Review Dạy con trong “hoang mang”

Dạy con trong “hoang mang” (Lê Nguyên Phương)

Với thông điệp “Chuyển hóa chính mình để giáo dục trẻ thơ”, bộ sách Dạy con trong “hoang mang” gửi đi một thông điệp khác biệt với những cuốn sách khác trên thị trường sách Việt Nam hiện nay: các bố mẹ cần chuyển hóa chính mình, “hòa giải” với quá khứ và những tổn thương của mình, để việc giáo dục con cái trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Đây chính là thông điệp chủ đạo xuyên suốt trong toàn bộ cuốn sách, và cũng chính là điều khiến bố mẹ Việt Nam đồng tình, chia sẻ giá trị của cuốn sách với nhiều người khác.

Dạy con trong “hoang mang” 1 là tập hợp 30 bài viết giải đáp những vấn đề về giá trị và phương pháp giáo dục con trẻ của các bố mẹ và thầy cô Việt Nam được lý giải trên nền tảng kiến thức khoa học qua các nghiên cứu của các ngành tâm lý học giáo dục, tham vấn, và thần kinh.

Cuốn sách được xây dựng trên trục các vấn đề đang được xã hội quan tâm, được thể hiện dưới dạng những bài viết theo từng nhóm chủ đề, trong đó, có những nhóm chủ đề tác giả thể hiện bằng 2 – 3 bài viết, có những nhóm chủ đề được tác giả đặc biệt quan tâm, thể hiện bằng khoảng 5 – 7 bài viết.

Quyển sách đề cập đến những chủ đề chính:

Tổng quan về phương pháp nuôi dạy con

Những ngộ nhận về tri thức

Bạo hành trong gia đình

Khen thưởng trong dạy con

Xây dựng tính cách của trẻ

Những vấn đề xã hội trong việc dạy con

Quân bình giữa thành đạt và hạnh phúc

Vai trò của mẹ trong dạy con

Các sinh hoạt gia đình

Cuốn sách khơi gợi trách nhiệm “gạn đục khơi trong” của trí thức Việt Nam, những người chịu trách nhiệm lớn trong dòng chảy tri thức nước nhà, cũng giúp phần nào trong việc nối liền những “đứt gãy thế hệ” vốn đang hiện hữu trong lòng mỗi gia đình Việt Nam, nơi có sự khác biệt lớn giữa thế hệ bố mẹ trẻ Việt Nam và thế hệ ông bà nội ngoại.

Một cuốn sách chứa hơn 100 tài liệu tham chiếu chuyên sâu cho những thầy cô, bố mẹ có nhu cầu tìm hiểu thêm về chủ đề được đề cập tới.

Dạy con trong “hoang mang” 2 bao gồm 29 bài viết dựa trên trục các chủ đề được bố mẹ Việt Nam quan tâm, gửi thắc mắc và cần hỗ trợ. Có những chủ đề được phân tích, chia sẻ trong một bài viết, nhưng cũng có những chủ đề được chia sẻ thành nhiều bài liên tiếp. Từ câu chuyện “Thiên đàng đổ vỡ”, chia sẻ về nỗi đau của những đứa trẻ phải chứng kiến bạo hành trong gia đình, những di chứng về tâm hồn mà chúng phải gánh chịu; ảnh hưởng rõ rệt của các di chứng này trong đời sống của con cái; đến “Sau lời chia tay” nói về những tổn thương trẻ có thể hứng chịu do quá trình ly hôn của cha mẹ và những diễn biến trong tâm lý, hành vi của trẻ theo tiến trình thời gian sau khi sự việc xảy ra; từ câu chuyện hiểu sao cho đúng về phương pháp “tâm bình an”, “nuôi con an yên” theo phong trào đang rộ lên thời gian gần đây, chính là “khả năng tự phục hồi cảm xúc” trong khoa học, đưa ra một cái nhìn thấu đáo nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra những “lỗ hổng” trong nhận thức của nhiều người về vấn đề này.

Các chủ đề trong Dạy con trong “hoang mang” 2 mở rộng từ gia đình đến nhà trường, từ gia đình đến xã hội. Nếu “Để con nhảy múa” đề cập đến hiện tượng các bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng và khuôn phép lên con mình, khiến con không được tự do sáng tạo và thoải mái như chính con đáng có, đến những câu chuyện lớn về nhân sinh quan của đời người như “Công ơn dưỡng dục”, nói về mối tương quan giữa con người với thế giới, với vạn vật, hay “Muối của đất công chính”, nói về ý thức liêm chính trong xã hội có thể bắt đầu từ khi trẻ còn rất nhỏ… 

214-day-con-trong-hoang-mang
Ảnh: plems.edu.vn

Thông tin về tác giả Lê Nguyên Phương

1. Lê Nguyên Phương  là một chuyên gia tâm lý học đường người Việt với 20 năm kinh nghiệm lâm sàng từ khối mầm non đến đại học tại Mỹ.

