Mario Gianluigi Puzo là một nhà văn, nhà biên kịch người Mỹ, được biết đến với những tiểu thuyết về Mafia và tội phạm, Bố Già xuất bản năm 1969 là đỉnh cao của dòng văn chương hư cấu này, đồng thời là tác phẩm đưa Puzo lên tột đỉnh vinh quang. Đây cũng là một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất mọi thời đại.
Ông đã giành được Giải Oscar cho kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất vào giữa những năm 1972 và 1974.
Báo chí nói về Mario Puzo
- Báo Tuổi Trẻ: https://tuoitre.vn/50-nam-bo-gia-van-tiep-tuc-ke-nhung-bi-mat-cua-mario-puzo-2019031108090741.htm
- Báo Người Nổi Tiếng: https://nguoinoitieng.tv/nghe-nghiep/tieu-thuyet-gia/mario-puzo/oi9
- Báo Nhân Dân: https://nhandan.vn/ra-mat-bo-4-tieu-thuyet-cua-tac-gia-mario-puzo-post700459.html
Liên hệ tác giả
- Website: http://www.mariopuzo.com/
Danh sách
Sách của Mario Puzo
- Bố Già
- Ông Trùm Cuối Cùng
- Luật Im Lặng
- Cha Con Giáo Hoàng
- Đất Máu Sicily
- Tổng Thống K. Thứ Tư
- Đất Tiền Đất Bạc
- Đấu Trường U Ám
- Dại Thì Chết
- …
Review “Bố Già”
“Cuốn tiểu thuyết này của Mario Puzo thực sự là một tuyệt tác, một tuyệt tác kỳ vĩ và hào hùng về một trong những đại gia đình mafia nổi tiếng nhất tại Mỹ thời hậu chiến tranh thế giới thứ 2. Tất cả mọi thứ được viết trong “Bố Già” (tựa gốc tiếng Anh: “Godfather”), tất cả mọi nhân vật được tạo ra, mọi chi tiết, câu thoại, diễn biến, câu chuyện đời, chuyện nghề của riêng từng nhân vật, đều được khắc họa một cách hấp dẫn, lôi cuốn đến mức gây nghiện, khiến tôi không mong gì hơn là sở hữu một thứ thần dược giúp mình tỉnh táo suốt cả ngày để có thể ngấu nghiến cuốn sách trọn vẹn cho đến trang cuối cùng. Và trên cái nền của những cảm xúc dữ dội, đắm say, đam mê mãnh liệt đó, là những thông điệp về nhân sinh hòa quyện một cách hoàn hảo với chất tàn bạo của thế giới ngầm và hiện thực về một nước Mỹ rối ren, vàng thau lẫn lộn, như thể dòng sữa trắng ngọt ngào đang hòa cùng chất cà phê đắng đen sóng sánh, để rồi hợp lại và tạo thành thứ cà phê capucchino thơm ngon trứ danh – trứ danh như chính cái cách những gia đình mafia xuất thân từ đảo Sicile của Ý đã trở thành hình tượng kinh điển trong cuốn tiểu thuyết này.
