Vũ trụ từ hư không (Lawrence M. Krauss) – Tại sao tồn tại một cái gì đó thay vì không có gì?
Lawrence M. Krauss – tác giả bán chạy nhất và nhà vật lý nổi tiếng đã đưa ra một quan điểm khác biệt về cách mọi thứ tồn tại: “Vũ trụ đến từ đâu? Cái gì ở đó trước đó? Tương lai sẽ mang đến điều gì? Và cuối cùng, tại sao tồn tại một cái gì đó thay vì không có gì?”
Đặt tên cho phụ đề của cuốn sách bằng một câu hỏi “kinh điển”, “Tại sao tồn tại một cái gì đó thay vì không có gì?”, Krauss có tham vọng kết nối những phát hiện lớn lao của khoa học hiện đại với một câu hỏi đã gây sự tò mò cho các nhà thần học, triết gia, các nhà triết học tự nhiên và cả công chúng trong lịch sử.
Cách đặt vấn đề và trình bày của Krauss luôn thể hiện chủ nghĩa mà ông theo đuổi và tôn thờ, chủ nghĩa “nghi ngờ một cách có khoa học”. Nhưng không chỉ dừng lại ở những nghi ngờ “tại sao”, trong lời mở đầu của cuốn sách, tác giả cũng đã lý giải rằng thực ra câu hỏi đơn thuần “tại sao” không hoàn toàn là một câu hỏi hợp lý, vì nó luôn bao hàm cả mục tiêu và luôn khiến người ta không thỏa mãn. Trong khoa học, khi ai đó muốn hỏi “tại sao”, thì thực ra người đó đang muốn trả lời câu hỏi “bằng cách nào” hay “như thế nào”. Đây chính là cách Krauss đã bắt đầu triển khai các ý tưởng của cuốn sách.
Vũ trụ từ hư không có một kết cấu uyển chuyển, đủ để dẫn dắt người đọc phổ thông tiệm cận với khoa học về thiên văn. Krauss đã bắt đầu câu chuyện cuốn hút của mình bằng chương giải thích ngắn gọn về sự ra đời của thuyết Big Bang, giải thích cặn kẽ về sự giãn nở của vũ trụ với những mô tả về nghiên cứu của Edwin Hubble và cách xác định tuổi của vũ trụ. Câu chuyện được tiếp tục với những lý giải về việc tìm ra bức xạ nền vi ba – bằng chứng còn sót lại của Big Bang, rồi cùng các nhà vật lý đến với những nghiên cứu “cân vũ trụ” để cố gắng lý giải cho câu hỏi “vũ trụ phẳng”, “vũ trụ đóng”, hay “vũ trụ mở”
Qua 11 chương sách, tác giả đã đề cập đến cả một hành trình khám phá vũ trụ đầy ấn tượng mà loài người thực hiện trong lịch sử tiến hóa của mình.
Suốt hơn hai nghìn năm qua, câu hỏi, “tại sao tồn tại một cái gì đó thay vì không có gì?” đã luôn hiện diện như một thách thức đối với quan niệm cho rằng vũ trụ của chúng ta – nơi chứa đựng tổ hợp bao la giữa các vì sao, các thiên hà, con người và ai biết còn cái gì nữa – có thể đã sinh ra mà không có một thiết kế, một ý đồ hay mục đích nào. Dù rằng câu hỏi này thường được đóng khung hạn chế như là một câu hỏi triết học hay tôn giáo, thì trước hết và quan trọng nhất đây chính là câu hỏi về tự nhiên vì thế nơi phù hợp để thử thách và giải quyết câu hỏi này, đầu tiên và quan trọng nhất chính là khoa học.
Tạp chí khoa học Nature danh tiếng từng ca ngợi cuốn sách, coi Krauss là người kể chuyện vũ trụ duyên dáng nhất. Clinton Richard Dawkins, một cựu giáo sư Đại học Oxford, một nhà sinh học tiến hóa đã so sánh thành công của cuốn sách này ngang với tác phẩm kinh điển Nguồn gốc các loài của Charles Darwin.
Tất cả những ai quan tâm đến Vật lý học, Vũ trụ học, những ai tò mò Vũ trụ của chúng ta đã bắt đầu như thế nào, và kết thúc ra sao đều nên đọc cuốn sách này.
+ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA:
“Krauss sở hữu một tài năng hiếm có trong việc biến những ý tưởng khó nhằn nhất trong vật lý thiên văn trở nên dễ dàng tiếp cận với những người không có chuyên môn, nhờ một phần ở óc hài hước sắc sảo của ông. Vũ trụ từ hư không quá hay và quá thú vị để chúng ta hy vọng rằng cuốn sách sẽ hấp dẫn không riêng những chiến binh trong các cuộc chiến trí tuệ. Krauss thành thực ngưỡng mộ bản chất ‘cực kỳ lạ lùng’ của thế giới vật chất của chúng ta, và niềm mê say của ông thật có sức lan tỏa” – Associated Press
“Một hướng dẫn rõ ràng, thuyết phục về vũ trụ đang nở rộng của chúng ta. Có nhiều cuốn sách hay về vũ trụ đã được xuất bản gần đây nhưng rất ít trong số đó đã đi xa như thế, và không có cuốn sách nào thuyết phục đến vậy, trong việc khám phá tại sao lại chẳng cần viện dẫn tới Chúa Trời để châm ngòi và đưa vũ trụ vào vận hành”. – Financial Times
“Cái cách các nhà vật lý xây dựng mô hình hiện tại của vũ trụ đủ làm nên một câu chuyện, và nhà vật lý Lawrence M. Krauss đã rất thận trọng và duyên dáng kể câu chuyện đó trong cuốn sách Vũ trụ từ hư không của mình. Rất dễ để câu chuyện vốn tuyệt vời này trở nên tự mãn say sưa, nhưng Krauss đã rất tỉnh táo và ý nhị. Những quan niệm của ông thể hiện cách ông đánh giá mỗi công bố khoa học và khả năng nó có thể đúng đều rất mới mẻ, cái hư không bất ổn định, như mô tả của Krauss. Cũng khiến cho chúng ta hào hứng, bởi trong cái hư không đó vẫn luôn có những điều tuyệt diệu để ngắm nhìn và tìm hiểu” – Nature
“Một hướng dẫn tuyệt vời cho chuyến du hành vào vật lý tiên phong. Như Krauss đã chứng tỏ trong cuốn sách Vũ trụ từ hư không này, một tiến trình nở rộng đang tăng tốc, thực ra là với toàn bộ sự tồn tại của vũ trụ, lại hầu như được điều khiển bởi ‘hư không’. Krauss là một nhà thuyết minh ngoại hạng cho những luận điểm khoa học gian nan, và trọng tâm của cuốn sách này, nơi ông thảo luận chúng ta biết gì về lịch sử vũ trụ – và làm thế nào chúng ta biết được điều ấy – được lập luận rất hoàn hảo.
Cuốn sách chi tiết nhưng rõ ràng, cặn kẽ nhưng không hề tẻ nhạt. Không gian và thời gian quả thực có thể đến từ hư không; hư không như Krauss giải thích thật đẹp, là một trạng thái cực kỳ bất ổn từ đó ‘một cái gì đó’ nhất định phải ra đời. Vũ trụ từ hư không là một cuốn sách lớn: đáng đọc, giàu thông tin và có tính thời sự” – New Scientist
“Cuốn sách quý độc giả đang cầm trên tay – Vũ trụ từ hư không: Tại sao tồn tại một cái gì đó thay vì không có gì? – được hình thành từ nhãn quan nghiêm túc của một nhà khoa học, với bút pháp hóm hỉnh uyển chuyển của một nhà văn, xứng đáng là một tác phẩm xuất sắc trong mạch văn của Krauss, và làm say sưa bất kỳ người đọc nào”. – Tiến sĩ Ngô Đức Thế Đại học Manchester, Vương quốc Anh.
Danh sách
Thông tin về tác giả Lawrence M. Krauss
Lawrence Maxwell Krauss (sinh ngày 27 tháng 5 năm 1954) là một nhà vật lý lý thuyết và vũ trụ học người Mỹ gốc Canada, từng giảng dạy tại Đại học Bang Arizona ,Đại học Yale và Đại học Case Western Reserve .Ông thành lập Dự án Nguồn gốc của ASU, hiện được gọi là Sáng kiến Liên hành tinh ASU, để điều tra các câu hỏi cơ bản về vũ trụ và là giám đốc của dự án.
Krauss là người ủng hộ sự hiểu biết của công chúng về khoa học ,chính sách công dựa trên dữ liệu thực nghiệm đúng đắn ,chủ nghĩa hoài nghi khoa học và giáo dục khoa học .Là một người chống chủ nghĩa ,Krauss tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của thứ mà ông coi là mê tín và giáo điều tôn giáo trong văn hóa đại chúng .
