Review Dám bị ghét

Chắc hẳn có rất ít người trong số chúng ta sẵn sàng vượt lên những rào cản của xã hội, những lời chế giễu, chê bai và thậm chí quá khứ thất bại của bản thân để sống một cuộc đời tươi sáng. Có rất nhiều người đã trải qua một cuộc sống theo khuôn mẫu và dần dần ngại thay đổi. Bạn trở nên bế tắc bởi các thứ bao quanh và càng tồi tệ khi phải sống theo khuôn mẫu của người khác. Và cách giải thoát duy nhất là bạn phải dám sống với cá tính, với nhu cầu của chính mình. Cuốn sách “Dám bị ghét” của hai tác giả Nhật Bản Kishimi Ichiro và Koga Fumitake sẽ là chìa khóa giúp bạn giải tỏa căng thẳng, tìm được hạnh phúc cho bản thân.

Dám bị ghét của tác giả Kishimi Ichiro và Koga Fumitake là một tác phẩm tâm lý thuộc hàng kinh điển bán chạy tại Nhật Bản. Cuốn sách phân tích những cách thức điều hòa các mối quan hệ xã hội trong cuộc sống và đề cập đến những góc khuất tâm lý trong cuộc đời con người. Bằng những phân tích chặt chẽ và có định hướng tác giả đã khiến người đọc say mê theo các trang sách và học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ đó.

Cuốn sách dành cho mọi đối tượng những ai đang gặp chông chênh trên con đường đi của mình, dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh, hay cảm thấy tự ti và chưa bao giờ hạnh phúc với cuộc sống của mình đều nên tự mình trải nghiệm “Dám bị ghét” một lần trong đời.

Cuốn sách “Dám bị ghét” được chia thành năm chương, mỗi chương được tái hiện dưới dạng một cuộc trò chuyện thân mật giữa chàng thanh niên trẻ tuổi đang tìm hiểu cuộc đời và triết gia giàu kinh nghiệm, tri thức, chính nhân vật triết gia này sẽ là người lý giải tất cả những thắc mắc những câu hỏi của chàng thanh niên về cuộc sống, về mối quan hệ giữa người và người dựa trên nền tảng tâm lý học Adler. Chàng thanh niên này từ nhỏ đã luôn cảm thấy tự ti về xuất thân, thành tích học tập cũng như vẻ bề ngoài của mình. Anh luôn bị ba mẹ áp đặt và so sánh với người anh trai tài giỏi. có lẽ vì vậy mà anh đã bận tâm quá mức đến cái nhìn của người khác. Anh không thể thực lòng mừng cho hạnh phúc của người khác, đồng thời luôn ở trong trạng thái căm ghét bản thân. Trong mắt chàng thanh niên thế giới như một cõi hỗn mang đầy mâu thuẫn, không hề có hạnh phúc. Nhưng ở ngoại ô, vị triết gia lại phát biểu rằng: “Con người có thể thay đổi, thế giới cực kì đơn giản và ai cũng có thể hạnh phúc”.

Với chàng thanh niên đó thì phát biểu của vị triết gia là những luận điểm không thể nào chấp nhận được. Và anh đã gặp gỡ vị triết gia để tranh luận cho ra lẽ. Và cuộc đối thoại đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: “Hạnh phúc là gì và làm thế nào để con người sống hạnh phúc?” bắt đầu từ đây. Một cuộc đối thoại được phản ánh dựa trên quan điểm tâm lý học Adler, một trong ba người khổng lồ tâm lý học, ngang với Freud và Jung mà theo nhà triết gia nó được đón nhận như tâm lý, như đỉnh cao của lĩnh vực khám phá con người.

Chương thứ nhất: Hãy phủ nhận sang chấn tâm lý. Phủ nhận sự tồn tại của sang chấn tâm lý cũng là cách mà nhà tâm lý học Adler cho rằng quá khứ sẽ không thể chi phối được tương lai, và con người sẽ không bị quá khứ kìm hãm, khiến cho bản thân phải đau buồn hoặc thoái chí. Vì vậy mỗi chúng ta có thể bỏ qua quá khứ đau thương để có thể tiến bước đến tương lai trên con đường còn nhiều thử thách, gian nan.

Chương 2 với chủ đề: Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người. Cũng từ mối quan hệ này mà mọi phiền muộn cũng bắt đầu xảy ra khiến chúng ta bối rối và hoang mang. Chính vì thế mỗi người trong cuộc sống này hãy trang bị cho mình những kiến thức hữu ích từ cuộc sống để khiến bản thân cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn, để bản thân được tỏa sáng, được sống là chính mình mà không phải bị ràng buộc bởi bất cứ người nào khác.

