Xem thông tin về nội dung sách trên Tiki qua link ở đây hoặc Kim Đồng qua link ở đây.
Danh sách
Review từ My Kieu – Goodreads, 2020
“Đọc xong cuốn ni em thấy
– Mọi sự biến động, chiến tranh trên thế giới đều do 1 nhóm nhỏ người thao túng, cụ thể là ông chủ các ngân hàng.
– Nên giữ vàng hơn giữ tiền, giá trị của vàng là bất biến, do đó nên những tay thống trị ngân hàng mới tốn nhiều công sức để xóa bỏ chế độ bản vị vàng như vậy.
– Các đồng tiền viện trợ mà trước nay mình vẫn vui vẻ nhận thực ra là một màn the che đậy sự mua bán tài nguyên của đất nước đó, hậu quả là con cháu sinh ra với một đống nợ trên vai và không còn tài sản gì của đất nước mình nữa.
– Biết hơn về những tổng thống Mỹ và sự ra đi của họ được che đậy mà không một ai dám đưa ra ánh sáng, đúng hơn là dù muốn cũng khó đủ năng lực để làm điều đó.
– Cuốn sách này cách đây hơn 15 năm nghĩa là sự vơ vét của cải giờ còn tinh vi và khủng khiếp hơn xưa nhiều nữa.
– Tín dụng, tiền ảo, tiền online thực chất là một công cụ để giới ngân hàng phát hành thêm tiền và làm lạm phát giá trị của tiền nhằm trục lợi.
– Nếu giới ngân hàng muốn thì thế giới sẽ hòa bình, tuy nhiên điều đó khó mà xảy ra vì nguồn lợi mà họ kiếm được từ chiến tranh quá lớn đến nổi họ bất chấp tính mạng con người và những khổ đau do chiến tranh gây lại.
– Các quốc gia đều có ràng buộc về kinh tế, cho nên mọi quyết sách đưa ra đều không như mình nghĩ.
Có lẽ cần một trình độ chuyên sâu hơn mới hiểu hết được nội dung cuốn sách muốn truyền tải.’’
Review từ Relax, you’re doing fine – Goodreads, 2017
“Đây là một quyển sách không dễ đọc. Nó quá nặng nề về những thuyết âm mưu và có không ít những lỗi logic trong quyển sách. Tác giả cố tình gượng ép tất cả mọi việc trên thế giới là do các ông trùm tài chính ở phía sau. Do cực đoan trong quan điểm của mình mà tác giả đã khiến cuốn sách khó có tính thuyết phục. Bản thân tác giả là một người ủng hộ nhiệt thành cho chế độ bản vị vàng, nhưng tác giả không phân tích một cách đầy đủ cả ưu và khuyết của chế độ này, trong khi chỉ thiên vị về phần ưu. Tuy nhiên điều trớ trêu là dù là một chế độ được tác giả hết lời ca ngợi, nhưng chính đất nước của tác giả (Trung Quốc) lại không dùng chế độ này. Đây chỉ là một ví dụ về hàng đóng lỗi logic của tác giả trong quyển sách. Không đáng là một tác phẩm để suy ngẫm, chỉ hơn giá trị của “Playboy” một chút thôi.”
Review từ Bùi – Goodreads, 2018
“Câu chuyện được viết hướng đến những độc giả Trung Quốc. Bỏ qua những quan điểm cá nhân của tác giả do có thể gây tranh cãi thì đây là một cuốn sách nên đọc, đặc biệt là các bạn học chuyên ngành tài chính.
Tác giả đã vẽ lên một bức tranh tả thực về bí ẩn sau những cuộc chiến tranh thế giới, về nguyên nhân sâu xa của những vụ ám sát tổng thống Mỹ, về các quyền lực thực sự đang thống trị thế giới. Gấp cuốn sách vào, điều đọng lại trong tâm trí tôi đó là sức mạnh của đồng tiền thật quá kinh khủng. Nó khiến người ta có thể bất chấp mọi thủ đoạn và sai khiến cả thế giới. Cuốn sách mở ra cho ta một câu hỏi: liệu trật tự nào đang được sắp xếp cho thế giới của chúng ta ngày nay?”