Nhân vật trung tâm của “Bố Già”, dĩ nhiên không ai khác hơn, chính là bố già, ông trùm quyền lực của đại gia đình mafia Corleone – Vito Corleone. Khá khen cho tác giả Mario Puzo khi ông, bằng ngòi bút khéo léo và suy nghĩ vượt ra ngoài mọi khuôn khổ trước đây về thế giới ngầm, đã tạo ra được một nhân vật trung tâm có sức ảnh hưởng và mang tầm vóc vĩ đại đến như thế, đạp đổ mọi quan niệm trước đây của tôi về người đứng đầu một tổ chức mafia. Sống trong thế giới ngầm là phải sống như Vito, làm việc trong thế giới ngầm là phải làm việc như Vito, và chiến đấu trong thế giới ngầm là phải chiến đấu như Vito. Đó là kiểu sống, làm việc, chiến đấu thấm đẫm cái nền văn hóa của những con người gốc Ý mà cụ thể là gốc Sicile, những người coi trọng truyền thống gia đình, tình bằng hữu, tình nghĩa giữa người với người; những người coi việc hành xử trong thế giới ngầm cũng như việc hành xử trong giới kinh doanh, luôn phải suy tính thiệt hơn thật kỹ trước khi ra quyết định, không phải ghét ai, thù ai cũng đè ra mà bắn bỏ, mà nổ súng, mà “trải nệm” (thuật ngữ của Corleone, nghĩa là giết chết một ai đó) thì mới xứng mặt anh hào. Chính cách nhìn, cách nghĩ, cách làm việc coi trọng tình người và sức mạnh của quần chúng nhân dân, luôn cố gắng và cam đoan giúp đỡ càng nhiều người càng tốt để tạo nên những mối thâm tình, hay ít ra là mối nợ ân nghĩa giữa Vito và các bằng hữu khác, để sau này có cần họ giúp đỡ điều gì thì họ cũng sẵn sàng thực hiện; suy tính kỹ lưỡng thiệt hơn của từng bước đi, đề ra những chiến lược cụ thể, khôn ngoan và khó đoán của Vito Corleone đã giúp cho ông trở thành một hình mẫu bố già ghê gớm, một con rắn thâm trầm và nguy hiểm, khiến kẻ thù phải kiêng nể, e dè, cùng lúc đó lại là một đấng toàn năng đầy nghĩa khí, hảo tâm đối với bạn bè, thân bằng quyến thuộc xung quanh.
Thế nhưng, nếu chỉ có nhân vật bố già làm trung tâm và giành hết mọi ánh hào quang quyền lực về mình, thì có lẽ 642 trang tiểu thuyết này đã không thực sự lôi cuốn đến mức gây nghiện như thế. Bao quanh bố già Vito là cả một mạng lưới các nhân vật phụ và nửa chính nửa phụ khác nhau, mỗi người đều có những tính cách riêng, những câu chuyện cuộc đời riêng, những số phận riêng mà thông qua bản dịch tiếng Việt của Ngọc Thứ Lang – bản dịch được xem là hay nhất từ trước đến giờ của cuốn tiểu thuyết này – với văn phong và từ ngữ được sử dụng đậm chất thổ ngữ địa phương hào sảng và gần gũi, lại càng được tôn lên gấp bội. Những nhân vật ấy nổi bật một cách đầy lôi cuốn, hấp dẫn, thú vị giữa vầng ánh sáng của sự thông tuệ và uy nghiêm đến từ bố già Vito vốn chi phối toàn bộ cuốn tiểu thuyết này kể cả khi ông đã chết đi. Đó là anh chàng luật sư trẻ tuổi Thomas Hagen – người gốc Ireland, con nuôi của bố già, lớn lên thay vì đi theo nghiệp luật mình đã học thì lại quyết định theo hầu việc cho ông trùm và được bổ nhiệm làm consigliori (cố vấn kiêm phụ tá, nếu coi bố già là vua của “đế chế” Corleone thì consigliori được xem như tể tướng, “dưới một người mà trên vạn người”, nhân vật tối quan trọng của cả một nghiệp đoàn mafia) trước sự dè bỉu, coi thường của các nghiệp đoàn mafia khác vốn chỉ coi trọng người gốc Sicile. Đó là con trai cả của Vito – Santino Corleone, được gọi thân thương bằng cái tên Sonny – một người luôn nóng nảy, quyết định hấp tấp, vội vàng, nhưng giữa cảnh nghiệp đoàn nhà mình đang gặp khốn đốn, anh vẫn thể hiện được bản lĩnh người con cả của mình, đã đứng ra cùng với các chiến hữu khác giải quyết khủng hoảng một cách trót lọt, để rồi cuối cùng cũng chính cái tính nóng nảy, quyết định hấp tấp, vội vàng, thiếu tầm nhìn và một chiến lược sâu sát, khôn ngoan ấy của anh đã dẫn anh đến kết cục đau thương. Đó còn là cậu con trai út của Vito – Michael Corleone – người thể hiện được bản lĩnh và khả năng lãnh đạo, tư duy của một ông trùm nhiều nhất trong ba anh em, là ứng cử viên sáng giá cho “ngôi vị” kế nghiệp người cha già nổi tiếng, thế nhưng vì đại cuộc mà anh phải hy sinh cuộc sống của mình bên gia đình, khăn gói chạy trốn đến quê cha, để rồi sự trở về của anh đã thổi luồng gió mới hồi sinh cho nghiệp đoàn mafia khét tiếng – một sự kế tục hoàn hảo cho truyền thống mafia thế giới ngầm đã trở thành thương hiệu của gia đình Corleone.
