Xem thông tin về nội dung sách trên Tiki qua link ở đây hoặc Kim Đồng qua link ở đây.
Danh sách
Review từ Vưn Siêu Nhưn – Goodreads, 2018
“Điều khiến mình quyết định rinh cuốn này từ hội sách, dù trước đó chưa từng nghe tên, là bởi bìa sách. Dòng quote: “Chắc vì tôi ngốc quá, nên cây táo mới ra quả”, kèm theo nụ cười móm mém, chất phác và thuần hậu của Kimura đã ngay lập tức thu hút mình, kèm theo sự thích thú nhẹ. Với một đứa vẫn tự nhận là “hậu đậu, ngáo ngơ” như mình, quyển sách như một sự khẳng định chân lý “ngu si hưởng thái bình” chẳng hạn.
Nhưng khi đọc hết, mình nhận ra cái “ngu” của Kimura là hoàn toàn khác. Và hành trình “cây táo mới ra quả” ròng rã 10 năm thực sự thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và sự đánh đổi.
Kimura “ngu” vì một mực muốn thay đổi nền nông nghiệp trồng táo dùng thuốc trừ sâu bao đời của quê hương ông sang nông nghiệp “thuận tự nhiên”, hoàn toàn dựa vào thiên nhiên. Không ai tin ông sẽ thành công, thậm chí coi thường, chế giễu. Sự điên khùng ấy còn lên tới đỉnh điểm khi ông đẩy gia đình vào cảnh khốn khó, chỉ vì theo đuổi ý tưởng “bất khả thi”, đi ngược lại nền nông nghiệp truyền thống, với những gì mà những người bình thường bao năm nay vẫn làm vậy.
Cuốn sách kể về những cay đắng Kimura nếm trải trên hành trình trồng táo không thuốc thực vật, nhưng trên hết, đó là sự nhẫn nại, kiên trì, tinh thần không bỏ cuộc. Có nhiều chi tiết đắt giá, nhưng mình lại ấn tượng với một cảnh nhỏ nhỏ. Đó là khi vườn táo không được bơm thuốc trừ sâu trở nên kiệt quệ xác xơ, sắp chết vì bị sâu phá hoại, Kimura nhìn vào những chiếc lá xanh hiếm hoi còn lại trên cây. Sức sống mỏng manh đó khiến ông có thêm hy vọng và động lực tiếp tục tìm tòi, thử nghiệm nhiều biện pháp khác.
Câu chuyện của Kimura làm mình liên tưởng tới câu nói của Steve Jobs “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”. Sự khờ, sự “ngu” của Kimura, chính là tinh thần học hỏi, là niềm tin kiên định và sự kiên trì, vượt lên những giáo điều, những giới hạn để đến đích.
Một điều không thích về quyển sách là giọng văn, có thể do người dịch, hơi rời rạc và đơn điệu, đôi lúc hơi nhàm chán.’’
Review từ Lữ Đoàn Đỏ – Goodreads, 2022
“Cuốn sách có cái tên khá tầm thường, không gợi hứng thú muốn đọc cho lắm nhưng không nghĩ nội dung lại có nhiều giá trị và ý nghĩa vậy. Sách viết về hành trình trồng táo không dùng thuốc bảo vệ thực vật của ông Kimura – một nông dân ở vùng Aomori Nhật Bản, nơi mà người nông dân vẫn buộc phải trồng táo vì không nuôi được dâu tằm như các vùng khác. Từ lúc khoa học nông nghiệp phát triển hơn thì những phương pháp bảo vệ thực vật phát triển giúp nông dân kháng cự được với sâu và các loại bệnh, có lịch trình cụ thể, phun loại thuốc nào, liều lượng ra sao, vào thời gian nào thì hiệu quả. Trồng táo phải phun tới 13 loại thuốc. Không phun thuốc thì táo không thể nào ra quả được vì sâu hại. Do tình cờ đọc 1 cuốn sách về nông nghiệp hòa hợp với tự nhiên mà Kimura nảy ra ý định làm theo, không dùng tới các loại thuốc nữa.
Suốt hành trình thử nghiệm để không dùng các loại thuốc là quá trình thử nghiệm, chật vật, và mãi sau cùng thì ông mới tìm được cách thực sự hòa hợp với thiên nhiên, ở góc độ nào đó thì gần như hòa đồng với Đạo. Ban đầu ông bỏ phân bón, chỉ dùng phân ủ hữu cơ, thử nghiệm các loại vật liệu tự nhiên để thay thế thuốc bảo vệ thực vật, trừ sâu bệnh bằng dấm, rượu, bắt sâu bằng tay… Nhưng đó vẫn chưa phải là tự nhiên, chỉ là thay sản phẩm nhân tạo công nghiệp bằng loại sản phẩm hữu cơ thân thiện hơn thôi. Ở rừng thì không có ai chăm sóc, phun thuốc hay bón phân mà cây nào cũng cao lớn mạnh mẽ, đạo lý đơn giản đó phải mất 8 năm trời ông Kimura mới nhận ra khi đã quyết ý mang dây thừng vào rừng tự tử. Cuộc sống áp lực và thiếu thốn suốt bao năm ròng rã khiến ông muốn tìm tới cái chết để khỏi ảnh hưởng gia đình, một cách hèn nhát và tiêu cực. Nhưng đọc trong truyện mới thấy những nỗi khó khăn không tưởng tượng nổi, mà có lẽ truyện cũng miêu tả chưa đủ. Sau lần tự tử hụt thì ông thay đổi triệt để, về trồng cỏ dại, đậu tương vào vườn táo, sâu với côn trùng cũng chẳng bắt nữa, cũng chẳng bón phân. Tất cả tự nhiên sẽ làm hết, ông luôn nhận chỉ là trợ giúp chút sức lực cho cây táo ra quả chứ không nhận mình đã trồng ra được những trái táo đỏ. Cũng may là cái kết có hậu cho ông.
Tác giả theo khiến người cảm nhận được tinh thần của người Nhật, rất khiêm nhường và kiên cường. Cách viết bình bình, không đao to búa lớn dù những biến cố lớn lao thế nào. Đọc sách mới thấy không chỉ là mỗi việc trồng táo, còn là con đường chật vật mà người nông dân đấy tìm về với tự nhiên để hòa hợp cùng nó. Trong đó có cả những biến chuyển của cái gọi là Đạo, lấy chỗ dư bù chỗ thiếu, vật cùng tất biến.. Không nghĩ là câu chuyện hay thế, khâm phục ý chí của Kimura, cũng ngả mũ trước sự đồng lòng của người vợ, của gia đình. Cũng hiểu thêm ít nhiều về nền nông nghiệp, hiểu tạo sao bao nhiêu vùng đất trù phú 1 thời đều bị sa mạc hóa, tất cả vì con người đã không hiểu được tự nhiên, tìm cách cải tạo, nghĩa là để có thêm ích lợi mà không biết cách hòa hợp với đạo, với tự nhiên. Gọi là gì cũng được. Thiên nhiên sau quá trình cả tỉ năm đã lập trình nên cái gọi là hệ sinh thái mà mọi thứ đan xen chằng chịt với nhau, từ con nhện con kiến cũng ảnh hưởng tới sự hình thành của trái táo, hay thậm chí chỉ là cỏ dại, mọi thứ nương theo nhau, rồi cũng kiềm tỏa nhau mà tạo thành những cơn sóng luân phiên để giữ sự quân bình. Loài người luôn nghĩ mình tài giỏi và có thể chế ngự được tự nhiên, can thiệp thô bạo để rồi nhận lấy quả đắng về lâu dài. Đó là về nông nghiệp, còn suy rộng hơn chút về cách con người sống cũng đã quá xa rời cái gọi lại tự nhiên rồi, hết cách mạng công nghiệp ở Anh lần 1 rồi tới cách mạng internet hay giờ là AI, metaverse.. con người càng dần lại càng rời xa thiên nhiên. Cả ngày chìm ngập trong thế giới ảo, quên hết cả về sự quân bình, bao loại bệnh tật phát sinh rồi tâm lý biến đổi, trầm cảm, nóng nảy.. Truyện về Kimura trồng táo có thể nhìn ra rất nhiều góc độ khác được. Rất hay. 4,5*.”
