Review Tâm lí học về tiền

Xem thông tin về nội dung sách trên Tiki qua link ở đây hoặc Kim Đồng qua link ở đây.

tam-ly-hoc-ve-tien-30072022-min
Ảnh: Giaimacuocdoi.org

Review từ Vui Lên – Goodreads, 2021

“Đọc lại lần 02 để làm booktalk, phân tích sách với bà con.

Lần 02 này mình đã không còn nhiều ấn tượng mạnh như lần đầu. Lần trước nghe sách nói thấy mượt mà, lần này đọc kỹ thì thấy chất lượng dịch cũng vừa phải, hơi khó đọc một tẹo.

Đọc sách nên thấy nhiều vấn đề lập luận. Nhiều nhận bị lặp. Tuy vậy đây vẫn là một cuốn sách hay với nhiều bài học thú vị, mới mẻ, quan trọng về mối quan hệ của chúng ta với tiền.

—-

29/9/2021

Cuốn sách nên đọc nếu bạn nào muốn tìm hiểu về đầu tư tài chính dưới góc độ cá nhân.

Mình đọc sách… tò mò là chủ yếu. Vì hổng hiểu người ta viết tâm lý về tiền là viết cái gì, hoá ra là mối quan hệ với tiền. Cũng là một cách tiếp cận hay ho, thú vị.

Sách viết dễ hiểu, ai cũng có thể đọc được. Mình cũng học thêm được nhiều điều mới mới về tự do, về tiết kiệm, về vai trò của may mắn trong mỗi thành công, thất bại. Tác giả cũng có khiếu hài hước nên trải nghiệm đọc của mình cũng thú vị hơn. Mỗi chương đều làm tốt vai trò cung cấp thêm cho độc giả những góc nhìn hữu ích để có thêm sự hiểu biết và tự tin với những quyết định đầu tư.’’

Review từ Duy Nguyen – Goodreads, 2021

“Cho 4 sao là vì bản dịch nhiều câu hỏi khó hiểu ở lần đọc đầu tiên.

Đây là cuốn sách tuyệt vời cho ai quan tâm đến tài chính cá nhân, hiểu rõ hơn tâm lý liên quan đến tiền, tài chính và tầm quan trọng – hay bị ngó lơ- của tiết kiệm.” 

Review từ Quang – Goodreads, 2022

“Một cuốn sách khó đọc hơn mình tưởng.

Cuốn sách có những câu chuyện minh hoạ để chứng minh người ta nghĩ và xài tiền chưa chắc dựa trên kinh nghiệm và kiến thức mà chỉ đơn thuần dựa trên tâm lý chung mà ai cũng có: lòng tham, kỳ vọng, hối tiếc. Những cảm xúc đó là những bàn tay vô hình kéo dẫn người ta tới một là đỉnh cao tiền tài, hai là hố sâu của nghèo đói. Ngoài ra, cuốn sách là một nguồn tư liệu, nguồn quan điểm khá đa dạng cho những ai nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng tới việc tiêu xài như sự thúc đẩy của lòng tham, FOMO, rủi ro, ảo tưởng…

Tâm lý là một chủ đề khó tiếp thu. Tiền là một chủ đề phức tạp. Combo hai cái này thì nó xoắn não đến cỡ nào, đòi hỏi người đọc không chỉ có kiến thức nền tảng sẵn về kinh tế và đầu tư mà thậm chí người đọc phải có cả trải nghiệm thực tế thì may ra hiểu cuốn này đang nói gì.

Một người thiếu cả hai cái thứ đó như mình đọc với tâm trí tò mò liệu có lượm nhặt được gì để có thể làm giàu, hoặc ít nhất là hiểu tại sao mãi chưa giàu. Đọc xong chỉ đọng lại được chưa tới 5% nội dung. Cái 5% đó chắc dừng ở chương nói về chủ nghĩa bi quan trong đầu tư. Cái đó áp dụng được trong tài chính và cả trong cuộc sống nên phần nào liên tưởng được.

Thôi, bỏ vô mục “hẹn 5 năm sau” vậy.”

Review từ Nguyễn Thái Khâm – Goodreads, 2021

“Một quyển sách ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, nhiều đoạn khá hài hước và rất hay.

Ban đầu cứ tưởng nói về “tâm lý” và “tiền” là các các chủ đề khô khan, nhưng tác giả bằng những đúc kết, trải nghiệm cá nhân đã chỉ cho người đọc thấy những nghịch lý, những “ẩn giấu” đằng sau các quy luật về tài chính, tiền tệ mà chả mấy ai “thổ lộ” cho chúng ta nghe. Chúng ta đa phần bị dẫn dắt bởi truyền thông, bởi những hình ảnh hào nhoáng bên ngoài và sự tự tin giả tạo…’’

Review từ Thuy Duyen – Goodreads, 2021

“”Tâm lý học về tiền” mình biết được là do nghe podcast của Kiên Trần, anh ấy cũng đã tóm tắt sơ qua về hai chương đầu của cuốn sách. Lúc đó mình không nghĩ nó sẽ được 1980Books thầu nhanh đến vậy. Mình vẫn còn bỡ ngỡ khi thấy tác giả đề cập về đại dịch Covid 19, vì nó mới quá, bình thường sách mình đọc chưa update được tới ngày con Corona virus hoành hành.

Phần đầu của cuốn sách khá dễ đọc đối với người không theo chuyên sâu về tài chính nhưng càng về cuối càng khó vì nó liên quan đến kiến thức chuyên ngành. Anyway, càng khó thì mình càng đâm đầu vào, vì phàm những cuốn càng khó đọc thì sẽ mang lại cho bạn nhiều kiến thức nhất. Cuốn này tác giả sẽ đưa ra những case study của rất nhiều người trong ngành tài chính để minh họa. Và từ đó tác giả rút ra bài học cũng như phân tích những lỗi tài chính mà chúng ta hay gặp phải.

Trước kia tôi có nói chuyện với bạn tôi làm ngân hàng rằng: “Sao tôi thấy nay nhiều người giàu quá, họ đến chở con đi học toàn ô tô thôi?”. Cơ mà bạn tôi lại tạt cho tôi một gáo nước lạnh: “Cũng chưa chắc đâu ấy ơi, còn phải xem lịch sử nợ của người ấy nữa”. Vậy nên của cải và giàu có là thứ chúng ta không thể nhìn thấy được.