Review từ Lữ Đoàn Đỏ – Goodreads, 2022
“Bị chán ngay từ mấy chương đầu nhưng rất may nửa sau của cuốn sách khá hơn. Sách quá nặng về thuyết âm mưu, những lập luận thì khiên cưỡng, cố gắng quy tất cả về một mối. Từ cái chết của các tổng thống Mỹ cho tới những khủng hoảng tài chính, tất cả đều do sự thao túng của vài gia tộc. Hiller cũng là con bài mà mấy gia tộc này dựng lên. Thêm nữa cách dùng từ ngữ thiên kiến với cường điệu quá, đọc cảm giác rất khó chịu, thiếu sự công tâm của 1 cuốn sách khảo cứu. Nên xếp cuốn này vào thể loại “hiện thực huyền ảo” mất. Điểm cộng là có nhiều thông tin về các nhân vật sự kiện có thật đã diễn ra, cũng có góc nhìn khác lạ. Chắc tác giả là fan Vi Tiểu Bảo, cứ đem nửa sự thật trộn tung lên với những thứ mình nghĩ ra, người đọc cũng chỉ hoài nghi chứ muốn gạt bỏ giả thuyết, câu chuyện cũng không dễ. Tác giả lại là người Trung Quốc nên vừa đọc vừa dè chừng, sách Tàu giờ cuốn nào cũng nặng tư tưởng đại Hán, cuốn này thì đem tất cả tội lỗi nhân loại trong thế kỷ 20 đổ lên đầu giới tài phiệt, TQ mà mở cửa tài chính tự do thì sẽ biến thành nạn nhân, thành con cừu cho người ta thịt. Kẻ cắp bà già gặp nhau thôi.
Cuốn sách bắt đầu từ sự kiện hình thành gia tộc Rothschild cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19. Trận chiến của Napoleon quyết định số phận châu Âu. Gia tộc này có bộ máy mật thám, nghe lén còn hơn cả mấy tập đoàn công nghệ bây giờ. Nắm được trước tin tức rồi thao túng thị trường công trái, sau đó nắm giữ luôn quyền phát hành tiền tệ. Từ bàn đạp đó thôn tính toàn bộ nền tài chính châu Âu và vươn vòi sang Mỹ, kết hợp cùng nhà Morgan khống chế việc phát hành tiền tệ ở đó. Trải qua bao đời tổng thống Hoa Kỳ, lúc giết lúc ám sát hụt những người đối lập, hơn trăm năm thì tạo dựng được Cục dự trữ tiền tệ liên bang, đồng thời giết luôn tổng thống Kennedy, dọn đường cho tổng thống Nixon sau này xóa bỏ chế độ tiền tệ gắn với bản vị vàng. Những sự kiện thì đều có thật, nhưng diễn giải ép nó phải vào 1 khuôn là đạt được mục đích của các nhà tài phiệt. Đó chỉ là 1 trong nhiều khả năng. Đọc sách này cũng hiểu thêm chút kiến thức về tài chính.
Mỗi quốc gia hiện tại gần như đều có đồng tiền của riêng mình, chính phủ sẽ giữ quyền in ấn và phát hành tiền thông qua ngân hàng nhà nước. Nhưng nếu vậy thì 1 quốc gia có thể in ấn tiền vô tội vạ, cứ thi nhau in tiền thì gì cũng mua được, làm gì còn nước giàu với nước nghèo? Của cải và sự giàu có của 1 quốc gia theo như Adam Smith thì được tính bằng tổng sản phẩm do quốc gia làm ra, từ đôi dép, quần lót, hay máy bay. Của cải nằm ở đó chứ không phải nằm ở số lượng tiền in ấn. Tiền là vật trung gian để tiện trao đổi hàng hóa. Suốt mấy nghìn năm loài người vẫn dùng vàng và bạc để làm vật trung gian. Tiền do các quốc gia in ấn thuở ban đầu cũng đều gắn với vàng bạc. Như Mỹ quy định trong luật năm 1792 thì 1$ tương đương 24.1g bạc. 10$ là giá của 16g vàng. Thay vì mang thỏi vàng thỏi bạc như ngày xưa đi thì giờ cầm theo tiền giấy, nhưng lúc nào muốn đổi lấy vàng bạc cũng đều ra ngân hàng quy đổi được ngay, nên thực chất mọi giao dịch vẫn dùng vàng làm vật trung gian. Muốn in tiền thì phải dự trữ sẵn vàng bạc. Muốn phát hành 100$ thì phải có 160g vàng dự trữ ở ngân khố. In ấn 1 triệu $ thì cần 1.6 triệu gam vàng. Không thể tùy tiện in ấn bừa bãi ra quá số vàng dự trữ vì khi đó người dân cầm tiền tới quy đổi không còn đủ vàng để đổi nữa. Nên suốt 1 thời gian hồi thế kỷ 14-16 các nước thi nhau tích trữ vàng. Tây Ban Nha mang cả đống vàng từ Nam Mỹ về khiến Anh thèm khát, thời đó TBN cũng là bá chủ ở châu Âu. Việc gắn chặt tiền tệ với vàng khiến vật giá không bị leo thang. Suốt trăm năm, trải qua cả cách mạng công nghiệp mà chỉ số tiêu dùng cũng chỉ dao động tới 20% là cao nhất. Tác giả là người ủng hộ nhiệt thành cho bản vị vàng. Nhưng tại sao không còn nhiều nước trên thế giới ấn hành tiền tệ theo cách này? Ngay TQ cũng không hề sử dụng. Lí do là quyền lực của chính phủ sẽ bị giới hạn vào lượng dự trữ vàng. Khi tiền không còn gắn với vàng thì in bao nhiêu tùy ý, đương nhiên tiền sẽ giảm giá trị, vật giá leo thang, tài sản người dân mất đi tính đảm bảo và thay cho việc tăng thuế để lấy tài sản từ dân gây oán thán và căm phẫn thì việc để giá cả lạm phát, tiền mất giá, người dân bị mất đi của cải trong cơn bão giá vào tay chính phủ thì cách làm sau tinh tế và khó phát hiện hơn nhiều.