Bỏ qua nhiệm vụ của người khác là chủ đề của chương 3. Mỗi người sống ở cuộc đời đều được phân chia một nhiệm vụ nhất định, không ai can thiệp vào cuộc sống của ai cả. Tự do chính là lúc bản thân chúng ta cảm thấy thoải mái với cách sống, lối sống của chính mình nhưng khi chúng ta tự hài lòng với cách sống lối sống đó cũng là lúc chúng ta bị ghét vì chính chúng ta đang sống với tự do của chính mình.

Chương 4: Trung tâm thế giới nằm ở đâu. Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, vì thế con người muốn tồn tại thì phải tạo được mối quan hệ vững chắc với cộng đồng. Bởi vậy trong quá trình sống con người nằm trong một cộng đồng rộng lớn không có trung tâm thế giới. Khi tiếp cận một con người cần phải khích lệ lòng can đảm từ người đó, và con người thường không thể tùy cơ ứng biến hay thay đổi bản thân mà luôn giữ nguyên bản chất.

Chương 5: Sống hết mình: “Ngay tại đây, vào lúc này”. Bản thân của mỗi chúng ta đều có những ưu điểm và nhược điểm, vì vậy muốn sống tốt chúng ta cần chấp nhận những thiếu sót của bản thân và sống hài hòa với mọi người. Mỗi người là một tiểu vũ trụ không thể thay thế vì thế hãy tạo nên những ý nghĩa, những giá trị cuộc đời cho cuộc sống còn đầy rẫy những điều phi lí, vô nghĩa này.

Từ cuốn sách, độc giả có thể đúc kết được rằng sự thay đổi đến từ phía chúng ta. Chúng ta luôn dành thời gian của mình để than phiền về những thất bại trong cuộc sống, những khó khăn mình đang gặp phải và tự đổ lỗi cho hoàn cảnh của mình. Thứ bạn cần làm là biết quên đi những sai lầm trong quá khứ để tiếp tục sống cho hiện tại và hướng đến những thành công trong tương lai. Không chỉ vậy cuốn sách còn giúp bạn suy nghĩ nhiều hơn về việc tự sống cho chính mình, sống hết mình ngay tại đây.

Cuốn sách “Dám bị ghét” là một cuốn sách mang lại rất nhiều bài học có giá trị cho người đọc. Trong cuốn sách bạn sẽ tìm thấy được những cách thức để vượt qua những khó khăn trong cuộc đời, can đảm tiếng lên phía trước dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, dám đương đầu với mọi thử thách đã qua để có thể tiếp tục sống mạnh mẽ và thấu hiểu chính bản thân mình để tạo nên những giá trị cho xã hội.

Cuốn sách ra đời mang theo những thông điệp ý nghĩa sẽ giúp cho bạn nhận ra những điểm chung về suy nghĩ của mình trong chính tác phẩm. “Dám bị ghét” là cuốn sách self-help đặc biệt nhất trong các cuốn self-help. Thông qua cuộc đối thoại giữa chàng thanh niên và nhà triết gia để gửi gắm những thông điệp sống, quan niệm sống, những triết lý nhân sinh đối với độc giả. Hi vọng với cuốn sách này sẽ giúp cho mỗi bạn đọc có cái nhìn cởi mở, mới mẻ với cuộc sống nhiều hơn.

Dám bị ghét
Ảnh:bloghuongnoi

Thông tin tác giả Kishimi Ichiro và Koga Fumitake

Cuốn sách “Dám bị ghét” được viết bởi bộ đôi tác giả người Nhật Kishimi Ichiro và Koga Fumitake. Hai nhà triết gia tâm lý học đồng thời cũng là hai tác giả nổi tiếng của Nhật Bản với dòng sách tâm lý đang lôi cuốn nhiều độc giả. Một người là nhà triết học chuyên nghiên cứu thuyết tâm lý của Alfred Adler, còn một người là nhà văn đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng. Các tác giả đã đem đến cho người đọc những trải nghiệm thực tế, đa dạng bằng cách viết độc đáo, dưới hình thức của một cuộc trò chuyện. Bởi vậy khi nhắc đến các tác giả này chúng ta sẽ được biết đến những chuyên gia tâm lý nổi tiếng có sức ảnh hưởng với bạn đọc.

Tổng hợp Review sách Dám bị ghét

Review từ bạn Thao Nguyen – Goodreads, 2018

“Mình mua cuốn sách này trong thời điểm cuối năm, bản thân vừa mới nhận ra một vài mối quan hệ không được tốt đẹp như mình nghĩ, người khác ghét mình, thiếu định hướng về tương lai và cảm thấy mọi thứ thật vô vọng và vô nghĩa.

