Xem thông tin về nội dung sách trên Tiki qua link ở đây hoặc Kim Đồng qua link ở đây.
Danh sách
Review từ Tuyet Lan – Goodreads, 2021
“Cuốn sách hấp dẫn từ bìa đến nội dung 🙂
Bìa của sách xứng đáng treo trong nhà như một bức tranh nghệ thuật, chứ không chỉ là bìa. Theo như search thiết kế trên mạng (cả tiếng Anh và tiếng Đức), thì bìa này do tác giả Việt Nam vẽ -và mình thấy là đẹp nhất, thể hiện được đúng tinh thần của sách nhất – sự cổ xưa, huyền bí của những khu rừng nguyên sinh, mạng lưới gắn kết các cây với nhau, với cả lòng đất và mặt trời.
Nếu như cuốn “Mùa xuân vắng lặng” khiến mọi người quan tâm bảo vệ môi trường bằng cách đánh vào nỗi sợ – sợ tác hại của thuốc trừ sâu xâm nhập qua chuỗi tuần hoàn của tự nhiên mà vào đầu độc cơ thể người. Thì “Đời sống bí ẩn của cây” lại tiếp cận theo chiều hướng dễ thương hơn – khiến cây cối hiện lên trong mắt người đọc không còn là vật vô tri, không phải là hàng hóa để vô tư chặt bán, mà đó là những sinh vật sống động, có tính cách đa dạng, sống với nhau, giao tiếp với nhau như xã hội loài người. Ai mà nỡ đốn cây nếu biết nó đã nỗ lực như thế nào để từ hạt giống thành một cây trưởng thành, nếu biết nó cũng biết sợ – biết đau- biết sẻ chia và gắn kết với các cây khác trong rừng.
Tuy tác phẩm chủ yếu nói về các rừng cây gỗ ở khu vực Trung Âu với các loài cây ôn đới (sồi, vân sam, dẻ gai…) nhưng những biểu hiện sống của cây vẫn mang tính phổ quát với mọi khu rừng. Một khu rừng nguyên sinh giống như một món quà của Tạo hóa. Nếu không có bàn tay tác động của loài người, thì khu rừng sẽ tự điều hòa mọi xung đột, đảm bảo sự cân bằng và phát triển đủ cho mọi loài sinh vật. Ở đây, chúng kết nối với nhau, tương sinh – tương khắc theo đúng “luật rừng”.
Sách cung cấp cho mình nhiều thông tin thú vị về “tập tính” của nhiều loài cây và loài vật, về cơ chế trao đổi chất của cây và giao tiếp với đồng loại, cộng sinh với khác loài và ứng phó với các yếu tố nguy hiểm. Chẳng cần hô hào bảo vệ môi trường, tự những bằng chứng giản dị mà rõ ràng về ảnh hưởng của cây với môi trường đất, nước, khí hậu nơi nó sinh trưởng đã khiến loài người phải chú ý.
“Tôi yêu tổ hợp bầu trời lam rạng rỡ trên vòm lá lục tốt tươi” – tác giả nói như vậy, và mình cũng thấy vậy. Màu xanh của cây cối luôn khiến mình bình tâm và thoải mái.’’
Review từ Nga – Goodreads, 2019
“Kết thúc 2019 bằng cuốn sách hay ho và thú vị quá đỗi. Cây cối biết trò chuyện, biết sinh hoạt như một cộng động tương hỗ – giúp đỡ nhau khi cần thiết, biết cạnh tranh để tồn tại, biết đau/ tổn thương khi bị tàn phá, biết bảo vệ/ che chở con cái và hơn hết là cây cối có giá trị và tính cách của riêng mình – chẳng khác gì con người chúng ta. Đọc về cây, biết thêm về cây và hiểu thêm về mình/ về con người.
Những chương/ đoạn mà mình thích nhất:
– Chương 17: Kiểm soát khí hậu bằng rừng, giải thích bằng việc lá cây có khả năng làm giảm tốc độ gió, không khí dịu đi thì nước bốc hơi ít hơn, hay việc gỗ chết cũng góp phần trữ lại nước trong tổng khối lượng rừng làm dịu mát không khí xung quanh
– Chương 21: Những con tàu mẹ của sự đa dạng sinh học, quá rõ ràng việc một cây sống có thể là nhà ở/ là nguồn sống/ là nơi sinh hoạt của rất nhiều các vi/sinh vật khác như nấm, ruồi, ấu trùng, các động vật ăn thực vật. Thậm chí gỗ chết cũng là nguồn dinh dưỡng cho khoảng 1/100 các loài động thực vật.”
