Review Sapiens: lược sử loài người

Sapiens: lược sử loài người (Yuval Noah Harari) đưa chúng ta vào một chuyến đi kinh ngạc qua toàn bộ lịch sử loài người, từ những gốc rễ tiến hóa của nó đến thời đại của chủ nghĩa tư bản và kỹ thuật di truyền, để khám phá tại sao chúng ta đang trong những điều kiện sinh sống hiện tại.

Sapiens tập trung vào các quá trình quan trọng đã định hình loài người và thế giới quanh nó, chẳng hạn như sự ra đời của sản xuất nông nghiệp, việc tạo ra tiền, sự lan truyền của những tôn giáo, và sự nổi lên của những nhà nước quốc gia. Không giống như những quyển sách khác cùng loại, Sapiens đã có một lối tiếp cận liên ngành học, bắc cầu qua những khoảng cách giữa lịch sử, sinh học, triết học và kinh tế theo một lối trước đây chưa từng có. Hơn nữa, lấy cả quan điểm vĩ mô và vi mô, Sapiens không chỉ đề cập đến những gì đã xảy ra và tại sao, mà còn đi sâu vào việc những cá nhân trong lịch sử đó đã cảm nhận nó như thế nào.

Câu hỏi lớn và sâu sắc của Harari là: chúng ta thực sự muốn gì? Có cách nào để đạt được hạnh phúc cho con người chúng ta, hoặc thậm chí liệu chúng ta có biết được nó là gì hay không? Trong cốt lõi của nó, Sapiens biện luận rằng chúng ta không biết về bản thân chúng ta, huống chi biết được những nhu cầu của những loài sinh vật khác. Chúng ta đã quá thường xuyên bị những tưởng tượng hư cấu của chúng ta lừa dối. Lịch sử cũng là một hư cấu, nhưng một hư cấu đã được kiềm chế bởi thực tại và biện luận: một hình thức của huyền thoại – một hư cấu hữu ích – khiến nó có thể mang lại sự giác ngộ của sự tự biết chính mình.

“Tôi khuyến khích tất cả chúng ta, dẫu có những tin tưởng tín ngưỡng nào, để đặt câu hỏi về những thuật kể cơ bản về thế giới chúng ta, để nối những phát triển ngày xưa với những quan tâm ngày nay, và để không sợ hãi những vấn đề tranh luận” (Yuval Noah Harari)

Sapiens - luoc su loai nguoi
Ảnh: Tiki.vn

Thông tin về tác giả Yuval Noah Harari

Yuval Noah Harari sinh ra ở Kiryat Ata, Israel vào năm 1976 và lớn lên trong một gia đình Do Thái theo chủ nghĩa thế tục với nguồn gốc Lebanon và Đông  u tại Haifa, Israel. Năm 2002, ông gặp người chồng hiện tại là ông Itzik Yahav, người mà ông gọi là “internet vạn vật của tôi”. Yahav cũng là người quản lý của Harari. Họ kết hôn trong một buổi lễ dân sự tại Toronto ở Canada. Cặp đôi sống trong một moshav (một loại cộng đồng nông nghiệp hợp tác của các trang trại cá nhân), Mesilat Zion, gần Jerusalem.

Ông là một nhà sử học người Israel và là giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem. Ông là tác giả của các cuốn sách bán chạy thế giới Sapiens: Lược sử loài người (2014), Homo Deus: Lược sử tương lai (2016) và 21 bài học cho thế kỷ 21 (2018). Bài viết của ông xoay quanh ý chí tự do, ý thức và trí thông minh và hạnh phúc.

Các ấn phẩm ban đầu của Harari dành nhiều sự quan tâm đến những gì được ông mô tả là “cuộc cách mạng nhận thức” xảy ra cách đây khoảng 50.000 năm, khi Homo sapiens thay thế đối thủ Neanderthal, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, tạo ra một xã hội có cấu trúc, và trở thành động vật ăn thịt đầu bảng, được hỗ trợ bởi cuộc cách mạng nông nghiệp và được tăng tốc bởi phương pháp khoa học và cơ sở lý luận đã cho phép con người tiếp cận gần như làm chủ môi trường của họ.

Những cuốn sách gần đây của ông thận trọng hơn, và nghiên cứu các hậu quả của một thế giới công nghệ sinh học tương lai nơi sinh vật thông minh bị vượt qua bởi những sáng tạo của chính họ; ông đã nói Homo sapiens như chúng ta biết chúng sẽ biến mất trong một thế kỷ hoặc lâu hơn”.