Review từ Phuongvu – Goodreads, 2019
“Mình thích những quyển sách như quyển sách “Quả táo thần kỳ của Kimura”. Đọc xong quyển này thấy mình thêm động lực sống, kiên trì theo đuổi lẽ sống, đam mê của mình hẳn lên.
Từ nụ cười không răng trên bìa sách cho đến nội dung quyển sách đã thấy dễ mến, dung dị và yêu thương.
Mình tự hỏi không hiểu điều gì có thể làm cho một người đàn ông nông dân nhỏ bé kiên trì với vườn táo trong 9 năm không thuốc bảo vệ thực vật. Thật sự quá khâm phục nghị lực phi thường của ông.
Dạo này đọc sách, cứ nhớ đến câu mọi thứ đều có nguyên lý. Như ông Kimura đã phát hiện ra cây táo không thể tách rời cái tự nhiên và hệ sinh thái.
Cây táo đã cho ông quả ngọt đền đáp cho bao tháng ngày mòn mỏi học hỏi, tìm hiểu và cuối cùng khi ông đã ngộ ra chân lý.
Xúc động lắm lắm khi 800 cây táo sau 9 năm nở đúng 7 bông qua.
Một câu chuyện kể đầy nhăn văn. Yêu lắm ý.”
Review từ Huy Nguyen – Goodreads, 2018
“Sách không có mục lục, chỉ được chia làm 24 phần, như là đang kể một câu chuyện dài nối tiếp hiện tại và tương lai – từ buổi sơ khai hình thành nông nghiệp cho đến cái gọi là nông nghiệp hiện đại như bây giờ chúng ta vẫn gọi. Sách nói rằng chúng ta vẫn còn cười nhạo lối làm việc của nông nghiệp sơ khai được vì chúng ta vẫn còn khai thác được nhiên liệu hóa thạch mà thôi, “đường trở về” dường như trong quan điểm của tác giả là không thể tránh khỏi.
Chỉ có điều là, làm thế nào?
Sách viết về 2 nhân vật: cây táo và ông Kimura.
Phần nhiều cuốn sách không đi thẳng vào chỉ cách làm “nông nghiệp thuận tự nhiên” mà như viết riêng về tự nhiên và viết riêng về nông nghiệp, 2 lãnh vực gần như là tách biệt nhau trong thực tiễn, thế mà có một “kẻ ngốc” đang cố gắng nối kết 2 thứ lại thành cái gọi là “nông nghiệp thuận tự nhiên”.
Nếu để riêng tự nhiên làm việc của nó, thì nó sẽ chọn không nuôi dưỡng cây táo để đủ cho con người sử dụng, chất lượng cũng không đạt.
Nếu để riêng nông nghiệp hóa chất làm việc của nó, thì con người sẽ tiêu diệt mọi thứ không phải là cây táo ra khỏi lãnh thổ của mình để bảo vệ cây táo. Con người và tự nhiên dường như đã mất nối kết thần thánh nhau từ lâu rồi, và đang càng ngày càng xa nhau, nhìn nhau như kẻ thù vậy.
Sau tất cả.
Điều mà Kimura nhận ra rằng con người sẽ nắm vai trò là NGƯỜI HỖ TRỢ tự nhiên làm việc của nó, không phải bỏ mặc cây táo cho tự nhiên, mà cũng không phải là can thiệp quá mức.
Sách còn viết về thực tiễn tàn khốc của tự nhiên với cái mới lạ (giống táo thuần mà lại không dùng thuốc BVTV), sự tàn nhẫn của con người với nhau – hoặc là với người chọn làm khác đi như Kimura.
Thế mà thực tế là chúng ta lại không thể sống thiếu nhau được, cây táo không thể xa rời tự nhiên, và con người không thể sống chỉ một mình.
10 năm, 10 lần thất bại, 10 cái vòng tròn của sự thất vọng, bi quan khi thử tất cả phương án mà vẫn như quay trở về vị trí cũ. Dường như tự nhiên, nông nghiệp, cây táo và cả xã hội đều phản đối cách làm của Kimura.
Từ trước khi đọc cuốn sách này tôi đã và đang ghét cái vòng tròn nghiệt ngã của nông nghiệp kinh khủng rồi – cảm giác giống như mọi thứ ta làm đều vô ích vậy. Đối với tui một vòng tròn đã là quá sức chịu đựng rồi, thế mà Kimura lại trải qua tới tận 10 lần – 10 vòng lặp ấy trong cảnh nghèo đói và khinh thường, quá dữ dằn. Đồng thời tôi còn nhìn xã hội Nhật Bản có những người tin tưởng Kimura cho đến lúc chết, tui nhìn Kimura với ánh mắt thán phục đôi chút rợn người: chẳng lẽ người Nhật đã chọn làm cái gì thì sẽ làm đến trọn đời, tin tưởng và đến chết mới thôi hay sao?
Liệu tui có đủ mạnh mẽ, đủ tin tưởng đến thế không?
Nỗi sợ này có lẽ đến từ việc tôi đang hoài nghi bản thân?
Sẽ là đôi chút bất công nhưng đáng ra tôi sẽ kết thúc cuốn sách này với tâm trạng bực tức, oán giận và thất vọng nếu không đọc được một đoạn thơ của Tagore mà tác giả trích dẫn ở đầu sách. Dường như nó mang lại cho tui sự an ủi đi phần nào đó về thân phận con người: là con người nhỏ bé ấy suốt cả hành trình dài hay ngắn đều chỉ có thể dựa vào chính mình, lấy bản thân mình làm gốc, rồi cố tìm ra một lời giải đúng cho ước mơ mình đang theo đuổi.
Chúng ta là phần táo bạo và đầy rủi ro của tự nhiên. Vì con người chúng ta là những kẻ có ý thức, có ước mơ, tìm về nguồn gốc của mình và liên tục không chịu những lề lối cũ.
Việc của cuộc đời, sẽ là liên tục thử thách, việc của mình là phải liên tục mạnh mẽ, kiên trì, và nhận lấy những bài học.
“Tôi không cầu nguyện cho hiểm nguy đừng đến
Mà cầu lòng dũng cảm khi đối mặt hiểm nguy.
Tôi không cầu mong nỗi đau câm nín
Mà mong mình can đảm chiến thắng nỗi đau.
Tôi không tìm kiếm đồng minh trên chiến trận cuộc đời
Mà tìm kiếm sức mạnh bản thân tôi.
Tôi không khao khát mình sẽ được ai cứu thoát
Mà hy vọng mình sẽ kiên nhẫn để giành lấy tự do.” – Rabindranath Tagore
Cảm ơn tác giả, dù viết review đến tận đây vẫn còn thấy hơi cay cay 🙂
Có lẽ là sẽ để dành cho một dịp khác đủ bình tĩnh và tin tưởng hơn để mà đọc lại 😀
Cảm ơn nhiều nhất là bạn đã kiên nhẫn đọc đến tận đây .’’
Review từ Gain Lã – Goodreads, 2020
“Nói sao nhỉ, mình như được bao bọc trong cả một vùng trời cảm xúc tích cực khi đọc cuốn sách này luôn. Và từng giai đoạn là từng cung bậc cảm xúc khác nhau. Thiệt là khó diễn tả và vô cùng đặc sắc.
Ban đầu, đập vào tâm trí mình là hình ảnh chất phát của một người nông dân, cộng thêm khung cảnh bình yên của một vùng có thể gọi chuyên về nông nghiệp ở Nhật Bản. Đoạn này, mình chỉ muốn đọc thật chậm để nhẹ nhàng cảm nhận sự bình yên trong từng lời văn thôi.
Rồi mọi thứ thật kinh khủng. Quả thật rất kinh khủng khi phải đọc và cảm nhận những gì mà ông Kimura đã trải qua. Không biết do lời văn hay, hay do những cảm xúc đó quá đỗi là mãnh liệt và chân thật hay đơn giản do mình đa cảm hay không mà đoạn này mang lại cho mình nhiều cảm xúc mạnh dễ sợ. Mạnh nhưng vẫn tích cực nhé!