Nhưng vẫn cần có tài sản hoặc tham chiếu khi in ấn thêm tiền. Thay vì dùng vàng thì chính phủ phát hành công trái, đảm bảo bằng tiền thuế thu của dân trong tương lai, đem gửi vào ngân hàng để phát hành ra tiền. Ngân hàng đóng vai trò thu mua công trái và nhận lãi suất từ công trái đó, nghĩa là ngoài việc nộp thuế trong tương lai, mỗi đồng tiền phát hành ra người dân đều phải chịu lãi đi kèm. Dùng tiền nợ để in tiền, dùng tài sản tương lai và tính thêm lãi để lấy tiền chi tiêu cho hiện tại. Cuộc khủng hoảng tài chính kinh hoàng năm 2008 cũng chính là sản phẩm của cách vận hành này. Đọc phần phụ lục có thêm khá nhiều thông tin và phân tích cũng khách quan hơn. Xem thêm cả phim tài liệu Inside Job và The Big Short sẽ hiểu toàn cảnh, và thấy kinh tởm với cách mà thế giới tài chính vận hành. Đồng tình với quan điểm của Adam Smith, của cải quốc gia nằm ở tổng sản phẩm mà quốc gia đó tạo ra. Phải sản xuất, trồng thêm cây, nuôi thêm lợn, làm ra nhiều máy tính, xây thêm nhà… chứ bản thân ngành tài chính không hề tạo ra bất kỳ giá trị thặng dư nào cho quốc gia. Nó đóng vai trò là bộ phận trung gian luân chuyển vốn, nhưng miếng bánh mà nó đòi cho riêng mình quá lớn. Đương nhiên ngân hàng xứng đáng với những khoản phí nhất định, giống như những tổ chức từ thiện muốn vận hành tốt nhất vẫn phải bỏ ra 1 phần quyên góp được để trả lương cho những nhân viên vận hành, nhưng chỉ nên ở mức độ đó thôi. Còn như hiện tại, ngành tài chính chạy theo lợi nhuận và bất chấp mọi thứ, không chỉ tính lãi suất cao quá mức khi cho vay, nó còn đẻ ra các sản phẩm phái sinh không khác gì đánh bạc, mà quy mô thị trường đó thì quá khổng lồ. Nếu còn tiếp tục vận hành như này thì khủng hoảng tài chính chắc chắn còn lặp lại theo chu kỳ chứ không thể chấm dứt được. Ngay như cách in tiền bằng thế chấp công trái như dạng vay nợ chắc chắn cũng dẫn tới khủng hoảng nợ công, mà chính châu Âu đã hứng chịu năm 2011. Hiện tại thì vĩnh viễn không thể nào trả hết số nợ đó. Chỉ có cách tiếp tục phát hành công trái với kỳ hạn dài hơn 30-40-50 năm, có khi rồi xuất hiện cả những kỳ hạn 100 năm. Cứ thế, hiện tại chi dùng và tương lai sẽ lo hoàn trả, tới tương lai đó thì lại đẩy lùi cho tương lai xa hơn nữa. Khá choáng váng khi biết cách thế giới vận hành lại bấp bênh và thiếu ổn định như thế.
Sách có thể cắt gọn lại và trình bày logic hơn. Chứ tuyến tính thời gian cũng không rõ ràng, chủ đề trọng điểm cũng mờ nhạt, các nhân vật thì xuất hiện lặp lại tới không biết bao nhiêu lần ở mỗi chương. Cuốn này mà viết theo trình tự thời gian, đưa ra góc nhìn và phân tích công tâm của tác giả thì được đánh giá cao hơn nhiều. Kiến thức nhận được cũng không phải ít. Hoàn toàn đánh giá được mức 8-9/10 nếu cắt tỉa và bớt thiên kiến đi. Còn trình bày như giờ thì nhận 3* chắc hợp lý nhất.’’
