Danh sách
Một đời quản trị (Phan Văn Trường)
“Có rất nhiều doanh nhân vĩ đại, những người sáng lập, xây dựng, điều hành những công ty hàng đầu thế giới với doanh thu cả trăm tỷ đô-la Mỹ, những công ty sáng tạo công nghệ và sản phẩm làm thay đổi thế giới, nhưng họ không viết sách dù rằng có nhiều sách viết về họ.
- Phan Văn Trường khác họ. Ông đã từng đứng đầu các tập đoàn khổng lồ với doanh thu 60-70 tỷ đô-la Mỹ, hoạt động trên cả trăm quốc gia, với hàng chục nghìn nhân viên đủ các quốc tịch. Và ông viết sách. Chính xác hơn là ông ghi lại những gì tinh túy nhất và lại giản dị nhất của một doanh nhân người Việt tầm cỡ Global.
Cuốn sách là nhật ký, là tâm sức cả đời của ông nên thật khó giới thiệu trong vài trang. Nhưng tôi muốn ghi lại những điều tâm đắc.
– Phần lớn Doanh nhân nhầm lẫn giữa quản lý và quản trị. Vậy nhà lãnh đạo quản trị Doanh nghiệp như thế nào, họ phải làm gì…
– Làm thế nào để xây dựng doanh nghiệp trường tồn
– Quản trị doanh nghiệp chính là quản trị con người
Có lẽ những điều trên bạn đã gặp ở rất nhiều cuốn sách nhưng ở đây có 2 điều khác biệt:
– Là bài học thực tế, là tinh túy của một doanh nhân tầm cỡ Global
– Hành xử chuyên nghiệp, quyết định sáng suốt, thành công lớn…ở tầm Global nhưng vẫn mang đậm chất Việt, đậm chất nhân văn.
Và đặc biệt những câu chuyện của ông, những bài học của ông lại được kể bằng những con người thực Ông đã cùng làm việc, bằng những câu chuyện thực của đời mình.”
(Trích lời giới thiệu của GS.TS. Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Softwares)
Thông tin về tác giả Phan Văn Trường
Phan Văn Trường sinh 1946 tại tỉnh Hải Dương. Ông là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại Quốc tế. Ông được Tổng thống Pháp đã trao tặng Huy Chương Hiệp Sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de la Légion d’Honneur) năm 2007.
Ông cũng là một tác giả, nhà diễn thuyết tuyệt vời chuyên định hướng khởi nghiệp và nghề nghiệp dành cho giới trẻ.
Phan Văn Trường nổi tiếng với những cuốn sách Một đời thương thuyết, Một đời quản trị, Một Đời Như Kẻ Tìm Đường.
Tổng hợp review sách Một đời quản trị
Review từ bạn Phan Hoang – Goodreads, 4/2019
“Theo lời GS, quản trị khác với quản lý.
Quản trị là làm cho mọi thứ trở nên đúng đắn. Là chọn đúng người, làm đúng việc, định hướng đúng mục tiêu, nguồn lực…
Cũng vì ở vị trí quản trị, phải dẫn đường cho cả 1 hệ thống, mà con người là cái cốt lõi. (Hễ cái gì liên quan đến con người thì là 1 phương trình nhiều biến, chỉ cần 1 biến số thay đổi, thì kết quả của sẽ thay đổi theo). Vì vậy, quản trị cốt ở văn hoá. Cốt ở đơn giản. Làm sao tư tưởng của người trên cùng đến người thấp nhất thừa hành thông rỏ nhau. Do vậy, sự đơn giản rất quan trọng.
Lại nữa, không phải cứ vịn vào sự đơn giản mà lơ là. Vì cái phương trình nhiều biến kia sẽ luôn biến động. Con người thay đổi, môi trường thay đổi, thị trường chuyển biến, chính trị ảnh hưởng. Người quản trị phải là người nhạy cảm. Phải liên tục đi vi hành cấp dưới, để nắm bắt từng biến đổi trong nội bộ (dù là người lao công). Phải thường xuyên tiếp xúc khách hàng, đối tác để nắm bắt thị trường.