Hôm bữa chị đồng nghiệp của tôi bảo: Có cuốn sách nào dạy làm giàu nhanh không em? Giờ chị chỉ cần giàu nhanh thôi. Thế nhưng easy come easy go, cái nào dễ đến thì cũng dễ đi. Cái gọi là làm giàu nhanh thì cũng chỉ là do may mắn thôi. Sự may mắn đó khiến họ nghĩ mình bất khả chiến bại và tự mãn. Mình cũng hay được mẹ kể cho vài người ban ngày bán quán, ban đêm đánh bạc. Họ càng dễ dàng kiếm được tiền thì họ sẽ càng đam mê những trò may rủi và nướng hết tất cả số tiền mình có để thỏa mãn máu đỏ đen. Từ đó ta thấy rằng kiếm tiền và giữ tiền là hai kỹ năng khác biệt nhau.

Và còn nhiều thứ hay ho khác nữa mà mình không tiện review chi tiết. Nếu bạn quan tâm thì nên tìm đọc.’’

Review từ Thuỷ Sún – Goodreads, 2022

“1. Một thiên tài không kiểm soát được cảm xúc của anh ta có thể dẫn tới một thảm họa tài chính…Liệu còn ngành công nghiệp nào khác có trường hợp một ai đó không có bằng cấp, không được đào tạo, không có lý lịch tốt, không có kinh nghiệm và không có một chút mối quan hệ nào lại chiến thắng một người được hưởng nền giáo dục tốt nhất, trải qua những khóa đào tạo tốt nhất, và có các mối quan hệ tốt nhất? Tôi khó mà nghĩ ra được.

  1. Mọi người đến từ những thế hệ khác nhau, được nuôi dạy bởi những bậc phụ huynh khác nhau với những khoản thu nhập khác nhau và coi trọng những giá trị khác nhau, ở những phần khác nhau trên thế giới, được sinh ra trong những nền kinh tế khác nhau, trải nghiệm những thị trường việc làm khác nhau với những mục đích và mức độ may mắn khác nhau, học những bài học khác nhau. Ai cũng có trải nghiệm đặc biệt riêng với cách mà thế giới vận hành

=> Điều có vẻ điên rồ với bạn, lại có thể rất hợp lý với tôi.

  1. Không có điều gì tốt hay xấu như vẻ bề ngoài của nó cả.
  2. Có phải những công ty thất bại đã không nỗ lực đủ hay không? Có phải những phi vụ đầu tư tồi tệ đã không được suy nghĩ thấu đáo hay không? Có phải những sự nghiệp thụt lùi là do sự lười biếng hay không? Đôi khi đúng vậy, tất nhiên rồi.
  3. Hãy cẩn thận trong việc lựa chọn người để tung hô và ngưỡng mộ. Hãy cẩn thận khi coi thường và mong muốn tránh không trở thành một ai đó.
  4. Họ đã có mọi thứ: tài sản kếch xù, tiếng tăm, quyền lực, sự tự do. Và họ ném tất cả mọi thứ đi chỉ vì họ muốn hơn nữa.

=> Không có lý do gì phải đánh liều điều bạn có và cần cho điều bạn không có và không cần đến.

  1. Không cần một thế lực lớn để tạo ra một kết quả lớn. Nếu một thứ gì đó được tích tụ lại, nếu một chút tăng trưởng được sử dụng như nhiên liệu dành cho sự phát triển của tương lai thì một nền tảng ban đầu nhỏ nhoi cũng có thể dẫn tới kết quả vĩ đại đến mức có vẻ đi ngược với logic.
  2. Đầu tư tốt không nhất thiết là để kiếm được lợi nhuận cao nhất, bởi vì lợi nhuận cao nhất thường có xu hướng trở thành một trong những lần đột há không thể lặp lại được. Mục tiêu nên là kiếm được lợi nhuận tốt mà bạn có thể nắm giữ và có thể lặp lại trong khoảng thời gian dài nhất.

=> Làm giàu không khó, duy trì sự giàu có mới khó ^^

  1. Đầu tư tốt không nhất thiết phải đưa ra những quyết định đúng đắn. Mục tiêu ở đây là thường xuyên không làm hỏng mọi chuyện.
  2. Trồng những cây sồi, một năm tăng trưởng sẽ không bao giờ thể hiện quá nhiều sự lớn mạnh, 10 năm có thể tạo ra một sự khác biệt nhất định, và 50 năm có thể tạo ra một thứ gì đó cực kỳ choáng ngợp.
  3. Lên kế hoạch là việc quan trọng, nhưng phần quan trọng nhất của mỗi kế hoạch, đó là lên kế hoạch cho trường hợp kế hoạch không đi theo đúng kế hoạch. => Chừa chỗ cho sai lầm.
  4. Việc quan trọng không phải bạn đúng hay sai, mà quan trọng là bạn kiếm được bao nhiêu tiền khi đúng và mất bao nhiêu khi sai. Bạn có thể mắc sai lầm phân nửa thời gian mà vẫn kiếm được bội tiền.
  5. Dạng thức cao nhất của sự giàu có là khả năng thức dậy vào mỗi sáng và nói “Tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn vào ngày hôm nay”. Khả năng làm điều mà bạn muốn, khi bạn muốn, với người bạn muốn, trong khoảng thời gian bạn muốn, là vô giá. => Khả năng kiểm soát thời gian là khoản cổ tức cao nhất mà tiền bạc mang lại.
  6. ”Con có thể sẽ nghĩ rằng con muốn một chiếc ô tô đắt tiền, một chiếc đồng hồ xa xỉ, và một căn nhà lớn. Nhưng để cha nói con nghe, thực tế không phải vậy. Điều con muốn là sự tôn trọng và ngưỡng mộ đến từ những người khác, và con nghĩ rằng việc sở hữu những món đồ đắt giá sẽ mang lại điều đó. Nó hầu như không bao giờ là thật, đặc biệt từ những người mà con muốn tôn trọng và ngưỡng mộ con”. Sự khiêm nhường, lòng tốt, và sự vị tha sẽ mang cho bạn nhiều sự tôn trọng hơn.
  7. Tiêu tiền để khoe mẽ với người khác là cách nhanh nhất để làm vơi đi túi tiền của bạn. Nếu bạn tiêu tiền cho mọi thứ, đến cuối cùng bạn sẽ chỉ còn đồ vật chứ không còn tiền =)))

=> Bớt cái tôi đi, tăng thêm của cải.

