Xem thông tin về nội dung sách trên Tiki qua link ở đây hoặc Kim Đồng qua link ở đây.
![cuoc-cach-mang-mot-cong-rom-29072022-min](https://thuvienvingaymai.org/wp-content/uploads/2022/08/cuoc-cach-mang-mot-cong-rom-29072022-min.jpg)
Danh sách
Review từ Rosie Nguyễn – Goodreads, 2015
“Rất nhiều điều hay có thể học từ quyển này:
– Con người làm cho đất đai tự nhiên yếu đi, làm môi trường ô nhiễm đi. Sau đó lại tìm những cách thức để giải quyết hậu quả. Nếu ban đầu cứ để tự nhiên làm việc của nó thì sẽ không phải nhọc công. Tự nhiên là hoàn hảo.
– Chúng ta phải trả giá quá nhiều cho sự ham muốn vô độ của con người: muốn có thực phẩm khác mùa, muốn trái cây phải to đẹp bóng loáng, muốn ăn nhiều nhiều thịt và những thực phẩm chế biến khác.
– Thực phẩm tự nhiên chính ra phải có giá thấp vì ít tốn công chăm sóc nuôi trồng.
– Đất đai yếu mới cầu hóa chất. Nếu giải quyết vấn đề từ gốc thì không phải nhọc công đi giải quyết hậu quả. Chỉ phụng sự tự nhiên và thế là mọi sự tốt đẹp cả.
– Nông nghiệp đã trở nên lạc hậu và yếu đuối về tinh thần, chỉ dành quan tâm đến phát triển vật chất.
– Phải sống sao để bản thân thức ăn ăn vào thấy ngon miệng, chứ không phải thêm thắt gia vị cho ngon miệng.
– Chỉ ở đây, chăm lo một cánh đồng nhỏ, sở hữu sự tự do và sung túc mỗi ngày. Đó là cách sống khởi nguyên của nông nghiệp.
– “Liệu mùa thu tới có mang theo gió hay mưa, tôi không thể nào biết được. Nhưng hôm nay, tôi sẽ làm lụng trên đồng”
– Mục đích tối thượng của làm nông không phải là trồng cây mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người.
Cúi đầu bái phục.’’
Review từ Haiiro – Goodreads, 2018
“Mặc dù là một cuốn sách về cách làm nông nghiệp, người ta lại có thể đọc Cuộc cách mạng một-cọng-rơm như đọc một cuốn self-help, một cẩm nang chỉ dẫn cách sống (trên khía cạnh sinh học nhiều hơn khía cạnh xã hội học). Và thêm một lần nữa mệnh đề “Tôi không thể đọc vào self-help” lại được chứng minh một cách hùng hồn bằng thực tiễn.
Tôi nghĩ rằng cuốn sách màu xanh này chỉ có ích khi người ta mang theo tâm lý sẵn sàng thay đổi đi đọc nó. Tôi thì có lẽ chưa chuẩn bị kĩ tâm lý và kiến thức sống dưới chủ nghĩa vô vi triết học, nên càng về sau càng bị lạc khỏi những điều ông Fukuoka truyền đạt. Ông gần như phủ nhận triệt để sự hữu ích của khoa học đối với cuộc sống của loài người. Những lý luận của ông giống như một cú đánh mạnh mẽ sẵn sàng đánh bật tôi trở lại đêm hôm trước thời kỳ hồng hoang. Với một đứa học ban A suốt thời phổ thông và hiện đang theo đuổi khoa học sức khỏe con người như tôi thì những gì ông nói có chút vu vơ, thiếu bằng chứng và rất khó để chấp nhận.
Cái viễn cảnh được sống gần gũi, hòa mình vào thiên nhiên có một sức hấp dẫn to lớn (dù vô hình) đối với thế hệ 4.0 này. Ngày nay người ta thấy xu hướng sống thuận tự nhiên đã nhen nhóm xuất hiện và tồn tại ở nhiều quy mô khác nhau giữa xã hội văn minh, mà bên cạnh những niềm vui và một sự bảo đảm về mặt tinh thần cho những người theo đuổi nó, thì thú thực những hậu quả nó đã phơi bày – dù chỉ lẻ tẻ – cũng là những điều có thực và khiến tôi thấy hơi sợ hãi. Các bà mẹ liên sinh làm chết con, các hội nhóm khuyến khích chữa bách bệnh bằng sữa mẹ, hội anti-vaccine, hội thực dưỡng… đang tồn tại giữa đời thường và hoạt động bí ẩn như những giáo phái thần bí trong truyện Kim Dung, mà cái giá phải trả cho sự thuận tự nhiên đó có khi là mạng người.
Phải nói rằng không phải tôi bài xích, hay đúng hơn là chưa hiểu biết đủ để chọn bài xích hoàn toàn lối sống thuận tự nhiên. Có điều lý thuyết được ông Fukuoka áp dụng cho đồng lúa, vườn quả, rừng cây… mà ông trình bày trong cuốn sách này là dựa trên sự vận hành của chọn lọc tự nhiên. Có thể hiểu nôm na rằng những cá thể yếu ớt sẽ bị các tác động ngoại lai như thời tiết, bệnh tật, sâu bọ… loại bỏ; chỉ còn lại những cá thể với bộ gen khỏe mạnh sống sót và tạo ra những quần thể Fn với khả năng chống chọi ngày càng ưu việt và mang lại nhiều giá trị hơn. Đó là lý do người ta giả định rằng một dịch bệnh khủng khiếp cỡ mấy cũng không thể khiến loài người tuyệt chủng hoàn toàn. Có điều với cương vị đứng đầu chuỗi thức ăn mà con người tự mình phong cho mình, chúng ta có thể chấp nhận và áp dụng lên cây cối hay thậm chí là động vật, chứ liệu ta có sẵn sàng áp dụng lên chính con người nếu chưa đến bước đường vạn bất đắc dĩ? Bằng vào những tiêu chuẩn về nhân tính, nhân đạo mà con người đặt ra cùng với sự hình thành và phát triển của cái xã hội mà ta cho là thượng đẳng, là đỉnh của muôn loài này, thì e rằng điều này thật khó mà chấp nhận. Thử tưởng tượng, khi cái dịch bệnh kia bùng phát, bạn có sẵn sàng để cho con em mình – những kẻ mang bộ gen yếu ớt – bị tự nhiên đào thải, để quần thể loài người sau này trở nên mạnh mẽ hơn; hay là sẽ chạy vạy đủ nơi, mua đủ thứ thuốc về đặng cứu vớt cái sinh thể yếu nhược bạn dành mọi tình yêu đó?
Nhìn chung ở những phần đầu của Cuộc cách mạng một-cọng-rơm, kỹ thuật làm nông tự nhiên và những thành tựu của việc làm nông tự nhiên của Masanobu Fukuoka – người đàn ông đã dành hàng chục năm hầu như cô độc để tìm tòi và phát triển – làm tôi ấn tượng, ngưỡng mộ và tin tưởng. Song những khía cạnh mở rộng khác, đặc biệt là khía cạnh tinh thần và quan điểm bài báo khoa học một cách hoàn toàn đến có phần cực đoan thì có lẽ vì tôi vẫn còn căn quả chưa thể dẹp hồng trần sang một bên, chưa thể đạt được đến cảnh giới vô vi một cách hoàn hảo giữa đời nên không tiếp thu được.
Còn một số điều ban đầu muốn nói, nhưng viết đến đây thì bỗng thấy cũng không quan trọng mấy nữa. Nên thôi vậy.”
