Review Nghệ thuật bài trí của người Nhật

Nghệ thuật bài trí của người Nhật (Marie Kondō) – Cuốn sách đã được xuất bản sang 33 thứ tiếng. Đã bán được 1,5 triệu bản tiếng Nhật và hơn 2 triệu bản tiếng Anh. Và liên tục đứng đầu trên các bảng xếp hạng của: Amazon, New York Times, Brazilian Newspaper, German Newspaper….

Hãy biến ngôi nhà của bạn thành một không gian luôn ngăn nắp và sạch sẽ với phương pháp KonMari kỳ diệu. Chuyên gia sắp xếp và dọn dẹp người Nhật, Marie Kondo, sẽ giúp bạn dọn sạch các căn phòng một lần cho mãi mãi với các phương pháp truyền cảm hứng được thực hiện theo từng bước.

Điểm mấu chốt để thành công trong việc dọn dẹp nhà cửa là bạn phải thực hiện theo thứ tự đúng, chỉ giữ lại những thứ bạn thật sự yêu thích và làm tất cả cùng lúc – và thật nhanh. Sau đó, trong suốt phần đời còn lại, bạn chỉ cần lựa chọn giữ lại thứ gì và bỏ đi thứ gì.

Phương pháp KonMari sẽ không chỉ biến đổi không gian của bạn. Khi bạn giữ được trật tự cho ngôi nhà của mình, toàn bộ cuộc sống của bạn cũng sẽ thay đổi. Bạn có thể cảm thấy tự tin hơn, trở nên thành công hơn, và có thể có năng lượng và động lực để tạo ra cuộc sống mà bạn mong muốn.

Sau khi đọc cuốn sách “Nghệ thuật bài trí của người Nhật: Phép màu thay đổi cuộc sống”, bạn sẽ có can đảm để bứt ra khỏi những khía cạnh tiêu cực trong cuộc sống: Bạn có thể nhận ra và chấm dứt một mối quan hệ chẳng ra gì; bạn có thể không cảm thấy lo lắng nữa, và cuối cùng bạn có thể giảm cân như ý.

Phương pháp của Marie Kondo dựa trên tôn chỉ cận “đã sạch sẽ một lần thì sẽ không bao giờ bừa bộn nữa”. Nếu bạn nghĩ điều đó thật không tưởng, chắc chắn là bạn nên đọc cuốn sách hấp dẫn này.

Nghe thuat bai tri cua nguoi Nhat
Ảnh: Tiki.vn

Thông tin về tác giả Marie Kondo

Marie Kondo sinh ngày 9/10/1984 là nữ tác giả viết sách và nhà tư vấn sắp xếp nội thất người Nhật Bản. Kondo đã viết 4 cuốn sách về các cách xếp đồ đạc, bán được hàng triệu bản và được ra các thứ tiếng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh. Trong số đó, cuốn The Life-Changing Magic of Tidying Up (2011) từng được xuất bản ở hơn 30 quốc gia. Năm 2015, cô lọt vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất của tờ Time.

Tổng hợp review sách Nghệ thuật bài trí của người Nhật

Review từ bạn Tô – Goodreads, 2017

“Vô sản và đời sống tối giản :3

Thực ra thì cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều từ sau khi tôi đọc cuốn sách này. Anh Ted trong HIMYM hay “Nhà giả kim” có câu gì mà ý là: Khi ta muốn cái gì đấy, cả vũ trụ sẽ hợp sức để giúp chúng ta. Cái ấy đúng, vì ngay khi tôi thực sự mong mỏi mình có nhiều không gian sống hơn thì đồ đạc của tôi bắt đầu đội nón ra đi một cách dứt khoát và đau đớn vô cùng: mất xe và giường – hai thứ đốt nhiều không gian nhất phòng =))) Giờ thì chiều chiều thì tôi cuốc bộ để đi chợ, tối tối tôi trải chăn ra sàn để nằm ngủ và sáng sáng tôi cuốn gọn chăn nệm lại rồi đi bộ ra bến xe bus :<