Bên cạnh những nhân vật quan trọng thứ hai sau bố già kể trên, thì mạng lưới nhân vật dày đặc mà rất dễ nắm bắt của cuốn tiểu thuyết này còn bao gồm những tay sai cấp cao, những tên đứng đầu của mỗi “vòi bạch tuộc” nhỏ trong nghiệp đoàn, cai quản những vùng khác nhau trong lãnh thổ New York – mỗi tên một tính cách, lề lối làm việc và số phận khác nhau, trung thành cũng có mà phản bội cũng nhiều. Bên rìa cuộc chiến mafia của những tên đàn ông còn là những người yêu, người vợ, những đứa con mà vì tính chất công việc “vào sinh ra tử” không biết lúc nào của chồng, của cha mình, đã phải chấp nhận một cuộc sống ẩn dật, đoạn tuyệt hoàn toàn với công việc mình từng mơ ước, cũng như công việc riêng của chồng, để toàn tâm toàn ý là người vợ hiền, người mẹ đảm đúng theo hình mẫu phụ nữ truyền thống Sicile, ngày đêm chỉ còn biết cầu nguyện cho linh hồn chồng mình tìm thấy sự tha thứ và thanh thản sau bao nhiêu cái chết và đổ máu mà họ đã thực hiện.
Với mạng lưới nhân vật dày đặc như thế, tác giả đã quá thông minh và điêu luyện trong cách xây dựng và truyền tải hình ảnh những nhân vật ấy đến trái tim người đọc, từ cách tạo dựng cho họ những đặc điểm riêng, quan niệm sống, hành vi và cách ứng xử đặc trưng, được làm nổi bật và đẩy đến mức cao trào bằng những lời thoại, câu từ đậm bản chất mafia giữa thời kỳ nhiễu nhương lẫn lộn, cho đến cách phân chương, phân cuốn cho câu chuyện. Mỗi cuốn, mỗi chương là mỗi cơ hội cho từng nhân vật được nói về cuộc đời của mình, được tự do vẫy vùng giữa từng trang giấy thấm đẫm tinh hoa văn chương Mỹ, từ đó mang đến cho người đọc cơ hội tương tự để tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn về các nhân vật và các sự kiện diễn ra trong cuộc sống của họ, để nếu cho dù không yêu đi nữa thì độc giả vẫn cảm thấy ấn tượng với từng mảnh đời, từng con người, từng số phận mà họ đã đọc qua.
Đọc “Bố Già” chính là chúng ta đang đọc một cuốn biên niên sử gia đình trên cái nền xã hội Mỹ đương thời, thật vậy. Đó là một gia đình với tất cả những hạnh phúc và khổ đau của nó. Một gia đình chào đón niềm vui thấy con mình kết hôn, chào đón những đứa cháu mới ra đời, cùng lúc đó là bầu không khí nghiêm túc, những tính toán sâu sắc, lạnh lùng, thâm trầm, nguy hiểm của công việc. Đó là một gia đình lúc nào cũng bị bao phủ trong cảm giác cái chết treo lơ lửng và thường trực, để rồi khi cái chết ấy bất ngờ giáng xuống đứa con của gia đình, một cách bạo tàn và đớn đau không kể xiết, thì Corleone trở thành một gia đình của những mất mát không thể tránh khỏi, của niềm tang thương chôn giấu bên trong trái tim uất nghẹn những người cha, người mẹ mất con – của bố già Vito khi hay tin con mình chết thảm dưới họng súng thanh toán của kẻ thù, nhưng vẫn bản lĩnh và lý trí đủ để không khuỵu ngã, để vẫn tiếp tục công việc với đôi mắt ráo hoảnh và sự đớn đau giấu chặt bên trong. Và gia đình ấy được đặt trong bối cảnh nước Mỹ những năm hậu chiến vàng thau lẫn lộn, một nước Mỹ nhiễu nhương đổi trắng thay đen, cá lớn ăn hiếp cá bé, công lý thuộc về những kẻ nào nhiều tiền nhất, nhiều quyền lực nhất; cảnh sát cấu kết với giang hồ để buôn ma túy, để làm tay sai cho các nghiệp đoàn mafia khác nhau, ăn thêm “đầu lương” bất chính với cái nghề mà họ đã cam kết cống hiến.
