Review sách Cuộc cách mạng Một – cọng – rơm

Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm (Mansanobu Fukuoka) cuốn sách không chỉ là sự trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên mà còn đem đến cho người đọc những suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống, về y học và cuộc sống.

Nhưng bạn không nên để tựa đề cuốn sách đánh lừa. “Cuộc cách mạng một – cọng – rơm”, nhưng chẳng có “cuộc cách mạng” nào ở đây cả. Cuốn sách chỉ là những ghi chép của một người làm nông khiêm nhường rón rén trước thiên nhiên vườn ruộng, như thể mỗi một từ được viết ra tác giả đều sợ làm tổn thương đất đai cây cỏ.

Bạn cũng sẽ thất vọng nếu có ý định tìm trong cuốn sách này những tri thức về nông nghiệp, dù là nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp tự nhiên. Bởi vì đối với ông Fukuoka, tri thức là hữu hạn, còn thiên nhiên cây cối là vô cùng, cái hữu hạn không thể thâu tóm được cái vô cùng.

Cuốn sách cũng không nhằm góp phần làm đa dạng hóa kiến thức của bạn về thiên nhiên và cuộc sống. Bạn sẽ thấy tác giả của nó không hề có ý định như vậy.

Đọc cuốn sách này và gấp nó lại, bạn sẽ không còn nghĩ ông Fukuoka đã viết những gì, nhưng bạn sẽ nhận ra vô số những điều mà trước đây do những tri thức học ở sách vở, trong trường lớp đã biến thành định kiến trong đầu bạn khiến cho bạn không nhận ra. Bạn sẽ nhìn cái cây không phải là giống thực vật vô tri được mô tả trong sách trồng trọt mà là cái cây có tâm hồn. Bạn sẽ thú vị nhớ lại, trong câu chuyện cổ tích Một người mẹ, nhà văn Andersen đã từng bảo mỗi một cái cây đều có một số phận, mỗi cái cây đều có một trái tim. Và bạn sẽ hiểu vì sao ông Fukuoka lại nói chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như thiên nhiên vốn có.

Cuoc-cach-mang-Mot-cong-rom
Ảnh: Tiki.vn

Sách được viết bởi nhà văn Masanobu fukuoka

Masanobu fukuoka (1913 – 2008) là một nông dân và triết gia người Nhật đến từ đảo Shikoku. Kỹ thuật làm nông tự nhiên của ông không cần đến máy móc hay nhiên liệu hóa thạch, không cần tới hóa chất, chẳng cần ủ phân, và rất ít phải làm cỏ. Trong những ruộng lúa của mình, ông Fukuoka đã không cày đất hay giữ nước lại suốt vụ – như cách người nông dân vẫn làm từ hàng thế kỷ ở châu Á và trên khắp thế giới.

Bạn có thể tham khảo cuốn sách cùng tác giả: Gieo mầm trên sa mạc

Tổng hợp review sách Cuộc cách mạng Một – cọng – rơm

Review từ bạn Mai Anh – Goodreads, 29/06/2016

Đây là lần đầu tiên mình đọc một cuốn sách về chủ đề nông nghiệp (trừ cuốn công nghệ hồi còn đi học), rất ngắn, và mình phần nào bị sốc. nếu cuối cấp ba mà đọc cái này rồi chắc ở nhà làm nông chớ không lên xì phố học đại học làm gì, rồi đâm vô mấy chỗ công ty tư bản như giờ. =)) Ý mình là, cuốn sách này thay đổi cách nhìn của mình về nông nghiệp & xã hội. Mình luôn tự hỏi việt nam mình là đất nước chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng sao người dân vẫn ăn “thực phẩm bẩn”, thậm chí ko có ngâm thuốc kích thích…thì bản thân người nông dân cũng đã dùng các chất hóa học ngay từ khi trồng…cái mà Fukuoka cho rằng con người Việt dùng chúng đã phá hủy đi cái hài hòa của tự nhiên rằng cây cối sinh vật đất đai, tự bản thân chúng tự kết hợp và cộng sinh có thể tạo ra nguồn dinh dưỡng cung cấp thực phẩm cho con người. Vì sao người ta lại làm vậy, vì con người vốn ưa rau củ có hình dáng màu sắc đẹp bắt mắt, rồi đồ ăn sạch chắc chắn giá phải cao, vì lợi nhuận… (sách viết từ từ rất lâu rồi mà như chuyện hôm qua, chuyện của ngày nay vậy).

Tuy vậy, có một vài điểm mình cũng không đồng quan điểm với tác giả đặc biệt là cách nhìn của ông về sự phát triển của xã hội và vai trò của công nghệ.

Cuốn sách ko chỉ dừng lại ở việc làm nông đơn thuần mà còn là cái triết lý sống của Fukuoka liên quan nhiều đến thiền định…

Sau “Khuyến học”, thì cuốn này đã được vô danh sách “must read” của mình, và muốn recommend cho người khác đọc.

Review từ bạn Chuoibantho – Goodreads, 12/02/2017

“Không, bản thân tôi không có gì đặc biệt cả, những điều mà tôi đã thoáng thấy được đó thì quan trọng vô cùng.”

Em đọc sách này hai lần, back-to-back. Lần đầu đọc thấy nhiều mơ hồ, lần sau đọc thấy sáng hẳn ra, mới hiểu được các nhận xét và cảm nhận của người đọc trước trên bìa sách. Nông nghiệp là cái cớ bác Fukuoka mượn để bàn về sự bền vững, triết lí về các phong cách sống cũng như về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Sách xanh làm cho em để ý đến môi trường xung quanh hơn, trân trọng mà thưởng thức đồ ăn thức uống hàng ngày hơn. Giản dị là một cách sống em yêu thích.