Mình sẽ xếp cuốn sách này vào những cuốn sách phải đọc lại ít nhất 2 lần/năm cùng với cuốn 6 tỉ đường đến hạnh phúc. Nó đã giúp mình rất nhiều trong việc cân bằng mọi thứ, và khi đọc xong, bạn sẽ cảm thấy rằng “Đúng thật, cuộc đời thật đơn giản”.

Sống hết mình với người khác là nhiệm vụ của mình, ghét mình là nhiệm vụ của họ. Mình chỉ cần làm tốt nhiệm vụ của mình mà thôi, không cần phải buồn rầu vì nhiệm vụ của người khác.

Và điều tâm đắc nhất trong cuốn sách này đó chính là “sống cống hiến cho người khác”. Mình cũng như bao bạn trẻ khác, đã từng rơi vào tình huống hoang mang, không có mục tiêu của cuộc đời, không biết mình muốn gì. Và cuốn sách này đã cho tôi được một câu trả lời khiến tôi thỏa mãn: “Cậu đang hoang mang trước cuộc đời mình. Tại sao cậu lại hoang mang? Đó là vì cậu đang muốn chọn “tự do” nghĩa là chọn con đường không sợ bị người khác ghét, không phải sống cuộc đời của người khác. Cho dù cậu trải qua những khoảnh khắc như thế nào, cho dù có người ghét cậu, chỉ cần cậu không đánh mất ngôi sao dẫn đường là “cống hiến cho người khác”, thì cậu sẽ không lạc lối và làm gì cũng được”.”

Review từ bạn Q.Xuân – Goodreads, 2018

“”Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người”

Bài viết là suy nghĩ của lần đầu tôi hoàn thiện việc đọc cuốn sách. Tôi có niềm tin mãnh liệt là những suy nghĩ này sẽ thay đổi (tôi hy vọng là sâu sắc hơn) trong những lần đọc tiếp theo.

“Dám bị ghét” mang tính chất cuội nguộn. Không như “Đắc nhân tâm” hay “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”, những quyển sách mà cá nhân tôi cho rằng chỉ là một lớp rất mỏng của bề mặt tảng băng – thứ chỉ giúp chúng ta giải quyết được “triệu chứng của căn bệnh chứ không thể giúp tiêu diệt bệnh”, cuốn “Dám bị ghét” đi sâu vào việc giải quyết những vấn đề nảy sinh mà bản chất của nó xuất phát từ mối quan hệ giữa người với người. Những cuốn sách kỹ năng khác trình bày cách giải quyết vấn đề, cách thức để giao tiếp “tốt” trong xã hội, nhưng liệu sau một cuộc hội thoại, với sếp – với bạn bè – với một em thực tập sinh, liệu một cá nhân có tự hỏi lại bản thân mình rằng: sự đồng nhất trong cách sống của tôi sao mà mong manh thế?. Thứ ngôn ngữ xuất phát từ cá nhân đó là từ bản chất nội tâm của họ, hay nó xuất phát từ lòng ham muốn được người khác công nhận? Sao họ, những người đáng ghét, lại có thể sống vui vẻ đến thế? Tôi tin rằng “đắc nhân tâm” sẽ giúp bạn thực hành, nhưng bạn chả hiểu gì hết, đó là màu sắc của sự lừa dối bản thân và kết cục là lừa dối cả những người khác. “Dám bị ghét” phần nào sẽ giúp bạn giải thích những việc này.

Tôi hoàn toàn đồng ý với chương 2 và 3 của cuốn sách, nó giải đáp được mơ hồ trong bản thân tôi bấy lâu nay: liệu lời từ chối của tôi đối với một yêu cầu của người khác có “phải đạo” ko? sao tôi áy náy, sao tôi không áy náy? Thứ gì là nguyên nhân dẫn đến cảm giác của một con người sau khi họ từ chối một nhiệm vụ?. Những câu hỏi này có thể được “đơn giản” trả lời bằng cụm từ xuyên suốt chương 3: “phân chia nhiệm vụ”. Tôi khẳng định tôi đã có câu trả lời cho mình trước khi đọc cuốn sách này, những cuộc hội thoại trong cuốn sách đã tái khẳng định và liên kết những câu trả lời mà bản thân tôi chưa thể chốt cho tới khi đọc nó.

Tôi giữ cho mình ý kiến trung lập với chương 1 và 4, vì nó mang lại cảm giác giúp tôi mở rộng góc nhìn hơn thay vì được xác định quan điểm mãnh liệt như ở chương 2,3.

Khi tôi đọc chương cuối, tôi đã định cho quyển sách này về 4 sao vì bản thân tôi chưa cảm nhận hết tính logic trong quan điểm của triết gia, và đặc biệt hơn là tính phù hợp trong quy luật phát triển của tự nhiên. Nhưng, “sống như thể là một sát-na trên con đường đời”, tôi tôn trọng cảm giác và lý luận mà quyển sách này đã mang lại cho tôi. Tôi rate 5 sao cho nó.