Một số sách khác của tác giả Yuval Noah Harari

  • Homo Deus: lược sử tương lai, NXB Thế giới, 2015
  • 21 bài học cho thế kỷ 21, NXB Thế giới, 2016

Tổng hợp review sách Sapiens: lược sử loài người

Review từ bạn Rosie Nguyễn – Goodreads, 2018

“Quá quá quá hay.

Lâu lâu lắm rồi mới đọc một quyển sách non – fic xuất sắc như vậy. Có thể gọi là kiểu mẫu của thể loại non – fic khoa học viết cho đại chúng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng phong phú, giả thiết thuyết phục, vừa trí tuệ vừa hài hước, đọc mà hầu như không thể rời mắt được vì quá hấp dẫn.

Harari đưa ra những lời giải thích khá dễ hiểu cho những vấn đề phức tạp, và cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh, mới mẻ và sâu sắc đối với lịch sử loài người, cũng như dự đoán về sự phát triển tương lai của nhân loại. Kèm theo rất nhiều dẫn chứng nguồn tài liệu tham khảo và lý giải về các sự kiện lịch sử rất thú vị.

Một số ý mà mình muốn ghi lại:

– Điểm khiến Sapien vượt trội: Ngôn ngữ linh hoạt giúp chúng ta tiếp nhận, chia sẻ, truyền tải một lượng thông tin lớn về thế giới xung quanh và về các mối quan hệ xã hội, phát triển sự hợp tác chặt chẽ và tinh vi. Khả năng tưởng tượng và tạo ra các thực tế tưởng tượng (hay kiểu hư cấu pháp lý như các công ty, các dân tộc, tôn giáo, nhân quyền…) cho phép nhiều người lạ hợp tác hiệu quả với nhau. Với kỹ năng hợp tác, Sapiens sớm vượt xa tất cả các loài người và động vật khác.

– Sự xuất hiện của con người cùng lúc với sự biến mất của rất nhiều loài sinh vật khác trên nhiều phần của trái đất.

– Người săn bắn hái lượm có thể đã hạnh phúc hơn nhiều so với con cháu hiện đại của mình :))).

– Cách mạng nông nghiệp là sự lừa dối lớn nhất của lịch sử, đem đến cho con người cuộc sống khó khăn, ít phong phú và hiếm thỏa mãn hơn trước. Việc thuần hóa cây trồng và động vật để lại một cái giá đắt đỏ. Cuộc cách mạng này biến loài vật và cây cỏ từ vị trí bình đẳng trong cuộc sống trở thành vật sở hữu của loài người. Ông này có một lý luận buồn cười là không phải con người thuần hóa lúa mì mà chính lúa mì mới thuần hóa con người :))).

– Du lịch là kết quả của những huyền thoại của chủ nghĩa tiêu thụ được lãng mạn hóa.

– Đồng đô la, Mỹ, hay nhân quyền đều được hình thành từ những trật tự tưởng tượng liên chủ quan. Cái ý này rất hay.

– Sự lên ngôi của Đế Chế toàn cầu.

– Các tôn giáo là những hệ thống quy chuẩn và giá trị con người được xây dựng dựa trên niềm tin vào một trật tự siêu nhiên (trật tự này phải mang tính chất phổ quát và truyền giáo). Có nhiều quan điểm về tôn giáo khá thú vị, nhất là ví dụ và lý giải về đạo Phật.

– Khoa học hiện đại dựa trên nền tảng là sự ngu dốt, chúng ta không biết gì về mọi thứ xung quanh.

– Người Châu Âu vượt trội vì họ tham vọng chinh phục kiến thức và chinh phục lãnh thổ, sự tham lam vô độ muốn khám phá và chinh phục.

Haiz nhiều quá, tóm lại là rất rất hay, không đọc là muốn dừng

Review từ bạn Chinh Nguyen – Goodreads, 2017

“Khi đọc xong quyển này, mình đã ước rằng sách giáo khoa được viết lôi cuốn như vầy thì mình đã không chán môn lịch sử như vậy. Đây là một trong những quyển non-fiction hay nhất mình từng đọc, nên hôm nay đã dành trọn 1 ngày để ngồi tóm tắt nó. Dù vậy khi bắt tay viết thì mình nhận ra việc này rất khó vì có quá nhiều điều đáng ghi nhớ, nên ở đây mình chỉ ghi lại những ý quan trọng nhất. Tốt nhất là nên đọc cả quyển để tận hưởng nó.

***

Cách đây khoảng 2.5 triệu năm, con người bắt đầu tiến hóa từ loài Khỉ nhân hình phương Nam ở Đông Phi. Trong vòng 2 triệu năm sau đó, não con người tiến hóa không ngừng mặc dù không chịu thúc đẩy tiến hóa lớn, và con người cũng không đạt thành tựu gì đáng kể. Đây là điều may mắn rất lớn của con người.