Review từ bạn Hạt Tiêu – Goodreads, 21/03/2021

Là một cựu sinh viên công nghệ sinh học nông nghiệp tốt nghiệp loại giỏi, một lần nữa mình lại thấy “mình chẳng biết gì về nông nghiệp” dù cho đề tài khóa luận của mình là đề tài ứng dụng cho nông nghiệp, đất nước mình sinh ra và lớn lên là một đất nước nông nghiệp, ai mình quen đều muốn gần gũi thiên nhiên và có máu yêu thích trồng trọt. Ngày đó cách đây 12 năm mình tự đánh giá mình như vậy, tới bây giờ thì cũng vẫn chưa có dịp tìm hiểu và sống với ruộng đồng. Nhưng khi đọc quyển sách này mình lại cảm thấy an lòng, niềm vui thú lại nảy nở.

  1. Mình an lòng khi không/chưa biết thì cũng không sao, vẫn tốt hơn là biết một cái vòi cái chân cái tai con voi mà không rõ con voi nó như thế nào
  2. Mình vui thú khi một lần nữa củng cố niềm tin rằng xuất phát điểm của sự hiểu biết là từ bản thân chứ không phải từ bên ngoài
  3. Khi ý thức được sự toàn thể và điểm xuất phát rồi, thì cứ khởi hành thôi, vừa làm vừa quan sát, tìm-hiểu-cảm nhận, học tập từ thiên nhiên và an vui trong thực tại.
  4. Không nhất thiết phải làm nông thì mới có thể sống gần gũi với thiên nhiên thuận theo tự nhiên, từ việc sinh hoạt ăn uống nhu cầu mỗi ngày mình đều có thể thực tập và quán chiếu được.

Một vài kinh nghiệm của cụ Fukuoka mình thấy cần được làm rõ và muốn tự kiểm chứng

– Cây keo Morishima ở Nhật được nhắc đến như là một giải pháp tự nhiên có lợi. Gỗ của cây có thể phân hủy thành đất thịt, hoa thu hút ong, lá dùng làm thức ăn cho gia súc, rễ có khả năng cố định đạm, chồi cây giúp nuôi sống bọ rùa, và bọ rùa thì có thể xơi tái nhiều loài côn trùng sâu hại khác. Tuy nhiên keo Morishima lại ko phải là thực vật bản địa, nên liệu có tiềm ẩn nguy cơ gây hại gì ko?

– Trải rơm tươi chưa qua xử lý trên ruộng có thể tạo ra lớp đất mùn, và vẫn khá an toàn cho cây lúa vì nguy cơ bị nhiễm đạo ôn và thối thân từ rơm là không đáng kể.

Một vài ghi chú/quotes của mình từ quyển sách mà mình thấy thú vị

*Triết lý

– Cần phân biệt giữa “bỏ mặc” và “thuận theo tự nhiên”

– Thay vì “Thử cái này xem sao?” “Thử cái kia xem sao?” sao không thử “Không làm điều này thì sao nhỉ?” hay “Không làm điều kia thì sao nhỉ?”

– Khi quan điểm về thực phẩm đẹp, to, không tì vết, đắt tiền mới là thực phẩm ngon tốt được đảo ngược, đó mới là lúc thực phẩm tự nhiên, không qua xử lý sẽ bắt đầu có chỗ đứng thực thụ

*Làm nông

– Nguyên tắc bốn không: không cày xới đất, không dùng phân hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ, không phụ thuộc vào hóa chất

– Cỏ dại cần được kiểm soát chứ ko nên diệt trừ. Vd. gieo hạt giống của vụ sau trước khi thu hoạch vụ trước để chúng nảy mầm trước khi cỏ dại phát triển, hoặc trồng cỏ ba lá trên đất để ngăn cỏ dại

– Vón hạt mầm trong viên đất sét nhỏ thay vì gieo trực tiếp có thể bảo vệ hạt khỏi chim gà

*Quotes

“Thay vì đưa ra cả trăm lời giải thích, chẳng phải việc thực hành triết lý mới là cách hay nhất”

“Ta còn mong chờ một thế giới sáng sủa ở bên kia đường hầm chừng nào thì bóng tối của đường hầm còn kéo dài tới chừng ấy”

“để hòa làm một với tự nhiên, người ta không thể giúp người khác, ngay cả nhận sự giúp đỡ từ họ cũng không. Chúng ta chỉ có thể tự mình đi con đường của mình.”

21/3/2021

Review từ bạn Ha-Linh – Goodreads, 27/06/2021

Cuốn sách về cách làm nông “thuận tự nhiên”, trong đó, theo triết lý Á Đông là tôn trọng sự hài hoà của con người trong vạn vật, Fukuoka tiên sinh mô tả cách ông đã nuôi trồng canh tác, dựa theo những điều kiện khí hậu, đất đai, sâu bọ xung quanh, không sử dụng hóa chất công nghiệp mà vẫn đạt sản lượng cao. Không chỉ là cách làm nông, ông còn đúc kết thành triết lý sống thuận tự nhiên.

Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về sách Cuộc cách mạng Một – cọng – rơm.

Nếu bạn muốn xem thêm thông tin chi tiết, hoặc đặt mua sách, bạn có thể ghé thăm Tiki theo link ở đây hoặc Kim Đồng theo link ở đây.

Tổng hợp bởi Ngọc Oanh

Bấm Facebook để chia sẻ bài viết!