Than ôi, sao mà nhiều vậy. Thì thì đúng như GS nói, thà nhận mức lương thấp hơn nhiều, để được tự do, tự chủ, ít trách nhiệm. Chứ mức lương cao vút, nhưng có thể bị trảm bất kì lúc nào thì thật đáng sợ. Vì hễ, có bất kỳ sai lầm nào xảy ra, người quản trị dù không can hệ vẫn phải nhận trách nhiệm về mình.
Những gì mình tóm lược trên đây, là 1 phần rất nhỏ nội dung của 450 trang sách mà GS đặt nhiều tâm huyết và kinh nghiệm vào đó.
Mình chưa 1 ngày được làm công tác lãnh đạo hay quản trị. Nhưng trong quá trình công tác, đã được công tác với 5-7 người sếp. Khi đọc từng trang sách, mình hiểu rỏ hơn vì sao có những người sếp làm việc rất nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Là có những người luôn “sân si” nhưng kết quả chẳng ra sao. Đó đều nằm trong bí kíp “quản trị” của GS Trương cả.”
Review từ bạn Vinh Nguyen – Goodreads, 3/2018
“Tác phẩm là đúc kết những bài học kinh nghiệm về quản trị, về công việc của người lãnh đạo của GS Phan Văn Trường, một người dày dạn kinh nghiệm qua nhiều Công ty, nhiều Quốc gia và nhiều năm đảm nhận công việc lãnh đạo.
Rất thích triết lý chủ chốt là lãnh đạo là từ TÂM, từ sự yêu thương, quan tâm và tin tưởng, gần gũi nhân viên của mình. Có vậy nhân viên mới tận tâm, hết mình và cống hiến cho tập thể được.
Những bài học trong sách rất hay, toàn diện đối với công việc lãnh đạo, mang tính thực tế cao và hoàn toàn là trải nghiệm thật, kinh nghiệm thật của tác giả chứ chẳng phải là lý thuyết suông. Bên cạnh đó, những nội dung còn viết trên tinh thần của một người am hiểu và muốn truyền tải kiến thực phù hợp với tình hình thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, vì kinh nghiệm tác giả đúc kết xuất phát từ quá trình làm việc ở nhiều công ty lớn, lượng nhân viên lên tới hàng ngàn người, mức độ công việc và độ phức tạp cực kỳ cao. Vì vậy, khá nhiều phần mang tính chất vĩ mô. Bên cạnh đó, sách mang tính chất chia sẻ bài học, kinh nghiệm thực tế chứ không phải là tổng hợp kiến thức như đa số sách quản trị khác, nếu người đọc chưa có kinh nghiệm từng trải với các công việc quản trị hay nhân sự thì rất khó để thấm và thu nhận giá trị từ sách.”
Review từ bạn Quang LE – Goodreads, 1/2020
“Quyển này thầy viết như một lời kể chuyện, rất chỉnh chu và bài bản, văn phong như được dịch từ tiếng Pháp ra
– Tôi là ai, tôi đã làm những gì
– Tôi đã trải qua những hoàn cảnh môi trường nào, đã hành xử thế nào và tại sao như vậy
– Tôi đã đúng/sai như thế nào, rút tỉa được bài học gì cho cá nhân và tại sao như vậy
Còn lại bạn đọc tự ngẫm nghĩ và đúc rút những gì mình học được và áp dụng cho cá nhân.
Có lẽ cái cá nhân (kể chuyện mà) khá nhiều nên một số người đọc cảm thấy như “khoe khoang”, thực tế mình thấy nếu ko có những phần này thì lại như kiểu thuyết giáo suông rỗng thông thường.
Cái mình ưng nhất có lẽ là
– Sức mạnh của Văn hoá: thế nào là lead (quản trị) và manage (quản lý), một cách giải thích khá hay vì sao một số quy trình có vẻ “hoàn hảo” cho quản lý lại dẫn tới một kết quả tệ hại khi văn hoá không đúng. Cái tâm, cái tầm, cái văn hoa của người quản trị sẽ bộc lộ qua đội ngũ hay doanh nghiệp, tất cả đều làm mình bất ngờ, thích thú, và ngẫm nghĩ.