Khoảng 2 triệu năm trước, loài người bắt đầu tản ra và định cư ở các khu vực khác nhau: Bắc Phi, châu Á, châu Âu. Do khác biệt về môi trường sống, những nhóm này bắt đầu tiến hóa thành các giống người khác nhau: Neanderthal ở châu Âu và Tây Á, Homo erectus ở Đông Á, v.v..

Khoảng 150.000 năm trước, Homo sapiens xuất hiện ở Đông Phi. Không có đặc điểm gì nổi trội so với các giống khác.

70.000 năm trước, một cuộc Cách mạng Nhận thức đã diễn ra ở Homo sapiens. Cách mạng về ngôn ngữ đã giúp Sapiens trao đổi và xây dựng mạng lưới thông tin dày đặc. Khả năng tưởng tượng đã giúp một cộng đồng lớn Sapiens xây dựng và chiến đấu chung cho một lý tưởng hay nhân danh một vị thánh. Kết quả là Sapiens đã phát triển nhanh chóng mà không cần đợi đến chọn lọc tiến hóa. Trong vòng 60.000 năm tiếp theo, Sapiens lan tỏa ra khắp thế giới, tranh giành lãnh thổ và nhanh chóng đẩy những giống người còn lại đến bờ vực tuyệt chủng.

45.000 năm trước, con người đặt chân đến châu Úc. Trong vòng vài ngàn năm ngắn ngủi, con người đẩy 2/3 loài động vật đến chỗ diệt chủng và biến đổi mạnh mẽ hệ sinh thái ở đây, vốn tiến hóa độc lập với hệ Á-Phi trong hàng trăm triệu năm.

16.000 năm trước, con người lan từ Siberia sang Alaska rồi xuống toàn bộ châu Mỹ. Cùng với sự định cư, hệ sinh thái ở đây cũng bị biến đổi mạnh.

10.000 năm trước, Cách mạng Nông nghiệp diễn ra. Con người lần đầu tiên từ bỏ lối sống săn bắt hái lượm và chuyển sang trồng trọt. Sản lượng thực phẩm tăng lên nhanh chóng, dẫn đến nhưng khu định cư và dân số tăng vọt. Trữ lượng thực phẩm và tài nguyên tăng lên cũng là nguồn gốc của chiến tranh, khi con người thèm khát xâm chiếm nguồn tài nguyên đó thay vì sống đời sống săn bắt hái lượm như xưa. Con người cũng lao động vất vả hơn khi phụ thuộc vào vài giống cây trồng thay vì một thực đơn phong phú như xưa. Bệnh truyền nhiễm cũng bắt đầu xuất hiện từ những khu định cư đông đúc, và từ động vật được thuần hóa. Mọi thứ diễn ra từ từ cho đến khi con người nhận ra thì đã quá muộn: họ không thể sống thiếu nông nghiệp.

Từ những khu định cư nông nghiệp lớn như thế, các hình thái kinh tế xã hội và chính trị ra đời để bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời thương mại cũng xuất hiện. Phân tầng xã hội cũng xuất hiện: vua chúa, giới tinh hoa, thường dân và nô lệ. Sự phân tầng xã hội cũng xuất phát từ mong muốn cai trị của kẻ xâm lược, muốn kìm hãm sự phát triển của số đông và giữ lợi ích đặc quyền cho thiểu số của mình. Theo thời gian, sự phân tầng cũng giúp hai người xa lạ biết cách ứng xử nếu nhận ra tầng lớp của người đối diện.

Để xã hội hoạt động ổn định, tất cả đều dựa vào một trật tự tưởng tượng: hiến pháp và các quy luật phổ quát mà mọi người đều đồng thuận rằng đó là hiển nhiên, không thể chối cãi như “quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc”. Cũng như những khái niệm về lòng tự hào dân tộc hay đạo đức nghề nghiệp, niềm tin này giúp loài người hợp tác với nhau một cách sâu rộng và là điều khác biệt lớn nhất với thế giới còn lại.

Vì những trật tự này là sản phẩm của sự tưởng tượng thuần túy, chúng không thể di truyền qua gen cho các thế hệ sau. Để duy trì những quy luật ngày mở rộng và chi tiết, đòi hỏi con người có cách nào đó lưu giữ lại thông tin này. Vì vậy, chữ viết ra đời cách đây 5000 năm.