  1. Thế giới đầy rẫy những người có vẻ ngoài khiêm tốn nhưng lại thực chất sở hữu nhiều của cải và những người trông giàu có nhưng lại đang sống ở bờ vực vỡ nợ.
  2. Vượt qua một mức độ thu nhập nhất định thì con người rơi vào ba nhóm: Những người tiết kiệm, những người không nghĩ rằng họ có thể tiết kiệm, và những người không nghĩ rằng họ cần tiết kiệm.
  3. Khoản tiết kiệm có thể tạo ra bằng cách tiêu ít hơn

Bạn có thể tiêu ít đi nếu bạn khát khao ít hơn. Và bạn sẽ khát khao ít hơn nếu bạn bớt quan tâm về điều mà những người khác nghĩ về bạn.

  1. Trong một thế giới mà trí tuệ trở nên siêu cạnh tranh và rất nhiều kỹ năng công nghệ trước đây giờ đã được tự động hoá, thì những lợi thế cạnh tranh lại nghiêng về những kỹ năng mềm như giao tiếp, khả năng đồng cảm, và có lẽ quang trọng hơn cả là sự linh hoạt.
  2. Bốn từ nguy hiểm nhất trong đồng tư là “lần này thì khác”.
  3. Nói rằng chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao là một chuyện. Nhưng việc thừa nhận rằng bạn, bản thân bạn, ở thời điểm hiện tại không biết được mình sẽ muốn gì trong tương lai lại là chuyện khác.
  4. Ở mọi thời điểm trong sự nghiệp của bạn, hãy nhắm đến việc có được một khoản tiết kiệm trung bình hằng năm, lượng thời gian rảnh trung bình, không phải di chuyển nhiều hơn mức trung bình, và ít nhất có khoảng thời gian trung bình dành cho gia đình, tăng tỷ lệ gắn bó với một kế hoạch và tránh được việc hối hận bất cứ điều nào trong số này rời vào phía cực đoan.
  5. Mọi công việc đều trông dễ dàng khi bạn không phải là người thực hiện nó.
  6. Trong đầu tư bạn phải xác định được giá trị của thành công, sự biến động và thất thoát giữa những chặng nghỉ dài của sự tăng trưởng, và sẵn sàng chi trả cho nó.
  7. Trông đợi mọi thứ trở nên tồi tệ là cách tốt nhất để được ngạc nhiên một cách mừng rỡ khi chúng không xảy ra.
  8. Mọi người đều có một cái nhìn không hoàn chỉnh về thế giới. Nhưng chúng tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh để lấp đầy lỗ trống đó.
  9. Rủi ro là điều còn sót lại khi bạn nghĩ bạn đã nghĩ hết mọi thứ rồi.
  10. Không có câu trả lời nào đúng đắn, chỉ có những câu trả lời phù hợp với bạn. Điều mang lại hiệu quả cho người này chưa chắc đã tốt với người kia.” 

Review từ Nguyễn Quốc Nam – Goodreads, 2021

“Tâm lý học về tiền chỉ cho chúng ta cách hành xử cần thiết với tiền để có 1 cuộc sống thịnh vượng

Mỗi người 1 quan điểm, 1 hoàn cảnh xuất phát và 1 góc nhìn nên không có ai điên rồ cả

May mắn và rủi ro là 2 người bạn đồng hành và cái gì mà rủi ro thì có cơ hội cao, cái gì ít rủi ro thì cơ hội thấp hơn, bên cạnh đó là may mắn, nó chỉ đóng 1 yếu tố nhỏ trong sự thành công của bạn

Sự biết đủ của mỗi người là một khác nhau, con người ta sau khi đạt được một ngưỡng nhất định thì sẽ có xu hướng muốn đạt đến đỉnh cao hơn và vòng tròn đó luôn lặp đi lặp lại. Cần biết điểm dừng của mỗi người và là như nào là đủ để cuộc sống hạnh phúc và thoải mái hơn

Thời gian là câu trả lời hay nhất cho mọi bài toán tiết kiệm và đầu tư. Quá trình tích lũy của mỗi người là diễn ra hằng ngày, cả về tiền bạc và kiến thực nên chúng ta cần duy trì quá trình đó để một lúc nào đó sự tích lũy sẽ tạo ra sự khác biệt và chấn động tất cả

Làm giàu là một việc khó nhưng duy trì sự giàu có đó là một việc không dễ dàng gì, vì rất nhiều tỷ phú trên thế giới đã làm giàu rất nhanh nhưng cũng suy sụp một cách chóng vánh, vì họ không biết được cách duy trì sự giàu có đó

Khi sử dụng tiền bạc hay đầu tư, bạn có thể thua nhiều lần hơn thắng nhưng nếu thắng những lần lớn với tỷ suất cao thì bạn vẫn là người thắng cuộc

Cái con người ta cần hướng đến không phải là tiền bạc hay nhiều của cải mà là sự tự do về thời gian, tự do về tâm hồn và con người của mỗi người. Để chúng ta sống không phải bó hẹp hay phụ thuộc vào bất cứ điều gì

Những người đàn ông trong ô tô tưởng là giàu nhưng thực tế ra thì chắc được điều đó vì có thể họ còn phải đối mặt với rất nhiều khoản nợ để thỏa mãn thói khoe khoang và sống xa hoa của họ

Cho dù bạn kiếm tiền bao nhiêu nhưng việc cần thiết để duy trì sự giàu có đó là sự tiết kiệm, tiết kiệm không cần lý do và có 1 lúc nào đó chúng ta sẽ phải cần tới khoản tiết kiệm đó và tiết kiệm để tích lũy được nhiều hơn

Đôi khi vài câu chuyện xảy ra là logic, có lý nhưng sự hợp lý của mỗi người mới là sự cần thiết. Với lãi suất ngân hàng thấp thì lời khuyên được đưa ra là hãy vay ngân hàng để mua nhà và dùng tiền còn dư thừa để đầu tư các khoản lợi nhuận khác, tuy nhiên 2 vợ chồng tác giả quyết định là mua nhà và không đi vay. Đó là sự hợp lý và đúng của 2 người. Chỉ cần có thể

Mỗi 1 việc hay hoàn cảnh xảy ra thì đều có những sai lầm mà không thể nào dự báo trước được nên cần chuẩn bị cho những kế hoạch mà kế hoạch ban đầu không xảy ra như kế hoạch

Qua thời gian thì mỗi người 1 khác, quan điểm sống, cách sống, cách nhìn nhận vấn đề và khao khát khác nhau nên chúng ta cần thích nghi với thời gian và có những mục tiêu mới trong cuộc sống theo thời gian

Cái gì cũng có giá của nó, cái giá của sự giàu sang là phải cày sâu cuốc bẫm, cần cù chăm chỉ, tư duy sáng tạo trong một thời gian dài. Cái giá của sự lười biếng và nghèo khó và tù túng. Mọi công việc đều dễ dàng khi bạn không phải là người thực hiện nó. Cho nên là bắt tay vào việc đi chứ đừng ngồi đó mà nói nữa

Xuyên suốt sách là bài học về cách hành xử với đồng tiền để chúng ta có cách tiệm cận đúng hơn và đạt được những điều ta muốn với tiền.”