Review từ Nguyễn Duy Khánh – Goodreads, 2019
“Trong lúc cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang và có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến tranh tiền tệ như lời của cánh báo chí thì mình đã quyết định đọc quyển này. Sách này không nói sâu về bản chất thực sự của chiến tranh tiền tệ mà tác giả có cái nhìn tổng quan về những sự kiện lịch sử của ngành tài chính- ngân hàng trên thế giới trong nhiều thập kỷ. Cuốn sách chứa đựng rất nhiều thông tin về tiến trình lịch sử của tài chính ngân hàng, tuy nhiên thì vẫn là nằm ở mức bao quát. Những động cơ phía sau của các cuộc chiến tranh bằng vũ khí như Chiến tranh thế giới, chiến tranh Việt Nam, sự kiện Hitler đều có bóng dáng của các ông trùm tài chính, đều có căn nguyên từ các vấn đề tài chính mà ra. Đồng thời ta còn hiểu rõ hơn cách mà các ông trùm tài chính chi phối cả về kinh tế chính trị của các quốc gia để đem đến lợi nhuận khổng hồ.
Từng chương là từng sự kiện lịch sử và mỗi chương sẽ có sự kiện lịch sử liên quan đến chương trước nó sẽ link với nhau. Nhưng bản thân mình đọc thì cảm thấy sự liên kết nó khá rời rạc khó mà liên kết được với những gì tác giả đã thể hiện ở chương trước.Hàm lượng kiến thức lớn, tuy nhiên vẫn rất khó hiểu với bạn đọc không chuyên về tài chính ngân hàng và cách giải thích lan mang. Hơn nữa thì có rất nhiều đoạn lặp lại trong cuốn sách này. Đặc biệt, đây là của một tác giả Trung Quốc viết về giới tư bản cho nên có những góc nhìn không mấy thiện cảm và tiêu cực.
Nhìn chung đây vẫn là một cuốn sách rất đáng đọc cho mọi người nói chung và các bạn sinh viên tài chính ngân hàng nói riêng.’’
Review từ Nguyễn Nam – Goodreads, 2020
“Cuốn này ko hay. Sách thiên về thuyết âm mưu nhưng dẫn chứng thiếu thuyết phục. Sách áp đặt suy nghĩ của tác giả lên những sự kiện lịch sử, và văn phong cuốn này cũng ko ổn lắm, ko biết là do bản dịch hay do văn phong của tác giả
Rất cố gắng nhưng chỉ đọc dc 1/3 là drop.”
Review từ Ngo Quang Dao – Goodreads, 2018
“Một cuốn sách có thể đọc để hiểu thêm về lịch sử tiền tệ, nhưng những ý kiến trong cuốn sách này không thực sự thuyết phục được tôi, những phân tích của tác giả theo tôi đánh giá là phiến diện.”
Review từ Nguyễn Quốc Nam – Goodreads, 2019
“Một quyển sách hay về sự thật của đồng tiền, không chỉ có các sự việc xung quanh hằng ngày mà trên thế giới, tiền tệ luôn là điều ai cũng quan tâm và muốn thao túng để có lợi cho mình nhất, nhất là chủ nghĩa tư bản, các nhà tài phiệt ngân hàng. Những đối tượng này là nguồn gốc của mọi vấn đề và đặt lợi nhuận lên trên hết.
Mỹ: một cường quốc những tiền được in bởi FED một ngân hàng tư hữu nên chính phủ đang nợ rất lớn và đang lấy nợ mới trả nợ cũ rất nghiêm trọng, và lợi nhuận cuối cùng thuộc về các nhà ngân hàng.
Trung Quốc: thế lực mới nổi nhưng chính phủ nắm quyền in tiền nên có thể điều chỉnh giá và điều tiết thị trường
Trong quyển sách này khá nhiều từ chuyên ngành, mình hiểu được quyền lực của đồng tiền và nguyên nhân của các sự kiện lịch sử xảy ra xung quanh các cuộc xung đột tiền tệ
Hy vọng đọc lần 2 sẽ thông hơn.”
Review từ Nhi Ánh – Goodreads, 2020
“cuốn sách quá khó đọc. Nếu một người chưa đủ kiến thức về lịch sử thế giới hay tài chính.. thì không nuốt nổi. 19t mà đọc phải cuốn này cả tháng không xong quyết định bỏ dở. Sách mang nặng các thuyết âm mưu và đứng dưới cái nhìn của một người gốc trung quốc nên ý kiến cũng chưa hẳn chính xác hoàn toàn.”
Review từ Mai Phuong – Goodreads, 2020
“Mình bắt đầu quan tâm đến tài chính, đây là cuốn sách mình khá tâm đắc. Mình hiểu thêm về thế giới tiền tệ được vận hành với một thế lực tư hữu, thông tin cục dự trữ liên bang Mỹ, đế chế con người đã suy tính được chúng.”
