Danh sách
Thiền sư và em bé 5 tuổi (Thích Nhất Hạnh)
Trong lòng chúng ta ai cũng có một em bé đang đau khổ. Ai cũng có một thời gian khó khăn khi còn thơ ấu và nhiều người đã trải qua những chấn động tâm lý, những tổn thương lớn mà vết thương còn lưu lại đến bây giờ. Để tự bảo vệ và phòng hộ trước những khổ đau trong tương lai, chúng ta thường cố quên đi thời gian đau lòng đó. Mỗi khi tiếp xúc với những kinh nghiệm khổ đau ấy, chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ không chịu đựng nổi, sẽ không có khả năng xử lý nên chúng ta nén chặt những cảm xúc và ký ức của mình vào đáy sâu vô thức. Đó có thể là do đã từ lâu chúng ta không đủ can đảm để đối diện với em bé đó.
Cho dù chúng ta bỏ mặc em bé nhưng không có nghĩa là em bé không có ở đó. Cái em bé tổn thương luôn có mặt trong ta và đang cố gắng lôi kéo sự chú ý của ta. Chúng ta muốn chấm dứt những nỗi đau khổ của mình bằng cách nhốt em bé vào một nơi sâu kín trong lòng và cho nó ở đó càng lâu càng tốt. Tuy nhiên trốn tránh không thể chấm dứt được nỗi đau khổ, trái lại chỉ kéo dài nó lâu hơn mà thôi.
Chúng ta đau khổ vì không tiếp xúc được với lòng từ bi và sự hiểu biết. Nếu chúng ta chế tác được năng lượng chánh niệm, hiểu biết và từ bi cho em bé bị tổn thương của chúng ta, chúng ta sẽ ít đau khổ hơn. Khi chúng ta chế tác được chánh niệm thì từ bi và cảm thông là điều ta có thể đạt được và chúng ta có thể cho phép những người khác thương mình.
Trước đây, chúng ta nghi ngờ mọi người, nghi ngờ tất cả. Tuy nhiên, lòng từ bi giúp chúng ta liên hệ được với những người khác và thiết lập lại sự kết nối.
Những người chung quanh ta, gia đình và bạn bè, có thể cũng có một vài em bé bị tổn thương trong họ. Nếu chúng ta thực tập và giúp được cho chính mình, chúng ta cũng có thể giúp được cho họ. Khi chúng ta chữa trị được cho chính mình thì những mối quan hệ của chúng ta với những người khác sẽ trở nên dễ dàng hơn. Sẽ có nhiều an lạc và tình thương hơn.
Hãy quay về chăm sóc chính mình. Thân thể của ta, những cảm nhận của ta và những tri giác của ta đang cần ta. Em bé bị tổn thương trong ta đang cần ta. Nỗi khổ niềm đau của ta cần ta công nhận. Hãy trở về ngôi nhà của chính mình và có mặt cho tất cả những điều đó. Thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm, làm tất cả các công việc trong chánh niệm là ta có khả năng có mặt thực sự, nhờ đó ta lại có thể yêu thương.

Thông tin về tác giả Thích Nhất Hạnh
Thích Nhất Hạnh là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở phương Tây và tích cực thúc đẩy hòa bình trên khắp thế giới.
Thiền sư sinh ra ở Huế, đến năm 16 tuổi thì xuất gia theo Thiền tông tại chùa Từ hiếu và chính thức trở thành nhà sư vào năm 23 tuổi. Không chỉ là một thiền sư, Thích Nhất hạnh còn là một giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và người vận động cho hòa bình.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” với quan điểm “Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn. Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền.”
Ngoài Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, thiền sư Thích Nhất Hạnh còn là tác giả của hơn 100 cuốn sách khác. Những cái tên quen thuộc với bạn đọc Việt Nam có thể kể tới Đường xưa mây trắng, Hạnh phúc cầm tay, Trái tim của Bụt, Hạnh phúc đích thực,..