Review từ Tranhieu0410 – Goodreads, 2022
“Tác giả dẫn người đọc qua một cuộc hành trình khám phá thế giới ẩn dấu trong những khu rừng cổ thụ. Rất nhiều thông tin thú vị và kinh ngạc về cuộc sống của cây để thấy được cây không phải là vô tri vô giác như mọi người vẫn thường nghĩ. Một thông tin khoa học ở trong cuốn sách có thể chưa được chứng minh nhưng cho thấy hiểu biết của con người về thế giới tự nhiên thực sự còn quá ít. Đọc để thấy thêm trân trọng thiên nhiên và biết ơn những gì đang có.”
Review từ Tran Hiep – Goodreads, 2019
“Cuốn sách nhỏ thú vị về thực vật được viết nên bởi một người yêu rừng yêu thực vật. Có quá nhiều thú vị và mới mẻ về tự nhiên mà ta cần khám phá. Đặc biệt thích chương cuối, thích quan điểm của tác giả về việc bảo tồn rừng. Thiên nhiên luôn có cách vận hành riêng, con người nên hạn chế tối đa việc can thiệp vào thiên nhiên. Đồng thời, thực vật luôn sống tĩnh tại nên để có “quả ngọt” chúng ta cần kiên nhẫn đợi chờ.’’
Review từ Nguyên Lê – Goodreads, 2020
“Review sách: Đời sống bí ẩn của cây
Một tháng trời để mình đọc được hết cuốn sách này. Đây không phải là tiểu thuyết thông thường mà là một quyển sách kiến thức chuyên sâu về cây cỏ, như tiêu đề đã giới thiệu đến chúng ta. Mình mua quyển sách này vì mình cũng rất yêu thiên nhiên và cũng thích tìm hiểu về đời sống động thực vật muôn loài. Tuy nhiên, với mình, nó không hề dễ đọc chút nào.
Tác giả giới thiệu một góc nhìn rất đặc biệt về những loài cây, cứ nghĩ rằng những cái cây vô tri vô giác ấy chỉ đơn thuần là một bộ phận cung cấp oxy cho Trái Đất, nhưng thật ra chúng cũng có những cảm xúc, những thông điệp, phương thức giao tiếp rất đặc trưng mà loài người chúng ta không thể cảm nhận được. Từ đâu mà cây có thể nương vào nhau mà đứng vững trước biết bao thiên tai? Từ đâu mà cây có thể thu hút sâu bọ, nai bò ý lộn, hươu nai như một nguồn thức ăn đầy dinh dưỡng? Làm sao mà những loài chim có thể biết được nơi nào có sâu bọ ẩn dật để tìm? Đó là một trong những phương thức giao tiếp đặc biệt của cây. Chúng cộng sinh với nấm, địa y như thế nào? Chúng phân bố khắp thế giới như thế nào? Chúng sinh tồn qua hàng trăm năm như thế nào? Rất nhiều điều đã được giải đáp trong cuốn sách này.
Khi đọc sách, dù chỉ qua lời người dịch thôi, nhưng mình vẫn cảm nhận được tác giả yêu cây cỏ thiên nhiên đến nhường nào. Cách mà ông quan sát, cách ông nghiên cứu, tìm tòi để viết được cuốn sách này, mình phần nào cũng hiểu được thông điệp mà ông muốn gửi đến các độc giả.
Điều mình chưa ưng ý khi mình đọc quyển sách này, cũng với góc nhìn cá nhân mình thôi, là ông viết với một niềm đam mê của riêng ông, và mình không thể hiểu hết được những loài cây cỏ đó. Mình chưa từng thấy những loài cây như vân sam, lãnh sam, hay tống quán sủ, nên mình không hình dung được ông đang viết những loài cây đó như thế nào. Một phần nữa, mình sống ở vùng nhiệt đới gió mùa, nơi mà thảm thực vật có những đặc điểm vô cùng khác biệt so với thực vật vùng ôn đới, và ông ít đề cập đến những rừng cây lá rộng, nên việc cảm nhận càng khó khăn. Dù sao đi nữa, thì đây cũng là một quyển sách hay, đáng để tham khảo để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về thiên nhiên, về môi trường sinh thái vùng châu Âu, nơi mà ta chưa từng đặt chân đến.’’