Krauss là tác giả của một số cuốn sách bán chạy nhất, bao gồm The Physics of Star Trek (1995) và A Universe from Nothing (2012), đồng thời chủ trì Bản tin của Ban tài trợ các nhà khoa học nguyên tử .
Sau khi điều tra các cáo buộc về hành vi sai trái tình dục của Krauss, ASU xác định rằng anh ta đã vi phạm chính sách của trường đại học và đã không gia hạn chức vụ giám đốc Dự án Nguồn gốc của mình cho nhiệm kỳ thứ ba vào tháng 7 năm 2018. Krauss tiếp tục là Giáo sư tại ASU cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 5 2019. Anh hiện là Chủ tịch của The Origins Project Foundation và là người dẫn chương trình The Origins Podcast cùng với Lawrence Krauss.
Tổng hợp review sách Vũ trụ từ hư không
Review từ bạn Nguyễn Lan Anh – Tiki, 2021
“Một cuốn sách trong số ít cuốn mình đánh giá cao. Lượng kiến thức vật lý nói chung ở đây cũng cấp không quá khó hiểu nhưng lại đủ làm một người không theo chuyên ngành này choáng ngợp và hứng thú. Tác giả có lối viết khá gần gũi, lập luận dễ hiểu, motip kiểu tuần tự giải thích các khái niệm và ý tưởng, đồng thời chứng minh cho luận điểm cuối cùng cả bản thân ông .Giỏi là ở chỗ, với cuốn sách này ,người không có kiến thức nền (ít) như mình cũng có thể nhận được nhiều kiến thức gây bất ngờ và mình cá là những ai yêu thích vật lý ,vũ trụ sẽ càng nhận được nhiều hơn .Nên mua nhé mn:)))) tuy là mình cảm thấy viết hơi khó hiểu và khó đọc .viết về vật lý nhưng có thông điệp cuộc sống nha.”
Review từ bạn Phan Hữu Việt Minh – Tiki, 2019
“Vũ Trụ Từ Hư Không- Lawrence M.Krauss- Tại sao tồn tại một cái gì đó thay vì không có gì? Suốt hơn hai nghìn năm qua, câu hỏi đã luôn hiện diện như là một thách thức đối với quan niệm cho rằng vũ trụ nay của chúng ta. Một hướng dẫn rõ ràng thuyết phục về vũ trụ đang nở rộng của chúng ta. Cái cách các nhà vật lý xây dựng mô hình hiện tại của vũ trụ đủ làm nên một câu chuyện, và đã rất thận trọng và duyên dáng kể câu chuyện đó đó trong cuốn sách rất dễ câu chuyện vốn tuyệt vời này trở nên tự mãn say sưa đã rất tỉnh táo và ý nhị.”
Review từ bạn Cẩm Vân – Tiki, 2022
“Một cuốn sách rất hay về vũ trụ. Thuyết phục và rõ ràng. Cách hành văn rất cuốn hút”
Review từ bạn Hoàng Khánh Duy – Tiki, 2019
“vũ trụ từ hư không là một quyển sách tuyệt vời nói thêm về những điều tôi chưa từng biết và chưa từng để ý đến, thật tài tình”
Review từ bạn Nhật Huy – Goodreads, 2020
“VŨ TRỤ TỪ HƯ KHÔNG
???? Vũ trụ đi theo con đường của nó dù chúng ta có thích hay không
“Tự nhiên có trí tưởng tượng phong phú hơn loài người rất nhiều”. Chính vì thế chúng ta luôn cảm giác trừu tượng cho thể loại sách khoa học. Quả thật vậy ngay từ tựa đề quyển sách đã chứng minh cho điều đó. “Hư không” theo cách hiểu thông thường của chúng ta đó là không tồn tại bất cứ thứ gì hay một trạng thái nào. Nhưng hư không của vũ trụ lại lấp đầy “vật chất”. Vậy “vật chất” đó là gì? Tại sao cái hư không ấy lại không vĩnh cửu mà nhất định phải tạo ra một điều gì đó? Ở đây tác giả nhấn mạnh vào câu hỏi tại sao. Mà theo ông, ai đặt ra câu hỏi tại sao cho vấn đề nào đó đều có một mục đích mong muốn hiểu “bằng cách nào đó mà vấn đề lại diễn ra theo cách này thay vì cách khác.”