Tổng hợp review sách Thiền sư và em bé 5 tuổi
Review từ bạn MyNguyen1709 – Goodreads, 2/2021
“Cuốn sách này đã giúp chữa lành rất nhiều cho em bé bên trong của mình. Có những mối quan hệ, những tổn thương từng xảy ra trong quá khứ nhưng mình đã chọn lơ đi, mình cất đi, mình nghĩ mình ổn và mình nghĩ mình có thể tiếp tục cuộc sống tích cực. Khi có cơ duyên đọc cuốn sách này, khi dành thời gian cho em bé đó của chính mình, mình đã đủ can đảm để đối diện với một vài sự việc khá nghiêm trọng trong quá khứ. Mình đã ngồi với em bé đó, mình đã khóc với em, mình đã vỗ về và yêu thương em, không còn trách móc em. Mình thấy tình yêu của mình nhiều hơn, nhìn rõ hơn những việc mình cần làm để chấm dứt những khổ đau, để mình không chỉ chuyển hóa cho bản thân mà cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và cả những người gần gũi mình nhất, để mình không tiếp tục trao truyền cho thế hệ sau. Không hẳn mình dám đối mặt với người đó một cách hoàn toàn bình thường trong hiện tại, nhưng chí ít mình đã làm lành với quá khứ của mình và người đó.”
Review từ bạn Vui Lên – Goodreads, 11/2017
“Trải nghiệm đọc sách vẫn là một hành trình thú vị để chúng ta có thể nhìn lại những tổn thương có từ quá khứ, nguồn gốc của tổn thương và lí do mà người khác tạo ra cho ta những tổn thương này.
Cách viết của thầy thì luôn nhẹ nhàng, bình an, giản dị nhưng… không dễ thực hành. Hồi xưa mình thấy thích cách thầy dạy và dẫn thì thấy nó đơn giản, nhưng nhìn qua nhìn lại thì thấy không nhiều người thực hành tốt được. Đó là cái hay mà cũng là cái dở trong việc tạo ra những tác phẩm đơn giản để tiếp cận với đại chúng.
Tuy vậy, cuốn này chỉ nên đọc khi bạn đã đọc một số đầu sách của thầy Thích Nhất Hạnh hoặc đã có một chút kiến thức về chữa lành. Còn không mình sợ sẽ khó phát huy tác dụng.”
Review từ bạn Cuong Khong – Goodreads, 1/2022
“THỰC TẬP MƯỜI SÁU QUÁN NIỆM HƠI THỞ
1. QUÁN THÂN
Bài tập thứ nhất: Nhận diện hơi thở
Thở vào, tôi biết đây là hơi thở vào
Thở ra, tôi biết đây là hơi thở ra.
Bài tập thứ hai: Đi theo hơi thở
Thở vào một hơi dài hoặc một hơi ngắn tôi biết rằng hơi thở của mình dài hay ngắn
Thở ra một hơi dài hoặc một hơi ngắn tôi biết hơi thở của mình dài hay ngắn
Bài tập thứ ba: Ý thức toàn thân
Thở vào tôi ý thức được toàn thân tôi
Thở ra tôi biết hình hài tôi có đó.
Bài tập thứ tư: Buông thư toàn thân
Tôi đang thở vào và làm cho toàn thân tôi an tịnh
Tôi đang thở ra và làm cho toàn thân tôi an tịnh
1. QUÁN CẢM THỌ
Bài tập thứ năm: Chế tác mừng vui
Tôi đang thở vào và cảm thấy mừng vui
Tôi đang thở ra và cảm thấy mừng vui
Bài tập thứ sáu: Chế tác hạnh phúc
Tôi đang thở vào và cảm thấy an lạc
Tôi đang thở ra và cảm thấy an lạc
Bụt đã dạy cho chúng Tôi rất nhiều phương pháp để đem lại cảm giác mừng vui, hạnh phúc. Bất cứ lúc nào, nếu muốn là mình có thể có niềm vui, mình có thể có hạnh phúc ngay được. Hay như vậy đó! Và đây là những phương pháp: Ly sinh hỷ lạc; Niệm sinh hỷ lạc: Thở vào tôi ý thức về trái tim của tôi. Tôi ý thức rõ sự có mặt của trái tim tôi. Thở ra tôi biết trái tim tôi là một trái tim bình thường, mạnh khỏe.; Định sinh hỷ lạc; Tuệ sinh hỷ lạc.