Review từ Thanh Hang NGUYEN – Goodreads, 2021
“Sống, chết và tái sinh, luôn giữ hệ sinh thái và mối liên kết truyền thống của mình, không đâu điều đó rõ ràng bằng những khu rừng. Nơi đó, cây cối có tình đoàn kết, tình mẫu tử, có ký ức và cũng biết vui-biết đau, có cá tính, có sự hiểu biết riêng của mình về thiên nhiên và tập tính của các loài trong rừng. Cây có cách liên lạc với nhau, cùng phản ứng lại hành động xâm nhập, phá huỷ của những kẻ lạ trong lãnh địa của mình. Cây có những quy tắc thẩm mỹ và quy tắc cấu trúc sao cho đẹp, vững vàng và sống lâu trong tự nhiên. Đặc biệt, cây phải học cách tự đứng vững trên đôi chân của mình để đương đầu với gió cấp, bão tuyết hàng năm, với sự khắc nghiệt nghiêm trọng mà số phận có thể đưa đến vài lần trong đời chúng, với sự ra đi đầy che chở của những cây cổ thụ mẹ vĩ đại.
Tác giả là người Đức, đã quản lý rừng trong 30 năm. Ông đã quan sát cây cối, đã tham gia những nghiên cứu về rừng. Và những khám phá ngạc nhiên đã “chuyển hoá” ông thành một người bảo vệ rừng đúng nghĩa với tình yêu rừng sâu sắc và hiểu biết rộng lớn, ông trở thành tác giả của những đầu sách về sinh thái với phong cách viết phổ thông cho đại chúng.
Mình tin bản gốc chắc chắn hay và mang góc nhìn, văn phong kể chuyện riêng của tác giả. Dù bản dịch tiếng Việt hơi cứng, quyển sách này cũng là một đầu sách hay dành cho những ai yêu thiên nhiên, thường tiếp xúc với cây cối (làm vườn, đi rando trong rừng,…), hoặc đơn giản đọc để chiêm nghiệm về thế giới nói chung.
Mình chấm 3,7/5.”
Review từ KHẢI – Goodreads, 2020
“Bản dịch ít lôi cuốn, vừa đủ hiểu với mình, không kèm hình minh họa nên hơi khó hình dung.
Quyển sách này, mình chỉ ước được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông của tất cả các nước. Nếu trẻ em được nghiên cứu cây cối theo cách khác, không phải dưới con mắt thực dụng về sinh khối gỗ, khả năng chữa bệnh, giá trị tính bằng tiền … như hiện nay thì rừng sẽ không bị tàn phá đến mức báo động đến như vậy.
Một quyển sách rất đáng đọc, một nghiên cứu về đời sống của cây và xã hội cây rừng, để hiểu rằng, con người và xã hội loài người chỉ là một phần của tự nhiên.
Sách viết tập trung vào đời sống của cây và các loài xung quanh cùng cộng sinh trong môi trường tự nhiên như các loài vi sinh vật, nấm, côn trùng, động vật, … qua đó người đọc nhận thức được tầm quan trọng của đất, nước, ánh nắng, thời tiết đối với cây cối và vai trò của rừng đối với con người là như thế nào. Cây được nhắc đến là cây thân gỗ chủ yếu là những loài quen thuộc ở vùng ôn đới như sồi, dẻ gai, vân sam, lãnh sam, cây ngành thông… thường xuất hiện ở Bắc Mỹ và Châu Âu nên ít quen thuộc với người Việt.
Nội dung xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, yêu rừng cùng với khả năng quan sát tinh tế và kinh nghiệm trong công việc, tác giả chia sẻ nhiều kiến thức liên quan, có dẫn chứng một vài nghiên cứu của các nhà khoa học nhưng chưa thực sự thuyết phục. Sách giúp người đọc hiểu hơn, nhìn nhận khác hơn về cây cối xung quanh để có ý thức bảo vệ môi trường sống không chỉ cho chúng ta hôm nay mà góp phần gìn giữ cho nhiều thế hệ mai sau.”