Review từ Mai Anh – Goodreads, 2016
“Đây là lần đầu tiên mình đọc một cuốn sách về chủ đề nông nghiệp (trừ cuốn công nghệ hồi còn đi học), rất ngắn, và mình phần nào bị sốc. nếu cuối cấp ba mà đọc cái này rồi chắc ở nhà làm nông chớ không lên xì phố học đại học làm gì, rồi đâm vô mấy chỗ công ty tư bản như giờ. =)) Ý mình là, cuốn sách này thay đổi cách nhìn của mình về nông nghiệp & xã hội. Mình luôn tự hỏi việt nam mình là đất nước chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng sao người dân vẫn ăn “thực phẩm bẩn”, thậm chí ko có ngâm thuốc kích thích…thì bản thân người nông dân cũng đã dùng các chất hóa học ngay từ khi trồng…cái mà Fukuoka cho rằng con người dùng chúng đã phá hủy đi cái hài hòa của tự nhiên rằng cây cối sinh vật đất đai, tự bản thân chúng tự kết hợp và cộng sinh có thể tạo ra nguồn dinh dưỡng cung cấp thực phẩm cho con người. Vì sao người ta lại làm vậy, vì con người vốn ưa rau củ có hình dáng màu sắc đẹp bắt mắt, rồi đồ ăn sạch chắc chắn giá phải cao, vì lợi nhuận… (sách viết từ từ rất lâu rồi mà như chuyện hôm qua, chuyện của ngày nay vậy).
Tuy vậy, có một vài điểm mình cũng không đồng quan điểm với tác giả đặc biệt là cách nhìn của ông về sự phát triển của xã hội và vai trò của công nghệ.
Cuốn sách ko chỉ dừng lại ở việc làm nông đơn thuần mà còn là cái triết lý sống của Fukuoka liên quan nhiều đến thiền định…
Sau “Khuyến học”, thì cuốn này đã được vô danh sách “must read” của mình, và muốn recommend cho người khác đọc.”
Review từ Trung Rwo – Goodreads, 2017
“Một “cuộc cách mạng” cực đoan và đặc sệt tính tự kiêu của tác giả. Cuốn sách thuần chủ quan, phủ nhận sạch trơn mọi ý kiến ngoại lai (đặc biệt là khoa học), tập trung đề cao sự tốt đẹp của thành quả nhờ một quá trình dài mà không nhận ra rằng tính đa dạng mới là cái khiến thế giới thú vị. Nhất là khi, sống ở một vùng ôn đới dễ chịu đã làm ông dễ dàng thành công với phương pháp của mình hơn.
Không nghiên cứu về cách trồng trọt, mình chỉ đọc để xem tư duy của tác giả nên bỏ qua những đoạn nói nhiều về kỹ thuật. Nhưng hơi buồn cười ở những đoạn suy diễn rộng ra, ông chỉ trích những người không đi theo cách của ông là không hiểu biết thực sự về đồng lúa, nhưng càng nói càng thấy một sự ngạo mạn của người không suy nghĩ rộng quá khỏi cánh đồng. Cuốn sách là một cẩm nang dành cho những người cùng chí hướng, tuy vậy, tác giả hoàn toàn thất bại trong việc thuyết phục những kẻ ngoại đạo như mình đi theo tư tưởng của ông.’’
Review từ Hạt Tiêu – Goodreads, 2021
“Là một cựu sinh viên công nghệ sinh học nông nghiệp tốt nghiệp loại giỏi, một lần nữa mình lại thấy “mình chẳng biết gì về nông nghiệp” dù cho đề tài khóa luận của mình là đề tài ứng dụng cho nông nghiệp, đất nước mình sinh ra và lớn lên là một đất nước nông nghiệp, ai mình quen đều muốn gần gũi thiên nhiên và có máu yêu thích trồng trọt. Ngày đó cách đây 12 năm mình tự đánh giá mình như vậy, tới bây giờ thì cũng vẫn chưa có dịp tìm hiểu và sống với ruộng đồng. Nhưng khi đọc quyển sách này mình lại cảm thấy an lòng, niềm vui thú lại nảy nở.
- Mình an lòng khi không/chưa biết thì cũng không sao, vẫn tốt hơn là biết một cái vòi cái chân cái tai con voi mà không rõ con voi nó như thế nào
- Mình vui thú khi một lần nữa củng cố niềm tin rằng xuất phát điểm của sự hiểu biết là từ bản thân chứ không phải từ bên ngoài
- Khi ý thức được sự toàn thể và điểm xuất phát rồi, thì cứ khởi hành thôi, vừa làm vừa quan sát, tìm-hiểu-cảm nhận, học tập từ thiên nhiên và an vui trong thực tại.
- Không nhất thiết phải làm nông thì mới có thể sống gần gũi với thiên nhiên thuận theo tự nhiên, từ việc sinh hoạt ăn uống nhu cầu mỗi ngày mình đều có thể thực tập và quán chiếu được.
Một vài kinh nghiệm của cụ Fukuoka mình thấy cần được làm rõ và muốn tự kiểm chứng
– Cây keo Morishima ở Nhật được nhắc đến như là một giải pháp tự nhiên có lợi. Gỗ của cây có thể phân hủy thành đất thịt, hoa thu hút ong, lá dùng làm thức ăn cho gia súc, rễ có khả năng cố định đạm, chồi cây giúp nuôi sống bọ rùa, và bọ rùa thì có thể xơi tái nhiều loài côn trùng sâu hại khác. Tuy nhiên keo Morishima lại ko phải là thực vật bản địa, nên liệu có tiềm ẩn nguy cơ gây hại gì ko?
– Trải rơm tươi chưa qua xử lý trên ruộng có thể tạo ra lớp đất mùn, và vẫn khá an toàn cho cây lúa vì nguy cơ bị nhiễm đạo ôn và thối thân từ rơm là không đáng kể.
Một vài ghi chú/quotes của mình từ quyển sách mà mình thấy thú vị
*Triết lý
– Cần phân biệt giữa “bỏ mặc” và “thuận theo tự nhiên”
– Thay vì “Thử cái này xem sao?” “Thử cái kia xem sao?” sao không thử “Không làm điều này thì sao nhỉ?” hay “Không làm điều kia thì sao nhỉ?”
– Khi quan điểm về thực phẩm đẹp, to, không tì vết, đắt tiền mới là thực phẩm ngon tốt được đảo ngược, đó mới là lúc thực phẩm tự nhiên, không qua xử lý sẽ bắt đầu có chỗ đứng thực thụ
*Làm nông
– Nguyên tắc bốn không: không cày xới đất, không dùng phân hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ, không phụ thuộc vào hóa chất
– Cỏ dại cần được kiểm soát chứ ko nên diệt trừ. Vd. gieo hạt giống của vụ sau trước khi thu hoạch vụ trước để chúng nảy mầm trước khi cỏ dại phát triển, hoặc trồng cỏ ba lá trên đất để ngăn cỏ dại
– Vón hạt mầm trong viên đất sét nhỏ thay vì gieo trực tiếp có thể bảo vệ hạt khỏi chim gà
*Quotes
“Thay vì đưa ra cả trăm lời giải thích, chẳng phải việc thực hành triết lý mới là cách hay nhất”
“Ta còn mong chờ một thế giới sáng sủa ở bên kia đường hầm chừng nào thì bóng tối của đường hầm còn kéo dài tới chừng ấy”
“để hòa làm một với tự nhiên, người ta không thể giúp người khác, ngay cả nhận sự giúp đỡ từ họ cũng không. Chúng ta chỉ có thể tự mình đi con đường của mình.”
21/3/2021.’’
Review từ Vi Huyền Anh – Goodreads, 2016
“Tôi đã từng nghe nhiều người Việt nhắc tới câu: “Con người là loài động vật duy nhất phải làm việc, còn các động vật khác kiếm sống bằng cách sống”. Hồi đó chẳng có mấy người mình, bao gồm bản thân tôi, tìm hiểu mà biết tới cái tên Masanobu Fukuoka – người phát biểu câu nói đó. Và dù “Cuộc cách mạng Một-Cọng-Rơm” của tiên sinh Fukuoka đã làm cho dân tình xôn xao cả một năm vừa qua, thì tới giờ tôi mới tìm đọc nó. Tôi ước tôi đã đọc nó sớm hơn.
