi tiếng Việt Nam như Lý Thường Kiệt, nhà thơ Hồ Xuân Hương hay Bà Huyện Thanh Quan… Văn hoá Hà Nội nghìn năm văn hiến hiện lên đầy chân thực dưới ngòi bút của ông.”
“Cuốn sách giống như một bức tranh toàn cảnh về Hà Nội của ngày xưa. Giọng văn của tác giả chân thật, nhẹ nhàng, đôi chỗ dùng nhiều từ rất lạ, rất hay.” – Nguyen Thi Ngoc Phuong (Goodreads)
“Phố phường Hà Nội cứ thế hiện lên thật nhộn nhịp, thật rõ ràng, cứ như thể nó không phải là một thứ gì đó đã qua mà là điều thường ngày vẫn có. Đọc rồi mới biết, hóa ra Hà Nội này cũng trải qua lắm thứ, cuộc sống cũng có lắm đổi thay, duy chỉ có con người Hà Nội vẫn cứ như thế: vẫn thanh lịch, vẫn rất Hà Nội.
Cuốn sách tuy khá mỏng, nhưng lại mất rất nhiều thời gian để đọc, để ngẫm. Chỉ từng đấy trang giấy thôi mà chứa đựng biết bao nhiêu thông tin, nhiều lúc cảm tưởng như đọc mãi mà chả hết. Cuốn này cũng không thể chỉ đọc một lần là xong, mà phải đọc nhiều lần nữa mới ngấm được hết cái quan sát tỉ mẩn của tác giả.” – Lynn (Goodreads)
“Khép lại cuốn sách vào những ngày tháng Mười một trời se se lạnh, dư âm của cuốn sách là những ngày tết mà tác giả mô tả ở phần cuối. Đọc mà nhớ những tết hồi còn bé, được sống yên vui trong sự bao bọc của bố mẹ, ông bà. Giờ đây chỉ còn là hoài niệm. Những con phố ở Hà Nội thời hiện đại tấp nập xe cộ, lung linh ánh đèn. Vậy mà khi đọc cuốn này lại thấy những con phố ấy ngày xưa hiện lên cổ kính, trầm mặc.” – Minh Quân (Goodreads)
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Tiki theo Link tại đây
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Shopee theo Link tại đây
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Kim Đồng theo Link tại đây

3. Chuyện cũ Hà Nội
Chuyện cũ Hà Nội là một tập ký sự lịch sử về Hà Nội đặc sắc của nhà văn Tô Hoài về bức tranh Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX gồm nhiều mảng màu sáng – tối. Qua đó, nhà văn thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về Hà Nội thời Pháp thuộc, khi cái mới và cái cũ giao thoa bằng kiến thức rất phong phú cùng góc nhìn tinh tế, chân thực, hóm hỉnh.
“Tô Hoài đã viết “Chuyện cũ Hà Nội” bằng cuộc đời ông. Một Hà Nội hiện ra đến say mê như chút men rượu nồng, và như ông đã nói đại ý rằng, hết cuộc đời cũng sẽ còn viết về một Hà Nội xưa thế thôi…”
“Trong hơn một trăm truyện ngắn về cuộc sống của người Hà Nội, Tô Hoài đã khắc hoạ sinh động và rõ nét sự thay đổi của Hà Nội theo suốt cuộc đời ông. Từng mục truyện vừa gần gũi, vừa phảng phất nếp sống xưa khiến “Chuyện cũ Hà Nội” trở thành một tư liệu đáng quý về Hà Nội cận đại và chuyển mình trong thế kỷ XX.” – Van Nguyen (Goodreads)
“Qua giọng kể đầy hóm hỉnh của nhà văn Tô Hoài, Hà Nội những năm thế kỉ trước hiện lên đầy sống động. Đáng lẽ ra, câu chuyện này, cốt truyện này, có thể khiến người khác rơi nước mắt. Nhưng không, Tô Hoài đã giúp người đọc nhìn được một khía cạnh tích cực, đáng yêu khác của Hà Nội, tập trung xoay quanh cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây, những mối quan hệ, những mối lo, sự hối hả, hay cả những thú vui thường ngày. Hà Nội trong tuyển tập này hiện lên một cách rất Hà Nội – một Hà Nội vô cùng truyền thống. Nếu ai thích lối viết của Tô Hoài, hẳn sẽ rất thích cuốn sách này.” – Tracy Ngo (Goodreads)
“6 năm từ ngày mua cuốn sách, nhiều lần bỏ cuộc giữa chừng. Ấy vậy mà lần này có điều gì nán giữ lại mãi với trang sách. Say sưa trong giọng kể dung dị tỉ mỉ của Tô Hoài, lạc mình trong phố xá đường làng của Hà Nội và vùng ven đô xưa cũ. Có lẽ đi xa Hà Nội một thời gian nhất định, tình yêu dành cho quê hương trong ta đổi thay, sang một miền sâu cảm xúc khác, để ta có thể cảm thụ được những gì khi thơ trẻ ta đâu có hiểu tới.