Review từ Duyen Nguyen – Goodreads, 2021
“Đọc để hiểu hơn về việc lưu chuyển tiền tệ. Tại sao giá vàng, giá Dollar, giá dầu liên tục thay đổi trong thời gian gần đây. Và chỉ cần 1 nguồn ảnh hưởng, sẽ kéo theo 2 cái còn lại cũng lên xuống theo.
Thị trường tiền tệ thế giới là sự thống lĩnh nằm trong tay gia tộc Roshschill (người Do Thái) qua nhiều thế kỷ. Một gia tộc thông minh, với hệ thống các nhà tài phiệt Ngân hàng trải dài từ Châu Âu, Mỹ và khắp các nước trên thế giới. Gia tộc này có hệ thống tình báo tài tình, xuyên Quốc gia và đưa tin nhanh nhất. Giúp họ thống lĩnh hệ thống thông tin, thậm chí cả những thông tin chiến trận xưa – và cho đến tận bây giờ. Gia tộc này với những người con trai tài giỏi thông minh xuất chúng, đứng sau những Ngân hàng lớn ở mỗi Quốc gia Âu Mỹ, tạo thành mạng lưới liên kết, điều khiển chính trị hòng thống lĩnh hệ thống tiền tệ thế giới – với tham vọng bá chủ trái đất này.
Những nhà tài phiệt Ngân hàng này sẽ tạo ra suy thoái kinh tế, tạo dựng chiến tranh để từ đó thu lợi từ việc buôn bán vũ khí, cho các nước tham chiến vay với lãi suất kinh khủng trong thời chiến – mang về lợi nhuận khổng lồ. Thế nên, các nhà tài phiệt rất thích chiến tranh, và là những người đứng sau giật dây để đẩy các nước vào cuộc chiến tranh thế giới thứ 1 và chiến tranh thế giới thứ 2 – điều đã làm thay đổi cục diện thế giới về sau này. Ở thời bình, họ cũng sẽ đưa các “sát thủ kinh tế” đến đất nước mà họ muốn “xén lông cừu” với hình thức là các chuyên gia về Kinh tế, tạo dựng mối quan hệ với các nhà lãnh đạo chính trị, thuyết phục vay vốn của hệ thống Cục dự trữ Liên bang Mỹ (IMF) để phục hưng đất nước với lãi suất cắt cổ khó hoàn trả, đã được thế chấp bằng hệ thống điện nước, tài nguyên, bất động sản…của quốc gia đó, để được sự chấp thuận thì thế lực đằng sau sẵn sàng chi hàng tỷ đôla cho các nhà lãnh đạo chính trị (tiền được gửi vào đất nước trung gian, thiên đường về thuế, ko bị kiểm soát và ko lộ hồ sơ tham nhũng). Sau thời gian thâm nhập, sẽ tạo ra cuộc bùng nổ bong bóng tiền tệ và các nhà tài phiệt sẽ thực hiện “xén lông cừu”.
Thomas Jefferson, người có công lập ra nước Mỹ đã nói 1 câu cảnh báo người đời rằng “Nếu người dân Mỹ để cho Ngân hàng tư nhân khống chế quyền phát hành tiền tệ của đất nước, thì trước hết những ngân hàng này sẽ thông qua lạm phát tiền tệ, sau đó siết chặt lạm phát để tước đoạt tài sản của người dân. Mãi cho đến 1 ngày, khi tỉnh dậy, con cái của họ sẽ nhận thấy 1 điều rằng, tất cả ruộng vườn nhà cửa và cả đại lục mà ông cha họ cất công khai phá đã ko cánh mà bay…”. Nói thêm về cục dự trữ Liên Bang Mỹ (IMF) thực ra là núp bóng của một Ngân hàng tư hữu (do gia tộc Roshschill – Anh lập nên hòng khống chế hệ thống phát hành tiền tệ của Mỹ, can thiệp vào Chính trị Mỹ và giật dây sau đó để thống lĩnh hệ thống tiền tệ thế giới). Chính phủ Mỹ ko được quyền phát hành tiền tệ và phải vay dollar Mỹ của IMF với mức lãi suất cắt cổ hàng trăm năm ko có khả năng cho trả, mỗi năm mỗi tăng cấp số nhân, mà lãi suất đó cho đến ngày nay là những công dân Mỹ đang phải gánh chịu thông qua thuế đóng cho nhà nước. Đó là lý do tại sao người dân Mỹ đóng thuế khá cao, đặc biệt khi sở hữu bất động sản, họ phải đóng thuế hàng tháng cho đến khi vẫn còn sở hữu giá trị tài sản đó. Đến 2006, tổng số tiền đóng thuế thu nhập cá nhân của 300tr người Mỹ chỉ lưu lại ở chính phủ liên bang trong 1 khoảng thời gian ngắn rồi sau đó lập tức chuyển toàn bộ vào Ngân hàng để chi trả lãi suất của đồng dollar vay mượn. Chính phủ ko được phép sử dụng 1 đồng thuế nào của ng dân. Ngân sách dành cho giáo dục ở địa phương chủ yếu dựa vào nguồn thu thuế sản xuất tại địa phương đó. Xây dựng hệ thống đường cao tốc thì lấy từ thuế dầu khí, còn chi phí chiến tranh đối ngoại thì lấy từ thuế doanh nghiệp do các cty Mỹ cống nạp.