Bức tranh về một nước Mỹ như thế được khắc họa một cách sống động mà đau thương, hùng hồn mà đầy căm phẫn thông qua không chỉ hình ảnh gia đình mafia Corleone giữa lúc phải lèo lái con thuyền nghiệp đoàn vượt qua sóng to gió lớn, vượt qua cuộc chiến đẫm máu và sự bao vây đối đầu của “Ngũ gia đại chiến” mafia, mà còn thông qua những số phận ngặt nghèo, những mảnh đời thấp cổ bé họng, bị chính quyền và luật pháp mà họ hằng tin tưởng từ chối công lý, từ chối sự bồi thường thỏa đáng cho người bị hại và sự trừng phạt thích đáng cho kẻ gây ra nỗi đau, đã phải hạ mình lạy lục bố già Vito mang lại công lý cho họ theo một cách khác. Mặt tối của xã hội Mỹ, của cái thế giới mà Vito từ chối chơi theo luật của nó, với ý chí cương cường và nền tảng gia tộc mạnh mẽ, tự mình đề ra luật riêng của mình, “giang sơn xã tắc” riêng của mình để cai trị, để hiện thực hóa giấc mơ Mỹ của riêng ông, đã tạo thành bức tranh nền hoàn hảo cho chất tăm tối và hồi hộp thẳm sâu trong từng diễn biến công việc của gia đình Corleone, đã biến “Bố Già” trở thành không chỉ một bức thánh thư toàn mỹ về thế giới ngầm với những cơ hội làm ăn bất chính, mà còn là – ở hình thái đơn giản nhất của mặt giải trí điển hình – một cuốn phim hành động kinh điển với những pha “trải nệm” nghẹt thở, những tính toán đầy mưu chước lạnh lùng không chỉ đến từ bố già mà còn từ người truyền nhân xứng đáng của ông.
Giữa bầu không khí tàn bạo, sặc mùi giang hồ và những tính toán thâm trầm nguy hiểm của gia đình Corleone, “Bố Già” vẫn còn đó cái khía cạnh nhân sinh cảm động, vốn luôn song hành cùng những dữ dội, bạo lực và mưu chước rùng mình. Cái khía cạnh nhân sinh ấy được thể hiện thông qua mong ước giản dị và chính đáng của Michael – ông trùm mới của nhà Corleone – ước mong của một người cha dành cho những đứa con của mình, những đứa con mà anh hy vọng sẽ được lớn lên trong an bình và êm ấm, sẽ trở thành nhà khoa học, bác sĩ, nhạc sĩ, luật sư, hay bất kỳ nghề gì lương thiện mà không phải dính dáng đến thế giới mafia đầy rẫy những hiểm nguy và mong manh lằn ranh sống-chết. Khía cạnh nhân sinh ấy còn được thể hiện ở niềm tin phút chốc bị rạn vỡ của Kay Adams dành cho người chồng Michael của mình, niềm tin về một hình mẫu ông trùm lý tưởng “làm gì thì làm chứ không được giết người, đặc biệt là người nhà” mà cô con gái cưng của một mục sư đoan chính đã thơ ngây dựng nên suốt bao năm qua. Thế nhưng, đáng tiếc thay, đây là thế giới ngầm, là thế giới có những luật lệ riêng của nó, những luật lệ khắc