Review từ Albireo – Goodreads, 2022
“Một cuốn sách hay dành cho ai yêu thiên nhiên và thích tìm hiểu cơ bản về những khu rừng, cách chúng vận hành, sinh sôi nảy nở, trải qua những biến cố và chết đi. Cách viết gần gũi của tác giả cũng khiến cuốn sách khá dễ đọc nhưng giá mà phần nội dung có thể đào sâu hơn nữa.
Ngôn ngữ cũng là một rào cản khi đây là một cuốn sách dịch, với các loài cây và câu chuyện được kể ở những đất nước xa lạ, đôi khi có thể gây khó khăn cho độc giả phổ thông để nghiên cứu và nắm bắt thêm.
Nhưng nhìn chung sách gợi mở nhiều ý tưởng thú vị.”
Review từ Thuy Trang – Goodreads, 2021
“Cuốn sách này chưa khiến mình thỏa mãn về mặt kiến thức lắm, vì mình kỳ vọng đọc xong mình sẽ hiểu về cây cối xung quanh mình hơn, nhưng hóa ra lại làm cho mình thấy thương tụi nó nhiều nhiều. Mình nhìn cây bàng mau lớn của mình mà lòng buồn buồn.
Cuốn sách nói về đời sống của những cây cối cổ thụ trong rừng già nguyên sinh, nói cho ta biết rằng cây cũng có giác quan, có cảm nhận, có gia đình, bạn bè, có tính cách, và được dạy dỗ, chỉ bảo, một cách lặng thầm nhưng mạnh mẽ. Việc đem chúng về với loài người trong các vườn ươm và phố xá, công viên, khuôn viên dân sinh là một việc trái tự nhiên và gây hại nặng nề cho chúng. Như người ta vẫn nói, sống hòa hợp với thiên nhiên là một điều xa xỉ.
Nhưng trong chừng mực, mình nghĩ tình yêu của mình với cây cối tăng thêm nhiều sau khi đọc cuốn sách, vì nó cho mình thấy mình đang yêu một thực thể mạnh mẽ, trầm lặng và đáng yêu biết bao.”
Review từ Quang Cáp Kim – Goodreads, 2020
“mình thấy không ưng ý lắm với cuốn này. cảm giác cùng tông với No More Plastic.
mình thấy nhiều người khen, nhưng có vẻ kỳ vọng của mình đối với sách dạng này cao, nên cuốn này không đáp ứng được. tác giả nên phân tích nhiều hơn dưới góc độ khoa học, chứ không dừng lại ở mức quan sát và nêu cảm nghĩ thông thường. người đọc mưu cầu kiến thức như mình sẽ cảm thấy không thỏa mãn.
nếu quyển sách này được đầu tư hơn, chẳng hạn như nói về cấu trúc cây, lớp vỏ ra sao, ruột thế nào, cây có ba mẹ có tình yêu thì nó phát ra mùi thơm, nhưng nó phát ra như thế nào dưới góc độ khoa học, chắc mình sẽ hứng thú tìm hiểu hơn.
tóm lại thì, đây vẫn là một cuốn sách tốt.”
Review từ Lương Birdy – Goodreads, 2021
“Đọc cuốn này ở Hana Land, với chiếc bookmark xinh xinh làm từ lá dương xỉ, được tài trợ bởi dượng Minh =))
Sách viết chi tiết, nhiều kiến thức, tuy nhiên hơn nhiều quá với một con không chuyên như mình.
Sách thay đổi một số lầm tưởng của mình về cây và rừng, cách cây cối cộng sinh vs nhau, với nấm, với động vật, lý do rừng màu xanh, vào rừng thấy dễ chịu hay đứng dưới rừng cây làm ổn định huyết áp,…”
Review từ H.N.T – Goodreads, 2020
“Cuốn này thì thật sự là những bí ẩn của cây rừng luôn. Đọc y như chuyện cổ tích vậy, những thứ có lẽ chúng ta đã để ý qua nhưng chưa thực sự biết nó là gì. Sự sống bí ẩn đằng sau vẻ xù xì của những thân cây già: cây hút bao nhiêu lít nước, ra quả như thế nào, cây con phát triển thông qua cây mẹ ra dao; giá trị của hệ sinh thái rừng: nấm, kiến, rệp, chim, hươu… Một cuốn rất lạ về hệ thực vật.”