Người ta gọi cuốn sách bằng những cái tên khác nhau: một tác phẩm chứa đựng kiến thức về nông nghiệp, một tác phẩm (hẳn) mà như một “cuộc cách mạng”, hay một tác phẩm triết học dành cho những con người thích suy tư luận lý… Với “ông già Tây Nguyên” Nguyên Ngọc thì “cuốn sách này nói về hạnh phúc, điều ta tưởng đã hiểu, mà có khi hóa ra nhầm”. Nguyên Ngọc nói thật chính xác. Và với tôi, “Cuộc cách mạng Một-Cọng-Rơm” cũng đơn giản là sự quán chiếu bản thân Fukuoka trong đời sống, giữa thiên nhiên, thông qua công việc làm nông “thuận” tự nhiên của mình. Đó là những chia sẻ, chắt lọc từ cả mấy thập niên cuộc đời của lão nông Fukuoka, người – như con cá lội ngược dòng – bướng bỉnh quay trở về với nông nghiệp thuận tự nhiên trong khi Nhật Bản và cả thế giới đang hối hả chạy theo vòng quay của nông nghiệp thương mại hiện đại, mà năng suất thu hoạch trên ruộng của ông ngang ngửa tốp đầu một tỉnh của nước Nhật. Như thế, bước đầu ta đã có thể mong đợi một hay nhiều điều gì có ý nghĩa từ câu chuyện của ông, phải không?
25 tuổi, khi chợt ngộ ra mọi thứ trong cuộc sống đều quay về hư vô, Fukuoka bỏ dở công việc kiểm tra cây trồng tại Cục hải quan Yokohama, quay về làm vườn tại trang trại của cha, để thực hành và chứng minh cách làm nông “chẳng-làm-gì-cả”. Ông đưa ra nguyên tắc “4 Không” trong nông nghiệp (không cày xới đất, không dùng phân hóa học /phân ủ, không làm cỏ hay dùng thuốc diệt cỏ, không phụ thuộc vào hóa chất) với tâm thế của một sinh linh nhỏ bé may mắn được tồn tại giữa thế giới tự nhiên rộng lớn và đầy quyền năng. Kính trọng và yêu mến thiên nhiên, Fukuoka tiến tới làm nông mà cố gắng buông bỏ những mê chấp thường gặp ở loài người. Ông nghiệm ra rằng con người, với lòng tham vô độ của mình, đã và đang chỉ muốn làm chủ thiên nhiên, ôm tham vọng bằng khoa học kỹ thuật sẽ biến đổi thiên nhiên thành một cõi thiên đường giữa trần thế, mà không thể hiểu rằng thiên nhiên tự thân nó đã là một thiên đàng. Rằng “khoa học chỉ có tác dụng làm rõ rằng tri thức của loài người mới nhỏ bé làm sao!”. Fukuoka nói như Đức Cồ Đàm đã giảng giải, là: chúng ta nghĩ vấn đề nằm ở bên ngoài, nhưng thực chất vấn đề lại xuất phát từ bên trong chúng ta. Con người làm khổ bản thân mình, can thiệp vào thiên nhiên và tất cả những điều đó chỉ gieo mầm mống cho những sự khổ đau kế tiếp.
Con đường của người Phật tử là con đường tự trau dồi, thanh lọc. Con đường của những người làm nông như Fukuoka là con đường “tu dưỡng và hoàn thiện” bản thân. Có người nói Fukuoka đã Thiền trong nông nghiệp, tôi chia sẻ ý nghĩ này cùng người đó. Con người cần phải hiểu rằng thật ra họ chẳng hiểu gì về tự nhiên, rằng hạnh phúc đến từ bản năng trong sạch của ta, đến từ hiện tại, từ những điều rất giản dị xung quanh mà tự nhiên ban phát như những vật phẩm dành cho chúng ta. Fukuoka viết: “Thế giới này đã từng giản đơn”. Thực tế, ông nói, như một hiền triết: “Thế giới này là giản đơn”. Fukuoka đã mất gần trọn đời để phần nào thấm được điều đấy. Đáng quý hơn cả là ông đã vạch ra một con đường. Bụt xưa kia cũng đã nỗ lực kinh nghiệm và với lòng bi mẫn chỉ được cho con người chiếc bè. Hà cớ gì ngày nay ta không thử chiêm nghiệm, biết đâu có thể bớt đi nỗi khổ của kiếp người, hoặc thậm chí đạt tới được cảnh giới vô vi?”
Review từ Quế Hương – Goodreads, 2018
“- Quyển sách xuất bản lần đầu vào năm 1975, tuy nhiên những điều viết trong sách mình cảm thấy rất giống với nền nông nghiệp hiện tại ở Việt Nam.
– Mình rất ưng với cách nhìn nhận vấn đề của tác giả: phân tích toàn diện để đi tìm ra cái gốc, cái căn nguyên của vấn đề, chứ không phải chỉ cố giải quyết phần ngọn.
– Làm nông nghiệp tự nhiên không chỉ vì nhu cầu sống, mà còn là để học cách hòa hợp với thiên nhiên, học cách hoàn thiện con người, một cách thiền – tu tập để hạnh phúc hơn. (điểm này mình thấy hơi giống với một phần ở quyển sách “Câu chuyện dòng sông” – tác giả: Hermann Hesse).
– Bản thân tự nhiên như cây cỏ, cây trồng, hệ sinh vật (vật nuôi, côn trùng), khí hậu, đất đai đã là một sự hòa quyện tuyệt vời sẵn có, tạo ra một hệ sinh thái tương hỗ nhau, một chu kỳ tuần hoàn của đất đai, cây trồng, vật nuôi. Do vậy chỉ cần nương theo tự nhiên là con người sẽ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp một cách mỹ mãn, không cần có sự can dự của phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, hay các biện pháp hỗ trợ được cho là hiện đại khác.
– Khởi nguồn từ lòng ham muốn của con người như thích quả to, ngoại hình đẹp, bóng bẩy, hay rau quả trái mùa, giống nhập khẩu, … mà dần dần nền nông nghiệp bị phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố nhân tạo như trên. Nông dân ngày càng cực hơn, đất đai không cải tạo hay bón phân thì không dùng được. Rau củ không dùng hóa chất sẽ không được giá hoặc thậm chí bị loại. Cây trồng ngày càng bị yếu đi do xa rời trạng thái và môi trường tự nhiên vốn có của nó (hệ sinh thái tự nhiên gồm cả cỏ, côn trùng, đất không phân bón). Cứ thế, có cung thì có cầu, nông nghiệp dần lệ thuộc các biện pháp hóa học.
– Nghề nông tự nhiên không-làm-gì-cả thì người nông dân sẽ rất thảnh thơi, có nhiều thời gian nhàn rỗi để làm việc yêu thích của mình, mà sản lượng thu hoạch vẫn cao. Từ đó lẽ ra giá bán phải rẻ hơn nhiều so với khi có sự can dự của các biện pháp hiện đại [theo sách]. [Theo ý riêng của mình] Hiện nay ở VN những người tiên phong làm nông nghiệp tự nhiên phải đối mặt với một khoảng thời gian cho cây trồng và đất quen dần với tự nhiên, thậm chí cây trồng có thể bị chết hoặc không thu hoạch được gì cả trong nhiều năm này. Do đó giá thực-phẩm-tự-nhiên trong giai đoạn chuyển tiếp này sẽ rất cao so với giá trồng theo cách thông thường. Mình vẫn rất hy vọng nông nghiệp tự nhiên sẽ được lan rộng, lúc đó giá thực-phẩm-tự-nhiên sẽ bình ổn trở lại, để mọi người ai cũng được dùng rau củ quả an toàn.
