Gieo mầm trên sa mạc (Mansanobu Fukuoka) là một cuốn sách có ảnh hưởng sâu sắc và quan trọng của lão nông Masanobu Fukuoka. Cuốn sách thấm đẫm suy tưởng của ông về trồng trọt, nông nghiệp cũng như cách ông lý giải cuộc sống này dưới con mắt khoa học, triết học. Và hơn hết, cuốn sách trình bày giấc mơ được cho không tưởng của ông – giấc mơ phủ xanh lại sa mạc.
“Chẳng hề có tốt hay xấu trong số những dạng sống trên trái đất này. Mỗi giống loài đều có vai trò của nó, đều cần thiết và có giá trị ngang nhau.”
“Bước đầu tiên chúng ta phải thực hiện trong việc chống lại sa mạc hóa không phải là bẻ hướng dòng chảy của các con sông, mà là khiến cho mưa lại rơi xuống, việc này liên quan tới tái lập thảm thực vật.”
“Nước mà các sinh vật không còn sinh sống trong đó được nữa thì không còn thực là nước. Đất mà không có cỏ, thì mặc dầu có được gọi là đất trồng nó cũng không phải thực là đất trồng. Đất mà không có cỏ sẽ đánh mất sự kết nối của nó với nước và trở nên khô rang.”
“Một cái cây chẳng thể mọc lên một mình. Chúng ta cần trồng những cây cao, cây cỡ vừa, những cây bụi và cây dưới tán sinh sống cùng với nhau. Một khi hệ thực vật đa loài được tái tạo thì mưa sẽ bắt đầu rơi trở lại.”
Danh sách
Sách được viết bởi nhà văn Masanobu fukuoka
Masanobu fukuoka (1913 – 2008) là một nông dân và triết gia người Nhật đến từ đảo Shikoku. Kỹ thuật làm nông tự nhiên của ông không cần đến máy móc hay nhiên liệu hóa thạch, không cần tới hóa chất, chẳng cần ủ phân, và rất ít phải làm cỏ. Trong những ruộng lúa của mình, ông Fukuoka đã không cày đất hay giữ nước lại suốt vụ – như cách người nông dân vẫn làm từ hàng thế kỷ ở châu Á và trên khắp thế giới.
Bạn có thể tham khảo cuốn sách cùng tác giả: Cuộc cách mạng Một – cọng – rơm
Tổng hợp review sách Gieo mầm trên sa mạc
Review từ bạn MyNguyen1709 – Goodreads, 09/07/2018
Mình biết khi người đạt đến đỉnh của một lĩnh vực nào đó thì tự khắc không còn mang hơi hướng của chỉ lĩnh vực đó. Mà mỗi thứ trở thành triết lý, thành sự sống… Và trỗi dậy trong lòng khao khát bọc hạt giống trong những hạt đất sét, phủ xanh lại sa mạc và những vùng cằn cỗi. Hình ảnh về ngôi trường, về ngôi làng, ngôi nhà trên ngọn đồi lại sống động trong mình.
Mình thấy đau lòng khi thiên nhiên trở nên cạn kiệt. Những đồi núi ở Kon Tum, ở Tây Nguyên trơ ra màu nâu cằn cỗi. Những mương, rạch, nhánh sông ở miền Tây cạn kiệt nước, trơ lòng… còn đâu là những ca từ trong quyển giáo khoa vật lý suốt ngày ra rả Việt Nam rừng vàng biển bạc…
Mình đau lòng khi những con người tham lam, thô lỗ và thiển cận nắm quyền hành trên thế giới này, vắt kiệt Mẹ thiên nhiên… tôi sinh ra, mỗi ngày mở mắt chưa biết làm được gì ích lợi cho thế giới nhưng tôi biết tôi thải rác. Người ta cắm đầu vào sản xuất và tiêu thụ liên tục và chóng mặt mà quên dừng lại tự hỏi để chi vậy???
Nhưng tôi biết vẫn có những người lặng lẽ làm những điều mà đại đa số người còn lại không thể hiểu: làm vậy để làm gì??? Ích lợi gì?