Cuối cùng chắc không thể thiếu cảm xúc hạnh phúc đơn thuần, niềm vui sướng được cộng hưởng từ thành quả của ông. Càng đọc, càng vỡ lẽ ra nhiều điều, sâu trong từng câu chữ là những bài học hay và ý nghĩa.
Thú thật, mình cũng đồng tình với tác giả khi nói chỉ một cuốn sách thì không tài nào diễn tả được hết những gì mà “Quả táo thần kỳ của Kimura” mang lại. Nhưng đâu đó vẫn lắng đọng nhiều điều đáng suy ngẫm và học hỏi.
Nếu là mình, liệu mình có thể “ngốc nghếch” được như ông?’’
Review từ Huỳnh Trinh – Goodreads, 2020
“”Quả táo thần kỳ của Kimura” là câu chuyện phi thường của ông Kimura qua giọng văn dung dị, mộc mạc như chính người nông dân ấy vậy.
Đường đi đến thành công chưa bao giờ là con đường dễ dàng cả. Ở đây, ông Kimura chọn theo đuổi việc trồng táo không sử dụng bất kỳ loại phân bón hay thuốc trừ sâu nào. Việc mà người nông dân luôn tin là không thể và trái với thực tế nền nông nghiệp trồng táo đã diễn ra hàng trăm năm nay. Những trang sách đã cuốn mình theo mạch cảm xúc của Kimura. Từ sự hồ hởi ở những năm đầu tiên thử nghiệm đến khi mọi ý tưởng và phương pháp đưa ra đều được đáp lại bởi những cú bật chua chát (Những cây táo ngày càng yếu đi, cả gia đình Kimura bị đẩy vào cảnh nghèo đói, ông Kimura bị mọi người gán cho cái mác “Phá gia chi tử”, …) Những thử nghiệm trên cây táo phải mất 1 năm mới cho kết quả vì thế cái mà Kimura phải đánh đổi là vô cùng lớn. Càng đọc, mình tin các bạn sẽ bị cuốn theo bởi sự chân thật, hướng thiện và kiên trì của Kimura. Đâu đấy chúng ta sẽ học thêm về cách nhìn nhận một vấn đề hay một sự vật, hiện tượng qua nhiều lát cắt khác nhau, sẽ nhận ra cái gọi là “thiên nhiên” ấy đã và đang vận động theo cái cách diệu kỳ đến thế nào.”
Review từ Huong Nguyen – Goodreads, 2018
“Có một đoạn trong sách mình rất tâm đắc: Làm cho những bông hoa này nở không phải là tôi. Là những cây táo. Nhân vật chính không phải con người, mà là những cây táo, việc đó tôi hiểu thấm thía bằng cả cơ thể mình. Tôi đã từng không hiểu điều đó đấy. Tôi vẫn cứ nghĩ mình tạo ra những cây táo. Bản thân mình đang quản lý những cây táo. Nhưng việc tôi có thể làm chỉ là giúp đỡ những cây táo mà thôi.
Con người thường quá đề cao vị trí của mình trong cuộc sống. Nhưng nghĩ lại mà xem, dù không có chúng ta, nắng vẫn sẽ chiếu, mưa vẫn sẽ rơi, hoa vẫn sẽ nở và quả vẫn sẽ mọc. Chúng ta liệu có phải đã nghĩ bản thân mình quá quan trọng không?
Bản thân tự nhiên đã có những quy luật không thể phá vỡ. “Dù cho khoa học có tiến triển thế nào đi nữa, con người cũng không thể tách khỏi tự nhiên và sống được đâu. Bởi vì, con người bản thân nó đã là một sản phẩm của tự nhiên rồi mà.” Vậy nên, có lẽ thuận theo tự nhiên mới là cách bền vững nhất để con người tồn tại trên Trái đất này.
A mind-change book!”
Review từ Thanh Sơn – Goodreads, 2018
“Sách Cực Hay Cho Bạn Nào Đi Theo Nông Nghiệp.
Một hành trình xuất phát từ sự dị ứng thuốc bảo vệ thực vật của người vợ mà Kimura đã quyết định trồng táo không sử dụng thuốc bvtv. Điều này khiến oog trở thành kẻ điên, kẻ ngu ngốc, hay đi ngược lại thời đại, như chống lại những người nông dân khác vậy. Cho dù đã kiên trì 5 năm liền táo đều không ra hoa, cả vườn cây khô quắt chờ chết dần, cả nhà đến cháo còn bữa đói bữa no, gia đình khánh kiệt cũng vì cái con đường ông chọn. Cuối cùng oog đã từ bỏ mọi thứ, chọn cách giải thoát bằng việc lên núi tự vẫn, vậy mà lên đến đó điều kỳ diệu đã xảy ra, oog thấy các loại cây ở đây rất xanh tốt mặc dù không có thuốc bvtv, vậy là oog tìm hiểu và nguyên nhân chính là ở đất. Nhờ đêm định mệnh đó sau 3 năm cải tạo đất vườn táo đã ra hoa, nhưng quả táo tuy nhỏ, không đẹp nhưng ngon đến lạ thường. Đến nay, để đc ăn táo của ông thì có khi phải đặt trước cả năm. Một cái kết tuyệt vời.”
Review từ Van Le – Goodreads, 2020
“Sinh ra và lớn lên từ một vùng nông nghiệp của Việt Nam, tôi đã chứng kiến người nông dân dùng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ. Vì vậy nên tôi luôn tìm kiếm và ấn tượng với những phương pháp trồng trọt thuần tự nhiên. Khi biết Ông Kimura trồng ra những quả táo kỳ diệu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tôi đã rất tò mò và tìm đọc quyển sách này. Tuy nhiên, điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi sau khi đọc xong quyển sách này lại không phải là phương pháp trồng trọt mà là câu chuyện về ý chí con người. Những hình ảnh của ông Kimura trong thời kỳ khó khăn khắc sâu vào tâm trí tôi, ám ảnh tôi.
Ông Kimura sinh ra trong một gia đình nông dân tuy không giàu có nhưng đủ ăn đủ mặc và cũng chưa từng có “ký ức về cảnh sống khốn khó”. Ấy vậy mà khi theo đuổi việc trồng táo không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ông đã trải qua không biết bao nhiêu chật vật với cái nghèo. Mà chẳng phải chỉ một mình ông nghèo, ông kéo cả gia đình vợ và con cái của mình khốn đốn theo. Để duy trì cuộc sống gia đình, có lúc ông đã phải đi làm ở thành phố, không nhà ở, không thay quần áo, không tắm rửa, ngủ ngoài đường… Thử tưởng tượng đến cảnh sống đó mà rùng mình.
Với những gì ông có: đất, ruộng, vườn, có học vấn, có khả năng về máy móc… ông hoàn toàn có thể tìm được một công việc mang lại nguồn thu nhập ổn hơn cho gia đình như rất rất nhiều người khác trong xã hội đã và đang làm. Nhưng không, ông vẫn kiên trì với con đường mình đã chọn. Đến chính đứa con cái ruột của ông đã từng nói: “Con không thích. Vì cái gì mà chúng ta phải nghèo khổ như thế này? Ước mơ của bố từ khi nào lại trở thành ước mơ của con.” Đúng vậy, vì cái gì mà cả gia đình ông phải khốn đốn vì giấc mơ của ông? Nghèo một mình không đáng sợ bằng kéo cả gia đình nghèo chung khi mà trên vai mình là trọng trách, khi mà cái nghèo đó bị người đời lên án và phỉ nhổ. Một câu nói nặng, một cái nhìn nhăn nhó của người khác đã có thể làm bạn buồn cả ngày. Nhưng ông đã trải qua sự vất vả về thể xác, sự dằn vặt về tinh thần ấy trong hơn mười năm ròng rã. Một người đàn ông gầy gò, hàng đêm ngồi trên những thùng đựng táo trống rỗng, dưới ánh trăng mờ ảo nhìn về vườn táo đến tận sáng, tiếp tục hay dừng lại? Đúng hay sai? Mọi người đều trả lời là sai rồi. Chỉ có đau khổ nối tiếp đau khổ.