– Có một điều nhỏ mình chưa hoàn toàn đồng ý với tác giả là tất cả mọi người dân nên làm nông nghiệp tự cung tự cấp, cả đất nước Nhật Bản nên là nghề nông hoàn toàn, vì đó chính là một tương lai hạnh phúc trọn vẹn. Đúng là cuộc sống an nhàn, tu tập hoàn thiện bản thân, hòa hợp cùng thiên nhiên sẽ làm con người ta thật sự hạnh phúc. Nhưng theo góc nhìn của mình ở thời điểm hiện tại, thì con người vẫn rất cần những phát kiến khoa học, công nghệ ở những lĩnh vực khác để đưa nhân loại phát triển lên những tầm cao mới, nâng trí thông minh loài người ngày một cao hơn.”
Review từ chuoibantho – Goodreads, 2017
“”Không, bản thân tôi không có gì đặc biệt cả, nhưng điều mà tôi đã thoáng thấy được đó thì quan trọng vô cùng.”
Em đọc sách này hai lần, back-to-back. Lần đầu đọc thấy nhiều mơ hồ, lần sau đọc thấy sáng hẳn ra, mới hiểu được các nhận xét và cảm nhận của người đọc trước trên bìa sách. Nông nghiệp là cái cớ bác Fukuoka mượn để bàn về sự bền vững, triết lý về các phong cách sống cũng như về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Sách xanh làm cho em để ý đến môi trường xung quanh hơn, trân trọng mà thưởng thức đồ ăn thức uống hàng ngày hơn. Giản dị là một cách sống em yêu thích.”
Review từ Ha-Linh – Goodreads, 2021
“Cuốn sách về cách làm nông “thuận tự nhiên”, trong đó, theo triết lý Á Đông là tôn trọng sự hài hoà của con người trong vạn vật, Fukuoka tiên sinh mô tả cách ông đã nuôi trồng canh tác, dựa theo những điều kiện khí hậu, đất đai, sâu bọ xung quanh, không sử dụng hóa chất công nghiệp mà vẫn đạt sản lượng cao. Không chỉ là cách làm nông, ông còn đúc kết thành triết lý sống thuận tự nhiên.”
Review từ Hoàng Nhi – Goodreads, 2020
“Cuốn sách đáng giá đối với mình, một lão nông có lối viết có phần cực đoan, hay phản đối khoa học hiện đại, và hài hước, theo cách nghĩ của mình. Lối “chửi” vừa thấm thía vừa dí dỏm, ông ấy không phải là người giỏi nhất, nhưng ông ấy sống tự nhiên nhất, sống như chính mình đang là, như con người vốn dĩ là, mà họ chưa từng nhận ra.
Cuốn sách nói về “nông nghiệp tự nhiên” theo đúng nghĩa của nó. Xã hội hiện đại có những sản phẩm gắn mác Organic với giá cắt cổ, được trồng trong nhà kính, để phục vụ nhu cầu thực phẩm trái vụ của con người, bất chấp quy luật tự nhiên. Những tưởng con người có thể làm mọi thứ nhờ khoa học, nhưng những sản phẩm sinh ra từ nó suy cho cùng chỉ là hỗn hợp mùi vị của Kali, Nito, Photpho…, con người chưa bao giờ hiểu được tự nhiên, càng nghiên cứu lại thấy tự nhiên càng kỳ bí và hùng vĩ, những công trình nghiên cứu tự tung hô nhau “vì sự phức tạp của nó”.
Cuốn sách được ví như lối sống Thiền trong nông nghiệp, hay Bát Chánh Đạo của Đạo Phật. LÀM mà KHÔNG LÀM GÌ CẢ theo kiểu của ông Fukuoka trong làm nông là kiểu sống đơn giản nhưng đầy triết lý, đáng để học hỏi và suy ngẫm. Đọc để biết chúng ta đã đi xa tới đâu khỏi quỹ đạo của chính mình, vì bản thân mình chính là sự sống, là tạo vật của tự nhiên, vậy sống thuận tự nhiên chính là sống như chúng ta vốn dĩ là.
Nhiều đoạn mình đọc thấy ông Fukuoka thật dễ thương, mình đọc mà tự cười suốt, bị điên chăng? Có thể ông ấy không cố ý viết, hoặc người khác đọc sẽ không thấy có gì để cười, nhưng mình thấy ông ấy duyên và dễ thương quá, nên cười.”
Review từ Hanh Phan – Goodreads, 2017
“Một số độc giả có thể thấy khó chịu vì cách thể hiện có vẻ cực đoan của tác giả, nhưng mình không thể đồng ý với những lời nhận xét rằng ông có nhiều mâu thuẫn và thiếu sức thuyết phục. Và rằng bởi vậy nên cuộc cách mạng cọng rơm của ông không được mấy người tán thành.
Có lẽ vì một cuốn sách không hoàn toàn là về nông nghiệp, mà còn đề cập đến nhưng tư tưởng lớn, những quan điểm triết học; cuốn sách phủ nhận hoàn toàn công lao thành tựu của khoa học, hay nói rộng ra hơn là thành tựu của loài người. cuốn sách ca ngợi những khoảnh khắc đẹp đẽ tuyệt diệu khi được ngắm nhìn và chung sống với tự nhiên. Tất cả đan xen, lẫn lộn khiến người đọc mơ hồ khó nắm bắt và kết luận rằng cuốn sách có nội dung lan man. Đối với mình thì đó là chính là cái mà ông gọi là tri thức phi phân biệt, người đọc có thể không nắm bắt được ý tưởng của ông giống như loài người sẽ chẳng bao giờ nắm bắt được tự nhiên.
Cái khiến ông không thể thuyết phục được mọi người, theo mình có lẽ là do cuộc cách mạng của ông chỉ diễn ra trong vủng mà ông sống. Và cái ông nhắc đến rất rõ là: mỗi người nông dân phải tự tìm tòi, nghiên cứu ra cách làm nông tự nhiên sao cho phù hợp với loại rau trái, thổ nhưỡng, khí hậu nơi trồng trọt của mình. Bản thân ông mất vài chục năm để tìm ra cách làm nông tự nhiên hiệu quả nơi ông sống, thì làm sao ông có thể tìm ra nó cho nông dân của khắp các vùng khác nhau của thế giới. Nhiều người lại vin vào đó để lập luận rằng cách làm của ông không thể áp dụng rộng rãi? Họ phải chạy theo làm nông khoa học để cho ra hiệu quả tức thời mà không suy tính đến hậu quả lâu dài về sau.
Bởi vì loài người bây giờ phải sống có mục tiêu, phải làm việc càng vất vả thì cuộc sống mới càng có ý nghĩa. Nhưng tại sao cuộc sống lại phải có ý nghĩa? Đó là những giá trị mà con người chạy theo, trong cái tri thức hạn hẹp không có giá trị đối với bất cứ thứ gì khác, ngoại trừ chính con người.
Con người, lẽ ra là một phần của tự nhiên, để mặc mình thuận theo tự nhiên đã chọn tách ra khỏi tự nhiên, đặt mình lên trên cả tự nhiên. Nếu là vậy tôi thà chống lại con người, làm một phần của tự nhiên.”
Review từ Mandy Lai – Goodreads, 2017
“Cuộc Cách Mạng Một-Cọng-Rơm, cái tên giản dị cho một cuốn sách đáng kinh ngạc ẩn chứa một suy nghĩ và lòng kiên nhẫn phi thường. Tác giả là một nhà khoa học nghiên cứu về nông nghiệp của chính phủ Nhật Bản, và vì vậy ông nhận ra những mặt hạn chế của khoa học. Đây là lần đầu tiên mình đọc một cuốn sách về chủ đề nông nghiệp, và nó trên cả tuyệt vời. Vì xuất phát điểm là một nhà khoa học sau đó trở thành một người nông dân thực thụ nên có một đôi chỗ trong cuốn sách bị trùng lặp ý tuy nhiên ông đã khai sáng tâm trí mình.