nghiệt và đối xử tàn bạo với những kẻ phản bội, thậm chí có là người nhà của ông trùm cũng không thể thoát ra ngoài cái vòng xoay luật lệ khắc nghiệt ấy. Người trung thành thì được hoan nghênh, kẻ phản bội thì phải bị trừ khử; đôi khi để duy trì an toàn cho thân bằng quyến thuộc và giữ vững nền tảng mafia truyền thống biết bao năm qua của gia đình, máu của ai đó sẽ phải đổ, mạng của ai đó sẽ phải bị lấy đi. Kay Adams không còn cách nào khác là phải chấp nhận sự thật này, chấp nhận bản chất công việc của chồng mình như vốn dĩ nó phải thế, và lấy sự ngoan đạo của mình ra, cùng với những lời cầu kinh thành tâm khổ hạnh, cầu siêu cho linh hồn chồng mình nhiều năm sau có thể an nghỉ tịnh tâm, thoát khỏi sự trừng phạt khắt khe của Chúa Trời…
Nam diễn viên nổi tiếng Hollywood Tom Hanks đã từng phát biểu: “’Bố Già’ là sự tổng hòa của mọi hiểu biết. ‘Bố Già’ là đáp án cho mọi câu hỏi.”. Thực vậy, bởi hiếm có cuốn tiểu thuyết kinh điển nào tôi từng đọc lại có thể gói gọn bức tranh của cả m��t thời đại, một nền văn hóa và truyền thống mafia Ý sống động, đầy tính người mà cũng thật đau thương, bạo tàn đến như thế. Hãy đọc, và hãy để bố già Vito Corleone, hay chính tác giả Mario Puzo của chúng ta, nói cho bạn nghe mọi điều bạn muốn biết về thế giới ngầm, về nh��ng con người theo nghiệp giang hồ nhưng lại vô cùng chính trực, về một xã hội Mỹ hậu chiến nhiễu nhương trắng đen lẫn lộn, về sự thông tuệ và những phẩm chất khác cần có của một thủ lĩnh đại gia đình, về những mảnh đời mà số phận của họ đã gắn chặt với niềm đau và ánh huy hoàng của “triều đại” Corleone hùng mạnh.” – Nhi Nguyên (Goodreads)
“Review lần1: Từ “Bạch Dạ hành” tới bây giờ mới lại có 1 quyển sách khiến mình “si mê” như vậy. Nghĩa là nó ám ảnh, nó lôi cuốn mình. Dù đi đâu, làm gì, trong đầu mình cũng toàn hình ảnh của nó và chỉ muốn đc ngồi ôm nó mà đọc thôi.
Hình ảnh Bố già Vito, cũng như Michael sau này, quả thực là hình mẫu ngày nhỏ mình rất thích. Là con gái nhưng thích làm đại ca, làm anh hùng :))
Mario thực sự đã tạo ra một thế giới của riêng ông. Sự thông minh, khôn khéo trong chiến lược; sự mềm dẻo nhưng dứt khoát trong cách đối nhân xử thế,…tất cả những j thuộc về Ông Trùm đều khiến mình thật ngưỡng mộ.
Quá xuất sắc!
Review lần 2: 03 năm đã trôi qua từ lần đầu tiên mình đọc “Bố già”, thêm hàng trăm quyển sách đã “qua tay” mình nhưng “Bố già” vẫn chễm chệ nằm trong top 5 yêu thích của mình. Mình vẫn si mê, vẫn đọc ko ngừng cho dù đây ko phải là lần đầu mình đọc. Thế mới tài!