Cùng với chữ viết, tiền bắt đầu xuất hiện, ban đầu dưới dạng những vỏ sò vỏ ốc, vàng bạc rồi đến tiền giấy. Tiền giấy là một sản phẩm khác của trí tưởng tượng: chừng nào mọi người còn tin tưởng vào ngân hàng nhà nước, mọi người sẽ còn chấp nhận sử dụng tiền.

Tiền giúp con người trao đổi nhanh chóng sản phẩm, thúc đẩy sự chuyên môn hóa xã hội. Giờ đây anh thợ may có thể chuyên tâm may vá cho người dân trong làng: anh sẽ nhận được tiền công và mua những thứ anh muốn bằng tiền, thay vì phải tự trồng trọt chăn nuôi.

Khoảng 4000 năm trước, Chủ nghĩa Đế quốc hình thành và phát triển. Bắt đầu từ tham vọng xâm chiếm tài nguyên của nước khác và củng cố quyền lực, các nước tấn công và cai trị các nước láng giềng và từ từ mở rộng lãnh thổ. Tuy tàn bạo nhưng đế quốc đã xây dựng nên phần lớn văn hóa của chúng ta ngày nay: những công trình xây dựng, những nhà tư tưởng, nghệ nhân lớn đều sáng tác khi hưởng điều kiện sung túc do đế quốc đem lại.

Tôn giáo xuất hiện, cùng với tiền tệ và đế quốc là 3 đặc điểm giúp thống nhất nhân loại và cũng là 3 nguyên nhân phổ biến nhất của chiến tranh. Khởi nguồn từ thuyết vật linh mang nặng tính địa phương, chẳng như lời nguyền của thần cây đa ở một ngôi làng nọ, tôn giáo đa thần xuất hiện với mỗi vị thần tượng trưng cho một quyền năng nhất định. Khi độc thần giáo xuất hiện, sự cuồng tín và tinh thần truyền đạo đã mang nó đi khắp thế giới. Kết quả là thế giới hiện nay chỉ tồn tại vài tôn giáo độc thần lớn như Kito giáo, Hồi giáo và Phật giáo. Trong 300 năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học giúp giải thích những hiện tượng siêu nhiên, tôn giáo ngày càng mất đi ảnh hưởng, thay vào đó là những ý thức hệ mới như chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phát xít.

Khoảng 500 năm trước, Cách mạng Khoa học bắt đầu nổ ra. Chỉ trong vòng 500 năm, dân số nhân loại tăng 14 lần, sản lượng tăng 240 lần và năng lượng tiêu thụ tăng 115 lần. Cách mạng Khoa học phát triển chặt chẽ với sự phát triển của Đế quốc. Khoa học hiện đại sẵn sàng thừa nhận mình ngu dốt và mở rộng đầu óc để tiếp thu những kiến thức mới với sự tò mò vô hạn. Cũng chính đặc điểm này mà các nước đế quốc châu Âu khi mở rộng thuộc địa luôn đem theo các nhà khoa học để xây dựng bản đồ kiến thức cho lãnh thổ mới. Những tích lũy này qua hàng thế kỷ đã làm tiền đề cho cách mạng Khoa học nổ ra ở châu Âu đầu tiên, đồng thời đem lại cho nó vị trí độc tôn trong hàng thế kỷ.

Tư bản ra đời. Năm 1776, trong cuốn Của cải của các dân tộc, Adam Smith cho rằng khi có lợi nhuận dư ra (thặng dư), nếu người ta tái đầu tư vào sản xuất thì sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận hơn, nhiều việc làm hơn, và từ đó là cơ sở cho sự giàu có của cả xã hội. Đây là ý tưởng thực sự đột phá vì trong hàng ngàn năm lịch sử, con người cho rằng tổng của cải trong xã hội thể không tăng lên, do đó việc làm giàu cho bản thân tức là một người khác sẽ nghèo đi và đây là điều đáng xấu hổ. Với chủ nghĩa tư bản, miếng bánh thực sự lớn ra cho tất cả mọi người khi tái đầu từ vào sản xuất. Khi kinh tế tăng trưởng, tín dụng ra đời và khai phá tiềm năng của tất cả mọi người. 90% tiền bạc của con người đang nằm ở sự kỳ vọng vào tương lai. Nền kinh tế này cân bằng dựa trên sự cạnh tranh của tất cả nguồn lực, và có thể sụp đổ khi bong bóng kỳ vọng sụp đổ. Tuy vậy, cho tới nay mọi thử nghiệm khác đều dẫn đến kết quả tệ hơn.