Đất nước Nhật Bản luôn luôn là hiện thân của cái đẹp, có một nền văn hóa đáng ngưỡng mộ, thiên nhiên khắc nghiệt tuy vậy cũng không kém phần lộng lẫy, và con người Việt Nam thần tượng con người Nhật Bản bởi vì sự thông minh, cần cù và tính khiêm nhường tuyệt vời của họ. Vốn dĩ mình đã được dạy với niềm tin tuyệt đối nền nông nghiệp lúa nước của dân tộc Bách Việt là tiên tiến và đã được gìn giữ phát triển ở Việt Nam, Trung Hoa và các nước Châu Á là hoàn hảo nhất, nhưng bây giờ mình phải thú nhận rằng thật ra sự hiểu biết của con người đối với thiên nhiên thật chỉ là hạt cát ở trong sa mạc.
Tuy tác giả nói rằng bản thân ông không phải tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào, nhưng bạn có thể nhận ra những điển tích những triết lý Phật Giáo ở xuyên suốt tác phẩm. Ông yêu thiên nhiên và cuộc sống bằng tất cả trái tim cùng tinh thần lạc quan đáng ngưỡng mộ. Mình như có thể nhìn thấy được những thửa ruộng của ông, những vườn cam được trồng theo cách canh tác tự nhiên hiện lên rõ ràng qua từng trang sách. Hơn nữa cuốn sách cũng làm cho mình phải suy ngẫm về cách nhìn nhận cuộc sống. Hy vọng rằng cuốn sách sẽ tạo ra được điều kỳ diệu – một cuộc cách mạng bên trong mỗi con người chúng ta vì đây thực sự là một cuốn sách tuyệt vời.”
Review từ Thu Hien – Goodreads, 2020
“Trước đây mình đã đọc cuốn “Quốc gia khởi nghiệp” nói về đất nước Israel và nền nông nghiệp phát triển thần kỳ của họ. Không chỉ vậy, mình còn cảm phục những người Do Thái, những người lính can trường dũng mãnh.
“Cuộc cách mạng một cọng rơm” với mình không chỉ đơn thuần nói về nông nghiệp mà nó thể hiện tấm lòng của một nghệ nhân yêu từng mảnh đất, thấm từng cái cây và thương từng ngọn cỏ. Mình thấy được khát khao mang nông nghiệp trở lại với thiên nhiên thông qua từng trang sách của tác giả. Ngày nay chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào hoá chất thuốc trừ sâu phân bón thuốc tăng trưởng kích thích,… dần dần ta làm mất cân bằng sinh thái của môi trường tự nhiên, cây cối vì thế ta phải sống phụ thuộc vào bàn tay sắp đặt của khoa học kỹ thuật. Ấy vậy tác giả đã chỉ ra cách canh tác tại chính khu vườn của mình với mong muốn chứng tỏ cho mọi người thấy quan điểm về nghề nông của ông là đúng đắn và hy vọng mọi người cũng sẽ áp dụng theo để cứu lấy nền nông nghiệp tự nhiên chứ không phải nền công nghiệp cây trồng hoá chất.
Thực ra mong muốn của tác giả rất đẹp, hành động đi ngược với số đông của ông lại càng đáng ngợi ca nhưng mấy ai được can đảm như vậy chứ? Mình nghĩ sẽ rất ít người dám đi theo con đường của tác giả vì không phải ai cũng có được tình yêu và sự hiểu biết tường tận về cây cỏ. Người ta tạo ra những phương pháp thâm canh mới là để cho cây trồng ít bị thiệt hại bởi thiên tai. Nhưng chính chúng ta ngày nay, chỉ biết nhìn vào cái lợi trong ngắn hạn mà quên đi cái hại trong dài hạn. Cuộc cách mạng một cọng rơm đã thành sự thật nhưng giấc mơ về độ phủ sóng của nó trong thực nghiệm đến bao giờ mới trở thành hiện thực đây?”
Review từ Công Thắng – Goodreads, 2021
“Mình thực sự bất ngờ với hình thức canh tác trong sách này, hóa ra canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón lại đem tới kết quả tốt đến vậy. Tuy nhiên nói gì thì nói áp dụng hình thức canh tác này trên diện rộng là bất khả thi, vì chính tác giả cũng phải thử nghiệm rất lâu mới tìm ra được phương cách này. Mỗi nơi khí hậu, đất đai mỗi khác, người nông dân lại phải “thí nghiệm” lại hoàn toàn, mà điều này là không thể, quá phiêu lưu :3 họ vẫn sẽ chọn hình thức canh tác phân bón như hiện giờ vì ít nhất nó đảm bảo kết quả hữu hình.
Mình cũng không thích cái quan điểm làm nông “vô vi”, thấm đượm triết học Lão Tử, của tác giả. Tác giả nhìn nhận nền nông nghiệp một cách quá “lãng mạn”. Nông nghiệp ra đời trước hết là để nuôi sống con người chứ chả phải tu thân, tu dưỡng gì hết. Có lẽ tác giả không phải trải qua cái cảm giác phải lo nghĩ nuôi sống gia đình bằng thửa ruộng nhỏ nên ông mới có suy nghĩ nhàn tản như vậy.”
Review từ Thảo Điền – Goodreads, 2022
“Cuộc cách mạng nông nghiệp một cách khoa học của một vị triết gia phản khoa học =))
Cuốn này mình biết sẽ gây tranh cãi khá nhiều đó. Hoặc sẽ là kim chỉ nam cho các bạn đang hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, hoặc sẽ là một tấm bia để ném cho các bạn đề cao sự tiến bộ của khoa học và công nghệ.
Về cơ bản, thì mình thấy học thuyết của bác Fukuoka cũng chỉ mang tính tương đối như học thuyết Mac. Bác Fukuoka thì muốn hướng tới một nền nông nghiệp thuần túy, nguyên thủy và bền vững, còn Mac thì muốn một thế giới hòa bình, công bằng và đồng đẳng. Ước vọng của họ đều đáng trân quý, chỉ là có một thứ họ không nghĩ tới, đó là lòng tham của con người sẽ chẳng bao giờ làm những học thuyết này có tác dụng cả đâu.
Tuy vậy, nếu như ứng dụng một phần học thuyết này của bác vào nền nông nghiệp bị phụ thuộc quá đà vào máy móc và phân bón hiện nay, thì thực sự đáng để lưu tâm và khuyến khích.”
Review từ Chậu Tưởng Kí – Goodreads, 2016
“Mình đọc 2 tiếng mỗi ngày trước khi đi ngủ, độ 3 hôm thì xong.
Phương pháp thì hay và nếu có thể áp dụng rộng rãi thì không chỉ người nông dân mà cả người dùng thực phẩm cũng tiết kiệm biết bao sức lực và tiền của. Một điều đáng tiếc là phương pháp này được ông viết ra dường như chỉ phù hợp cho khí hậu và thổ nhưỡng Nhật Bản, không biết mang về Việt Nam thì sẽ áp dụng như thế nào nhỉ? (Ý là nếu trồng trọt vui vẻ mà chẳng cần bỏ mấy công sức như thế thì ai mà chẳng muốn làm phải không, haha).
Đọc xong tự nhiên lại muốn mở phim Little forest lên xem ngay :D”
Review từ Quỳnh – Goodreads, 2020
““Chỉ từ một cọng rơm này thôi một cuộc cách mạng có thể khơi mào.”
Ngay từ lời giới thiệu, nhà báo Hoàng Hải Vân đã nhắn nhủ bạn đọc rằng ‘Cuộc Cách Mạng Một-cọng-rơm’ không phải một cuốn cẩm nang cung cấp tri thức nông nghiệp. Mình coi đây như cuốn hồi ký về chính cụ Fukuoka, từ một con người của khoa học kỹ thuật, trải qua khoảnh khắc đốn ngộ để trở thành con người của tự nhiên. Câu chuyện của cụ có nhiều trường đoạn ngả sang triết – đạo, bàn về vị trí của con người trong tự nhiên và tầm ảnh hưởng của tự nhiên lên con người. Sách cũng dành đôi lời chê trách chính phủ đã không làm tròn nhiệm vụ điều hướng cho người nông dân Nhật Bản.