Ông Tô Hoài ngoài quyển sách quốc dân Dế mèn phiêu lưu ký, là một cây viết người yêu sẽ yêu, người bỏ sẽ bỏ. Đặc biệt “chuyện cũ Hà Nội” gom góp những mẩu hồi ức, tự sự, nhật kí, tuỳ bút, thì văn phong “phóng khoáng” bay ra cả ngoài lề sách. Đương chuyện này tự dưng nhảy sang chuyện nọ. Đương hồi ức này kéo về miền ký ức khác. Chấm phẩy theo phong cách nếu nói theo ông Pautopxki là “chỉ cần chấm phẩy lại toàn bộ thì sẽ là một tuyệt tác”, lắm khi câu chỉ có chủ ngữ, hoặc vị ngữ, hoặc thích hiểu thế nào thì hiểu. Nhưng một khi đã quen rồi, và đặc biệt với người đọc nào chẳng nhu cầu gì một câu chuyện cụ thể, lan man lại hay. Như ta dạo mình vô định trong những cảnh sắc và cảnh đời của đô thành cũ. Có những chuyện đã cũ cũ lắm rồi, trước cả đời ông bà ta, lịch sử mấp mé ở cái ngưỡng thật thế mà xa xôi hư ảo, đủ gần để liên hệ liên tưởng, đủ xa để kỳ thú như truyện liêu trai.
Hà Nội thay đổi đến chân răng kẽ tóc sau đô thị hoá. Con phố ấy, góc đường mình biết ấy nào ngờ gần trăm năm trước có một vóc dáng khác hẳn. Điều còn sót lại tới nay để mà thấy được thì ít, mai một và mất đi là phần nhiều. Có điều, có lẽ điều không thay đổi duy nhất của Hà Nội từ xưa tới nay, đó là mảnh đất ô hợp này luôn đồng thời nên thơ và bẩn thỉu, sang trọng và lam lũ, tất bật ầm ì không bao giờ ngừng nghỉ.” – Ha Thu (Goodreads)
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Tiki theo Link tại đây
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Shopee theo Link tại đây
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Kim Đồng theo Link tại đây

4. Đi xuyên Hà Nội
Cuốn sách Đi xuyên Hà Nội là sự cố gắng nhìn vào bản chất của đô thị ở khía cạnh khoa học nhân văn gần gũi, có sự khảo cứu sâu rộng các nguồn tư liệu, nên độ hấp dẫn nằm ở chính sự sống động ấy. Tất cả dựng nên một cách tự nhiên chân dung một Hà Nội vừa tài hoa vừa xô bồ, cổ kính mà luôn đầy chất đương đại.
“Một Hà Nội thu nhỏ, một Hà Nội xưa, một câu chuyện cũ đến say mê lòng người. Tất cả dựng nên một cách tự nhiên chân dung một Hà Nội vừa tài hoa vừa xô bồ, cổ kính mà luôn đầy chất đương đại.”
“Sắp xa Hà Nội rồi người ta mới nhớ, mới thương, mới thèm.
Cuốn sách viết về Hà Nội với những thông tin cung cấp khác nhiều cuốn sách mình từng đọc về HN, bao gồm cả những fact hay ho của Hà Nội: những câu ca dao cổ, đồng văn của người Tràng An, những bài học lược sử về người HN từ ngày xa xưa cho đến tận bây giờ, từ bãi Phúc Xá Nam cho tới Bãi bồi dưới Long Biên trong suốt cuộc hành trình. Một Hà Nội thật khác với người Kinh Bắc như mình.