“Xén lông cừu” là 1 thuật ngữ chuyên môn trong nội bộ các nhà tài phiệt ngân hàng, nghĩa là việc lợi dụng cơ hội được tạo ra trong quá trình phát triển và suy thoái kinh tế để có được tài sản của người khác chỉ bằng 1/10 giá trị thực của tài sản ấy. Nhật Bản, Thái Lan đã bị “xén lông cừu”, và làm nên cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở các quốc gia này và mất hàng chục năm các Quốc gia ấy mới có thể “gượng dậy” nổi.
Cho đến bây giờ, Mỹ vẫn ở thế độc tôn. Và ở Châu Á, con rồng Trung Quốc cũng đang bước vào cuộc “chiến tranh tiền tệ” để đo đầu với Mỹ xem ai mới thật sự thống lĩnh thế giới. Quyển sách là một góc nhìn Kinh tế học khá chi tiết với những thông tin hay và lý thú.”
Review từ Thương Thương – Goodreads, 2022
“Mình đọc đến chương 8/10 thì quyết định bỏ ngang cuốn sách này vì càng đọc sâu thì càng dễ bị hoang mang.
Quyển này thật sự cuốn ngay từ chương đầu tiên, cung cấp rất nhiều kiến thức kinh tế, bóc lột các hành vi của các ngân hàng và thế lực kinh tế khá rõ ràng đến độ có lúc không đọc nổi mình phải đặt sách xuống để đi làm việc khác.
Có ích cho những bạn nào muốn tìm hiểu sâu về các hành vi kinh tế, tác giả cũng miêu tả khá rõ động cơ và lý giải rõ ràng các sự kiện có liên quan lớn như vụ tổng thống Kennedy bị ám sát, quá trình thay đổi chế độ bản vị vàng từ năm 1933 của tổng thống Roosevelt, quá trình hình thành FED, quá trình giải thể nền kinh tế… Giải thích của tác giả cũng khá dễ hiểu và có sự tìm hiểu rõ ràng.
Tuy nhiên, mình không thích cuốn này, đọc để biết thì được chứ không đặt nặng vấn đề học hỏi vì mình đọc cảm thấy từ cuốn hút – bất ngờ đến hoài nghi độ tin cậy.
Theo góc nhìn của tác giả thì những nhà tài phiệt ngân hàng, những người thao túng thế giới chỉ quan tâm đến tiền bạc mà bỏ qua đạo đức, nhân tính có thể không từ thủ đoạn nào để đạt được mục đích của mình. Riêng mình đọc thấy kinh khủng và bế tắc.
Không bàn đến chuyện thật giả thì nói chung quyển này tổng hợp theo cách nhìn tổng quát nên có thể nhìn thế giới rộng hơn và theo cách nhìn mới mẻ, ngoài ra cũng cung cấp nhiều kiến thức sâu sắc, đáng đọc ở mức để biết thôi.”
Review từ Đăng Bảo – Goodreads, 2021
“Thật sự không biết nói cảm nhận sau khi đọc xong quyển sách này như thế nào. Đó là sự tò mò về những âm mưu, đó là sự bất ngờ về sức mạnh đồng tiền, và trên hết là những suy nghĩ về tiền. Người giàu, theo một cách nào đó, đó là tài sản của người nghèo. Cuộc sống vốn dĩ không công bằng khi một số ít con người “tinh hoa” khống chế thế giới bằng khủng hoảng, chiến tranh để rồi tước đoạt tài sản của những người dân nghèo khó. Và trong quyền sách mình đọc, mình bị ấn tượng, ám ảnh bởi cái suy nghĩ, phải có chiến tranh để duy trì trật tự chính trị. Nếu quốc gia không có nội lực, thì sớm muộn gì cũng bị ngập trong vũng lầy nợ nần và bị các quốc gia khác nuốt chửng mà thôi. Việt Nam thì sao?”
Review từ Đặng Trọng – Goodreads, 2021
“Đoạn đầu nói về gia tộc giàu nhất thế giới thì hay, dễ hiểu. Khâm phục suy nghĩ của đồng chí gửi 5 người con sang 5 châu lục để thiết lập mạng lưới ngân hàng khủng nhất Châu Âu.