– Con người là giá trị cốt lõi: nhân tài, lãnh đạo, quản lý cao cấp, tất cả chỉ là người. Mình rất thích thú sự đề cao cái hồn nhiên, thuần hậu để nhìn người của Thầy.
– Tiền bạc là cái có được trong quá trình theo đuổi mục đích, không phải là bản thân mục đích: có coi nó đúng với vị trí của nó thì mới để đủ trong sáng mà bước tiếp.
Có lẽ 5 năm nữa đọc lại sẽ lại nghĩ khác.”
Review từ bạn Pham Thao – Goodreads, 4/2020
“Một số bài học qua cuốn sách để tự nhắc lại bản thân:
- Quản trị khác quản lý. Quản trị đi nhiều hơn vào vấn đề con người. Một nhà quản trị thường nhầm lẫn giải quyết vấn đề quản lý mà quên cái họ cần là thu hút, khuấy động, và phát triển nhân lực.
- KPI, các biểu đồ, lý thuyết sẽ thừa thãi và vô ích trong quản trị gây áp lực cho nhân viên. Các lý thuyết maximisation chỉ nên áp dụng cho quản lý chứ không phải quản trị. Không phải cái gì cũng giải quyết được qua việc “đo, đưa vào phương trình và gắn lên biểu đồ”
- Lãnh đạo cần làm gương. Quản trị đi từ “tình thương nhân viên, tầm nhìn, thái độ, lương tri, tính quyết liệt, trí óc thông suốt và khoa học, lấy văn hoá doanh nghiệp để thu hút nhân tài, mang gương sáng để vận dụng uy quyền, lòng hy sinh để phát huy động lực, lấy tính ôn hoà và khả năng lắng nghe để tạo nên sự tương tác cao giữa nhân viên, thưởng phạt vẫn phân minh mà tinh thần vẫn vô tư ấm áp”
- Lãnh đạo càng sâu sát càng tốt. Lãnh đạo có thể lưu đầu việc theo tên nhân viên và giữ tất cả bản sao những dự án quan trọng. Yêu cầu nhân viên xử lý công việc ở từng giai đoạn ký nháy biên bản làm việc. Lãnh đạo thỉnh thoảng có thể kiểm tra đột xuất nhân viên căn cứ trên đầu việc họ đang làm.
- Tiếp xúc và truyền thông tin cần được thực hiện từ cấp nhỏ nhất để tránh hiện tượng thông tin bất đối xứng. Đừng để biểu đồ và con số che lấp nhân viên. Tuy nhiên, cần đảm bảo việc báo cáo là cần thiết qua những câu hỏi “tại sao”
- Văn hoá đặc trưng của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình quản trị. Xây dựng văn hoá “nice and professional” tạo hệ quy chiếu cho việc thưởng, phạt, hoặc kỷ luật nhân viên.
- Nên tìm nhân viên làm được việc hơn quá chú trọng đến tìm kiếm nhân tài (trừ sáng tạo)
- “Lãnh đạo nên xem xét từ trước một cách chu đáo công việc, chỉ đạo một cách chính xác, thì việc làm sẽ được thực hiện một cách thật êm đềm trong trật tự.” Cần yêu cầu nhân viên hoàn thiện việc này rồi mới nhận việc mới.’’
Review từ bạn Le Thao – Goodreads, 7/2021
“Trước đây, khi đọc sách ở độ tuổi cấp 2, cấp 3. Mình tâm niệm, sách là nơi dạy mình đủ điều, đọc nhiều sách thì sẽ mở được nhiều lối sống, góc nhìn hơn cho một con người. Giờ đây, ở tuổi 22, mình lại nhận ra 1 khía cạnh và 1 tâm thế rất khác khi đọc. Đó là tâm thế reflect, tâm thế đón nhận chọn lọc và tìm ra câu trả lời ngược nhiều hơn việc đi theo kiến thức có sẵn. Nhờ vậy, mọi thứ mình tiếp xúc cũng nhẹ nhàng hơn, mình không ép buộc bản thân phải “học” được cái gì quá ghê gớm trong một cuốn sách nữa. Và thật may, cuốn sách này xuất hiện vào những ngày đầu khi mình tiếp xúc với môi trường đi làm lần đầu tiên..