Nếu bạn ở trong hoàn cảnh của ông Kimura, bạn có kiên trì không? Nếu bạn là vợ của ông Kimura, bạn có cùng ông ấy trải qua quãng thời gian khó khăn đó hay đã ly hôn? Nếu bạn là con của ông Kimura, bạn nghĩ thế nào về người cha nghèo khó và hay cáu gắt của mình? Tôi không thể tưởng tượng được ông phải có một ý chí “gan lì” như thế nào để có thể vượt qua được tất cả những áp lực đó. Ước mơ bao giờ cũng đẹp nhưng hiện thực luôn khắc nghiệt. Người đi tiên phong sẽ cô độc. Có lẽ tất cả những người tiên phong đều là những người có sự kiên định, bền bỉ như vậy.
Câu chuyện của ông Kimura là một câu chuyện “happy ending” khi hiện tại táo của ông đã trở nên nổi tiếng và vì vậy mới có quyển sách này. Đây là một quyển sách rất gần gũi với cuộc sống vì bạn có thể nhìn thấy hình ảnh của mình trong các nhân vật trong câu chuyện. Bạn có thể chính là Kimura người luôn “điên” những mơ của chính mình. Bạn có thể là ông nội ông, một người nông dân bảo thủ, an phận, gia trưởng cho rằng con nông dân thì làm nông dân, học hành làm gì (đây chính xác là hình ảnh của bà nội tôi). Bạn có thể là mẹ ông, người luôn yêu thương con của mình, lén ông nội tạo điều kiện cho con học, truyền cho con niềm đam mê đọc sách, lén đem đồ ăn đến cưu mang gia đình con nhưng lại sợ gặp mặt con. Bạn có thể là vợ ông, người luôn lặng lẽ ủng hộ mọi quyết định của chồng không một lời ca thán. Bạn có thể là con gái ông, một người con luôn oán hận sự nghèo khó của gia đình. Hoặc bạn có thể chính là những người hàng xóm thường chĩa mũi vào việc của gia đình người khác. Bạn cũng có thể chính là người hàng xóm đã đốn đi những cây táo ở rìa vườn của mình để thuốc trừ sâu không lây sang những cây táo ở vườn của ông Kimura. Có thể bạn không chính xác là ai đó trong câu chuyện nhưng có thể ở đâu đó, trong hoàn cảnh nào đó bạn đã mang những tính cách của họ. Dù là ai đi chăng nữa, chắc rằng bạn sẽ có cho mình những bài học quý báu.
Ông Kimura có thể theo đuổi ước mơ của mình ngoài sự kiên trì của chính ông, còn là sự ủng hộ âm thầm của những người bên cạnh ông. Mỗi người trong chúng ta có thể trở thành Kimura hay không không thể nói trước được, nhưng chắc rằng làm một người ủng hộ người khác như mẹ Ông, bố vợ Ông hay vợ Ông thì không phải là khó!
Quả thật, đây là một câu chuyện tuyệt vời về ý chí con người. Trong cuộc sống có lúc thăng, lúc trầm và dù thế nào thì thái độ khi chúng ta đối mặt với khó khăn sẽ quyết định tất cả. Chết trên cát hay cố gắng vượt qua sa mạc để tới đồng cỏ xanh là do chính bản thân mình.
“Tôi không cầu nguyện cho hiểm nguy đừng đến
Mà cầu lòng dũng cảm khi đối mặt hiểm nguy.
Tôi không cầu mong nỗi đau câm nín
Mà mong mình can đảm chiến thắng nỗi đau.
Tôi không tìm kiếm đồng minh trên chiến trận cuộc đời
Mà tìm kiếm sức mạnh bản thân tôi.
Tôi không khao khát mình sẽ được ai cứu thoát
Mà hy vọng mình sẽ kiên nhẫn để giành lấy tự do.”
(Trích tập thơ Mùa hái quả – Rabindranath Tagore, Vũ Hoàng Linh dịch)
HCM – 20.05.2020
Van Le.”
Review từ Thủy Ngân – Goodreads, 2019
“Trong các bộ phim chip hôi mới lớn thường có chung motip là một cô nàng hậu đậu, nhắng nhít lại được một anh đẹp trai, lạnh lùng, giàu sụ yêu thương và che chở, và câu ” ngu si hưởng thái bình” có lẽ ảnh hưởng một chút từ đó. Thì đến với ” Quả táo thần kỳ”, ta sẽ bắt gặp một cái ”ngốc” nữa, nhưng là cái ”ngốc” thật diệu kỳ của một cụ ông tạo nên phép màu cho vườn táo của mình.
Thú thực là nhân tố ảnh hưởng đến 40% quyết định mua sách của mình chính là ảnh bìa =((( Mình thừa nhận là mình luôn có một sự yêu kính và ngưỡng mộ đối với các cụ ông một cách đặc biệt, nhìn hình ảnh một ông cụ chất phát, răng móm hết cả, những nụ cười sảng khoái đặc sệt trẻ thơ, sau lưng là vườn táo hoa rợp trắng, mình thấy thương yêu kinh khủng. Cụ ông đó chính là Amorini Kimura -một nông dân trồng táo của NB và cũng là nhân vật chính của cuốn sách. Gia đình có truyền thống làm nông và quê hương nơi Kimura sinh sống ( vùng….) có truyền thống trồng táo, vậy nên Kimura tiếp tục nối nghề làm nông. Tuy nhiên, đứng trước thực cảnh là người nông dân và nền nông nghiệp đang ngày càng phụ thuộc mạnh mẽ, dần dẫn đến sự bị động hoàn toàn vào thuốc bảo vệ thực vật, thứ tăng năng suất nhưng gây hại đến sức khỏe người trồng cũng như người tiêu dùng, vì thế mà Kimura dám quay ngược lại với đám đông để khởi sinh, mà theo ông, là trở về cái bản chất khởi thuỷ của NN, đó là phương pháp : thuận tự nhiên. Cây sinh ra từ đất, cỏ mọc từ đất, hoa mọc từ đất…Bản chất của tự nhiên vốn là : sinh-trụ-diệt, sinh ở đâu khắc tự biết vươn lên ở đó, nhưng con người đang làm trái quy luật ấy, tác động quá nhiều đến ”vốn liếng” tự nhiên, dẫn đến sự phụ thuộc của vật chủ. Nói thì dễ nhưng hành trình chinh phục đến giấc mơ thuận tự nhiên của Kimura gian nan hơn leo 10 ngọn núi Phú Sĩ. 8 năm đằng đẵng ông cùng gia đình bị miệt thị bởi láng giềng với vườn táo thảm hại không phụ thuộc, từng đứng trước trầm cảm nặng, từng thắt dây định tự tử. ”Trời không phụ lòng người”, chính trong thời khắc Kimura định tự tử dưới trăng thì cũng là lúc ông tìm ra lối đi để cởi dây đai định mệnh. Vườn táo của ông năm thứ 9 ra hoa, ra quả, và đến bây giờ thì là thứ táo ngon nhất thế giới, chỉ phục vụ nhà hàng 5 sao và các chính khách cao cấp. Một ”quả ngọt” cho một quãng thời gian ” chát đắng”.
Điều làm mình nhớ không thể quên là câu nói của Kimura về bí quyết giúp ông duy trì niềm tin lâu đến thế, ông chỉ cười xòa :” Có lẽ vì tôi ngốc quá nên cây táo mới ra quả”. Bản chất thuần phác, khiêm tốn của người nông dân sao yêu chết đi được ý. ”Ngốc” dũng cảm. ”Ngốc” dám bị ghét. ” Ngốc” thần kỳ, hihi. Muôn hình vạn trạng của cái ” ngốc” này. Làm gì có ai ”ngốc” mà thành danh đến chứ, nhỉ ???