Bài tập thứ bảy: Nhận diện niềm đau
Tôi đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong tôi
Tôi đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong tôi
Bài tập thứ tám: Ôm lấy niềm đau
Tôi đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong tôi được an tịnh
Tôi đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong tôi được an tịnh
…Con xin lạy Bụt
Đã ban cho con
Giáo pháp nhiệm mầu
Giúp con nuôi dưỡng
Tình nghĩa, hạnh phúc
Nụ cười, niềm tin
Dạy con biết thở
Ôm lấy niềm đau
Những lúc tâm con
Tham đắm, giận hờn
Si mê, ganh tỵ…
III. QUÁN TÂM
Bài tập thứ chín: Nhận diện tâm
Tôi đang thở vào và có ý thức về tâm ý tôi
Tôi đang thở ra và có ý thức về tâm ý tôi
Bài tập thứ mười: Làm cho tâm hoan lạc
Tôi đang thở vào và làm cho tâm ý Tôi hoan lạc
Tôi đang thở ra và làm cho tâm ý Tôi hoan lạc
Mục đích của bài thực tập này là làm cho tâm hoan lạc. Mình rất cần năng lượng để tiếp tục thực tập. Cho nên phải nhận diện tâm và làm cho tâm phấn chấn, tươi vui. Bài thực tập này là sự tiếp nối của bài thực tập thứ năm và thứ sáu nhưng nó đi sâu hơn vào những tâm hành khác. Nó cũng liên hệ tới Tứ Chánh Cần.
Bài tập thứ mười một và mười hai
Tôi đang thở vào và thu nhiếp tâm ý Tôi vào định
Tôi đang thở ra và thu nhiếp tâm ý Tôi vào định
Định có nhiều loại định: Định về không, định vô thường, định vô ngã, định tương tức, vô tướng, vô tác.. biết bao nhiêu là định. Chỉ cần có định thì phiền não sẽ bị đốt cháy. Nhiệm vụ của hơi thở thứ mười một là đưa tâm vào định, đưa tâm vào định thật ra không khó khăn gì mấy, khi định tâm hùng hậu thì nó bắt đầu đốt cháy những phiền não, tháo bỏ những sợi dây trói buộc.
Thở vào tôi quán chiếu để thấy được sau 300 năm nữa thì tôi sẽ trở thành cái gì?
Thở ra tôi quán chiếu cái người đứng trước mặt tôi sau 300 năm nữa sẽ trở thành cái gì?
Mà định vô thường đâu cần tới 300 năm. Chỉ cần vài chục năm nữa là mình và người kia đã thành tro cả rồi. Thấy thế thì tội gì mà lại đi giận nhau? Mình chỉ có mấy chục năm để chơi với nhau thôi, vậy mà bây giờ hai đứa giận nhau, muốn làm khổ nhau thì đó là chuyện rất là ngu dốt. Và mình chỉ cần cái định đó trong vòng hai giây thôi là cơn giận hờn kia nó Tôin biến. Khi mở mắt ra mình chỉ muốn ôm người đó vào lòng. Biết em còn sống anh mừng quá đi. Biết con còn sống mẹ mừng quá đi. Biết bố còn sống con mừng quá đi.
1. QUÁN PHÁP
Bài tập thứ mười hai: Cởi trói cho tâm giải thoát
Tôi đang thở vào và cởi mở cho tâm ý tôi được giải thoát tự do
Tôi đang thở ra và cởi mở cho tâm ý tôi được giải thoát tự do
Tâm mình nó bị những sợi dây ràng buộc. Sợi dây sân hận, thù oán, tuyệt vọng làm cho mình đau khổ. Nhờ những cái định đó mà mình đốt cháy, mình tháo gỡ được, cởi trói được cho tâm, đó gọi là tâm giải thoát. Giống với hơi thở thứ chín và thứ mười, hơi thở thứ mười một và mười hai cũng thuộc về tâm hành.