Vì người ta vẫn suy nghĩ ích lợi phải là ích lợi của bản thân mình trước mà họ quên thiên nhiên không cần họ mà họ cần thiên nhiên nhiều hơn…
Người ta quên về sự bền vững
Tôi yêu những bức vẽ trong sách nữa
Review từ bạn Đề Trống – 16/09/2021
Khi mình còn nhỏ, mình đã từng trồng thành công một cây bàng ở sân sau nhà mình. Bởi mình thích chơi ở cái sân đó mà chỗ đó lại hoàn toàn không có cây che mát, oi chết đi được.
Lúc đó mình chỉ mong cây sẽ lớn và sẽ cho sân nhà mình bóng mát, nên mình đã không nghĩ tới bón phân hay phun thuốc gì, mà chỉ đơn giản là tưới nước cho nó mỗi ngày. Nó lớn dần, lớn dần và đã đến lúc mình chẳng cần tưới nước mà nó vẫn cành lá sum suê và khỏe mạnh.
Trước khi mình đọc (chính xác hơn là nghe) quyển này, mình cứ đinh ninh quyển sách này chắc lại chỉ khuyên ta nên hạn chế thuốc trừ sâu hoặc phân bón như bao lời tuyên truyền làm nông hữu cơ khác, hơn nữa mình cũng đã tưởng rằng làm nông hữu cơ chính là làm nông tự nhiên. Ấy vậy mà làm nông tự nhiên nó lại thuộc một phạm trù khác, cao cấp hơn nhưng cũng thật sơ khai, chính là để tự nhiên nuôi sống những gì nó sinh ra, như câu chuyện cái cây bàng nhà mình đã tự nuôi sống nó khi đủ lông đủ cánh vậy.
Nói là cao cấp, bởi lẽ làm nông kiểu này đòi hỏi phải hiểu tự nhiên cực kì cặn kẽ, để có thể khiến tự nhiên vận hành trơn tru và nuôi dưỡng những sinh vật bên trong nó. Tức là phải hiểu cách trồng những loại cây xen kẽ như thế nào mà qua đó đến một lúc nào đó những loại cây ấy sẽ tự phát triển mà con người ‘không cần nhúng tay vào’. Mặt khác nói là sơ khai bởi lẽ tự nhiên đã, đang và sẽ luôn tự nuôi chính nó, kể cả con người có cải tiến nông nghiệp hay không.
“Triết lý là tất cả, còn làm nông chỉ là sự minh họa cho triết lý ấy”. Có lẽ vì ông nghĩ vậy, nên xuyên suốt quyển sách này phần lớn là tập hợp những triết lý của ông về những vấn đề trong cuộc sống để từ đó tìm ra hướng làm nông thích hợp. Nhưng cuốn sách này cũng không hẳn chỉ là một tập hợp của những triết lý khô khan, cuốn sách này cũng đã ghi chép lại những hành trình mà ông đã đi đến Mỹ, Úc, Châu Phi, v.v… để minh chứng cho triết lý ấy.
“Khi nào đây, khu vườn địa đàng ấy, mới tưng bừng trở lại?”. Mình cũng như ông Fukuoka, cũng đang ngóng trông câu trả lời cho câu hỏi này!
Review từ bạn Dang Minh Ngoc – Goodreads, 31/08/2021
Là cuốn sách được viết sau cuốn “cách mạng một cọng rơm”, tác giả Masanobu Fukuoka kể về hành trình phủ xanh sa mạc trên khắp thế giới của mình. Bên cạnh những câu chuyện, ông thể hiện những quan điểm, chỉ ra những khác biệt của nông nghiệp hiện đại và và nông nghiệp thuận tự nhiên.
Thuận tự nhiên không chỉ là một phương pháp canh tác nông nghiệp, nó còn là triết lý sống đủ đầy và hoà hợp với tự nhiên, nơi con người phát triển bền vững cùng muôn loài.
Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về sách Gieo mầm trên sa mạc.
Nếu bạn muốn xem thêm thông tin chi tiết, hoặc đặt mua sách, bạn có thể ghé thăm Tiki theo link ở đây hoặc Kim Đồng theo link ở đây.
Tổng hợp bởi Ngọc Oanh