Review từ Hoàng Nhi – Goodreads, 2021
“Sự đồng cảm nảy nở với cây cối vì hiểu được cây cỏ cũng có những phương tiện giao tiếp, những tính cách muôn hình vạn trạng, sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, sự cạnh tranh để giành nguồn sống; Và hiểu hơn rằng con người đã hành động thiếu hiểu biết như thế nào với những người bạn này.”
Review từ Long Nguyen – Goodreads, 2021
“Thú vị ghê luôn. Bảo sao cây tồn tại lâu như vậy.”
Review từ Sinh Dinh-Quyen – Goodreads, 2022
“Mình quyết định bỏ ngang cuốn sách này.
Mình bắt đầu bằng sự hào hứng về rừng và thực vật. Nhưng dường như rừng ôn đới quá xa là đối với mình. Từ những loại cây, động vật, cho tới bối cảnh khu rừng hiền hòa nhưng đầy cạnh tranh, mọi thứ có vẻ xa vời.
Tuy nhiên mình vẫn thích cách đưa rừng trở nên gần gũi với người đọc. Cách tiếp cận của tác giả tạo cảm giác thân quen, như thể chính mình là người kiểm lâm đi trong khu rừng đấy, nơi muôn vàn sự sống ngập tràn xung quanh.”
Review từ ✨Hương✨ – Goodreads, 2021
“Đọc quyển sách này giống như được tản bộ, hóng gió và trò chuyện với thiên nhiên vậy. Việc những loài thực vật có liên kết mạng lưới xã hội, có giao tiếp, có văn hoá sống thật khiến mình kinh ngạc. Những điều bí ẩn mà rõ ràng chỉ với việc ngắm nghía cây cối thôi còn chưa đủ, chúng sống kín đáo, chậm rãi và lặng thầm. Đọc xong quyển sách này có lẽ mọi người sẽ phải thay đổi cách nhìn và đối xử với cây, sẽ hiểu được rừng quan trọng đến nhường nào với sự sống trên hành tinh này, cặn kẽ hiểu được cơ chế làm việc và những cống hiến của rừng, thận trọng trong cách cư xử với cây, chúng cũng có sự sống chảy dọc thân thể như con người, bộ rễ đóng vai trò như bộ não có hệ thống nấm ở đầu rễ giúp truyền thông tin, chia sẻ chất dinh dưỡng, và phóng ra sóng điện (dù nhỏ hơn ở người rất nhiều). Đặc biệt rừng sống như một cộng đồng có kết nối và hỗ trợ lẫn nhau, đến cây còn ý thức được chỉ có giúp đỡ nhau thì mới có môi trường thuận lợi để sinh sống, vậy nên mới có hiện tượng các cây xung quanh nuôi dưỡng một khúc gỗ có vẻ đã chết của một cây nào đó đã nằm xuống.
Tuy nhiên, có vài thắc mắc vẫn còn là vấn đề chưa được sáng tỏ, như ngoài hiện tượng mao dẫn và thẩm thấu thì cây còn làm gì để có thể chuyển đầy nước lên tận ngọn vì hai hiện tượng lý giải trên có vẻ chưa đủ khả năng để cây bơm nước đến từng chiếc lá ở chót vót trên cao, hay cây rốt cuộc có khả năng cảm nhận hay không? ( Cây có phản ứng với những tác động lên nó rất rõ ràng, nhưng liệu cây có biết đau hay không?) Đó là hai thứ mà đọc xong mình vẫn còn khúc mắc, trong tương lai chắc chắn sẽ có nhiều phát hiện thú vị về các loài cây mà điều đó sẽ khiến chúng có quyền được bảo vệ, và con người cũng sẽ tôn trọng sự tồn tại cũng như thay đổi cách đối xử với chúng tích cực hơn. Vì nếu không có rừng, chắc chắn các loài khác kể cả con người cũng không thể tiếp tục sinh tồn trên hành tinh này.”
Review từ Hung – Goodreads, 2020
“Quyển sách làm thay đổi, mở rộng nhận thức của mình về cầy, cách thức tương tác, sống và vươn lên của cây.
Một số đoạn trích:
– “Khi bạn biết rằng cây cũng biết đau, cũng có ký ức, và cây ba mẹ sống cùng con cái, thì bạn không còn có thể chặt chứng và phá vỡ cuộc sống của chúng bằng những cỗ máy to lớn nữa”.