Bài tập thứ mười ba: Quán chiếu về vô thường
Tôi đang thở vào và quán chiếu về tính vô thường của vạn pháp
Tôi đang thở ra và quán chiếu về tính vô thường của vạn pháp
Với hơi thở thứ mười ba mình đi sang lĩnh vực của tri giác. Khi nhìn cây bút mình biết đây là cây bút, đó là một tri giác. Danh từ chuyên môn là Tưởng, Tưởng là một tri giác. Tưởng là một trong năm uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức – năm yếu tố tạo nên cơ thể. Chữ Tưởng想 trong chữ Hán có chữ tướng 相 ở trên (tướng mạo). Mình nhận diện được cây bút vì nó có tướng mạo của cây bút. Mình nhận diện được bông hoa vì có tướng mạo của bông hoa. Nhờ nó có cái tướng cho nên mình tưởng được và phần dưới là chữ tâm 心. Cái tâm nhận ra được cái tướng đó nên gọi là tưởng (tri giác). Tri giác của mình có thể là sai lầm. Thấy sợi dây mà tưởng là con rắn. Tri giác sai lầm gọi là vọng tưởng. Mình khổ là vì vọng tưởng. Vì vậy mục đích tối hậu của đạo Bụt là đào gốc vọng tưởng liệng đi hết. Bốn hơi thở cuối có liên hệ tới tri giác. Và tri giác là một trong 51 tâm hành.
Quán chiếu vô thường : Khi nhìn vào hình hài của mình, mình thấy nó là một dòng sông. Mỗi tế bào là một giọt nước. Mình thấy hình hài của mình không phải là một cái bất động mà là một dòng chuyển biến, qua đó mình thấy được tự tính vô thường, thấy được sự chuyển biến của cơ thể.
Bài tập thứ mười bốn: Quán chiếu vô dục
Tôi đang thở vào và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp
Tôi đang thở ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp
Không biết rõ ái dục
Mới vướng vào ái dục
Tâm ái dục không sinh
Ai quyến rũ được mình
Mình là người tự do. Người tự do thì có hạnh phúc, không có tự do thì không có hạnh phúc. Là một người tu, cái quan trọng nhất chính là tự do.
Bài tập thứ mười lăm: Quán chiếu vô sinh, Niết bàn
Tôi đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp
Tôi đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp
Bài tập thứ mười sáu: Quán chiếu buông bỏ
Tôi đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ
Tôi đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ
Đây là cốt lõi của sự sống. Mình cần phải học hỏi thêm và phải đem áp dụng cho được vào đời sống hằng ngày thì cái hiểu của mình mới càng ngày càng sáng rõ.”
Review từ bạn kwinsea – Goodreads, 3/2021
“Qua những gì thầy trao truyền, đạo Phật trở nên một giáo lý dễ hiểu, gần gũi, khả năng được thực hành cũng cao hơn. Chẳng còn vách ngăn nào giữa các tôn giáo, chỉ tồn tại sự cộng sinh của muôn loài. Mỗi quyển sách thầy viết chứa đựng toàn tình thương, dù đọc mà như đang được lắng nghe, thấy mọi thứ sao mà trở nên bé nhỏ vô chừng, tới ứa cả nước mắt. Cầu cho mọi đứa trẻ bên trong mỗi người luôn được ôm ấp và cùng ta trưởng thành mà không sợ hãi, hơn nữa có thể lan tỏa tâm từ, khi tâm từ ấy mở ra, mọi khổ đau sẽ khép lại.”
Review từ bạn Duong Thuy Le Trang – Goodreads, 12/2021
“Chữa lành Đứa Trẻ Bên Trong không giống như bạn băng bó vết thương cho lành, nó đúng hơn là quá trình chuyển khoá từ vô minh, sang hiểu biết, từ sợ hãi sang yêu thương, từ đau khổ sang hạnh phúc, từ chống đối sang nên một và từ xáo động về an yên.
Điều kỳ diệu là hành trình chuyển hoá ấy nghe có vẻ khó khăn ấy lại đến những hơi thở của ý thức và của hiện diện.”
Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về sách Thiền sư và em bé 5 tuổi. Nếu bạn muốn xem thông tin chi tiết hoặc mua sách bạn có thể ghé thăm Tiki theo link ở đây hoặc Kim Đồng theo link ở đây.
Tổng hợp bởi Đậu