Trái với lầm tưởng của nhiều người, việc làm nông nghiệp tự nhiên không hề nhẹ nhàng. Nhưng trong sự vất vả ấy, cụ Fukuoka đã tìm thấy thì giờ nhàn nhã và sự thảnh thơi trong tâm hồn – điều mà những người nông dân quăng mình vào việc làm nông theo kiểu thương mại bỏ lỡ. Đối với mình, chương nói về thực phẩm theo mùa là phần hay nhất. Có cái gì đó thơ mộng trong cách cụ thong thả bàn luận về hoa trái và sản vật từng mùa, khiến người ta tràn đầy vui sướng trong lòng khi thấy Đất mẹ mới dồi dào và hào phóng làm sao.
Tuy vậy, mình cho là cụ Fukuoka có chút bất công khi phê phán khoa học và phiền trách các khoa học gia. Mình nghĩ họ cũng có chung mục đích với cụ, tức là mong cầu một tương lai tươi đẹp hơn cho con người, nhưng với niềm tin cùng cách thức khác biệt. Mong là trong tương lai, mọi người có thể dung hòa cách nhìn của tự nhiên và khoa học.
“Sợi rơm này có vẻ nhỏ nhoi và nhẹ bẫng, hầu hết người ta không biết nó thực sự nặng thế nào. Nếu người ta biết giá trị thực sự của cọng rơm này thì một cuộc cách mạng của nhân loại có thể diễn ra, sẽ trở nên đủ mạnh để dịch chuyển đất nước này và cả thế giới.””
Review từ Huong Pham – Goodreads, 2016
“Thật muốn làm người nông dân làm “cuộc cách mạng một cọng rơm”! Tự cung, tự cấp. Sống cuộc sống “xanh”. Hòa mình vào tự nhiên. Cảm nhận hạnh phúc giản đơn, thưởng thức hương vị tự nhiên!
Vì sự ham muốn vô độ của con người nên dù người ta thấy rõ lợi ích của nông nghiệp tự nhiên nhưng vẫn dùng “óc phân biệt” của mình lao vào nông nghiệp khoa học. Biết rõ là hại nhưng vẫn cứ lao vào vì ảo tưởng có được nhiều hơn để rồi khi mất đi rồi vẫn ôm ảo tưởng đó lấn sâu hơn vào thế giới vật chất, vùng vẫy không lối thoát.
Trích dẫn hay:
– Con người với sự can thiệp của họ đã làm một điều gì đó sai trái, để lại sự hư hại mà không được sửa chữa, và khi những hệ quả bất lợi chất chồng, lại dùng mọi nỗ lực để sửa sai. Khi những hành động sửa sai đó có vẻ thành công, họ đi đến chỗ xem những biện pháp này là những thành tựu hay ho.
– Tự nhiên không thay đổi, mặc dù cách nhìn tự nhiên không ngừng biến đổi từ thời đại này sang thời đại khác.
– Bốn nguyên tắc của nông nghiệp tự nhiên:
- Không cày xới đất
- Không dùng phân hóa học hoặc phân ủ
- Không làm cỏ bằng việc cày xới hoặc dùng thuốc diệt cỏ
- Không phụ thuộc vào hóa chất
– Nếu cây trồng mà không sử dụng hóa chất nông nghiệp, phân bón hoặc máy móc thì những công ty hóa chất lớn sẽ trở nên không cần thiết và Hợp tác xã nông nghiệp, cơ quan thuộc chính phủ này sẽ tan rã (…) Việc loại bỏ máy móc và hóa chất sẽ mang lại một sự thay đổi toàn diện cơ cấu xã hội và kinh tế.
– Nếu thực sự chúng ta có khủng hoảng lương thực thì nó sẽ không phải do năng lực của tự nhiên không đủ, mà là do bởi ham muốn vô độ của con người.
– Liệu mùa thu tới có mang theo gió hay mưa, tôi không thể nào biết được, nhưng hôm nay tôi sẽ làm lụng trên đồng”
– Ta còn mong chờ một thế giới sáng sủa ở bên kia đường hầm chừng nào thì bóng tối của đường hầm còn kéo dài tới chừng ấy. Khi ta không còn muốn ăn cái gì đó cho ngon miệng, thì ta có thể nếm được hương vị thực sự của bất kể thứ gì mà ta đang ăn. Bày những thực phẩm đơn giản của chế độ ăn tự nhiên lên bàn ăn thì dễ, nhưng có thể thưởng thức một bữa tiệc như thế thì chỉ có một vài người.
– Một chế độ ăn từ nhiên nằm ngay dưới chân mỗi người.
– Trong tự nhiên, có sự sống và cái chết, và tự nhiên đầy ắp niềm vui.
Trong xã hội loài người, có sống và chết, nhưng con người thì sống trong khổ đau.
– Người ta nói rằng Einstein được trao giải Nobel vật lý là do độ khó hiểu của thuyết tương đối mà ông ta đưa ra. Nếu lý thuyết của ông ta giải thích được một cách rõ ràng các hiện tượng về tính tương đối trong thế giới này và vì thế giải phóng loài người khỏi sự câu thúc của thời gian và không gian, mang lại một thế giới thoải mái, yên bình hơn thì nó đáng để tán dương. Tuy nhiên, lời giải thích của ông ta lại rối rắm, và nó khiến cho người ta nghĩ thế giới này phức tạp ngoài mọi khả năng hiểu biết. Đáng ra nó phải được trao giải “ quấy rối sự bình yên của tinh thần con người” thì đúng hơn.”
Review từ Thai Huong – Goodreads, 2020
“Nghe tên sách đã thấy lý thú rồi. Đọc cuốn này giúp ta nhận ra nhiều điều hơn về “vi vô”, kiểu như mọi việc đã có tự nhiên lo, việc của chúng ta là làm sao hòa hợp với tự nhiên chứ không phải phá hủy tự nhiên đi rồi lại tìm cách phục hồi bằng những hóa chất nhân tạo và cứ phụ thuộc nó. Nó giống như việc con người học hỏi, tìm hiểu cuối cùng cũng để nhận ra rằng thiên nhiên là vô tận mà thôi.
Làm nông mà không bón phân, không cày xới, gieo hạt chỉ bằng cách vãi hạt giống theo các hướng….. và rất nhiều điều khác nghe có vẻ thật lạ nhưng thực sự đấy mới ra cội nguồn của thiên nhiên. Cụ Fukuoka không nói những điều trên bằng lý thuyết mà cụ đã làm nó suốt mấy chục năm trời để nay cụ nói lại những điều ấy cho mọi người. Thực sự là con người hiện nay có đang đi sai đường, có thật sự hiểu thiên nhiên khi mà chỉ lấy các chỉ số để đánh giá. Nếu tăng trưởng 0% mà mọi người vẫn có đủ thức ăn, chỉ số hạnh phúc con người tăng thì sao nhỉ? Mình thấy đấy mới là cái mà chúng ta hướng đến.
Sinh ra từ đâu thì sẽ quay về nơi đó, nó giống như cây lúa sinh ra từ đất, lấy các dưỡng chất từ đất sau khi thu hoạch thì những cọng rơm lại quay về với đất tiếp tục bồi thêm dinh dưỡng cho đất để tạo những mầm tiếp theo.
Mình cho rằng cuốn sách rất hay và đáng đọc. Cuốn sách này thực sự xứng đáng 5 sao.”
Review từ Phuongvu – Goodreads, 2020
“Chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như thiên nhiên vốn có.
Đọc sách để quay về với tính không- tự nhiên- bản thể của mình.