– “Các nông trại hữu có có ý nghĩa như thế nào đối với nền nông nghiệp, thì những khu rừng bao phủ liên tục được cắt tỉa chọn lọc cẩn thận cũng có ý nghĩa như thế đó đối với nền lâm nghiệp. Trong những khu rừng này (tiếng Đức gọi là Planterwald), cây ở các độ tuổi và kích thước khác nhau được trộn lẫn với nhau để những cây con có thể lớn lên bên dưới mẹ chúng. Thỉnh thoảng, một cây được thu hoạch cẩn thận và được di dời bằng ngựa. Và để những cây già có thể hoàn thành sứ mệnh của mình, năm đến mười phần trăm diện tích khu vực sẽ được bảo vệ hoàn toàn. Gỗ rừng lấy từ những cây thuộc loài phù hợp được quản lý kiểu như vậy có thể được sử dụng mà không phải day dứt lương tâm.”
– “chỉ những người hiểu cây mới có thể bảo vệ chúng”
Review từ Tuyen Tuyen – Goodreads, 2022
“Không cuốn hút lắm, bản dịch có vẻ không tốt.”
Review từ Phương Phè Phỡn – Goodreads, 2021
“”Khi tôi bắt đầu sự nghiệp quản lý rừng của mình, những gì tôi biết về đời sống bí ẩn của cây chẳng nhiều hơn bao nhiêu những gì mà một người bán thịt hiểu về đời sống cảm xúc của động vật”
Cây có thực sự vô tri như chúng ta nghĩ? Cây cối có tình bạn, ngôn ngữ, tình yêu, quy ước, hay thậm chí an sinh xã hội không? Chắc hẳn phần lớn mọi người đều trả lời là không. Nhưng bạn sẽ nghĩ khác sau khi đọc cuốn sách này.
– Cây cùng loại trong rừng có cách liên lạc với nhau, cảnh báo cho nhau về một loại sâu bệnh hay một loại nấm mốc đã tấn công một (vài) cây, để những cây còn lại có cách thức phòng vệ.
– Khi một cây bị ốm, không thể tự nuôi bản thân, các cây cùng loại xung quanh cũng giúp bơm chất dinh dưỡng để nuôi bạn mình.
– Những cây con được che chở dưới tán của cây mẹ, được giáo dục rằng không được phép mọc quá nhanh. Mọc càng nhanh thì sẽ càng dễ bị gãy đổ.
Và nhiều điều bí ẩn thú vị khác được tổng hợp trong cuốn sách này sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại trước khi trả lời câu hỏi ở trên kia.
Tại sao ngành lâm nghiệp hiện đại, ngành khai thác gỗ “bền vững” không thể tạo ra một khu rừng khỏe mạnh, và cũng không giúp giảm thiểu lượng thải carbon trên thế giới. Cơ bản, những cây được trồng trong khu rừng khai thác lâm nghiệp ấy là những cây không có cộng đồng, những cây lớn nhanh quá mức và sẽ bị chặt đi khi chỉ vừa đến tuổi trưởng thành (cây 100 năm tuổi cũng chỉ mới trưởng thành thôi nhé)
Những cây trồng trong đô thị còn thảm hơn thế.
Đọc xong mới thấy việc trồng cây gây rừng mà mọi người hay hô hào không hề dễ dàng chút nào. Riêng việc chọn lọc cây bản địa trong hoàn cảnh cây ngoại lai xâm lấn rất nhiều này đã khó, việc làm sao để tác động của con người không biến cây mới trồng thành những cây lớn quá nhanh và quá yếu còn khó hơn. Theo tác giả, tốt nhất là con người không nên can thiệp quá nhiều. Không còn tác động của con người thì cây sẽ tự mọc lại thôi (không tác động tức là tránh xa khu vực đó ra ấy)
Tất nhiên, vì tác giả là người Đức, làm quản lý rừng ở đó nên chỉ đề cập đến những cây và điều kiện sống ở vùng rừng ôn đới như là sồi, vân sam, lãnh sam. Nhưng chúng ta cũng biết được phần nào những bí ẩn của cây, một loài không hề vô tri vô giác như ta tưởng, và sẽ phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đốn hạ một cây nào đó.”