Trở lại với vấn đề cùng nụ cười trên môi, tôi tin nếu đọc xong cuốn sách này, lòng tràn trề quyết tâm và làm theo lời tác giả thì chắc chắn bạn sẽ vứt bỏ được một lượng rác khổng lồ và biết cách sắp xếp đồ đạc khoa học hơn. Trong sách có kha khá mẹo vặt hữu ích, tuy nhiên tôi là đứa nghiện dọn dẹp và đọc báo lá cải phụ nữ nên biết cũng gần hết. Khi có thể nén được 2 cái giá sách, một cái giường đơn, một cái bàn học lớn, một cái bàn uống trà, một tủ đựng áo quần, một tủ đựng chén bát gia vị, một cái bếp ga to, 3 con mèo béo trong khoảng không gian tầm 15m2 mà vẫn có còn chỗ trống cho tôi nằm lăn lóc và lũ mèo rượt nhau thì nói chung tôi không phải là tay mơ trong lĩnh vực này. Duy có một cái rất tuyệt mà có lẽ nhiều người chưa biết, đó là không để các lọ hóa mĩ phẩm ở trong phòng tắm!!! Nói cho cùng thì lý do mà phòng ốc và cuộc đời chúng ta bừa bộn, ấy là vì chúng ta ưu tiên chữ “tiện” hơn là “đúng” nên cảm thấy việc phải đi xa thêm vài bước chân để lấy cái chai dầu gội đầu thì vô lý quá, trong khi đó, mỗi tuần bỏ ra tầm nửa tiếng để lau chùi nhớt bám trên mấy cái chai + khay đựng chúng thì thấy bình thường 😐 Tôi đã thử và sạch hơn hẳn, còn bạn? :3

– Trong sách, tác giả còn dạy cách tâm sự với đồ đạc :))) Vâng, sau mèo, đồ ăn thì chúng ta sắp được thấy người Nhật nói chuyện tình cảm với sách vở, áo quần, văn phòng phẩm và cái túi xách. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề giao tiếp với đồ đạc mà là chuyện bạn thực sự cảm nhận như thế nào về một thứ, về việc nó quan trọng thế nào đối với cuộc sống của bạn. Nhiều người cứ tha quá nhiều rác về nhà vì họ không thành thật với bản thân mình trong chuyện này. Mua vì rẻ, vì khuyến mãi, vì nghĩ là mình sẽ cần, mua vì lương mới về, mua vì có người trả tiền, mua vì ai cũng có mà mình chưa có,… Chúng ta phải hiểu rõ mình trước khi hiểu về đồ vật. Nói thì oai vậy chớ tôi không vứt đi được cuốn sách nào trong đợt dọn dẹp vừa rồi cả. Tôi không có được cái gan ấy :(((

– Thêm một bí kíp mà cuốn sách này chỉ nhắc sơ nhưng lại tối quan trọng. Đó là nên ngừng việc tích trữ đồ đạc. Việc chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ không chỉ đốt của chúng ta cả núi tiền, của Trái đất này biết bao nhiêu nguyên liệu, hủy hoại môi trường mà còn đốt một đống thời gian để mua, bảo trì và dọn dẹp chúng. Tất cả đều là những chi phí vô hình nhưng khi tính lại mới thấy nó nặng nề đến nhường nào. Ví dụ thực tế, tôi rút được từ một buổi sáng ngày thứ 7 để còng lưng lau mọi ngóc ngách trong nhà, cọ nhà vệ sinh và cố gắng xếp gọn kệ sách, xếp áo quần và thêm nửa buổi chiều nằm dài ra vì mệt quá xuống một giờ cho tất cả những thứ đó. Thời gian còn lại tôi nằm ườn ra phơi nắng, đọc sách, đắp mặt nạ, ngủ với mèo,… nghĩa là toàn những chuyện tôi thích trong một không gian thoáng đãng và sạch sẽ hơn ^^

Đấy, theo như bí quyết thứ hai thì tôi sẽ không bao giờ ra hiệu sách rồi mua cuốn sách này =))) Vì nó tiêu tốn không gian của tôi. Nếu bạn muốn đọc nó, hãy đọc dưới dạng ebook, vào thư viện hoặc vào tiệm cafe sách, lấy bút ghi chép những điều bạn cần xong alê hấp, về dọn phòng ^^.”

Review từ bạn Phạm Ngọc Hà – Goodreads, 2017

“Riêng về chuyện gấp đồ, có vài ý khá hay:

– Không nên treo tất cả đồ đạc lên dù là với lý lẽ: đồ sẽ phẳng phiu, không bị hằn nếp gấp.