Khác với “Trai Ngõ Trạm, Gái Tạm Thương” trong Đi Ngang Hà Nội, bác Nguyễn Ngọc Tiến vẫn vẽ ra một Hà Nội thân khác, thân thương mà kỳ bí…” – Trang Ha Nguyen (Goodreads)
“Nhiều thông tin lý thú kết hợp lối kể dí dỏm, chân thật và đôi chỗ ngụ ý sâu cay tạo nên một tác phẩm gối đầu giường cho những ai muốn hiểu thêm về Hà Nội từ lời ăn tiếng nói đến lịch sử của chốn đô thành.
Đáng có trên giá sách!” – Nguyễn Minh (Goodreads)
“Thú vị như khi rảnh rỗi hứng chí lên ngồi hàng trà đá bờ Hồ, nghe bà bán nước và các chú xe ôm hay mấy ông văn nghệ sĩ phố cổ buôn chuyện vô thưởng vô phạt về từng ngóc ngách và con người Hà Nội.” – Nguyen Mai Chi (Goodreads)
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Tiki theo Link tại đây
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Shopee theo Link tại đây
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Kim Đồng theo Link tại đây

5. Phố
Phố viết về cuộc sống của những người lính trên phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Họ trở về quê nhà sau khi tham gia vào những trận chiến ác liệt nơi chiến trường xưa. Không phải chiến đấu không có nghĩa là cuộc sống dễ dàng với những người lính đã quen với môi trường quân ngũ. Vì kinh tế đất nước đang trong giai đoạn khó khăn, những người lính này phải làm quen với việc kiếm tiền để đảm bảo cuộc sống.
” “Đêm đã khuya.Đêm mùa đông Hà Nội sâu hun hút khiến cho những kẻ mang tâm hồn sôi động nhất cũng bất giác tĩnh lại mà hướng mọi suy nghĩ trôi ngược vào trong mình “
Một Hà Nội hơi chậm chạp bởi những suy nghĩ nặng trĩu, một Hà Nội trìu mến ôm những tâm hồn mơ mộng vào lòng”
“PHỐ vẽ nên một bức tranh về cuộc sống của con người Hà Nội giai đoạn sau chiến tranh, đầu thời kỳ đổi mới. Sở dĩ PHỐ NHÀ BINH trở thành PHỐ, vì nó không còn khắc họa duy nhất cuộc sống của những người lính, mà còn trải rộng ra thêm cuộc sống của cả xã hội thời bấy giờ.
Sau chiến tranh, những người lính đã quen với khói lửa, bom đạn đau thương, sẽ làm gì để mưu sinh?
Chân thành, thẳng thắn, vì nghĩa quên thân, những giá trị cơ bản, nhân văn có còn phù hợp với cuộc sống mới ?
Khi mọi thứ đều chạy theo tiền, con người có còn giữ được những phẩm chất đáng trân trọng mà trong chiến tranh, đau khổ, chúng không hề bị lay chuyển?
Khi bị dồn đến tận cùng của tuyệt vọng, họ sẽ vẫn chống trả quyết liệt, hay phó mặc cho số phận?
Qua các nhân vật chính Nam, Thảo, Lãm, Bình cùng các nhân vật xung quanh như anh công an, chị hàng nước,…Chu Lai đã dựng nên một câu chuyện dữ dội, sâu cay và thấm đẫm tình người, tình đời.
Đến với PHỐ, chúng ta sẽ cảm nhận được sau chiến tranh có những thứ còn đáng sợ hơn cả bom đạn, khói lửa.
Đây là một tác phẩm đáng đọc và suy nghĩ cho những ai muốn hiểu thêm về tình hình xã hội đầu những năm 1990. Hơn thế, PHỐ còn đưa ra những câu hỏi xoay quanh giá trị đạo đức cơ bản của con người mà ngày nay đôi khi chúng ta vẫn còn tự hỏi. Tác phẩm có lẽ sẽ không phù hợp đối với những ai không thích một cốt truyện bi thương.