Cách mạng được khởi nguồn từ 1 sợi rơm thế nào đây? Ngài Fukuoka chống sự chuyển dịch sang nền nông nghiệp công nghiệp hóa và ông tìm được cách bước tiếp. Đóng góp của ông nằm ở câu hỏi đầy khác biệt và mạnh mẽ: “Nếu không làm điều đó thì sao?”. Và trang trại của ông là minh chứng rằng, chỉ với một cọng rơm, chúng ta có thể kháng cự lại nền nông nghiệp công nghiệp hóa.
“Tự nhiên không thay đổi, cho dù cách thức nhìn nhận tự nhiên luôn thay đổi từ lúc này tới lúc khác. Bất kể là lúc nào, nông nghiệp tự nhiên tồn tại mãi mãi như là suối nguồn của nông nghiệp”.
Chắc chắn ông là fan của Lão Tử. Người mà khi viết sách ngôn ngữ cực mộc mạc nhưng toát lên tư tưởng tự do ngời ngời.
Đọc sách về nghề nông để học cách tu mình.
“Mục tiêu tối thượng của làm nông”, ông Fukuoka nói, “không phải trồng cây, mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người”. Ông nói về nông nghiệp như một con đường: “Chỉ ở ngay đây, chăm lo cho một cánh đồng nhỏ, sở hữu hoàn toàn sự tự do và sung túc mỗi ngày, mọi ngày – đấy hẳn vẫn là cách thức khởi nguyên của nông nghiệp”.”
Review từ Hatodi – Goodreads, 2019
“Mình có rất nhiều góc nhìn mới sau khi đọc xong cuốn sách này. Không chỉ là góc nhìn trong nông nghiệp mà còn góc nhìn về cách sống vô vi của tác giả nữa.
Góc nhìn về cuộc sống như một tổng thể không thể tách rời của tác giả nó khác xa với góc nhìn của khoa học hiện nay. Họ đang cố gắng tách rời mọi thứ ra. Ví dụ khi nhìn một món ăn, các nhà khoa học sẽ không nhìn nó như một món ăn mà tách rời nó ra như những thành phần có trong nó nào là chất đạm, chất béo, chất tinh bột,… Rồi từ đó sẽ đưa ra các kiểu ăn như là nên ăn chất này chất kia chứ không phải là ăn món ăn nữa. Rồi từ đó sẽ dẫn đến những nhu cầu về những chất đó, làm cho đảo lộn cân bằng. Có cầu đương nhiên sẽ có cung. Người ta đua nhau sản xuất ra những thực phẩm như thế để đáp ứng lại nhu cầu của con người. Các hoa quả trái vụ, rồi đến các giống cây trồng có thể trồng được quanh năm. Chúng ta đang cố chống lại thiên nhiên. Những thực phẩm đó dần trở nên không được đủ giá trị như thực phẩm thuận theo tự nhiên. Con người dần mất đi vị giác để cảm nhận món ăn mà thay vào đó những gia vị cũng được các nhà khoa học nghiên cứu từ các thành phần tạo nên. Con người dần dùng những gia vị đó để át đi vị của những thực phẩm. Mọi người không còn cảm nhận được vị ngon của một món ăn nữa.
Tác giả theo một cuộc sống vô vi, một cuộc sống thuận theo tự nhiên. Như là ăn món ăn thuận theo tự nhiên mùa nào thức nấy. Không cố gắng tranh đua với tự nhiên. Tuy nhiên tác giả có một góc nhìn cực đoan về khoa học. Tác giả đặt ra câu hỏi rằng liệu chúng ta có cần phát triển, hay là liệu chúng ta có cần khoa học, hay nghiên cứu về tự nhiên hay không. Góc nhìn này thì mình không đồng tình lắm. Chúng ta không cần lao đầu phát triển đến quên mình, nhưng chúng ta vẫn cần phát triển. Đó không phải là cuộc đua tranh hơn thua với các nước láng giềng, mà đơn giản phát triển chỉ để chúng ta có nhiều thời gian và tự do hơn. Ví dụ, ngày nay chúng ta có thể thoải mái đi du lịch ở các nơi chỉ đơn giản bằng một chiếc vé máy bay. Nếu như ngày xưa chúng ta đi bộ thì việc đó có thể chiếm cả đời người. Chúng ta có thể nhiều thời gian nếu làm việc bằng công nghệ. Chỉ là đôi lúc chúng ta chỉ tập trung vào làm việc để phát triển để giàu có mà quên đi chính thời gian của bản thân mình. Như không thể vì thế mà phủ nhận toàn bộ sự phát triển của khoa học được.”
Review từ Phan Thảo – Goodreads, 2017
“Đọc xong chỉ muốn đến Đà Lạt sống, hằng ngày quanh quẩn bên nông trại cho thanh thản. Cuốn sách là một cách nhìn, cách làm không mới của nền nông nghiệp, chỉ là tác giả đang sử dụng những cách làm cũ, nguyên thuỷ hơn, làm như không làm nhưng vẫn đạt được hiệu quả tốt nhất. Một cuốn sách nhẹ nhàng thú vị :))”
Review từ Lien – Goodreads, 2021
“Quyển sách mỏng với từng đoạn ngắn về sự kỳ diệu của cọng rơm (và cả cỏ ba lá nữa). Chỉ với cọng rơm ng ta có thể thay thế cho cày xới đất, phun hoá chất diệt sâu bọ, phân bón để hướng tới cân bằng tự nhiên, tới cuộc sống làm nông vô vị (ko cần làm j nhiều, để mọi thứ tự phát triển).
Trước giờ nghe đến làm nông thấy cơ cực, mà đọc xong thấy thi vị, nhẹ nhàng quá đi.”
Review từ Huong Man – Goodreads, 2018
“Mình tìm đọc cuốn sách này vì rất nhiều review hay trong mạng lưới bạn bè mình. Không phủ nhận là tác giả đưa ra khá nhiều quan điểm hay về việc làm nông tự nhiên, về cách làm thế nào con người và thiên nhiên hòa hợp nhau qua việc ăn uống, suy nghĩ, sinh hoạt, cư xử,… Dù rất hay và theo quan điểm và kiến thức hạn hẹp mình có thì những phương pháp này hầu hết đúng, nhưng mình cảm thấy nó không còn có thể áp dụng ở thì hiện tại, khi cả xã hội khổng lồ đã đi theo một hướng rất khác, rất xa với điều ông đã nói. Cho nên, ở một phương diện nào đó, mình hiểu giá trị mà ông cố gắng truyền đạt, nhưng từ một góc khác, mình cảm thấy nó có thể cổ xúy tư duy thuận tự nhiên thái quá, manh mún, không thích hợp thực tế nữa.
Một cuốn sách để lại cảm giác tiếc vì thấy đúng mà vô phương áp dụng.”
Review từ Mi Nguyen – Goodreads, 2021
“Khó rate ghê ta. Là 1 đứa thích trồng cây và yêu môi trường, mình rất thích quan điểm làm nông nghiệp “tự nhiên” như tác giả đã nghiên cứu. Giá mà những Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp các nước đều đọc được cuốn này để định hướng cho nông dân.
Xong lại đọc xong cuốn Cảm ơn tất cả, cũng mong anh nông dân trong truyện – một người trồng rau hữu cơ, cũng đọc được cuốn này để ảnh đỡ vất vả.
Nhưng phần sau khi bác suy ngẫm các triết lý về ăn uống, dinh dưỡng, tôn giáo thì mình lại k có nhiều connect như phần trước…”
Review từ Lynnette Dinh – Goodreads, 2021
“Một cuốn sách mình dùng để nghe mỗi sáng, khi đang nấu ăn chuẩn bị đi làm và nghe trên hành trình chạy xe đến công ty.
Như một bản thiền để lắng lại tâm mình mỗi sáng, một chút ngẫm về tự-nhiên, ngẫm về những giá trị ban đầu của thiên nhiên, của thực phẩm. Đôi khi không phải hiểu hết, mà là để bắt đầu có những ý thức nhận diện về những điều/giá trị này.”