Review từ Tài Khoản Zalo – Tiki, 2020
“Cây biết giao tiếp với nhau, cây biết cảnh báo cho nhau khi gặp nguy hiểm, cây biết đâu là con cái của mình mà chăm sóc chúng… Đọc cuốn sách này, bạn sẽ hiểu hơn về cây cối xung quanh mình, sẽ yêu hơn những cái cây. Bản in đẹp, hài lòng.”
Review từ Nguyễn Thị Thùy Dương – Tiki, 2021
“Cuốn này siêu hay luôn, bởi vì mình sống phụ thuộc rất nhiều vào môi trường xung quanh, cây cối cũng là một phần trong đó, nên hiểu về cây cối cũng giúp mình hiểu thêm về sự sống.”
Review từ Ly Vu – Tiki, 2018
“Sách hay về cây cối, hiểu ngôn ngữ thiên nhiên hơn là hiểu cuộc sống hơn.”
Review từ n*****0 – Shopee, 2022
“Sách rất hay, tác giả dùng ngôn ngữ phổ thông để diễn tả cuộc sống của cây, dễ hiểu và vui vẻ.”
Review từ vương trang – Fahasa, 2020
“Bìa sách là một trong những điều mình thích nhất ở cuốn sách này. Đối với đứa cực kì mê sách về chủ đề khoa học, khám phá cuộc sống xung quanh như mình thì đã bị thu hút vào em nó ngay lập tức. Đây là một cuốn sách nói về đề tài nghiên cứu đời sống cây cối – thực ra đọc tên sách là cũng có thể mường tượng ra rồi.Tác giả Peter Wohlleben là một người kiểm lâm ở Đức và là người chuyên viết về các chủ đề sinh thái. Ngay khi được xuất bản cuốn sách đã gây ra nhiều tranh cãi của độc giả và đã được dịch ra 19 ngôn ngữ để xuất bản.Với cuốn sách này chúng ta như được nhìn thêm qua một lăng kính mới, một thế giới quan được mở ra – những điều kì lạ và không kém thú vị về đời sống sinh thái bao gồm cảm xúc của chúng ra sao, cách chúng giao tiếp, sự liên kết chặt chẽ của từng cá thể với nhau. Cây rừng, không như phần lớn chúng ta nghĩ, vốn có một đời sống tình cảm và xã hội phong phú, thậm chí chúng dường như có khả năng lập kế hoạch trước để tạo ra một môi trường tối ưu, đảm bảo tuổi thọ của chúng. Cây rừng không chỉ tương tác với nhau một cách tình cờ, mà còn có thể hình thành nên những mối quan hệ tựa như bạn bè anh em trong khoảng rừng sâu heo hút, và trong lúc đó, những cá thể cô đơn sẽ phải chịu bao khó khăn vì bị tách biệt khỏi cộng đồng.Môi trường sinh thái trong mắt mình là những cá thể luôn luôn đứng im và bất động, vậy nên mình luôn thắc mắc cách chúng giao tiếp với nhau là gì? Và khá là bất ngờ khi mùi hương chính là thứ dùng để kết nối được chúng với nhau.Wohlleben so sánh điều này với cách thức động vật giao tiếp bằng cách sử dụng pheromone hay những tín hiệu hóa học giữa các cá thể cùng loài. Tác giả đưa ra một ví dụ: ở thảo nguyên châu Phi, hươu cao cổ thường ăn lá cây keo gai dù. Khi điều đó xảy ra, trong vài phút cây bắt đầu sản xuất một chất độc biến lá cây thành đắng, khiến hươu cao cổ phải chùn bước. Đồng thời, cây keo gai dù đó còn tạo ra một mùi hương cảnh báo để những cây keo khác xung quanh ngay lập tức nhận ra – và vì thế, chúng có thể chuẩn bị trước cho cuộc tấn công hươu cao cổ.”
Review từ KHÁNH DUNG – Sieuthisosanhgia, 2020
“Cuốn sách này rất hay và cho mình cái nhìn sâu sắc hơn về các loại thực vật xung quanh mình. Đó giờ mình luôn nghĩ thực vật là “vô cảm”, nhưng không, qua cuốn sách này mình hiểu được thật ra thực vật có đời sống cực kì phong phú . Chỉ là cách giao tiếp, cách sống của loài này khác chúng ta và động vật nói chung mà thôi.”