– Gấp đồ giúp ta tiết kiệm được một khoảng không gian vô cùng đáng kể.

– Bà Konmari này cực kỳ hay nói đến chuyện tình cảm với đồ đạc, rồi chuyện đồ đạc cũng có linh hồn này nọ. Cho nên bà cho rằng, khi mình gấp đồ, mọi cử chỉ ve vuốt của mình quần áo đều cảm nhận được, nó sẽ phục vụ mình tốt hơn, bền lâu hơn vì giữa mình và nó đã hình thành mối quan hệ thân thiết, trân trọng nhau.

– Khi gấp xong, nên dựng dọc quần áo và đặt sát nhau (như hình). Cách làm này giúp giảm trọng lượng mà quần áo phải gánh (đặc biệt đối với đồ ở dưới cùng). Như vậy là khỏi lo chuyện đồ bị hằn nếp gấp. Đồng thời làm vậy cũng giúp cho mình quan sát quần áo tốt hơn, dễ lựa chọn hơn, sẽ không có cái nào bị bỏ quên chỉ vì nằm sâu dưới đáy tủ.

Còn cách gấp cụ tỉ như nào, có khá nhiều video trên mạng”

Review từ bạn Trang Ngo – Goodreads, 2016

“Đọc xong thấy thật đau lòng.

Đau lòng vì mình biết là mình sắp vứt đi rất rất nhiều đồ.

Còn sau đây là một vài ghi chép cá nhân sau khi đọc sách:

— Sách rất Nhật. Người Nhật có vẻ rất tiết kiệm, rất gọn gàng và người Nhật trân trọng mọi thứ, kể cả đồ vật. Mình lần đầu nhận ra việc này khi đi shopping ở Daiso, thấy có bán rất nhiều những hộp đựng đồ bé xíu và mình đã nghĩ, ai sẽ là người dùng những chiếc hộp này và những chiếc hộp này dùng để đựng gì? Chắc là họ tiết kiệm nên còn 1 tí đồ ăn cũng bỏ vào hộp cất đi. Xong rồi có những cái hộp cơm bé như hộp đựng bút, cảm thấy vừa đủ cho 1 người ăn. Đi shopping ở Daiso luôn làm mình vui vẻ vì ở đó có những món đồ liên quan đến việc sắp xếp nhà cửa mà mình chưa bao giờ nhìn thấy.

— Một vài đoạn nói về tầm quan trọng của việc sống nhẹ nhàng và gọn gàng thì mình bỏ qua vì nó hơi quá nhưng các tips vứt bớt đồ và sắp xếp đồ thì rất bổ ích.

— Có nhiều đoạn mình thấy rất giống mình và gia đình mình, nhất là đoạn không biết vứt đồ đâu thì mang về nhà bố mẹ. Hoặc lúc quyết định vứt đồ đi thì lúc nào cũng có mẹ và bà đòi kiểm tra xem mình vứt cái gì để còn giữ lại vì tiếc của.

— Cũng khá tò mò không biết dọn đồ xong thì cuộc đời mình cơ thay đổi không.

— Đọc xong sách thì muốn giới thiệu nó cho khá nhiều người quen của mình.

Về cơ bản đây là một cuốn sách khá thú vị nên nếu mọi người đã đọc tới đây thì thử tìm đọc cuốn sách đi nhé.”

Review từ bạn Viet Hung – Goodreads, 2016

“Vượt trên nội dung của việc hướng dẫn bài trí là các đề nghị về cách sống tỉnh thức với hiện tại, đơn giản và gần với hạnh phúc hơn. Đó là điều bất ngờ tôi tìm thấy được trong cuốn sách này. Đây là một trong những cuốn sách thực hành áp dụng nguyên tắc sống đơn giản và tỉnh thức vào cuộc sống một cách hiệu quả và thực tế.”

Review từ bạn Nguyễn Quang Vũ – Goodreads, 2017

“Quyển này của Marie Kondō (và có thể là các tác phẩm khác nữa mà mình không biết) là cảm hứng cho quyển “Lối sống tối giản của người Nhật” của Fumio Sasaki. Nhưng chân thành thì mình thích quyển “Lối sống tối giản …” hơn. Marie Kondō viết hơi dài dòng và thiên về kỹ thuật hơn là lý luận. Nhưng chốt lại thì cả hai quyển này chắc chắn có ảnh hưởng đến mình. Tự tin mà nói thì nó sẽ ảnh hưởng đến mình cả hiện tại và tương lai luôn.”