Sách Thái Hà thì giấy đẹp, mịn, trình bày khoa học, câu cú dịch dễ thương, hài hước có mà trầm lặng có, nhưng luôn toát lên một vẻ hồn hậu, chất phát, chịu thương chịu khó mà ai đọc không yêu không được. Tranh bìa thì quá xuất sắc luôn. Nội dung người thật, truyện thật, sách hơn 200 trang không màu mè, rất tình cảm và truyền động lực. Một câu chuyện phi thường ở một làng quê bình thường giữa một đất nước phi thường với những con người phi thường, hihi. Rất thích hợp khi cảm thấy thiếu thốn một motivation nào đó.
p/s: Đọc về các vĩ nhân hay thật đấy, vì đời họ vốn là lịch sử rồi nhưng mình lại thích đọc về những con người bình thường nhưng chọn sống cho một điều phi thường hơn. Thấy chính mình trong những câu chuyện đó, điều mà mình không thể có khi đọc sách các vĩ nhân, vì mình chỉ thấy mình ích kỷ nhỏ bé làm sao với những con người mang chí lớn vượt trội từ trong trứng.”
Review từ Mai Duong Phuong – Goodreads, 2020
“Thần kỳ là thứ không tồn tại trong cuộc đời!
Mình biết đến cuốn sách này thông qua 1 tờ áp phích to đùng dán ngay trước nhà sách Thái Hà và tiếng ái ố của ck mình vì sách nói về chủ đề khá lạ: trồng táo không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chúng mình đã từng nghĩ đến 1 quả táo sẽ được tạo ra và định hình cách làm nông nghiệp trong tương lai bằng công nghệ gen mới, thân thiện với môi trường, sản phẩm đặc trưng của Nhật Bản.
Nhưng không…
Đó lại là cách làm nông nghiệp đầy lạc hậu, dùng dấm để trừ sâu hại, dùng tay để bắt từng con bướm đêm, từng con sâu cuốn lá. Trời ơi, nếu để là mình, mình chấp nhận sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dùng phân bón hóa học để giải phóng sức lao động của người nông dân còn hơn. Đây có thực là người nông dân ở Nhật Bản không vậy.
Tuy nhiên, mình thật sự yêu sự chân thật và ngốc nghếch của người nông dân Kimura đấy. Ông đã nói một câu mà mình nhớ mãi, trước khi đầu hàng số phận hãy thử làm 1 kẻ ngốc đã. Làm kẻ ngốc để được điên rồ theo giấc mơ của mình, được bơ đi những lời dị nghị xét nét của người xung quanh.
Kimura đã ngốc nghếch để muốn viết lại lịch sử sử dụng thuốc trừ sâu của nhân loại, muốn trồng 1 vườn táo mà hoàn toàn ko sử dụng bất kỳ thuốc gì mà chỉ dựa vào những liệu pháp tự nhiên: bùn đất, dấm chua, phân sống… Và kết quả là trong khi các vườn táo khác ra thật nhiều những quả táo tròn mọng thì vườn Kimura chỉ trơ những thân táo, không có dấu hiệu của sự sống, gia đình của Kimura cũng vì thế lâm vào tình trạng kiệt quệ về mặt kinh tế. Kimura dẫu là kẻ ngốc cũng không tránh khỏi sự giằng xé giữa ước vọng điên rồ và thực tại nghiệt ngã của cuộc đời mình.
….. đó là lý do Kimura tìm đến cái chết. Nhưng trong khoảnh khắc ấy, Kimura đã tìm được chân lý của nông nghiệp đã tìm thấy sứ mệnh của người nông dân trong việc hiểu sâu sắc thế giới tự nhiên để từ đó giúp đỡ cây táo được hoàn thành vận mệnh của chính mình đó là kết trái những của táo thơm ngọt đến khôn cùng. Kimura hiểu cả một thời gian dài sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã làm cho đất đai bị hư hỏng, các loại sâu bệnh cũng bị phá vỡ sự cân bằng sinh thái, dẫn đến nếu chỉ tìm cách loại bỏ đơn thuần không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cây sẽ không thể tồn tại được. Điều quan trọng nhất là phải lấy lại sự cân bằng sinh thái cho cây táo, cây táo phải được sống trong môi trường tự nhiên nếu muốn phát huy hết khả năng của nó. Và cách làm nông nghiệp hiện đại phải xuất phát từ việc hiểu tự nhiên trong một chỉnh thể chứ không phải là cắt những lát nhỏ để phân tích rồi ghép lại. Đọc sách viết về ông mới thấy vẻ đẹp của nghề nông trong muôn vàn những khó khăn, gian khổ. Chỉ từ sự quan sát tỉ mỉ kỹ càng trong thời gian dài mới có sự thấu hiểu sâu sắc về nghề và mới đưa ra được giải pháp hay và bền vững.
Đó là một cuốn sách về nghề nông và người nông dân trồng táo. Đó cũng là một cuốn sách truyền cảm hứng để những ai đang ở những giai đoạn khó khăn của cuộc đời có thể bớt bi quan hơn. Còn với mình, đó còn là một cuốn sách về niềm tin và cách nuôi dạy con cái với nhiều cung bậc cảm xúc.
Thật sự rất hay.”
Review từ Misora Doan – Goodreads, 2018
“Một cuốn sách cực kỳ ý nghĩa và bổ ích. Ban đầu đọc thực ra có phần hơi nản và mệt mỏi vì chỉ toàn thấy những thất bại mà chẳng có chút tiến triển nào. Nhưng đó là bởi đây là một câu chuyện thật của một con người thật, diễn biến của câu chuyện gắn với câu chuyện thực của Kimura nên ta như được trải qua từng cung bậc cảm xúc và những khó khăn của Kimura, cảm nhận từ sự hào hứng, khao khát tìm ra cách trồng cây không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến mệt mỏi, thất vọng, chán nản mỗi khi phải chứng kiến cảnh vườn táo ngày càng suy kiệt, gia đình thì lâm vào cảnh bần hàn, bị những người xung quanh dè bỉu, xa lánh để rồi đến cuối truyện, ta cũng như được thở phào nhẹ nhõm cùng nhân vật chính và hạnh phúc như thể chính mình vừa đạt được thành công. Câu chuyện của Kimura mang ý nghĩa động viên to lớn : Khó khăn rồi cũng sẽ qua đi, hãy tiếp tục làm điều mà bản thân cho là đúng, và “Trong đời này ít nhất hãy một lần làm kẻ ngốc”. Ngoài ra, nhờ Kimura này ta còn nhận ra được mối liên kết chặt chẽ giữa vạn vật trong tự nhiên, “Dù cho khoa học có tiến triển như thế nào đi nữa, con người cũng không thể tách khỏi tự nhiên và sống được đâu”.
Kimura tự gọi mình là “ngốc nghếch” nhưng với tôi và có lẽ là với cả những người xung quanh ông, ông là một con người vô cùng tài năng và tuyệt vời. Không phải ai cũng có thể bền bỉ, nỗ lực, đánh đổi tất cả vì ước mơ của mình, mặc kệ những người xung quanh nói gì. Và trong câu chuyện của Kimura còn có rất nhiều những con người tuyệt vời khác nữa, những người luôn ủng hộ, động viên và giúp đỡ ông như gia đình nhà vợ ông, mẹ ông, những người cùng làm thêm với ông hay những khách hàng vẫn luôn tiếp tục mua táo cho ông dù thời gian đầu chất lượng táo chưa được ổn định.
Nói chung đây là một cuốn sách rất đáng đọc.”
Review từ AnnieLe – Goodreads, 2019
“Mình đã hoàn thành challenge đọc sách của năm nay bằng một quyển sách không thể kỳ lạ hơn! Một quyển sách thứ 13 đáng để suy ngẫm.
“Tôi nhìn hai quả táo được bổ ra, chúng được bảo quản từ hai năm trước trong nhà bếp của Iguchi. Thông thường, táo bổ ra và để một lát sẽ chuyển màu nâu, chẳng mấy chốc là hỏng. Thế nhưng, táo của ông Kimura thì không, nó chỉ teo nhỏ như bị “héo” thôi. Ngoài màu đỏ ra, tất cả đều nguyên vẹn, toả hương thơm ngọt ngào như kẹo vậy.”