Review từ Nhung Pham – Goodreads, 2017
“Một cuốn sách nhỏ, vừa tay, chưa đến 300 trang nhưng ẩn chứa nhiều giá trị sống mà con người hiện đại đang lẫn lộn.
Nửa đầu cuốn sách bàn về con đường đưa ông Fukuoka đến với nghề nông, những thất bại và thành công của ông khi tìm kiếm phương pháp làm nông tự nhiên. Phần này có khá nhiều các thuật ngữ nông nghiệp và rất dễ bị chán nếu không có sự hứng thú trong lĩnh vực này. Nhưng đừng vội từ bỏ vì nửa sau của cuốn sách rất đáng để đọc. Ở phần sau, ông Fukuoka đã đúc kết ra những triết lý của cá nhân ông từ nghề nông thuần túy phổ quát ra các lĩnh vực giáo dục, triết học, kinh tế, y học, thực phẩm tự nhiên, ý nghĩa của sự sống và cái chết.
Khi gấp cuốn sách lại, điều tôi nhận ra là tại sao chúng ra không có một bộ luật nào về cách cư xử trong tự nhiên với tư cách là công dân của Trái đất, bình đẳng với tất cả các tạo vật khác cùng sinh sống với chúng ta. Nếu tất cả sinh vật tạo thành một hội đồng thì chúng sẽ yêu cầu con người những gì. Tôi nghĩ chúng ta có thể dễ dàng viết ra một danh sách dài trách nhiệm và nghĩa vụ của con người. Chỉ khi trở thành công dân thực sự của Trái đất loài người mới nhìn nhận mình như một bộ phận không thể tách rời khỏi tự nhiên. Khi con người nhìn nhau với tư cách đó, liệu chúng ta có cần biên giới các quốc gia không? liệu lợi ích nhóm còn quan trọng hơn? liệu xung đột sắc tộc và tôn giáo có ý nghĩa không? Tôi nghĩ sự bất bình đẳng, chiến tranh, các vấn đề an sinh và phúc lợi xã hội sẽ được giải quyết.
Thông điệp mấu chốt trong toàn bộ cuốn sách của ông Fukuoka theo tôi là hãy hiểu bản chất của tự nhiên và cách con người nên sống cùng tự nhiên như thế nào để không phải quay cuồng trong những chiều hướng đối lập hoặc trở về với tự nhiên hoặc biến đổi tự nhiên theo ý muốn con người. Đây có thể là câu trả lời cho vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu.
Chống lại ô nhiễm dù có đáng tán dương thế nào cũng đang không đi tới một giải pháp thực sự nếu được tiến hành chỉ từ sự phản ứng lại việc phát triển quá độ của thời đại hiện đại.
Thật khó để thuyết phục con người hiện đại từ bỏ mọi nỗ lực phát triển kinh tế và trở về với làm nông tự nhiên như mong muốn 100% người dân làm nông của ông Fukuoka. Nhưng sẽ là khả dĩ để thuyết phục con người gắn sự mục tiêu phát triển và những tiện nghi hiện đại trong sự hoà hợp với tự nhiên ở mọi lĩnh vực. Sau hết cuốn sách cho chúng ta động lực để trả lời câu hỏi phát triển bền vững như thế nào? Như ông Fukuoka đã nói, quá trình này đã và sẽ còn gặp phải nhiều rào cản trở ngại vì lợi ích nhóm của những cá nhân, công ty, tập đoàn và chính phủ được hưởng lợi từ kinh doanh hóa chất, thuốc men, máy móc và vũ khí. Cuối cùng thì vấn đề lớn mà con người phải đối mặt là (1) tính ích kỷ muốn đòi hỏi những tiện nghi đối nghịch với thế giới tự nhiên và (2) lòng tham không chấp nhận từ bỏ lợi ích cá nhân vì nhân loại chung.”
Review từ Letitia – Goodreads, 2020
“Một nền nông nghiệp tự nhiên, không cày xới, không phân bón – mình khá ấn tượng với cách làm nông của ông, về quan điểm sống hòa nhập với tự nhiên và sách còn cho mình những hiểu biết khá thú vị về so sánh giữa làm 2 cách làm nông. Tuy nhiên, có vài đoạn văn, quan điểm mình chưa hiểu rõ và có vài điều mình không đồng ý hoàn toàn, và để làm nông như ông bắt buộc phải trải qua 1 quãng thời gian dài và kiên trì mới có được thành quả như ông.”
Review từ Thanh Sơn – Goodreads, 2018
“Là một người trẻ tuổi, tôi chọn theo con đường nông nghiệp theo hướng tự nhiên nên tôi đã tìm đọc cuốn này với hy vọng tìm thấy được chút kiến thức từ cụ Fukuoka và các triết lý làm nông nghiệp kiểu : Không – làm – gì – cả của cụ. Mặc dù tôi nghĩ mình còn phải đọc đi đọc lại, thực hành và chiêm nghiệm rất nhiều kiến thức trong cuốn sách này nhưng bước ban đầu tôi đã có được một vài thứ cho riêng mình.
Nông nghiệp không làm gì cả trong mắt nhiều người nông dân hay nhà khoa học nó đôi khi bị đánh đồng với sự lười biếng, thiếu hiểu biết nhưng với trên 30 năm gắn bó cùng phương pháp này thì cụ Fu đã cho ta thấy điều hoàn toàn ngược lại: Con người chẳng hiểu tí gì về tự nhiên ngoài vài con số đơn thuần, mà tự nhiên lại không hề đơn giản, tách biệt như vậy. Bằng chứng là cách làm nông nghiệp của cụ làm cho đất đai màu mỡ hơn mỗi năm, sản lượng không hề thua kém hay thậm chí đạt năng xuất cao hơn những ruộng trồng lúa vô cơ.
Trên mảnh đất của mình, cùng với vài người trẻ họ cùng nhau sống, lao động và ăn những thức ăn ngon lành, bổ dưỡng do mình làm ra, vừa làm nông nghiệp vừa hoàn thiện bản thân là cái mà mọi người ở đây hướng tới.
Nông nghiệp không đơn giản là gieo hạt và thu hoạch mà nó còn là con đường để dẫn con người tới gần thượng đế.
Bản thân S chưa gọi là đam mê cho nn nhưng đây vẫn là con đường S chọn, chọn để tạo giá trị cho mình và chia sẻ giá trị đó cho con người. Hy vọng một ngày nào đó sẽ có một cuốn sách về nông nghiệp của riêng mình như thế này.”
Review từ Minh Huong – Goodreads, 2016
“Cuốn sách rất hay ko chỉ nói về cách làm nông, cách ăn uống thuận tự nhiên mà xa hơn là triết học về cách sống thuận tự nhiên.
Một cuốn sách như hòn ngọc quý giữa xã hội tư bản đang cuốn con người theo những giá trị vật chất bên ngoài, kéo xa con người khỏi tự nhiên…
Cuốn sách đã thay đổi suy nghĩ của tôi rất nhiều, về lẽ sống, về cuộc đời.
Rất rất nhiều đoạn trong cuốn sách khiến chúng ta phải suy ngẫm về những kiến thức, hiểu biết mà chúng ta đang làm.
Chạy theo vật chất, lợi nhuận, phát triển khoa học kỹ thuật tiên tiến, liệu có làm con người ta hạnh phúc?
Hay hạnh phúc chỉ giản đơn là tìm thấy bản thân mình nhỏ bé giữa thiên nhiên tươi đẹp?!
Đọc khúc đầu có thể bạn sẽ thiếu kiên nhẫn, nhưng càng đọc sâu hơn, càng thấy thấm thía về triết lý nhân sinh quan mà tác giả đúc kết.
Strongly recommend this book to everyone!”
Đậu Đậu