Review từ Việt Trung Nguyễn – Goodreads, 2021

“Một cuốn sách xuất sắc!

Bạn là một người theo đuổi kinh tế, hoặc là người tìm hiểu kinh tế vì sở thích hay dù bạn không phải là người đam mê kinh tế thì cuốn sách này của Morgan Housel cũng là một địa chỉ phù hợp để bạn có thể thưởng thức cho mình một bữa tiệc 19 món này.

The Psychology of Money thoạt tiên sẽ là cái tên có thể ngáng đường bạn nếu như kinh tế hay tài chính không phải là một trong những điều bạn để tâm, nhưng tin tôi đi, nếu như bạn không dành hàng giờ liên tục cuốn theo từng chương trong cuốn sách này thì giá nào tôi cũng chịu.

Tác giả đã khai thác chủ đề chính của cuốn sách một cách hoàn hảo bằng cách chia nội dung ra làm 19 mẩu thông điệp ngắn tưởng chừng như rời rạc nhưng lại có sự liên kết rất logic và hợp lý với nhau và bao hàm trong đó nó vừa cung cấp một cách sâu sắc cho ta những bài học tâm lý về cuộc sống mà không quên liên hệ một cách mật thiết chúng với vấn đề về tài chính. 19 chương nghe tuy có vẻ nhiều nhưng lại truyền tải tới người đọc một cách rất xúc tích và dễ hiểu về những bài học tâm lý rất nền tảng nhưng phần đông chúng ta không hề nhận ra được tầm quan trọng của chúng. Nếu nói dưới góc độ đây là một cuốn sách về tâm lý học, Morgan Housel đã thành công, còn nếu nói về khía cạnh về mặt thao giảng về tài chính thì điều ông đạt được còn trên cả tuyệt vời, bởi vì để rút ra được những bài học một cách sâu sắc như vậy không phải là điều dễ dàng mà hơn thế nữa ông đã tìm được sợi dây liên kết giữa hai mảng có thể nói là quan trọng bậc nhất trong cuộc sống của một con người.

Mỗi chương là một bài học được gắn với một (vài) case study cụ thể, giúp ta hình dung được rõ hơn thông điệp nhưng lại không hề khó hiểu dưới góc độ học thuật. Bất kỳ ai đang loay hoay trên con đường tìm kiếm một phương pháp để quản lý tài chính cá nhân, hoặc đơn giản là đang cảm thấy đang thiếu những phương pháp để quản lý những biến động tâm lý trong cuộc sống thường nhật cũng đều có thể tìm đến tựa sách này.

Với cá nhân mình, chương 14 để lại một ấn tượng rất mạnh. Với đề tựa “You’ll change”, từng dòng trong chương này đã giúp mình làm sáng rõ thế giới quan không chỉ về mặt nhận thức tâm lý, mà hơn hết ứng dụng của những lời khuyên trong chương này về mặt tài chính tuy đơn giản nhưng lại thực sự có hiệu quả, giúp khai mở được rất nhiều rào cản từ trước đến nay của mình.

Câu quote tâm đắc trong cuốn này

“Chúng ta đều có cái nhìn không hoàn chỉnh về thế giới, và chính chúng ta tự tạo ra những câu chuyện hoàn chỉnh để lấp đầy chỗ trống đó”.”

Review từ Thuy Thu Le – Goodreads, 2022

“Nếu bạn cũng đang FOMO khi ít nhất có đến vài người bạn quen đều đang đầu tư vào một cái gì đấy từ chứng khoán, crypto, đất đai cho đến lô đề thì hãy đọc cuốn sách này để bình tâm lại một chút… TLHVT có lẽ là cuốn sách mà tất cả những ai mong muốn có nhiều tiền hơn đều nên đọc, trước khi bắt đầu rót tiền vào một nơi nào đó hoặc bắt đầu các khóa học về kiến thức tài chính.

Điểm cộng là các chương đều ngắn gọn, kết cấu rất dễ đọc từ một câu chuyện minh họa và dẫn dắt đến bài học. Những thuật ngữ về kinh tế được đưa ra cũng không quá cao siêu nếu bạn có chút hiểu biết sẵn rồi thì đọc sẽ vào hơn. Điểm trừ là dịch chán quá, mình đã muốn từ bỏ ngay sau khi đọc được vài chương đầu. Chuyển qua nghe sách nói thì trải nghiệm cũng không mượt mà hơn là mấy. Cuối cùng, vượt qua những trúc trắc đó để tiếp cận được thông tin thì cuốn sách thật sự giá trị.

Có vài bài học mà đọc xong mình vẫn nhớ:

  1. Bài học về sự tiết kiệm: hãy cứ tiết kiệm cho dù chẳng vì mục đích nào cả. Tiết kiệm là một khoản chuẩn bị cho tương lai khó đoán định với cả thách thức và cơ hội.
  2. Bài học về sự giàu có: những gì mà ta thấy ở người khác chỉ là thứ họ muốn show ra cho thế giới. Một người nhìn có vẻ giàu chưa chắc đã giàu
  3. Tiền nhiều để làm gì: để làm điều mình muốn vào lúc mình muốn, với người mình muốn ở nơi mình muốn > Để mình có thể làm chủ và quản lý cuộc đời mình.
  4. Bài học về mức sống: kể cả khi thu nhập có x5, x10 thì vẫn nên duy trì một mức sống ở mức cũ (không có nghĩa là quá kham khổ) > vẫn quay lại với việc hài lòng và biết đủ.
  5. Rủi ro và may mắn: khiêm tốn khi thành công và vị tha hơn với chính mình khi thất bại
  6. Nguyên tắc đầu tư: một khoản mất mát không làm bạn trắng tay hay nhiều đêm mất ngủ.
  7. Một cuốn sách nói về tiền nhưng điều mình tâm đắc nhất lại là về sự từ bi với mình và với người. Không có trắng – đen, không có đúng – sai, không có tốt – xấu,… Trước khi đánh giá, phán xét hoặc tôn thờ bất cứ ai thì dừng lại xem mình có đang dùng hệ quy chiếu của mình để soi xét họ hay không? Nếu có được nó, bạn sẽ không còn hoang mang hay FOMO theo xu hướng của thị trường.