Trong sách có rất nhiều ý niệm hay, nhưng với bản tính của đứa thích tự trải nghiệm mới học được bài học như mình, thì có lẽ những ý niệm sau là những ý niệm mình tâm đắc nhất:
1/ Tự đặt ra câu hỏi làm sao để quản trị nhiều con người khác nhau nhưng vẫn hiệu quả, làm sao để doanh nghiệp sáng tạo?
2/ Làm sao hạn chế các mặt tối của một lãnh đạo? Làm việc thừa, hay quản lý chứ không phải quản trị?
3/ Văn hóa của bạn là gì? Và văn hóa của bạn có thể phù hợp với văn hóa doanh nghiệp không? Và nếu không, đâu là thời điểm bạn nên dừng lại?
4/ Văn hóa trao quyền là gì? Trao quyền là trao như thế nào? Đo lường ra sao?
5/ Quản trị giỏi có phải chỉ cần quản trị giỏi con người?
Có những điều khi mới xuất phát thật “mù mờ”, nhưng mình chấp nhận sự “mù mờ” đó, bởi nó là sự bắt đầu cho những sự sáng suốt hơn ở tương lai.”
Review từ bạn Nguyen Quoc Nam – Goodreads, 12/2019
“Nhìn CV của tác giả thôi đã thấy đây là một quyển sách giá trị và nên đọc. Những kinh nghiệm, trải nghiệm quý báu của GS Phan Văn Trường không phải ai cũng có được. Lại càng tự hào hơn đây là một người Việt đã làm được những việc to lớn như vậy. Thật sự ngưỡng mộ Giáo Sư. Tuy nhiên quyển sách này phù hợp cho các CEO, các lãnh đạo doanh nghiệp hay các start up company có ý định khởi nghiệp.
Xuyên suốt quyển sách là nghệ thuật quản trị của tác giả với cả một đời kinh nghiệm quản trị của bản thân, tác giả đã thuật lại gần như chi tiết các nỗi niềm của tác giả khi làm việc tại Châu Âu, châu Mỹ hay châu Á.
Tác giả đã phân biệt rõ việc quản lý và quản trị để độc giả không nhầm lẫn và từ đó áp dụng vào công ty một cách chính xác.
Một trong những điều tác giả tâm đắc đó là xây dựng văn hóa doanh nghiệp để nhân viên thoải mái làm việc, hỗ trợ lẫn nhau và tự hào khi được làm việc trong công ty. Doanh nghiệp nào cũng thế, cũng có những bệnh trong công ty như bệnh thiếu động lực, làm không xong việc, sự rối ren trong công ty, không truyền thống, thiếu thông tin, bè phái, sex trong doanh nghiệp, thiếu óc sáng tạo, óc cùn…những bệnh này cần phát hiện sớm và tác giả đều đưa ra phương án giải quyết cho tình huống vừa hợp tình vừa hợp lý.
Mỗi doanh nghiệp thì hàng năm đều có chào đón nhân viên mới và chia tay nhân viên cũ, để cho nhân viên có ý thức làm việc và động lực lớn lao, lãnh đạo doanh nghiệp cần tổ chức những buổi lễ chào đón trân trọng và vẽ ra được mục tiêu và giúp nhân viên đạt được mong ước cá nhân cũng như của doanh nghiệp, tương tự cũng như lúc chia tay, vì đã có lúc vào thì ắt sẽ có lúc ra, lúc đó chính là lúc cần cảm ơn những gì nhân viên cũ đã đóng góp và trận trọng những đóng góp đó và cầu chúc cho có con đường sự nghiệp mong muốn.
Để có được thành công thì doanh nghiệp cần chờ nhất là nhân tài và cần đặt họ đúng chỗ, khuyến khích họ sáng tạo và thoải mái để đạt được tối ưu công việc nhất.
Nói đến công dân toàn cầu là sự hội nhập, sự đáp ứng với yêu cầu mới ở tầm thế giới, để làm được điều đó thì không có gì khác cần phải rèn luyện và học tập về chuyên môn, tiếng anh và kỹ năng nhiều hơn nữa để mong muốn điều gì sẽ đạt được điều đó.