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương nhận bằng Thạc sĩ Tâm lý Giáo dục và chứng chỉ hành nghề Tâm lý Học đường tại Đại học California State Long Beach (CSULB) và bằng Tiến sĩ Lãnh đạo Giáo dục chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại University of Southern California (USC). Tiến sĩ cũng đã hoàn tất chứng chỉ thực hành điều trị tâm lý bằng liệu pháp Chánh niệm Nhận thức [Mindfulness-Based Cognitive Therapy] và chứng chỉ cao cấp liệu pháp Thân nghiệm [Somatic Experiencing]. 

Hiện nay, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương là Chuyên gia Tâm lý Học đường của Học khu Long Beach và giảng viên của chương trình cao học bộ môn Tâm lý Học đường tại Đại học Chapman.

Le Nguyen Phuong
Ảnh: thanhnien.vn

Tổng hợp review sách Dạy con trong “hoang mang”

Review từ bạn Nhung Dang – Goodreads, 7/2022

“Nếu được chọn một cuốn sách cho các bậc phụ huynh mà mình cảm thấy tâm đắc nhất thì mình sẽ chọn Dạy con trong “Hoang mang”. Mình thích sách vì nhiều lý do nhưng lý do lớn nhất là vì sách được viết dưới góc nhìn chuyên môn, nhưng gần gũi, chứa đựng nhiều tâm tư của tác giả. Mình đánh giá sách 5 sao vì những lý do sau:

1) Về nội dung: Sách được chia thành nhiều chương với những chủ đề khác nhau. Mỗi chủ đề lại đề cập đến những vấn đề ai-cũng-gặp trong quá trình nuôi dạy trẻ. Điểm cộng lớn của sách là dùng dẫn chứng khoa học để giải thích cho các vấn đề với trích dẫn và nghiên cứu cụ thể. Điều này làm cho việc phân tích của tác giả tránh được tình trạng phân tích suông bằng lời, tạo cảm giác giáo điều như nhiều sách nuôi dạy con trên thị trường đang gặp phải. Những mẩu chuyện ở trong sách không chỉ giúp ba mẹ dạy con, mà con giúp người lớn chúng ta phần nào định hình lại quan điểm và cách sống của mình, xa hơn là thay đổi cả một hệ tư tưởng của toàn xã hội với những vấn đề nhạy cảm như tôn giáo.

2) Về ngôn từ, diễn đạt: Sách được viết theo lối kết hợp giữa kể chuyện, tâm tình và nghiên cứu khoa học. Cách diễn đạt trong sáng, mạch lạc, logic và cuốn hút. Thêm vào đó, thỉnh thoảng tác giả lại chèn thêm một số câu tục ngữ, ca dao, hay lời kinh đạo Phật, nên là sách vừa mang tính hàn lâm, vừa mang tính tâm lý, tình cảm, lại len lỏi cả chút chất liệu dân gian.

Với tư cách của một người mẹ, mình thực sự đồng cảm và tri ân những nỗ lực của tác giả trong từng mẩu chuyện, giúp mình chuyển hóa để làm tốt hơn vai trò của người mẹ trong tiến trình nuôi dạy bé Mei Mei. Còn với tư cách của một người cùng ngành giáo dục, mình đánh giá cao những tâm huyết của TS. Lê Nguyên Phương và hy vọng cuốn sách này có thể tiếp cận được tới nhiều các thầy cô giáo đang làm công tác giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non và phổ thông.”

Review từ bạn Van Nguyen – Goodreads, 11/2021

“Đây là một cuốn sách được xếp vào thể loại tâm lý giáo dục, nhưng nó không phải là lời chỉ dẫn làm sao để dạy con trẻ một cách giáo điều. Sách này để dành cho những người lớn, tự học làm cha làm mẹ của chính mình, để nhìn nhận lại tất cả lối sống, nề nếp, đạo đức và cả hành vi của gia đình, xã hội ảnh hưởng đến họ, góp phần thay đổi tích cực về tâm thức. Với những ai mong muốn làm cha, mẹ, cuốn sách là một sự tham khảo hợp lý để trung thực rèn giũa lại chính mình, trở một tấm gương trung thực cho con cái trong quá trình làm người.”

Review từ bạn Hạnh Miu – Goodreads, 8/2019

“Vào ngay vấn đề thì đây là cuốn sách viết về “dạy con” mình thấy thích nhất ở thời điểm hiện tại. Thú thực mình cũng ít đọc mấy sách kiểu nuôi dạy con, đến nay mới đọc cuốn “Dạy con kiểu do thái và cuốn này là cuốn thứ hai cùng chủ đề đó.