Cách mạng Công nghiệp bùng nổ từ thế kỷ 18. Về cơ bản, đây là một cuộc cách mạng năng lượng. Cứ vài thập kỷ, con người lại khám phá ra một nguồn năng lượng mới và chuyển đổi nó thành bất cứ chuyển động nào mong muốn. Cách mạng Công nghiệp cũng tăng năng lực sản xuất lên gấp nhiều lần. Ngày càng nhiều sản phẩm được tạo ra và để tiêu thụ hết số sản phẩm đó, chủ nghĩa tiêu dùng xuất hiện, khuyến khích mọi người tiêu xài và tận hưởng cuộc sống.

Kể từ sau 2 quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945, con người lần đầu tiên nhận ra mình có thể tự hủy diệt chính mình. Liên Hợp Quốc được thành lập nhằm đảm bảo một cuộc Thế chiến thứ ba sẽ không xảy ra. Chiến tranh toàn diện ngày nay khó có thể xảy ra vì chi phí chiến tranh ngày càng cao, nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào tri thức hơn là tài nguyên thiên nhiên, và hòa bình thực sự có lợi cho tất cả nền kinh tế.

Với sự phát triển của y học hiện đại và nhân danh mục đích chữa bệnh, con người đang ngày càng nâng cấp chính mình qua kỹ thuật gen, kỹ thuật cyborg và tạo ra sự sống vô cơ. “Táy máy với gen không hẳn sẽ giết chết chúng ta. Nhưng chúng ta có thể nghịch ngợm với bộ gen của mình đến mức chúng ta sẽ không còn là Homo sapiens nữa.”

“Một trong những quy luật sắt của lịch sử, đó là những thứ xa hoa có xu hướng trở thành những thứ phải có và sẽ tạo ra những nghĩa vụ mới.” Đây là lý do khiến hi vọng rằng sự tăng trưởng sẽ nâng cao hạnh phúc cho nhân loại chỉ là ảo tưởng. Những kích thích do kinh tế đem lại chỉ có tác dụng nhất thời, và phụ thuộc vào hoàn cảnh tương đối của mỗi người. Có nhiều cách đem lại hạnh phúc. Phật giáo cho rằng con người nên từ bỏ kỳ vọng, sống trong thực tại và chấp nhận sự vật như nó vốn là. Các nhà tâm lý cho rằng khi tìm được lẽ sống, con người sẽ cảm thấy hạnh phúc dù có trải qua đau khổ. Các nhà sinh học cho rằng mức độ hạnh phúc được quy định trong gen, là nồng độ của serotonin, dopamine và oxytocin. Nồng độ này bị tác động bởi yếu tố tâm lý và xã hội, nhưng nhìn chung nó có một ngưỡng nhất định. Không có câu trả lời cuối cùng, hoặc tất cả đều là câu trả lời.”

Review từ bạn Ahn Hyun – Tiki, 2022

“Nội dung khá hấp dẫn, đây là quyển sách nên đọc đầu tiên khi muốn tìm hiểu lịch sử loài người, trước đó tôi có đọc quyển Cội nguồn và Thế giới một thoáng này của Giáo sư David Christian có trích dẫn một số thông tin từ quyển sách này nên quyết định mua ngay.”

Review từ bạn Dương Khánh Linh – Tiki, 2022

“Sách hay lắm, xuyên suốt quá trình đọc tác giả dường như cho ta thấy hành trình phát triển của loài người; về những mâu thuẫn của loài người. Hay thật sự.”

Review từ bạn Thu Mỵ – Tiki, 2022

“Sách mình mới đọc vài chương đầu nhưng thật sự cách viết và dẫn dắt vấn đề rất cuốn, tác giả phân tích với nhiều góc cạnh rất dễ hiểu.”

Review từ bạn Lê Lan Phương – Tiki, 2022

“Hôm qua nhà bạn thấy cuốn sách này cầm lên đọc vài trang và quyết định là về phải mua để đọc. Tác giả kể về lịch sử theo một cách đơn giản hóa, dễ hiểu, đôi lúc hài hước, châm biếm. Đọc rất cuốn và muốn tìm hiểu nhiều hơn. Có nhiều kiến thức mình chưa biết nên không bàn về sự đúng sai.”

Review từ bạn Trần Hữu Khanh – Tiki, 2021

“Một cuốn sách tuyệt vời, lý giải những nguyên nhân, nguồn gốc của sự phát triển xã hội, đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trên cuộc hành trình tiến hoá của loài động vật mang tên con người.”

Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về Sapiens: lược sử loài người

Nếu bạn muốn xem thêm thông tin chi tiết, hoặc đặt mua sách, bạn có thể ghé thăm Tiki theo link ở đây hoặc Kim Đồng theo link ở đây.

 Tổng hợp bởi Nguyễn Hằng.

Bấm Facebook để chia sẻ bài viết!