Quyển sách kể về quá trình trồng táo không dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật của một người nông dân Nhật – việc gần như bất khả thi lúc bấy giờ. Đọc tựa sách, mình biết ông ấy đã thành công, ấy vậy mà khi lật giở từng trang, cảm giác sốt ruột vẫn không thể dừng lại, chỉ mong sao nhanh nhanh đến cái đoạn cây táo ra hoa và kết quả. 8 năm bị dè bỉu, cha mẹ ruột từ mặt, hàng xóm quay lưng, 8 năm cả gia đình sống trong cảnh khốn cùng, chạy ăn từng bữa, chỉ vì ước mơ của ông. Thậm chí, hàng xóm còn “ưu ái” đặt cho ông cái biệt danh “Kamadokeshi” – Kẻ phá gia chi tử!
Đó là một hành trình dài và không hề dễ dàng, có lúc bế tắc đến mức Kimura đã muốn tự tử, thế nhưng, ngay giây phút đó, ông lại phát hiện ra gốc rễ của vấn đề. Một quyển sách không chỉ hay về nông nghiệp, mà còn về ý chí, niềm tin của con người. Trong quyển sách này, có những điều sẽ làm thay đổi gần như toàn bộ cách nhìn của bạn về việc trồng trọt và cốt lõi của vấn đề trồng trọt. Bạn sẽ nhận ra, chưa bao giờ một bông hoa trắng bé xíu lại có thể khiến mình rơi nước mắt như thế.
“Chắc vì tôi ngốc quá nên cây táo mới ra quả.”
Chắc vì chúng ta ngốc quá, nên không nhận ra những quy luật hiển nhiên của tự nhiên.”
Review từ Annie – Goodreads, 2021
“Mình nghe ebook trong lần đi bộ tập thể dục. Mình đã từng nghe câu chuyện về ông Kimura rất lâu trước khi thực sự chạm tới cuốn sách, nhưng dù sao đây cũng là một câu chuyện rất thú vị.
Cuốn sách đơn giản là kể về hành trình trồng táo của người nông dân Kimura.
Có 3 ý nghĩa mình rút ra từ cuốn sách:
– Mọi vật đều kết nối trực tiếp với nhau và nếu muốn đạt được sự thay đổi bền vững thì cần tìm thấy nguồn của sự kết nối. Ý nghĩa này được nhìn thấy rất rõ ràng trong nông nghiệp, cụ thể là trong truyện trồng táo. Ông Kimura sau một thời gian dài bế tắc bởi không biết làm thế nào để xử lý sâu bệnh, sau một lần tình cờ ông đã quyết định cải tạo đất trồng, đất trồng giúp rễ cây mọc dài ra và cây khoẻ mạnh hơn, từ đó kháng cự được với sâu bệnh tốt hơn. Một thứ tưởng chừng như không liên quan tới sâu bệnh là đất trồng hoá ra lại đóng vai trò vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề.
– Con người cũng như tất cả các loài vật, không thể sống độc lập và thiếu sự kết nối. Đối với cây táo, để có thể phát triển khoẻ mạnh, cây cần một hệ sinh thái bao gồm cả động vật và thực vật sống cân bằng với nhau. Con người cũng vậy, ông Kimura cũng đã được rất nhiều người giúp đỡ để có thể đạt được kết quả phi thường.
– Khi tập trung vào một thứ gì đó đủ ý nghĩa, cái tôi của con người trở nên không còn quan trọng. Đối với ông Kimura, ông quá tha thiết với cây táo và sẵn sàng làm những công việc khó nhọc để kiếm tiền nuôi gia đình và chăm sóc cho vườn táo, ông luôn có niềm tin rằng cây táo nhất định sẽ sống và đậu quả. Ông không bỏ cuộc, không dừng lại, đi đến cùng và cuối cùng đạt được thành quả vô cùng ngọt ngào.”
Review từ Lương Birdy – Goodreads, 2021
“Lâu lâu mới tập trung đọc đc cuốn sách hay thế này =))
Sách kể lại hành trình trồng táo của ông Kimura, quyết tâm trồng một vườn táo không thuốc bảo vệ thực vật. Cuối sách đương nhiên là một cái kết có hậu cho nhân vật chính, nhưng để đi đến cái kết đấy thì ông Kimura ngoài đời thực đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, thậm chí có lúc đã tìm đến cái chết vì quá tuyệt vọng.
Mình khá thích triết lý lồng ghép trong những cuốn sách về nông nghiệp thuận tự nhiên của Nhật Bản (ví dụ cuốn này hoặc mấy cuốn của Fukuoka). Rằng tự nhiên là một thể thống nhất, đừng cố cắt nó ra thành từng lát, đừng cố gắng tác động hoặc biến đổi tự nhiên. Các sinh vật trong tự nhiên có sự gắn bó chặt chẽ với nhau và có khả năng bảo vệ chính mình nên nói chung là “let it be”.
“Vì có loại côn trùng con người gọi là sâu hại nên thiên địch mới có thể sống được. Vì có kẻ ăn và kẻ bị ăn nên sự cân bằng của tự nhiên mới được đảm bảo. Ở đó không có thiện ác. Cả việc bùng phát dữ dội của bệnh tật hay sâu bọ cũng thế, đó chẳng phải là công việc của tự nhiên nhằm khôi phục sự cân bằng hay sao?”
Đoạn cuối sách, tác giả so sánh con người hiện đại với những cái cây bị phun thuốc bảo vệ thực vật mình thấy khá đúng. Hay ý tưởng làm thế nào để phổ cập nông nghiệp thuận tự nhiên ra khắp Nhật Bản cũng rất hay.
Tuy nhiên, cuốn này mang nhiều giá trị truyền cảm hứng hơn là cung cấp kiến thức chi tiết về nông nghiệp thuận tự nhiên. Đọc để cài đặt tư duy thôi nha, kĩ thuật thực hành thì các bạn nên tìm hiểu sâu ở những cuốn khác.
Dù sao thì vẫn 5 sao! Cảm ơn chị Vy vì cuốn sách thú vị này .”
Review từ Jane – Goodreads, 2018
“Một quyển sách sẽ khiến người bình thường ngạc nhiên còn một người giàu cảm xúc rơi nước mắt và cảm động đến tận tâm can. Đã lâu lắm rồi mới có một quyển sách mình có thể cảm nhận nó hay đến từng câu chữ, thật đến từng từ, từng câu. Dẻo dai, kiên cường, mạnh mẽ, ý chí, bao nhiêu tính từ tốt đẹp nghĩ ra được đều có thể đúng với ông Kimura, nhân vật chính của câu chuyện. Một người đàn ông giống như một anh hùng muốn giải cứu thế giới không cần đến sức mạnh siêu nhiên mà dùng ý chí của mình để làm nên tất cả vậy. Nhân vật tuyệt vời thứ 2 là bà Michiko, vợ của ông, người phụ nữ chỉ được nhắc tới vài lần trong truyện nhưng đủ để hiểu bà là người tuyệt vời như nào. Nếu chồng là người đàn ông có ước mơ lớn lao thì ước mơ của bà chỉ đơn giản là theo chồng đến tận cùng ước mơ đó, nói vậy nhưng ý chí của bà so với ông chắc không khác bao nhiêu. Thêm một nhân vật nữa là bố chồng của ông Kimura, người luôn tin tưởng hết lòng vào ước mơ của con rể mình, cho đến tận lúc mất, ông cũng hạnh phúc nhắm mắt bởi ước mơ của con ông đã thành sự thật. Và tất cả nhân vật khác cộng với tác giả đều là những người đáng yêu và tốt theo nhiều khía cạnh khác nhau.
Kết luận: Một quyển sách đáng để đọc đi đọc lại thêm nhiều lần nữa!!!”
Review từ Daisy Nguyen – Goodreads, 2021
“Mình biết đến quyển sách này khi đọc một bài viết trên group “Người đọc sách”. Đầu năm đi mua sách thì tình cờ nhìn thấy trên giá cầm trực tiếp thì thấy gương mặt của ông Kimura chân chất nên quyết định mua về đọc. Cũng không tính đọc ngay nhưng nhờ em trai học lớp 5 chọn cho một quyển sách để đọc và cu cậu đã đưa cho mình quyển này vì bảo là em thấy tên sách nghe hấp dẫn quá.