Ngay khi nhận sách, đọc lướt qua một lượt mình đã cảm thấy hứng thú vì những quan điểm của tác giả đưa ra vừa nhân văn vừa dựa trên những phân tích khoa học. Đặc biệt là thông điệp “các bố mẹ cần chuyển hóa mình, “hòa giải” với quá khứ với những tổn thương của chính mình để việc giáo dục con cái trở nên nhẹ nhàng hơn, hiệu quả hơn”. Là một người mẹ, đang đồng hành với con lớn lên, hơn ai hết mình nhận thấy rõ những “hoang mang” trong nuôi dạy con, khi mà thế giới biến động không ngừng, mọi giá trị, niềm tin bị thách thức, đảo lộn. Do đó, tìm được một cuốn sách hay như có thêm một người bạn, giúp mình nhìn nhận rõ hơn, sâu sắc hơn, củng cố thêm niềm tin trong hành trình cùng con lớn lên.

Tác giả của cuốn sách là Tiến sĩ Tâm lý Lê Nguyên Phương, bộ sách “dạy con trong hoang mang” cũng giành giải Sách hay 2018 về hạng mục sách Giáo dục.” 

Review từ bạn Vu Huyen – Goodreads, 8/2018

Đây là một cuốn sách có giá trị không chỉ trong việc nuôi dạy con mà còn giúp “người lớn” nhìn nhận lại chính bản thân mình. Từ đó, “người lớn” sẽ tự quan sát, tự nhận xét hình ảnh của mình trong mối quan hệ với con cái, với người thân, với tha nhân.

Chỉ khi nào người lớn nhận diện được ẩn ức trong lòng mình, chấp nhận, hàn gắn rồi dần – như lời tác giả – “chuyển hoá chính mình”, người lớn sẽ giáo dục được trẻ thơ.

Hành trình cha mẹ nuôi dưỡng giáo dục trẻ thơ chính là hành trình cha mẹ tự giáo dục bản thân mình.’’

Review từ bạn Hang – Goodreads, 3/2021

Chú viết hay lắm ạ! Khách quan mà không bó hẹp. Phân tích khoa học nhưng không đóng khung. Chú khiêm tốn, sâu sắc, không ào ào. Mọi thứ được gợi mở mà không ấn định. Đôi khi tưởng chú là nhà văn, thay vì một tiến sĩ Tâm lý giáo dục.

Không phải kiểu sách “cầm tay chỉ việc” – it’s my taste. Mình rất thích kiểu như vậy. Mặc dù nhiều bạn nói tác giả viết rất chung chung nhưng mình lại thấy rất nhiều hướng ánh sáng cho bản thân, có những liên kết với chính mình trong quá khứ.

Đọc xong cuốn sách mình thấy nhẹ nhõm chứ không hoang mang. ”

Review từ bạn Thuthao – Goodreads, 3/2020

“Như lời thầy đã viết trong sách, sách dành cho các bậc phụ huynh, giáo viên cũng như các nhà tâm lý học, hơn nữa, lối viết của thầy trau chuốt, vừa mang lối tư duy văn học, vừa mang sự khách quan, chính xác của các số liệu thống kê nên sẽ khá khó tiếp cận với hầu hết người đọc. Sách tập trung vào việc phân tích nguồn cơn của các vấn đề mang tính giáo dục tâm lý-xã hội thay vì đưa ra những cách thức giải quyết cụ thể, rõ ràng cho phụ huynh và giáo viên. Nhưng ẩn chứa trong đó là biết bao trăn trở của người làm nghề đối với những vấn đề liên quan đến những thế hệ tương lai của đất nước.”

Review từ bạn Nhat Nguyen – Goodreads, 11/2021

“Cũng như cuốn 1, những đề tài và bình luận của tác giả cho ta thấy được những vấn đề trong việc nuôi dạy con cái. Những vấn đề này là những nhức nhối, trăn trở, và suy nghĩ của bậc cha mẹ. Đọc xong thấy hoang mang hơn trước khi đọc. Chỉ là đọc để còn biết thực tế là có nó, có nhiều người gặp nó, và mình có thể thay đổi nó nếu mình chú tâm. Ngoài ra, những chủ đề này còn mang lại sự cảnh tỉnh cho cả người lớn trong các vấn đề gia đình và xã hội, không nhất thiết chỉ bó hẹp trong vấn đề nuôi dạy con cái. ”

Review từ bạn Thao Truong – Goodreads, 9/2020

“Quyển sách giúp mình nhìn đa chiều hơn về khía cạnh tâm lý phát triển của trẻ em, và hơn nữa trong quá trình đọc, mình đã có cơ hội được chiêm nghiệm lại hành trình của chính bản thân từ thuở bé.

Đây hẳn là một quyển sách mình sẽ dành tặng cho rất nhiều người.”

Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về sách Dạy con trong “hoang mang”. Nếu bạn muốn xem thông tin chi tiết hoặc mua sách bạn có thể ghé thăm Fahasa theo link ở đây hoặc Kim Đồng theo link ở đây.

Tổng hợp bởi Đậu