Túm lại bạn vẫn nên đọc cuốn sách này để hiểu sâu hơn những bài học mà cuốn sách đưa ra :D”

Review từ Nguyen Yen Nhi – Goodreads, 2022

“Vậy tiền nhiều để làm gì?

Vậy bao nhiêu tiền mới là đủ?

Làm cách nào để kiếm thật nhiều tiền?

Mình tin rằng, cuốn sách “Tâm lý học về tiền” sẽ giúp bạn có một cái nhìn rõ ràng hơn về những câu hỏi muôn thuở trên. Thú thật, mình bắt tay vào đọc cuốn sách này vì chính tựa đề đầy thu hút của nó, khiến mình tự hỏi: “Tại sao lại là tâm lý học về tiền?”

Mở đầu bằng câu hỏi đầy ngây ngô đó, tác giả Morgan Housel đã dẫn chúng ta qua một kho tàng ví dụ tồn tại quá khứ và hiện tại. Điểm thú vị là Morgan Housel có một khiếu hài hước bẩm sinh và góc nhìn mới mẻ về tập hợp ví dụ. Chính vì thế, một cách tài tình và thu hút, ông sẽ tiếp cận các trường hợp kinh điển trong thực thế và giải thích những quan điểm kỳ lạ đến nhiều khi có phần sai lệch của con người trong việc quản lý tiền bạc. Các dẫn chứng quen thuộc về “những người khổng lồ” như Benjamin Graham, Jesse Livermore, Bill Gates hoặc nhà đầu tư vĩ đại Warren Buffet nhưng dưới hệ thống luận điểm mới mẻ, độc giả sẽ được ít nhất một lần “tỉnh giấc” trong việc đánh giá lại tư duy của bản thân trong việc tiêu tiền, tích lũy của cải và khả năng tạo nên sự giàu có cho bản thân.

Qua 20 chương sách và bằng những câu chuyện ngắn, tác giả sẽ đồng hành và cho chúng ta thấy kỹ năng quản trị xúc cảm và cách ứng xử quan trọng hơn rất nhiều so với các lý thuyết tài chính với những con số phức tạp. Chính vì điều này, mình khá hài lòng khi câu hỏi ban đầu của mình (Tại sao lại là “Tâm lý học về tiền”?) được giải đáp một cách thỏa đáng.

Vì thế, mình muốn điểm lại những bài học mà mình khá tâm đắc sau khi đọc xong cuốn sách này. (Phần này mình xin phép cất đi để không spoil nội dung cuốn sách. Nếu bạn muốn đọc thì bạn có thể inbox cho mình nhé.) Dù bài học nghe có vẻ đơn giản, không thể phủ nhận sự đơn giản này đã chinh phục mình, giúp thay đổi cách nhìn cá nhân về tiền bạc và hạnh phúc.

Nói tóm lại, đây không phải là một quyển sách dạy ta làm giàu mà đúng hơn là dạy ta làm cách nào để tránh né nhưng sai lầm từ trong tư duy tài chính mà chúng ta hay mắc phải. Vì thế, mình tin rằng các bạn trẻ hoặc các cá nhân muốn tìm hiểu về cách quản lý tài chính cá nhân có thể dành thời gian xem qua cuốn này nhé!”

Review từ Heidi Nguyen – Goodreads, 20222

“Đây là cuốn sách phản dame môn lý thuyết tài chính tiền tệ =))

TIỀN LÀ CUỘC CHƠI TÂM LÝ!

Tôi rất tâm đắc với góc nhìn của Voltaire rằng “Lịch sử không lặp lại; nhưng con người thì có”. Nó cũng áp dụng với cái cách chúng ta hành xử với tiền bạc.

Thường, tài chính được dạy dỗ một cách choáng ngợp như một lĩnh vực có nền tảng toán học, dữ liệu và công thức nhưng có phải ai cứ giỏi toán học, giỏi con số là giàu?

Để hiểu được tại sao mọi người lại chôn mình trong đống nợ thì bạn không cần học về tỷ lệ lãi suất, bạn cần học về quá khứ tham lam, sự bất an, và chủ nghĩa lạc quan.

Để hiểu tại sao những nhà đầu tư lại bán ra khi ở cuối thị trường gấu bạn không cần phải học thuật toán về những lợi nhuận được trông đợi trong tương lai; bạn cần phải suy nghĩ về nỗi đau khi nhìn gia đình của bạn và tự hỏi những khoản đầu tư của bạn có đang gây nguy hiểm cho tương lai của họ hay không.

Nhiều tiền không liên quan nhiều đến việc bạn thông minh như thế nào mà lại liên quan lớn đến cách bạn hành xử. Và cách hành xử thì rất khó để uốn nắn, ngay cả đối với những người thực sự thông minh.

Một thiên tài không kiểm soát được cảm xúc của anh ta có thể dẫn tới một thảm họa tài chính. Điều ngược lại cũng đúng. Những người bình thường không có kiến thức về tài chính có thể trở nên giàu có nếu họ nắm trong tay những kỹ năng hành xử không liên quan đến những thước đo chính thống về trí thông minh.

Sự thành công trong tài chính không phải là một lĩnh vực khoa học khó nhằn. Nó là một kỹ năng mềm, nơi mà cách bạn hành xử quan trọng hơn điều mà bạn biết. Trong “The Psychology of Money”, tác giả từng đoạt giải thưởng Morgan Housel chia sẻ 19 câu chuyện ngắn khám phá những cách kỳ lạ mà mọi người nghĩ về tiền bạc và dạy bạn cách hiểu rõ hơn về một trong những chủ đề quan trọng nhất của cuộc sống.”

Review từ Minhanh06sunny – Goodreads, 2021

“Đọc xong cuốn này mình thấy hơi thất vọng một chút vì lúc đầu mình kỳ vọng về ẻm hơi nhiều.

Có lẽ vì đọc bản dịch nên chưa thực sự hiểu 100% ý tưởng tác giả truyền tải chăng?

Cuốn sách có 20 chương, có những chương đề cập đến nội dung không liên quan đến tiền lắm, & nội dung liên quan đến tiền thì tác giả nói hơi chung chung. Tuy nhiên cũng có nhiều tư tưởng hay ho mình học hỏi được, & nhận ra một điều các cuốn sách self help cùng chủ đề kiểu gì cũng có những ý tưởng lặp lại.