Lawrence trình bày tóm tắt về “lịch sử thuyết bigbang” để chúng ta thấy được sự kinh ngạc của các nhà khoa học và chính chúng ta do vũ trụ mang đến. Chỉ một thế kỷ trước khi nói đến vũ trụ tất cả chúng ta đều nghĩ ngay đến một vũ trụ tĩnh chỉ gói gọn là thiên hà (ngân hà) của chúng ta. Bởi thế làm sao hình dung được cái cảm giác của các nhà thiên văn, vật lý thiên văn khi dần dần khám phá ra rằng vũ trụ rộng lớn hơn sức tưởng tượng của loài người. Nó không hề tĩnh tại mà là đang nở rộng. Thiên hà chứa hệ mặt trời của chúng ta to lớn ư? Ừ, nó to thật nhưng so với vũ trụ chứa hàng tỷ thiên hà và mỗi thiên hà với hàng trăm tỷ sao thì thiên hà của chúng ta cũng chỉ là một “đám bụi” nhỏ bé mà thôi. Cũng xin nói thêm rằng chúng ta chỉ đang nói đến “vũ trụ khả kiến” tức là vũ trụ có thể “đo đạc, quan sát” được.
Khi đọc sách về thiên văn chúng ta dễ đặt câu hỏi “Làm sao mấy bác khoa học gia có thể đo đạc được thời điểm bigbang hay làm sao đo đạc được khoảng cách giữa các thiên hà? Nghe cứ mơ mơ hồ hồ!”. Trong quyển sách này để tiện cho độc giả hiểu về quan điểm của mình, Lawrence trình bày hết sức cơ bản về quang phổ và bức xạ nền vũ trụ – cách mà các nhà thiên văn dùng để tính toán khoảng cách và “độ tuổi” các “vật thể” trong vũ trụ rộng lớn.
Câu chuyện về một Einstein đầy trí tuệ nhưng cũng có lúc “kém tự tin” để rồi phải tự nhận “đó là sai lầm lớn nhất trong đời”. Nhắc đến Einstein chúng ta đều biết đến “thuyết tương đối rộng” một thuyết cho chúng ta hình dung được không thời gian. Ngoài ra trong các phương trình tính toán Einstein nhận thấy vũ trụ đang giãn nở nhưng thời đại Einstein đang sống khoa học đều cho rằng vũ trụ tĩnh thế là để “phù hợp” với quan điểm lúc bấy giờ Einstein đã thêm vào phương trình tính toán của mình một số gọi là “hằng số vũ trụ”. Vậy con số này là đúng hay sai? Một thời gian dài các nhà vật lý bỏ qua nó khi mà Hubble bằng những quan sát thực nghiệm của mình đã chỉ ra các thiên hà đang trôi dạt ra xa chứng minh rằng vũ trụ không hề đứng yên. Thế nhưng “hằng số vũ trụ” vẫn có một vai trò của nó trong việc thách thức các nhà vật lý nghiên cứu vấn đề về vũ trụ “đóng, mở hay phẳng” và nếu chúng ta đang “trôi dạt” thì đang trôi với tốc độ nào. Cái gì đang giữ chúng ta và cái gì đang kéo chúng ta trôi đi?
Phần quan trọng nhất trong quan điểm của Lawrence mà như chính tác giả đã nhấn mạnh “làm sáng tỏ sự hình thành vũ trụ” để có thể hình dung một tương lai cho chúng ta. Một vũ trụ giãn nở sẽ đi đến kết thúc thế nào? Một tương lai khó kiểm chứng nhưng cũng là một tương lai khả dĩ.
Một số “mách nhỏ” nếu bạn muốn đọc quyển sách này:
– Cần một chút kiến thức về cơ học lượng tử, hạt cơ bản (có thể đọc quyển Thế giới lượng tử kỳ bí)
– Cần một chút kiến thức về thiên văn (có thể đọc quyển Nguồn gốc những nỗi hoài niệm về thuở ban đầu)
– Cần một chút khái quát về lịch sử khoa học (có thể đọc quyển Lược sử vạn vật, Lược sử khoa học)
– Một số sách tham khảo thêm để có cái nhìn riêng về quan điểm của tác giả Lawrence (chê/khen): sách của Trịnh Xuân Thuận, Stephen Hawking, Einstein thuyết tương đối dành cho mọi người, tại sao lý thuyết dây.