Làm lãnh đạo cũng là một cái nghề mà hơn nữa là một nghề khó, không chỉ quản lý công việc mà còn quản lý con người, làm sao để nhân viên dưới thoải mái làm việc, lãnh đạo cấp trung trung thực. Phần lớn rối ren và xung đột thường do lãnh đạo cấp trung gây ra nên chú ý vào cấp lãnh đạo này.
Khởi nghiệp là nhu cầu là xu thế và là ưu tiên số 1 mà GS Trường mong muốn chính phủ, nhà nước ta ưu tiên. Không chỉ là những lời nói mà chính phủ cần tạo thuận lợi về hành lang pháp lý và Tiền vốn cho khởi nghiệp vì các doanh nghiệp hiện nay khởi nghiệp khi còn rất trẻ nên vốn là vấn đề đau đầu nhất của các doanh nghiệp non trẻ này. Tuy chưa bao giờ khởi nghiệp nhưng GS Trường hiểu rất rõ các công ty khởi nghiệp, vấn đề về cổ phần, tỷ lệ góp vốn và tình cảm bạn bè cũng không còn vẹn nguyên sau 1 lần góp vốn làm ăn chung.
Khi các doanh nghiệp thành công rồi thì thường nghĩ tới quốc tế hóa không nên lựa chọn các thị trường gần như các nước ĐNA mà nên chọn đất nước đang trên đà phát triển, khung pháp lý rõ ràng và thanh khoản nhanh. Tiếp bước đó có thể là sát nhập với các công ty cùng ngành để công ty mới to hơn và làm được những điều lớn lao hơn đó là một xu thế tất yếu trong đó yếu tố sáng tạo là điều cương quyết có. Nhìn lại quá khứ khi Nokia bị Apple đánh bại do Nokia mãi dậm chân tại chỗ, không chịu đổi mới, ỉ lại vào thí trường to lớn sẵn có.
Một yếu tố quan trọng khác trong doanh nghiệp hay cá nhân đó là sự sắp xếp thời gian, một cá nhân cần rõ về thứ tự ưu tiên công việc. Còn đối với doanh nghiệp thì cần sắp xếp quy trình làm định hướng làm rồi thì khi đó mọi việc sẽ suôn sẻ.
Một doanh nghiệp khi lớn mạnh rồi thì cũng đau đầu về việc kế thừa, nhiều trường hợp là con cháu họ kế thừa những gì cha mẹ họ đã bỏ công một đời gây dựng nhưng cũng có những trường hợp con cái họ không muốn kế nghiệp và lúc đó để con cái họ kế thừa trong trường hợp này quả thực là một thảm họa chi bằng bán đi để lại cho con cái một khoản vốn lớn, còn người mua doanh nghiệp sẽ phát triển tiếp được kế hoạch kinh doanh và mang lại những lợi ích về sản phẩm, thu nhập cho xã hội, đây là 1 lựa chọn mà cả 3 bên đều win.
Nói cho cùng thì khi quản trị một doanh nghiệp thực sự đau đầu và cần những người có tố chất và kinh nghiệm nhưng các doanh nghiệp cần lưu ý một điều là sự phát triển của doanh nghiệp cần phát triển bền vững, tức là phát triển cùng với sự bảo vệ môi trường và mang lại ích cho xã hội, làm một việc có ý nghĩa để cả đời này cảm thấy tự hào
Do tôi chưa phải là một CEO hãy lãnh đạo nên cũng chưa thấm hết những lời hay ý đẹp của GS Trường tuy nhiên tôi cũng hiểu một phần nào đó và lưu lại những ý hay này cho mai sau và tiếp tục rèn luyện trong thời gian tới.
Cảm ơn GS Trường rất nhiều.”
Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về sách Một đời quản trị. Nếu bạn muốn xem thông tin chi tiết hoặc mua sách bạn có thể ghé thăm Tiki theo link ở đây hoặc Kim Đồng theo link ở đây.
Tổng hợp bởi Đậu