Đọc xong sách mình rút được 4 ý cô đọng nhất:

TÂM LÝ HỌC VỀ TIỀN

????Học & hiểu về tiền, biết cách nó vận hành, biết cách tiêu & giữ tiền, cho tiền sinh sôi => TƯ DUY VỀ TIỀN

????Coi trọng sự KIÊN TRÌ & NHỎ GIỌT mỗi ngày một ít nhưng tích tiểu thành đại, sống dưới mức mình mong muốn, bớt hưởng thụ

????Luật nhân quả vận hành khắp nơi: luôn có cái giá cho bất cứ điều gì

Chú ý những thứ không nhìn thấy bằng mắt: thời gian, cơ hội

????Khiêm tốn, hiểu về tiền, kiếm tiền để tự do tài chính để có nhiều sự lựa chọn hơn chứ không phải để nuôi bản ngã, mở rộng hơn dùng tiền làm thứ giá trị giúp người

Cuối sách tác giả có tâm sự là có thói quen đi bộ & nghe podcast, mình thấy thói quen này hầu hết những người thành công đều có.

Bắt chước theo các bác một thời gian & cảm nhận sự vi diệu của vận động kết hợp với input mang lại.”

Review từ Long – Goodreads, 2021

“Cuốn sách cho ta cái nhìn về cách mà thị trường Mỹ hoạt động cách nó phục hồi sau các cuộc đại suy thoái đề cập nhiều về tâm lý con người khi đưa ra những quyết định cũng cách nhà giàu trở lên giàu hơn hay là tàn lùi ngay sau 1 sự kiện sau chót. Kiến thức cùng với các ví dụ mà cuốn sách đem lại rất lớn về cách ta sử dụng tiền, việc lưu thông tiền tệ và cách mà ta quản lý tiết kiệm và đầu tư cùng với cách tiền nó đi ra khỏi túi của người khác bởi sự tham lam hay 1 chiến lược đầu tư không tốt. Những nguyên tắc hay suy nghĩ của con người những điểm bất nguyên tắc trong tâm lý về đầu tư được tác giả thể hiện trong tác phẩm rõ ràng mạch lạc và đôi chút có vẻ không hiểu với người không học về tài chính như tôi.

Đọc từ đầu đến cuối và chương cuối cùng tác giả nêu vắn tắt lại các ý của các chương và chỉ cần đọc chương đó thì có thể bạn hiểu được cuốn sách đó nói gì và bên cạnh chương đó là cách quản lý tiền và phương châm đầu tư của tác giả. Với tôi cuốn sách Phi lý trí khá là bổ trợ cho cuốn này vì có nhiều phần nêu lên tâm lý con người.

Cuốn sách khá dễ đọc và là khởi đầu cho những người mới bắt đầu tìm hiểu về đầu tư tài chính cá nhân, tất nhiên cần phải đọc lại nhiều lần để chiêm nghiệm hay hiểu thêm ý nghĩa của quyển sách “Tâm lý học về tiền”.”

Review từ Phuong Linh – Goodreads, 2022

“1 quyển đọc khá hay trong đề tài tiền bạc tài chính vì tác giả đưa ra được những câu chuyện (khá) thú vị khi thông điệp thì có thể không mới.

Ví dụ về chương 2:

Một trong những câu chuyện mở đầu là về may mắn và rủi ro trong tài chính luôn bị truyền thông bỏ qua vì tính khó đong đếm và thiếu sự truyền cảm hứng. Câu chuyện của Bill Gates & Paul Allan thì quá quen thuộc với nhiều người khi sáng lập ra Microsoft (và thành thực thì 2 người cũng rất may mắn khi học ở 1 trường đại học hiếm hoi có máy tính vào thời đó). Tuy nhiên thì ít ai nhắc biết thực tế phi vụ này có 3 người – người còn lại là Kent Evans – miêu tả bởi Bill thì là “học sinh xuất sắc nhất thời đó, tức là hơn cả Bill”. Tuy nhiên thì Kent mất vì 1 tai nạn khi đi leo núi.

Vì thế có thể thấy ở đây là 2 người giỏi ngang nhau nhưng lại cùng gặp xác suất hiếm có của may mắn và xui xẻo:

+ Người may mắn và thành công với tỉ lệ 1/ 1 triệu: Bill

+ Người xui xẻo với xác suất 1/1 triệu: Kent

Kết luận của tác giả cho câu chuyện này là gì?

1/ Đừng phủ nhận may mắn và rủi ro trong thất bại / thành công của bản thân.

2/ Nên chọn người để thần tượng. Người thành công khác con đường thành công.

3/ Đừng chọn ví dụ quá tiêu biểu để học theo ???? Không phải ai cũng là con cá được chọn nên tốt nhất là nên tìm những quy luật phổ quát được đám đông.

Tổng kết lại thì sách khá hay, đáng đọc.”

Review từ phnuog – Goodreads, 2021

“Đối với mình đây không phải cuốn sách tâm lý học về tiền, mà là giải thích quyền lực của tiền, cách tiền vận hành và một phần lý giải thái độ của con người.

Một số luận điểm mình vô cùng thích như:

– Quyền lực lớn nhất của tiền là đem lại sự tự do

– Cách phân biệt rich và wealthy

– Lý do tại sao bạn nên tiết kiệm không vì mục đích cụ thể

– Tại sao người Mỹ lại nợ nhiều

– Lý do thành công của Warren Buffet và sức mạnh của sự bền bỉ

– Làm giàu và giữ cho mình giàu có là hai chuyện khác hoàn toàn

Mình nghĩ đây là cuốn sách đáng đọc, nhất là chương freedom, weath is what you don’t see. Do người viết là một nhà đầu tư nên có nhiều phần liên quan đến chứng khoán hơi khó hiểu.

Không phải chương nào cũng hay và logic, theo mình nên chọn đọc một vài chương tiêu biểu.”