Đoạn đầu sách phần nói về hoàn cảnh và việc lý do vì sao ông Kimura bắt đầu trồng táo không thuốc trừ sâu mình thấy hơi dài dòng và chưa rõ được đúng ảnh hưởng của việc vì vợ ông bị dị ứng nên ông quyết định như vậy. Mình chỉ thực sự cuốn hút bắt đầu từ những đoạn viết về cuộc vật lộn của ông với thiên nhiên, với những người xung quanh và với bản thân trong quá trình trồng táo. Đúng kiểu đọc ngấu nghiến luôn. Đến đoạn đỉnh điểm ông tìm được cốt lõi vấn đề thì mình lại đọc đủng đỉnh hơn kiểu như là à vấn đề tìm xong rồi chỉ cần vài xung đột nhỏ nữa thôi là sẽ đạt kết quả.
Đọc xong quyển sách này mình tự nhiên thấy sợ ăn táo to. Thực sự quyển sách không quá đao to búa lớn răn dạy điều gì nhưng những nỗ lực, cố gắng của ông Kimura cũng mang lại những điều tích cực cho mình. Khi gặp khó khăn có thể nhớ rằng ở Nhật Bản còn có ông Kimura gặp bao nhiêu trúc trắc mới đến được thành công vậy mà.”
Review từ Hiệp Lê Tuấn – Goodreads, 2021
“Khi nghe câu chuyện của ông Kimura, mình như nhìn lại được quãng thời gian vừa qua. Quá trình theo đuổi ước mơ luôn thật khó khăn. Đặc biệt là khi đi ngược lại đám đông. Việc không bị lung lay, suy giảm ý chí trước những thất bại nặng nề liên tục, trước thực trạng đang xảy ra trong khi những người xung quanh có vẻ như đều bình ổn. Nói thì tưởng đơn giản, mà quằn quại lắm. Việc đầu tiên của đạt được ước mơ là bước đi trên con đường đó. Đây đã là việc khó. Việc có thể đi tới cuối lại càng khó khăn hơn. Không thiếu những lúc muốn từ bỏ. Thậm chí như Kimura, còn muốn trốn chạy khỏi hiện thực bằng cả cái chết. Người đi ngược lại đám đông, so với mặt bằng chung xã hội sẽ luôn là kẻ ngốc, kẻ điên, kẻ khùng cho đến khi đạt được thành công mới có thể đạt được sự tôn trọng của xã hội.
Nói trở lại cuốn sách, mình ủng hộ Kimura việc trồng cây không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón nhưng có một câu hỏi mà mình vẫn trăn trở. Ngay chính ông Kimura cũng nhận ra rằng, cách trồng trọt của ông vất vả hơn mà năng suất, khối lượng lại ít hơn. Vậy nếu ai ai cũng áp dụng thì có đủ lương thực cho thế giới như hiện tại hay không? Khi mà ăn còn không đủ no thì người ta có đủ sức mà nghĩ nhiều như thế không nhỉ?”
Review từ Anh Hoang – Goodreads, 2018
“Cuốn sách kể về Kimura – một người đàn ông dành thời gian tính đến cả chục năm để theo đuổi giấc mơ: trồng táo không chất bảo quản. Để làm được điều ấy, ông đã tốn rất nhiều công sức để quan sát, để thay đổi các phương pháp, hoàn toàn tự nhiên.
Tôi ấn tượng với đoạn ông nói: khu vườn không tồn tại sâu bệnh, bớt dần những dịch bệnh khi chất dinh dưỡng vừa đủ cung cấp cho vườn táo. Không một thứ gì thừa ra. Chăm sóc cây táo cũng như chăm sóc đứa trẻ, khi ta bón phân, cung cấp chất dinh dưỡng, mọi thứ đến với cây táo quá dễ dàng mà không cần cố gắng gì nên rễ cây chỉ có thể tính đến vài mét, yếu, có thể bị quật ngã bởi gió bão như những vườn táo bên cạnh. Nhưng khi không có gì cả, cây táo phải “vận động” nhiều hơn. Cây táo của Kimura đâm rễ dài đến 20 mét, sức đề kháng cũng tốt hơn trước gió bão.
Câu chuyện vẫn nhắc lại điều muôn thuở: Cố gắng, kiên trì, sẽ có ngày có quả ngọt. Có một vài chi tiết mới lạ với tôi: về nguồn gốc của táo phương Tây du nhập vào Nhật Bản, về thời kỳ Minh Trị tại sao người ta lại chọn táo, thời kỳ khủng hoảng táo, thời kỳ bùng nổ chất bảo quản thực vật ở Nhật, nguồn gốc của chất bảo quản.”
Review từ Ngoc Vu Thi – Goodreads, 2018
“Quyển sách này quá hay luôn. Ai quan tâm đến nông nghiệp tự nhiên và trồng trọt không hoá chất chắc đều biết và muốn đọc quyển này. Ai không quan tâm đến mấy cái đó cũng rất nên đọc, vì nó sẽ truyền cho bạn rất nhiều cảm hứng thú vị đấy.
- Cuộc đời và hành trình trồng táo của ông Kimura thực sự hấp dẫn. Khiến người đọc không tự chủ mà cuốn theo câu truyện và khâm phục nghị lực cũng như trí tuệ của ông
- Tác giả viết quá hay. Kết cấu của tác phẩm phải nói là hoàn hảo đối với mình. Hiện giờ còn đang hưng phấn đến nỗi chưa tìm được điểm hạn chế của cuốn sách. Dạo này mình đọc nhiều tác phẩm đến từ Nhật Bản và thấy khâm phục phẩm chất người Nhật quá. Đọc 1 quyển sách thôi nhưng thấy nhà văn viết ra nó chắc chắn rất giỏi, rất yêu nghề và làm nghề cực kì có tâm. Thật ngưỡng mộ những người như thế
- Bản dịch quá tốt. Lâu lắm rồi mình mới đọc 1 quyển sách dịch mà hài lòng đến thế. Tiếc là search trên gg không thấy có thông tin gì về dịch giả
Nói chung là sách rất đáng đọc và cũng dễ đọc. Mọi người mua đọc cho vui, quyển này mình mua ở Tiki thì phải, order họ ship tận nhà luôn.”
Review từ Minh Phuoc – Goodreads, 2018
“Hành trình ông Kimura trồng táo không dùng thuốc trừ sâu trong 9 năm là tấm gương của lòng dũng cảm và sự nhẫn nại lớn lao. Câu chuyện của ông có lẽ sẽ là nguồn động viên lớn lao cho những người ai đã tìm thấy đam mê, mải miết đi theo chúng nhưng trên đường đi, thi thoảng cảm thấy lạc lõng và bơ vơ.
Cuốn sách dày hơn 250 trang và đoạn khiến tôi cảm động nhất là khi vườn táo của ông đã đồng loạt ra hoa vào năm thứ 9. Năm đó là năm đầu tiên ông có được mùa thu hoạch táo sau 8 năm sống với ngóng chờ trong lo lắng và hoang mang.
Đoạn văn tôi thích nhất là ở chương số 16 khi ông Kimura – với tư cách là một sinh vật sống, tên gọi là con người, hiểu ra việc mình nên đối diện với những sinh vật sống khác là cây táo như thế nào
Cuối cùng, sự thực rằng “không việc gì xảy đến chỉ với một nguyên nhân” và “không thể nhìn bề ngoài mà xét đoán bên trong” là điều mà có lẽ bác nông dân Kimura hiểu rõ nhất. Tôi vì vậy mà thêm tin rằng sự thực đó, bài học đó và sự tài hoa trong cách sống luôn có mặt ở mọi nơi, nó dành cho bất cứ ai nhẫn nại đi đến tận cùng của “sự ngốc nghếch” nơi bản thân.”