Đoạn sau thì è, è cổ ra đọc mà thấy n cứ sai sai thế đ nào =)))). Mọi cuộc chiến tranh, xung đột đều do tài phiệt ngân hàng ủ mưu ra cho dễ kiếm chác. Có tiền nhưng k có an toàn để tiêu tiền thì có tâm trạng để mà vơ vét k :v
Kết là mọi người nên tích vàng, tiền giấy là phù du, dễ bị thao túng giá. Oke cái này chấp nhận được.”
Review từ Tran Dien – Goodreads, 2020
“Bạn có biết tờ tiền giấy bạn đang sử dụng đã phải chiến đấu với bản vị vàng và bạc để thành đồng tiền chính thức mà bạn sử dụng không?
Bạn có biết đằng sau một đơn vị lưu thông giao dịch là cả một gia tộc? Có gia tộc Rothschild, ông trùm ngầm ngành tài chính, có gia tộc Rockefeller, ông trùm ngành dầu mỏ?
Nếu chưa biết, thì đây là muốn cuốn sách rất thú vị và có bổ trợ bởi nhiều bài báo để giải đáp tò mò của bạn.”
Review từ Hien Xuan – Goodreads, 2021
“Mới đọc được khoảng 1/4 cuốn sách thì dừng lại, hi vọng ở cuốn sách về thông tin nghiêm túc & hữu ích về tài chính, tuy nhiên có vẻ cuốn sách giống như một tiểu thuyết hơn là sách kinh tế/khoa học, cũng như tác giả đã lên án đánh giá/lên án quá phiến diện & gay gắt về một số gia tộc cũng như chủ nghĩa tư bản trên thế giới mà không có thông tin hay căn cứ xác thực.”
Review từ Duong – Goodreads, 2022
“Tác giả nên đi viết kịch bản drama 60 tập sitcom của đài cáp Hàn Quốc, chứ cái sự khiên cưỡng quy ép cho mọi thứ đều là do người này người kia giật dây, ép những sự kiện lớn có hằng hà sa số tác động của trăm vạn yếu tố thành dẫn chứng cho thứ tác giả gọi là “cuộc chiến kinh tế”, mình thấy không nên tốn thời gian đọc làm chi đâu.”
Review từ Oliver Tran – Goodreads, 2021
“Vàng có tính lưu động thuộc đẳng cấp cao nhất trong các loại tiền tệ. Trong hơn 5.000 lịch sử của loài người, vàng không chỉ là hình thức của cải cuối cùng mà bất cứ thời đại nào, nền văn minh nào. Nó còn gánh vác trọng trách lịch sử là thước đo.”
Review từ Minh Dang Le – Goodreads, 2021
“Cuốn sách theo mình nghĩ là tràn đầy thuyết âm mưu nhưng đọc lại rất cuốn.
Mình đã đọc hết phần I và đang đọc tiếp phần II & III.”
Review từ Phan.nn – Goodreads, 2021
“Cuốn sách viết cho độc giả Trung Quốc, trước tình hình TQ mở cửa tài chính toàn diện năm 2006. Sách là cái nhìn cá nhân của tác giả về lịch sử hình thành và phát triển tài chính của thế giới mà dẫn đầu là trục Anh – Mỹ. Sách hướng đến giới chính trị và nghiên cứu chính sách trong nước để đề phòng các đòn tấn công tài chính của nước ngoài. Tuy nhiên sách đưa ra rất nhiều thuyết âm mưu, dẫn chứng không thuyết phục vì chỉ đưa một số ý kiến nào phù hợp với lý lẽ của tác giả (mà Mỹ thì rất nhiều chính khách phát biểu các quan điểm trái chiều). Thực tế thì cũng không kiểm chứng được vì đây toàn là bí mật gia tộc, bí mật quốc gia. Một nghịch lý là tác giả phê phán xã hội tư bản (Mỹ – Anh là chủ yếu) đều bị dắt mũi bởi giới tư bản tư nhân (cụ thể là giới tinh hoa ưu tú) hơn 200 năm qua, luôn xem tiền bạc là trên hết nhưng xã hội họ phát triển dẫn đầu thế giới! Cũng có nhiều bài học cho cá nhân mình trong thời điểm hiện tại (2020), như giá trị của vàng, bất động sản, cổ phiếu, tài chính phái sinh, bong bóng tài chính… trong thời điểm ngành tài chính trong nước đang từng bước hội nhập, nhất là mấy cái Basel đang hot hiện tại!”
Review từ Phuchoa – Goodreads, 2019
“Nếu những cuốn sách tài chính khác xoáy sâu vào từng cá nhân trong xã hội, thì cuốn này sẽ đưa bạn đến một cách nhìn tổng quan hơn, bao quát hơn ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Tiền tệ là một cuộc chơi, mà tất cả đều có thể trở thành quân cờ trong trò chơi ấy. Chiến tranh, suy thoái, bất ổn là mất mát của người này, nhưng lại là cơ hội kiếm tiền của kẻ khác. Vậy nên cần phải cân nhắc nhiều hơn khi bản thân muốn đánh giá một sự kiện chính trị, xã hội xảy ra xung quanh mình. Một nửa sự thật, ko phải là sự thật. Tránh trở thành 1 con cừu bị xén.”