Nếu muốn thưởng thức PHỐ với một phiên bản viết lại, ít cay đắng hơn, nhẹ nhàng hơn, phim truyện “NGƯỜI HÀ NỘI” phát hành năm 1996 là một lựa chọn phù hợp (có trên youtube).
Đã lâu lắm rồi, mình không được thưởng thức một tác phẩm văn học hay như vậy.
Bài viết đã có đăng trên “Book Review Blog”” – Duc Thinh (Goodreads)
“Lâu lắm rồi mới đọc một cuốn sách hấp dẫn thế này. Từ mở đầu, cho đến cái kết, gần như không có điểm dừng cho người đọc cơ hội để bỏ sách xuống, tất nhiên trừ khi bắt buộc. Câu chuyện xoay quanh gia đình Nam – Thảo, của Lãm, của những nhân vật xung quanh như Loan, Bình, Hùng, Dũng, rồi từ đó bộc lộ những thay đổi đến chóng mặt thời kinh tế mở cửa những năm 90 trên mọi bình diện cuộc sống: từ kinh tế, con người, các thiên giá trị truyền thống. Đổi mới như thác lũ: từ diện mạo những con phố, những căn nhà, tràn cả vào trong từng cá nhân, trong cách suy nghĩ, trong gia đình. Và từ đó những mâu thuẫn, những xung đột bắt đầu nảy sinh, từ ngấm ngầm, nhẹ nhàng như mặt hồ dao động nhẹ, cho đến khi nó lớn như những đợt sóng lớn dội vào mà người ta không đừng được, không ngăn được, và cũng không biết làm sau ngăn được. Truyện không phải là một câu chuyện có cái kết tốt đẹp, mà cái kết của nó khiến người ta phải rùng mình, phải ớn lạnh sống lưng, tự hỏi sao cuộc đời nó bạc bẽo đến thế, để rồi sau đó lại thương xót cho họ: cho Thảo, cho Hùng, cho Lãm, cho tất cả.
Và còn một cái hay nữa, là cách đặc tả rất đạt, rất trúng của Chu Lai: từ miêu tả quang cảnh, cho đến miêu tả nội tâm nhân vật. Nghe cách ông nói về một mùa thu, một mùa đông Hà Nội, mình tin rằng cả những người chưa đến Hà Nội, chưa ra miền Bắc lần nào cũng có thể cảm nhận thoáng qua một cơn gió mùa thu, hay giọt mưa phùn nhẹ mùa đông rơi lất phất là như thế nào. Còn nội tâm nhân vật, thì cũng không quá nhiều, nhưng cách ông diễn đạt, ví von, kết hợp với hành động nhân vật, giúp người đọc nhìn sâu vào được những trăn trở, đớn đau, bế tắc của Thảo, những suy nghĩ, lo lắng của Nam, cả khao khát làm giàu, nhưng quyết giữ được phẩm chất của Lãm, và v.v” – Anh Vũ (Goodreads)
“Nghe tên tác phẩm đã lâu và đã từng xem hết bộ phim Người Hà Nội, nhưng gần đây đi qua tiệm sách cũ, tôi mới tình cờ thấy một cuốn Phố xuất bản từ lâu, giấy đã ố vàng. Dù xem phim hay đọc sách, nhân vật Lãm vẫn được tôi yêu thích nhất. Dáng vẻ ngổ ngáo của anh khi ngồi gặm mía trên vỉa hè, lối trò chuyện cáu bẳn luôn để lại ấn tượng sâu sắc. Bởi vì chúng không che giấu được một trái tim quả cảm và nhân hậu. Đoạn kết khiến tôi hụt hẫng. Khi mà anh trải qua nhiều thử thách, tưởng như đã giành được hạnh phúc cho bản thân và gia đình, lại hi sinh bản thân vì hai kẻ không đáng cứu. Một cái kết buồn cho tất cả mọi người, dù sống hay đã đi xa.” – Nguyen Duc (Goodreads)
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Tiki theo Link tại đây
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Shopee theo Link tại đây
Xem thêm thông tin chi tiết về sách trên Kim Đồng theo Link tại đây

Mai phương