Review từ Huong Le – Goodreads, 2021
“Cuốn sách này văn phong không hẳn là mượt mà, nhưng nội dung lại rất touching. Nhiều chương khiến mình rớm nước mắt dù đang ngồi nghe trên xe bus. Đó là những đoạn nói về ông Kurima mặc cảm vì không lo được cho con cái đủ ăn, bà Michiko lặng lẽ ủng hộ chồng, sự tuyệt vọng khi thấy vườn táo chết dần, sự chịu thương chịu khó, lam lũ, quyết tâm của ông Kurima. Hay khi cả vườn táo trắng xóa hoa trở lại sau 9 năm héo hắt. 2 quả táo đầu tiên ngọt ngon đến dường nào. Con người ấy thật đẹp bởi lòng tin, nghị lực, sự quan sát và thực nghiệm không biết mệt mỏi, nên đã “ngộ ra” được bài học về sức mạnh của mẹ thiên nhiên, làm sao để ủng hộ cân bằng sinh thái, chung sống như 1 thể với tự nhiên. Ông còn truyền lại kinh nghiệm và lan tỏa triết lý nông nghiệp hữu cơ bền vững tới toàn bộ nông dân với mong muốn loài người bảo vệ được hệ sinh thái tuyệt vời của Trái Đất này.”
Review từ Daisy – Goodreads, 2020
“Có lẽ do mình yêu thiên nhiên, thích hít khí trời, ăn nắng uống gió mà lớn nên mình rất thích triết lý sâu xa được gửi gắm trong cuốn sách này.
Tự nhiên vốn là một tổng thể hài hòa, thống nhất. Tự nhiên tự nó biết cân bằng mọi thứ, từ sinh vật đến những yếu tố phi sinh vật. Nông nghiệp hiện đại, với việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, đã phá huỷ sự cân bằng của tự nhiên một cách sâu sắc. Và hành trình 20 năm để thu hoạch được quả táo thần kỳ là hành trình lắng nghe, thấu hiểu và chữa lành tự nhiên của Kimura. Rất thích cách diễn đạt của ông về việc dùng thuốc bảo vệ thực vật để can thiệp vào tự nhiên: Thoả hiệp một cách đơn giản với một đối tượng phức tạp như thế, ngay từ đầu đã là một sự nhầm lẫn rồi.”
Review từ Jas Phạm – Goodreads, 2020
“- Nông nghiệp hiện đại được tạo nên bằng sự phá hủy cân bằng của tự nhiên
– Được thế giới này chấp nhận hay không không phải vấn đề. Cái đó là việc thế giới quyết định. Bản thân mình đi con đường này là được.
Quyển sách nói về bác Kimura, đã theo triết lý của Masanobu Fukuoka về nông nghiệp tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Là một hành trình dài, kiên định, có những lúc tưởng phải từ bỏ nhưng cuối cùng vẫn gặt được trái ngọt. Có thể việc mất 8 năm cho những giải pháp sai lầm, cho sự tập trung sai vấn đề, nhưng Kimura đã gặt được nhiều hơn là mất, từ sự kiên định theo đến cùng của mình.
Một quyển sách giản dị như chính nhân vật chính, một quyển sách nên đọc qua một lần trong đời.”
Review từ Ngân Nguyễn – Goodreads, 2019
“Cuốn sách đầu tiên review ^^
Cuốn này nhiều bạn đã nói hết lời hay ý đẹp rồi, nên mình chỉ muốn nói 1 xíu thôi ạ. Mình đọc liền mạch cuốn sách hết ngay trong ngày, chứ không để nhấm nháp dần dần được. Là sự rung cảm sâu sắc về tình yêu thiên nhiên, về sự nhân hậu của Kimura và cái cách ông theo đuổi đến tận cùng lý tưởng của mình, dù cho có lúc đã tìm tới cái chết. Vạn vật xung quanh mình đã khác đi rất nhiều kể từ sau khi đọc được cuốn sách, cảm giác yêu thương ngập tràn và muốn tìm hiểu về thiên nhiên thật nhiều hơn nữa. Muốn được chung sống, muốn được yêu thương ngay cả cái cây nhỏ trong vườn.”
Review từ Tothesky – Goodreads, 2020
“Mình từng coi một đoạn phim tài liệu trên tivi về một chú trồng táo (thật sự quá lâu rồi mình không nhớ chính xác) và một câu nói rất hay của chú đó là khi vượt qua những ngọn núi chúng ta sẽ thấy được cầu vồng (mình chỉ nhớ đại khái là vậy). Thật ra lúc đó mình cảm thấy câu đó rất đúng nên đến giờ vẫn mãi tìm kiếm lại nội dung chính xác của câu nói đó của đoạn phim đó nhưng vẫn chưa tìm ra được. Khi nhìn thấy bìa cuốn sách này mình cứ ngỡ biết đâu đây là cuốn sách nói về chú ấy. Nhưng trong sách không đề cập đến cầu vồng hay ngọn núi để nói về thành quả hay khó khăn gì cả. Nhưng mình tìm được một câu cũng hay không kém “Trong cuộc đời này ít nhất hãy một lần làm kẻ ngốc””
Review từ Linh Giap – Goodreads, 2018
“Đây là một trong vài cuốn sách mà khi đang đọc, mình không muốn đặt xuống chút nào. Cầm cuốn sách lên là chỉ muốn nghiền ngẫm theo từng câu chữ, từng chia sẻ rất giản dị, gần gũi và đầy cảm xúc về hành trình “thần kỳ” của ông Kimura.
Đối với một đứa thích ổi táo nhà trồng như mình, thích ăn trứng gà nhà nuôi như mình, những điều chia sẻ tâm huyết về quá trình tự tìm tòi, thử rồi sai, làm rồi thất bại của ông Kimura là những điều rất thấm thía. ĐỌc rồi để thấy ước mơ “nông trại xanh” của mẹ thật khó và thật gian nan.”
Review từ Lam – Goodreads, 2019
“Quyển sách không chỉ là một câu chuyện của người nông dân trồng táo theo đuổi giấc mơ, mà còn là đạo đức của một người làm nghề: kiên định đến cùng và thuận theo tự nhiên. Khi tìm ra bí quyết, Kimura cũng không giữ riêng cho mình mà ông chia sẻ cho các vùng trên cả nước Nhật nhằm hướng đến nền nông nghiệp thuận tự nhiên, đưa nhiều sản phẩm tốt-sạch-không thuốc bảo vệ thực vật đến tay người tiêu dùng.
Đọc xong cuốn sách mình nghĩ cũng dễ hiểu khi mà Nhật Bản luôn là quốc gia khiến cả thế giới phải nghiêng mình ngưỡng mộ.”
Review từ Dung Trần – Goodreads, 2019
“Mình tìm được quyển sách này ở Hội sách cv Thống Nhất hôm 19/4 vừa rồi. Mình ấn tượng bởi tên quyển sách vì táo là loại quả mình thích ăn, đặc biệt là nụ cười ở bìa quyển sách – Kimura, thỉnh thoảng đang đọc mình lại lật lại trang bìa xem vì nhìn nụ cười ấy mình thấy yêu quá. Đọc quyển sách này mình bị cuốn vào giọng văn của tác giả, kể chuyện nông nghiệp nhưng đầy triết lý rất hay, giọng giản dị mộc mạc dễ hiểu, có những đoạn tác giả miêu tả thực sự làm mình xúc động. Mình nghĩ đây là quyển sách hay nên đọc.”
Review từ Linh Vu – Goodreads, 2020
“Sách không viết theo kiểu ly kỳ nhưng là những suy nghĩ được coi là điên cuồng hầu hết với mọi người thời điểm đó. Đã biết trước kết quả câu chuyện nhưng không ngờ ông có thể đánh bại những thách thức khó khăn nhất trong cuộc sống. Cay đắng nhất có lẽ là giây phút thu hái quả ngọt sau 10 năm khó khăn nhưng không thể bán được. Ông là minh chứng cho quyết tâm bền bỉ, ý chí kiên cường tin vào bản thân tìm kiếm điều tốt đẹp cho xã hội và là tấm gương lao động hăng say. Chúc cho có thật nhiều người như ông và bạn đọc hãy mua sách để ủng hộ ông.”
Đậu Đậu