Review từ Jenny Vu – Goodreads, 2021

“Mình đọc cuốn này xong từ mấy tháng trước, hôm nay nhân ngày dọn dẹp lại kê sách, nên mang ra xem lại rồi số hoá lại những ý mình cho là thú vị:

Mở đầu tác giả có kể về 3 nhân vật một anh chàng tỷ phú IT trẻ tuổi, một ông cụ với nghề dọn dẹp lau chùi ở một tiệm sửa chữa ô tô nhưng để lại một tài sản thừa kế khổng lồ cho cả quỹ từ thiện lẫn đứa cháu của mình, một chuyên gia tài chính có học vấn, sự nghiệp thăng hoa nhưng lại trắng tay những năm cuối sự nghiệp

  1. Chúng ta hành động và có những niềm tin về tiền khác nhau vì những trải nghiệm trong quá khứ, một anh chàng sinh trong gia đình giàu có sẽ có cách tiêu tiền khác với một người bố mẹ phải ngược xuôi từng đồng để chạy từng bữa cơm, họ sẽ không thể hiểu nổi nhau

Mình đánh giá cuốn này khá dễ đọc đặc biệt cho những người k chuyên về tài chính, từ đó có những quyết định khôn ngoan hơn cho tài chính cá nhân và gia đình.”

Review từ Lam Giang Huu – Goodreads, 2022

“Sách chứa những bài học đơn giản và dễ nhớ mà vì nhiều lý do chúng ta hay bỏ lỡ hoặc chưa suy xét thích đáng, cũng giống như ta biết khía cạnh tâm lý luôn lẩn khuất trong các hành vi thị trường, chắc chắn có ảnh hưởng lên thị trường, nhưng ta chọn phớt lờ nó, nhắm đến sự logic tuyệt đối, đánh giá thấp những “phi lý trí”, coi thị trường là sân chơi cũng những bộ óc thông minh, đầy mưu toan và duy lý. Tuy vậy nửa sau cuốn sách mang hơi nhiều màu sắc ý kiến cá nhân chủ quan của tác giả. Đây vừa là chỗ tốt và chưa tốt của quyển sách. Cá nhân mình cần lắng nghe những ý kiến riêng để chiêm nghiệm thêm, đồng thời chưa thể chấp nhận hoàn toàn những luận điệu này. Viết về một lĩnh vực không có chỗ cho sự rạch ròi đúng sai, trắng đen rõ ràng, thì quyển sách này như vậy cũng đã xuất sắc. Và mình cảm nhận được rất rõ sự tôn trọng độc giả và sự cầu thị ở mức vừa phải của tác giả.”

Review từ PINKY – Goodreads, 2021

“Đây là cuốn sách về quản lý tài chính cá nhân cơ bản và dễ hiểu. Đa số các cuốn sách về đầu tư đều sẽ khuyến khích chúng ta kiếm được nhiều tiền hơn để đạt được sự tự do về tài chính. Tuy nhiên tác giả đã nêu ra rất nhiều ví dụ từ cổ chí kim rằng tiết kiệm dự phòng cho những điều không bao giờ đoán được, bất trắc trong tương lai và quản lý cảm xúc chi tiêu trong cuộc sống và các khoản đầu tư mới là chìa khóa cho sự tự do về mọi thứ trong đó quan trọng nhất là thời gian. Đây là cuốn sách must-have cho các bạn đang mất kiểm soát trong chi tiêu và quản lý tiền bạc. Hãy nhớ rằng đây là kỹ năng thuộc về tâm lý chứ không phải là bộ môn khoa học. Cho nên chỉ số IQ đôi khi không giúp ích được nhiều bằng việc học hỏi và kỷ luật đâu ạ.”

Review từ Kiến – Goodreads, 2022

“Cuốn sách đầu tiên về đề tài Tài chính mà mình đọc lại 2 lần và vẫn muốn đọc thêm. (Thực tế là nghe sách nói trên Fonos thì đúng hơn). Trước giờ vẫn luôn có định kiến với mấy cuốn sách thuộc thể loại này như một màn đánh bóng cái tôi của những người thành công. Nhưng ngay từ luận điểm đầu tiên đã đốn hạ trái tim mình để mình có thể đọc lại nhiều lần như vậy.”

Review từ Duyen Nguyen – Goodreads, 2022

“Quyển sách thú vị để tìm hiểu thêm về phương thức tiết kiệm, đầu tư để tiền sinh ra tiền một cách hiệu quả với mức rủi ro thấp nhất.

“Việc đầu tư tốt không nhất thiết để kiếm được lợi nhuận cao nhất, bởi vì lợi nhuận cao nhất thường có xu hướng trở thành một trong những lần đột phá không thể lặp lại được. Mục tiêu nên là kiếm được lợi nhuận tốt mà bạn có thể nắm giữ và có thể lặp lại trong khoảng thời gian dài nhất. Đó là khi tích lũy được phát huy hiệu quả”.

Sách đã đưa ra nhiều ví dụ về các nhà đầu tư từ thành công vang dội vì sự thông minh đến những nhà đầu tư tham lam kiệt quệ rớt đến hố sâu của tài chính và tham vọng. Dù với phương thức nào, sự thành công trong tài chính là 1 kỹ năng mềm, nơi bạn hành xử quan trọng hơn điều bạn biết.

Một quyển sách liên quan tài chính đáng đọc.”

Review từ Quy Duong Vu – Goodreads, 2022

“Những câu chuyện về khía cạnh tâm lý trong kinh tế, trong đầu tư và cách chúng ta tiêu tiền hàng ngày. Bởi vì 1 người bình thường, với những hiểu biết cơ bản về tâm lý tiền tệ và cách đối xử với tiền bạc của cải đúng cách có thể xây dựng cả 1 gia tài, và ngược lại ngay cả 1 thiên tài cũng có thể sai lầm và mất trắng tất cả mọi thứ. Không có lựa chọn nào là đúng hoàn toàn, chỉ có lựa chọn nào là phụ hợp nhất với bạn. Và tiền bạc vật chất cũng không phải là tất cả, cái đích ta cần hướng đến là sự độc lập hoàn toàn – làm điều mình thích với người mình quý, bất cứ lúc nào, và trong bao lâu tùy ý.”

Review từ Pham Tung – Goodreads, 2022

“Cuốn sách có lẽ dành cho những người mới có ý định về đầu tư. Còn với những người đã trải qua một thời gian thì không có gì để học hỏi nhiều. Sách có những câu chuyện và lời khuyên hữu ích, nhưng với mình thì hơi dài dòng không cần thiết.

Bài học từ cuộc phỏng vấn 1000 người cao tuổi ở Mỹ (có lẽ họ cũng có tài chính ổn định). Điều mà họ coi trọng là tình bạn sâu đậm, trở thành một phần của điều gì đó lớn lao, và dành thời gian nhiều hơn cho con cái.

– Thời gian là thế lực mạnh mẽ nhất trong đầu tư.

– Nên thoải mái khi mọi thứ trở nên tệ đi. Đó là chi phí cần thiết cần bỏ ra để đạt được thành tựu lớn hơn.