Và một điều mà theo mình cần lưu ý trước nếu bạn là một tín đồ tôn giáo trước khi đọc quyển sách này xin hãy cởi bỏ quan điểm tôn giáo về vũ trụ. Tiếp cận quyển sách với tư duy cởi mở bạn sẽ không khó chịu khi đọc. Bởi tác giả thỉnh thoảng châm biếm một chút về quan điểm của các nhà thần học:
“Tôi chẳng thấy có chút mục đích nào khi sống trong một Thế Giới được trị vì bởi đấng toàn năng – người không chỉ tạo ra tất cả nguyên tắc mà còn trừng phạt nghiêm khắc những ai không tuân thủ. Tôi cảm thấy sống trong một vũ trụ vô mục đích có khi lại tuyệt vời bội phần, vì nó khiến cho sự ngẫu nhiên tồn tại và ý thức của chúng ta thậm chí đáng quý hơn.””
Review từ bạn Ges – Goodreads, 2022
“Để nói gì đó về cuốn sách này thì nó sẽ tóm gọn trong vài từ: Nó quá tầm so với hiểu biết của tôi!
Đây thực sự là 1 cuốn sách khó nhằn đối với 1 tay mơ, 1 kẻ không có chuyên môn nhưng lại ham tìm hiểu để biết về vũ trụ!…. có thể lý do là do dịch giả dịch không thoát ý (bởi dịch những cuốn sách như thế này không bao giờ là dễ!) Hoặc có thể do bản thân tôi quá gà mờ!….mà tôi nghi là do lý do thứ 2, bởi khi đọc review, nhận xét của những người mua sách trước thì đa phần là khen sách hay, dễ hiểu….đến cái lời tựa của sách cũng có ghi sách phù hợp với những người vốn không có kiến thức về vật lý thiên văn….ok, vậy là tôi quá gà rồi!….cuốn sách không chỉ khó nhằn về những kiến thức vật lý thiên văn, vật lý lượng tử, vật lý hạt, khoa học vũ trụ, toán học….mà còn đưa ra những vấn đề triết học, những trích dẫn dài ngoằng và vô cùng trừu tượng….
Anw, dù sao thì sau khi đọc xong, tôi cũng rút ra đc vài điều cho bản thân….thứ nhất là hiểu biết của bản thân đúng là quá quá vô cùng rất rất nhỏ bé so với cái vũ trụ với 10 mũ 500 thiên hà này (chưa kể là có thể còn có thể có nhiều cái vũ trụ khác nữa )….ngay đến tác giả của cuốn sách còn nhận mình ngu ngốc thì tôi tuổi gì ….
Điều thứ 2 là: trước đây có một cậu bạn của tôi không biết đọc ở đâu và tin rằng các ngôi sao trên trời đang dần biến mất vì một lý do tâm linh thần thánh nào đó (kiểu như mỗi vì sao, mỗi hành tinh vốn là bạn của Trái đất, nhưng vì Trái đất đang ngày càng trở nên xấu xa và độc hại nên những người bạn đang dần bỏ đi – đại loại thế!)…. tôi thấy vớ vẩn hết sức, vì không nghĩ bạn mình tin vào điều đó (cậu này vốn học giỏi nhất lớp, trc từng học Bách Khoa nhé)….và tôi ra sức giải thích rằng sở dĩ giờ không còn nhìn thấy nhiều sao trên trời là do hiệu ứng ô nhiễm ánh sáng đô thị, điều mà trước đây 20 – 30 năm chúng tôi không gặp phải khi còn bé, và rằng các vì sao vẫn luôn ở đó….nhưng xem ra cậu bạn tôi không phải không có lý hoàn toàn! Các vì sao và các thiên hà đang thực sự rời xa nhau theo sự giãn nở của vũ trụ do lực tác động của không gian trống rỗng!…. dù điều này là không thể quan sát đc với thời gian mấy chục năm của kiếp ng, nhưng nó đang thực sự xảy ra….và theo suy đoán của 1 số nhà khoa học thì sau khoảng 1000 tỷ năm nữa, chúng ta sẽ thực sự cô đơn trong vũ trụ do khoảng cách các thiên hà vượt ra ngoài bước sóng ánh sáng chúng ta có thể nhìn thấy….”
Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về Vũ trụ từ hư không
Nếu bạn muốn xem thêm thông tin chi tiết, hoặc đặt mua sách, bạn có thể ghé thăm Tiki theo link ở đây hoặc Kim Đồng theo link ở đây.
Tổng hợp bởi Nguyễn Hằng.