Review từ bạn Phuongvu – Goodreads, 2020

“Không đơn giản chỉ là quyển sách về “dọn dẹp”

Kết thúc đọc quyển sách khiến mình thay đổi mãnh liệt nhất trong năm nay… cho đến thời điểm này❤️

Mình mắc bệnh thích tích trữ đồ vật như thể kiếp trước vô cùng đói khổ, không thấy đủ bao giờ. Poor me, lúc nào cũng sợ thiếu. Và mình tin rằng, rất nhiều người mắc bệnh giống mình????

Chúng ta tích trữ đồ vật, mua sắm quá mức hay ăn quá nhiều với tất cả mong muốn là nhằm nỗ lực làm dịu căng thẳng.

Thông qua quá trình dọn dẹp vô cùng đơn giản, mình có thể giúp bản thân mình đối diện với chính cảm xúc của mình. Đơn giản chỉ là đưa ra quyết định giữ lại những vật mình sở hữu mà mang lại hạnh phúc cho mình. Và loại bỏ tất cả những thứ không còn mang lại niềm vui.

Tự mình đưa ra quyết định dựa trên chính giá trị của bản thân. Điều quan trọng là khi xuất hiện vấn đề nào đó, không tìm kiếm nguyên nhân ở bên ngoài hay người nào đó để đổ lỗi. Và quay ngược lại tìm nguyên nhân ở bên trong.

Không khí tươi mới và sạch sẽ hơn nên tâm trạng cũng tốt hơn. Dọn dẹp đồ vật cũng như thải độc cho ngôi nhà và cho cả cơ thể.

Khi chúng ta không thể từ bỏ thứ gì đó, nguyên nhân sâu xa là: sự gắn kết với quá khứ hoặc nỗi sợ về tương lai.

Một người bạn lớn đã hỏi mình biết nguyên nhân vì sao con người lại sợ không? Tất cả chỉ vì “ngày mai”.

Con người ta dựa trên các lý do trên để lựa chọn vật sở hữu, cũng như lựa chọn trong mọi khía cạnh của cuộc sống bao gồm cả những mối quan hệ với người khác và công việc…

Qua quyển sách bé nhỏ này, mình học được kha khá, mình rất tự tin và cực kì thoải mái được bao quanh bởi những điều mình yêu, mình thực sự thích từ đồ vật cho lẫn tất cả những mối quan hệ xung quanh.

Mình trân trọng từng khoảnh khắc của hiện tại, để toàn tâm toàn ý thưởng thức một cốc trà, trò chuyện với một người bạn trên trời dưới bể, cảm nhận nguồn năng lượng tích cực từ những người bạn đó, thời gian lắng đọng đúng phút giây đó..

Hay ngắm nhìn mê mải từng cử chỉ đáng yêu của con, cảm nhận từng giọt sương sớm đọng lại trên từng nụ hồng sắp nở…

Những đồ vật và con người mình chọn bao quanh mình, mang lại niềm vui, nguồn năng lượng quý giá, trao cho mình sự tin tưởng tuyệt đối và niềm tin mãnh liệt vào những điều tốt đẹp????

Vì mình được chọn nên mình đã chọn những điều tốt đẹp để ở lại bên mình và tiễn biệt những đồ vật không còn mang lại cảm xúc với mình, những mối quan hệ hời hợt, như có như không…

Dành thời gian, tâm sức cho những điều quý giá- từng thứ một và tất cả, đều đặc biệt quý giá và vô cùng yêu thương❤️❤️❤️

Lần đầu tiên mình nhận ra rằng việc bỏ đi thứ gì đó còn quan trọng hơn cả việc thêm vào”

Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về Nghệ thuật bài trí của người Nhật

Nếu bạn muốn xem thêm thông tin chi tiết, hoặc đặt mua sách, bạn có thể ghé thăm Tiki theo link ở đây hoặc Kim Đồng theo link ở đây.

 Tổng hợp bởi Nguyễn Hằng.

Bấm Facebook để chia sẻ bài viết!