Tôi không ước tôi đọc nó sớm hơn. Với tôi, ở thời điểm hiện tại, sự xuất hiện quyển sách là phù hợp.”

Review từ bạn Phương Trương – Goodreads, 2020

“Cuốn sách đưa ra một góc nhìn mới về cuộc đời, nơi ta có thể sống bình thường, tự do, và dám bị ghét. Để hiểu rõ hơn cuốn sách này, cần phải đọc lại và ngẫm nghĩ nhiều lần.”

Review từ bạn Nguyen Vu – Goodreads, 2021

“Có phải thầy cho rằng thế giới đơn giản đến từng ngóc ngách?

Đúng vậy, thế giới đơn giản đến khó tin, và đời người cũng vậy.

Bối cảnh quen thuộc ở một số tác phẩm đi sâu về mặt tâm lý, Dám bị ghét cũng mở đầu bằng câu chuyện của một người bình thường đang đi tìm hạnh phúc, anh tìm gặp một người thông thái hơn – trong trường hợp này là một triết gia để xin câu trả lời cho 2 câu hỏi vốn đã canh cánh trong lòng mình ( và của rất nhiều người nữa ) từ lâu. Hạnh phúc là gì? Và làm thế nào để có được hạnh phúc.

Tâm lý học của Adler

Mở đầu bằng một bối cảnh rất triết học nhưng Dám bị ghét lại không đi quá sâu vào khái niệm đó,( tuy cũng có dính líu đôi chút ) phần lớn là phân tích tâm lý dưới dạng đối thoại để người đọc có thể hiểu thêm về chính bản thông qua tâm lý học của Alfred Adler – một trong 3 người khổng lồ về tâm lý học hiện đại bên cạnh Carl Jung và Sigmund Freud. Từ đó dẫn dắt để bản thân người đọc tự trả lời cho câu hỏi của mình. Vì hạnh phúc đối với mỗi người, tương tự như thời gian, là một khái niệm tương đối.

Tác giả chú trọng tập trung vào sự đối lập của hai học thuyết giữa Freud và Adler.

Nếu thuyết nguyên nhân của Freud có thể giải thích cho những hành động “không thể giải trích nỗi của con người hiện đại có thể bắt gặp trong các bộ phim như Joker hay The nightcrawler. Sử dụng nguyên nhân ở quá khứ truy theo dòng thời tuyến tính đến những hành động ở hiện tại.

Thì thuyết mục đích của tâm lý học Adler cũng có thể làm được việc này, nhưng nó đảo ngược học thuyết của Freud và cách suy nghĩ thông thường. Giả dụ: thay vì cho là bởi vì bản thân bị ốm nên không thể đến trường, thì thuyết mục đích sẽ cho rằng vì không muốn đến trường nên mới khiến bản thân ( bằng một cách nào đó ) bị ốm.

Đây là bước đầu đồng thời cũng là phần quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình chuyển đổi suy nghĩ của chúng ta. Thay đổi suy nghĩ về hạnh phúc không phải do hoàn cảnh khách quan mà do thế giới chủ quan của ta quyết định, như một đoạn trích trong The Things You Can See Only When You Slow Down: Guidance on the Path to Mindfulness from a Spiritual Leader.

Tâm lý học Adler, những gì mà Kishimi Ichiro và Koga Fumitake muốn truyền đạt trong tác phẩm của mình khá giống với Ikigai và tâm lý chung của người dân Nhật bản thế hệ trước, tâm lý học cộng đồng.

Trái lập hoàn toàn với chủ nghĩa cá nhân, tự do, và trải nghiệm của phương Tây thì hạnh phúc đơn giản chính ta tự lập, sống hòa hợp được với những người xung quanh, và cống hiến cho cộng đồng, sống hết mình trong từng khoảnh khắc.

Nội dung phần lớn khá quen thuộc nếu bạn có hiểu biết nhất định về xã hội và đất nước Nhật Bản, một đất nước không đề cao cá nhân mà ưu tiên lợi ích của cộng đồng. Nhưng việc viết dựa trên motip đối thoại và phân tích tâm lý học Adler khá tốt và không gây nhàm chán trong quá trình đọc, cũng là một tác phẩm thích hợp cho bạn nào muốn bước chân vào tìm hiểu lĩnh vực tâm lý học.”

Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về sách Dám bị ghét.

Nếu bạn muốn xem thêm thông tin chi tiết, hoặc đặt mua sách, bạn có thể ghé thăm Tiki theo link ở đây hoặc Kim Đồng theo link ở đây.

Tổng hợp bởi Thu Thủy

Bấm Facebook để chia sẻ bài viết!