Review từ Trường Antonio – Goodreads, 2020
“Tác giả viết dựa trên quan điểm cá nhân khá nhiều. Các nguồn thông tin tác giả thu lượm được chắt lọc sao cho người đọc có cái nhìn cùng hướng với tác giả, tức là định hướng người đọc theo nhãn quan thuyết âm mưu của tác giả. Đó là sự thống trị của một số cá nhân tinh anh đối với nền tài chính và chính trị Âu Mỹ.
Tuy nhiên, tác giả cũng cung cấp nhiều kiến thức mới mẻ về tiền tệ, bản vị vàng, công trái chính phủ, chứng khoán, trái phiếu các công ty, siêu lạm phát… dưới cách giải thích dễ hiểu và trực quan.”
Review từ Ngan Do – Goodreads, 2017
“Tác phẩm chiến tranh tiền tệ – Song HongBing, Tác giả đã khéo léo phác họa lại bức tranh tổng thể về kinh tế và chính trị, quá trình hình thành và lưu thông tiền tệ của các nước chiếm ưu thế thượng phong lúc bấy giờ ở Châu Âu và Châu Mỹ. Sự hình thành này đã tạo nên những bước ngoặt lịch sử góp phần cho sự phát triển vượt bậc trong mảng ngân hàng và tài chính hiện nay.
Nếu là dân kinh tế, hay đam mê về kinh doanh hãy đọc tác phẩm này để có nhiều kiến thức về tiền nhé.”
Review từ Ngọc Lương – Goodreads, 2018
“Mình đã cố đọc cuốn này 2 lần rồi và não mình dường như không co dãn được, khó thở quá, mấy đứa mơ mộng như mình đúng là không nên dính dáng gì đến kinh tế, tiền tệ. Đến giờ nghĩ lại mình vẫn còn đang đau não.
Nhưng dù sao đây cũng là cuốn mình rất muốn nuốt, giống như kiểu não bạn không muốn tiếp nhận thông tin nhưng lí trí của bạn thì thực sự rất muốn tìm hiểu rất nhiều. Thương mình.
Mong là sau này bớt mơ mộng sẽ tìm đến và nuốt lại từ đầu.”
Review từ Hiệu Better – Goodreads, 2018
“Khá hay. Hehe. Cuốn đầu để mở ra hiểu biết góc tối của các tổ chức quốc tế/ chính phủ.
Sau đó đã đọc cuốn Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ.
Đây là tác giả Hàn Quốc nhưng sinh ra tại Trung Quốc nên có một số chương khá “nâng bi” Trung Quốc một cách gài khéo như khi nói về phát hành tiền tệ dựa trên tài sản, thì tác giả có “khoe” Trung Quốc không giống đồng tiền đôla, đồng tệ phát hành vẫn dựa trên cơ sở là vàng.”
Review từ Dox Thanh – Goodreads, 2017
“Một góc nhìn đầy âm mưu về thế giới hiện tại. Mọi cuộc chiến tranh đều phát sinh từ ảnh hưởng của sự khủng hoảng kinh tế tài chính. Chính trong sự hỗn loạn mới tạo ra được cơ hội vượt lên của những kẻ biết nắm bắt nó.
Tài chính không có quốc gia.”
Review từ Nguyễn – Goodreads, 2019
“Mặc dù cuối cùng mang màu sắc Trung Quốc nhưng thật sự nó cho thấy một phần bộ mặt của nền kinh tế thế giới…
Mọi thứ đã diễn ra thật … khó có thể tin nổi nhưng có lẽ đó là sự thật.
Và bản thân tôi cũng có quan điểm tương tự… tích trữ tài sản bằng kim loại quý luôn được ưu tiên hơn cả.”
Review từ Trung Nguyen – Goodreads, 2018
“Khá thú vị khi nhìn thế giới ở một góc độ khác … Chỉ đọc để thư giãn, không quan tâm lắm đến đúng sai.”
Review từ NGUYEN VO – Goodreads, 2019
“Dữ dội thì dữ dội, nhưng phận thấp cổ bé họng cố gắng tích luỹ và chia nhỏ tiền bạc ra cho tốt thôi. Giờ cái gì cũng tiền mà :))”
Review từ Diễm Ngọc – Goodreads, 2020
“Mình đã được tiếp cận thế giới với một góc nhìn khác. Mình chưa đủ kiến thức để có thể phân định những điều tác giả thể hiện có chính xác hay không, nhưng nó đáng để đọc và suy ngẫm.”
Đậu Đậu