Review từ LE KIEU DIEM LY – Sieuthisosanhgia, 2020
“Thực vật hay cụ thể hơn là cây có tính cách riêng? Cây liệu có cần “gia đình” hay “cộng đồng”? Thương mại toàn cầu tác động gì lên sự phát triển của những cây “nhập cư”? Và hàng tá thứ hay ho hơn về cây được đề cập tới trong cuốn sách, bên cạnh hàng tá bí ẩn về cây vẫn còn bỏ ngỏ.
Thủ lĩnh Marilyn Slett đã cho thấy sự nhận thức sâu sắc của người da đỏ về tầm quan trọng của rừng rậm “Các tộc trưởng của chúng tôi hiểu rằng niềm hạnh phúc khỏe mạnh của chúng ta gắn liền với niềm hạnh phúc khỏe mạnh của ĐẤT và NƯỚC… Nếu chúng ta sử dụng kiến thức và sự thông thái của mình để chăm sóc , chúng sẽ chăm sóc lại chúng ta trong tương lai”. Cuốn sách không phải dạng dễ ngấm nhưng cung cấp nhiều kiến thức và suy nghĩ mở rộng đến lĩnh vực khác. Bìa sách siêu nghệ thuật, vừa phản ánh thực tế vừa có gì đó bí ẩn.”
Review từ PHÙNG TRANG – Sieuthisosanhgia, 2020
“Quyển sách đem lại nhiều điều thú vị, hóa ra sống như 1 cái cây cũng không hề dễ dàng như ta tưởng, cây nhìn hiền lành thế mà cũng rất giống con người, biết cạnh tranh, tự vệ, học hỏi, tính toán, bảo vệ đồng loại, giúp đỡ, tư tưởng phân biệt… Cây có lúc cũng ngoan cố, kiên cường vì mang theo gen giống loài tổ tiên của chúng giống họ nhà thông, tùng, bách. Mẹ thiên nhiên kỳ diệu thật, chẳng có điều gì là ngẫu nhiên trên đời này cả. Chúng ta vẫn thường dạy trẻ con rằng cây cỏ là loài hiền lành và hào phóng, chúng cho ta ô xi để thở, rau xanh để ăn, thuốc để chữa bệnh, nuôi lớn các loại vật nuôi gia súc… nhưng giờ tớ mới biết là cây cỏ không hề thích thế nhé, chúng chỉ muốn được sống yên thân thôi, tất cả đều do con người cố tình ngộ nhận vì lợi ích của loài có vú thôi ăn tạp thôi.”
Review từ HỒNG NGỌC – Sieuthisosanhgia, 2020
“Sách viết với chất văn dễ hiểu, ging lôi cuốn, thông điệp cũng như kiến thức được truyền tải một cách nhẹ nhàng, dễ thấm, không hề khô khan và rất trọn vẹn. Với những ai tò mò về cây cối và sẵn sàng khám phá nó thì đây là chính cuốn sách dành cho bạn.”
Review từ NGUYEN NGOC PHUONG QUYNH – Sieuthisosanhgia, 2020
“Xem review em này thích quá phải tìm mua bằng được. Mong ngóng mấy lần toàn hết hàng, mãi mới mua được. Tác giả viết về cây cối và đời sống rừng Châu Âu nên cũng ko thân thuộc và giống với hệ sinh thái nước Châu Á. Tuy nhiên với những ai yêu thích cây cối, thích rừng thì quyển sách là một câu chuyện tuyệt vời về cách mà thiên nhiên đang vận hành xung quanh ta. Đọc và suy ngẫm cách mà cộng đồng thực vật tương tác và sinh tồn trong môi trường tự nhiên cũng hay lắm á.”
Review từ TRẦN THỊ KIM THOA – Sieuthisosanhgia, 2020
“Quyển sách này, mình chỉ ước được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông của tất cả các nước. Nếu trẻ em được nghiên cứu cây cối theo cách khác, không phải dưới con mắt thực dụng về sinh khối gỗ, khả năng chữa bệnh, giá trị tính bằng tiền … như hiện nay thì rừng sẽ không bị tàn phá đến mức báo động đến như vậy.
Một quyển sách rất đáng đọc, một nghiên cứu về đời sống của cây và xã hội cây rừng, để hiểu rằng, con người và xã hội loài người chỉ là một phần của tự nhiên.”
Đậu Đậu