– Sử dụng tiền để có được sự kiểm soát thời gian.

– Luôn chừa chỗ cho sai lầm.”

Review từ Mai Hoa – Goodreads, 2021

“”Nhiều tiền không liên quan nhiều đến việc bạn thông minh như thế nào mà lại liên quan lớn đến cách bạn hành xử. Và cách hành xử thì rất khó để uốn nắn, ngay cả đối với những người thực sự thông minh.”

Mở đầu cho cuốn sách tâm lý học rất thú vị và gây tò mò cho người đọc. Q sách đưa ra rất nhiều cái nhìn khá hay và mới lạ về cách làm như thế nào để giàu có & cách thế giới vận hành như thế nào để mọi người trở nên thành công và giàu có mà không liên quan đến việc bạn học nhiều bao nhiêu và thông minh như thế nào.”

Review từ Thy Diem Huynh – Goodreads, 2022

“Một quyển sách thú vị, không quá khô khan và cung cấp nhiều góc nhìn mới mẻ về tiền và tài chính. Một số bài học mình rút ra:

– Mọi công việc đều dễ dàng khi bạn không phải là người thực hiện nó.

– Đừng tiêu tiền để chứng tỏ bạn có tiền. Cái tôi của bạn sẽ tỷ lệ nghịch với số tiền tiết kiệm (net-worth) của bạn.

– Không có điều gì hoàn toàn tốt hay hoàn xấu như nó có vẻ.

– Tất cả mọi thứ đều có giá của nó, nhưng không phải tất cả chúng đều sẽ hiển hiện trên bảng giá để bạn dễ dàng thấy được.

– Đừng nên tin hoàn toàn vào các dự báo tài chính.”

Review từ Thuy Quynh Nguyen – Goodreads, 2021

“Kinh tế – tài chính là sở đoản của mình, nhưng quyển này dễ đọc dễ hiểu (tuy có vài đoạn nói kỹ về thị trường quá thì mình cũng…lơ mơ). Cách tiếp cận hơi giống self-help bằng ngôn ngữ kinh tế, nhưng mình thấy không vấn đề gì. Phần cuối tác giả viết tốt, nhìn chung để an ủi các thành phần không biết đầu tư như mình là 1, hoặc ai có kiến thức về tài chính hơn chắc cũng sẽ nhận được nhiều lời khuyên bổ ích hơn.”

Review từ Grass The little – Goodreads, 2021

“Tôi tiếp tục kiên trì làm việc của mình, chia nhỏ các khoảng hợp lý và cần thiết. Niềm tin rằng của cải sẽ là khoản tiền chi trả cho sự tự do trong cuộc sống. Ngay khi đọc xong quyển sách tôi đã viết lên giấy mục tiêu của cuộc đời mình. Vì tôi không muốn ” Đánh mất thứ mình cần và đang có để có những thứ mình không có và không cần”

Tôi đang bước đi!”

Review từ Caoquyen164 – Goodreads, 2021

“2 chương cuối có thể tóm tắt hết nội dung và ý chính của cuốn sách. những chương đầu khá thú vị, các chương sau càng dài dòng và không rõ ý. những ví dụ đưa ra cố ý muốn hướng tới nội dung của chương đó nhưng nhìn rộng ra thì không liên quan gì. nói mọi so sánh đều khập khiễng rất đúng với những ví dụ trong cuốn sách này.”

Review từ Phương Quyên – Goodreads, 2021

“Một cách nhìn khác về tiền và những quyết định đầu tư. Không phải là các tính toán kỹ thuật nữa mà về tâm lý của mỗi người, ảnh hưởng đến các hành động và quyết định của họ. Cuối sách có kèm thêm lịch sử của phong trào tiêu dùng ở Mỹ, bàn luận về cách tiêu tiền và những khoản vay của người Mỹ, cũng là một phần ví dụ về những quan điểm của cả quyển sách.

Review từ Minh Nguyen – Goodreads, 2022

“Đây không phải là cuốn sách self-help, cũng không phải cuốn sách hướng dẫn làm giàu, dạy cách kiếm tiền.

Cuốn sách này đúng như tên gọi của nó, là 1 cuốn sách về tâm lý học, và chủ đề nó khai thác là về tiền bạc.

Cuốn sách chỉ ra những nhận thức và tâm lý sai lệch của đa số người khi nói về tiền bạc, và đưa ra nhận thức đúng đắn, giúp người đọc tự chủ động đưa ra những quyết định về tiền bạc cho bản thân mình sau khi đã được chỉnh sửa nhận thức và tâm lý.

Cuốn này mình thấy phù hợp với mọi người vì nó chủ yếu xoay quanh chủ đề tài chính cá nhân gần gũi.”

Review từ Kris – Goodreads, 2021

“Tiền nhiều để làm gì?

Tiền nhiều bao nhiêu là đủ?

Làm cách nào để có nhiều tiền?

Tại sao có nhiều tiền rồi chúng ta vẫn muốn thêm nữa, thậm chí bằng những cách ngu ngốc?

Thật ra, chẳng có ai tiêu tiền 1 cách điên rồ cả. Họ chỉ là có những cuộc sống, hoàn cảnh, trải nghiệm rất khác nhau để có lý do tiêu tiền khác nhau thôi.

Đây là cuốn sách không phải dạng self-help như dạy bạn cách đầu tư, tính toán, tiêu tiền bằng những công thức ghê gớm gì cả. Đây chỉ đơn giản là tập hợp các câu chuyện thực tế, cộng với các ứng dụng về tâm lý học để giải mã các hành vi của con người với tiền bạc mà thôi.

Các ý tưởng trong quyển sách vốn không hề mới lạ, thậm chí quá mức đơn giản. Ấy vậy mà khi được truyền tải khéo léo với những dẫn chứng thuyết phục, “Tâm lý học về tiền” khiến mình thật sự phải trầm trồ vì những thông tin đơn giản mà hữu ích đến bất ngờ. Qua từng câu chuyện trong sách, mình đều phải thốt lên: “Ôi giá như mình biết tới những điều này sớm hơn, nhất là khi mình vung tay quá mức cho 1 món đồ không cần thiết nào đó”.

“Nhiều tiền không liên quan đến việc bạn thông minh thế nào, mà lại phụ thuộc nhiều vào cách hành xử của bạn. Và cách hành xử thì rất khó để uốn nắn, ngay cả đối với những người thông minh”.”

Đậu Đậu

Bấm Facebook để chia sẻ bài viết!