Những gì muốn nói mình đã nói trong review 1, lần này chỉ có chút khác là mình để ý hơn tới sự biến đổi tâm lý của Michael, những việc cần làm, những việc phải làm và sự thay đổi qua từng chương sách. Hiểu hơn thì lại thương hơn và nể hơn. Bố già thiệt may vì còn có Michael. Nếu ko có ổng thì gia đình Corleone chắc chẳng còn lại gì.” – Diễm Trang (Goodreads)
“Thế giới của Bố Già là thế giới đàn ông. Đàn ông trong từng suy nghĩ, từng hành động, từng hơi thở, từng thớ thịt. Cũng dễ hiểu, bởi tuyến nhân vật chính của tác phẩm toàn là đàn ông. Câu chuyện xoay quanh cuộc đấu đá giữa các thế lực mafia sau thế chiến thứ 2, hay cuộc xoay vần quyền lực giữa đế chế Corleone với Ngũ đại gia đình của New York. Cuốn sách nói nhiều, nói hay về đủ mọi chủ đề, như lời bình nghe rất kêu của Tom Hank ở ngay dòng đầu “Bố Gìa là đáp án cho mọi câu hỏi”. Trên quan điểm cá nhân, mình ấn tượng nhất với 3 điểm: văn hóa gia đình, tình nghĩa trong đối nhân xử thế và hệ thống quyền lực của xã hội.
Dễ thấy trong truyện, mọi biến cố, sự kiện, mâu thuẫn đều xoay quanh gia đình. Ông trùm Vito Corleone không dấn thân vào thế giới mafia chỉ vì dòng máu của ông vốn thuộc về nó, mà lý do trực tiếp nhất chính là vì miếng cơm cho vợ, cho con, cho giấc mơ Mỹ nghe xa vời nhưng gần tay nắm. “Một người đàn ông không dành thời gian cho gia đình, không bao giờ có thể trở thành đàn ông thực sự.” Bởi vì cái gốc ấy của mình, ông trùm chẳng tin ai ngoài gia đình, và vì thế đế chế Corleone bắt buộc phải cha truyền con nối. Tom Hagen hay những người ngoại tộc còn lại đều là tình nghĩa (với chữ nghĩa in đậm gạch chân). Đây cũng là nguyên nhân vì sao Vito Corleone nghiễm nhiên trở thành kẻ mạnh, ông biết “lợi dụng” tình nghĩa. Một đề nghị trao đổi bằng quyền lợi không nặng bằng hai tiếng mang ơn. Thế giới của bố già là thế đấy, tất thảy mọi thứ đề quy về một mẫu số chung: ta thấy một tên giết người không sợ trời sợ đất mà vẫn phải sợ ông trùm, một thằng bé 12 tuổi được cưu mang dù mang tiếng ngoại tộc vẫn hết lòng trung thành, một tài tử Hollywood ăn chơi trác táng đến cuối vẫn phải quy phục trước bố già. Xây dựng trên hệ thống luân lý ấy, luật pháp với Vito Corleane chỉ là trò hề để phục vụ cho lợi ích của người đặt ra nó. tất nhiên ý mình không phải là chúng ta nên coi thường luật pháp và sống theo lối mafia =))), nhưng Bố Già nói cũng không sai: bất cứ hệ thống giáo lý nào cũng có lỗ hổng. Ông tạo ra một pháp luật của riêng mình để trở thành vị vua với toàn quyền sinh sát, để không bị cái lỗ hổng của pháp luật đại chúng nuốt chửng.
Có hai chi tiết tuy nhỏ nhưng làm mình đặc biệt ấn tượng. Đều xoay quanh nhân vật Johnny Fontane – tài tử Hollywood lắm tài nhiều tật, có tất cả nhưng mất tất cả vì rượu và gái. Đầu tiên là chi tiết sau mọi biến cố cuộc đời, Johnny quay lại với vợ con. Không vì tình yêu, chắc chắn là như thế, mà là cái nghĩa. “Thằng đàn ông có quyền sống theo ý mình muốn. Cái khó là biết mình muốn gì”. Chi tiết thứ hai là mối quan hệ giữa Johnny với người bạn thân Nino. Nino mãi mãi là cái bóng của Johnny. Nino biết nhưng không thể vượt qua mặc cảm ấy. Mình không nhớ chính xác nguyên văn nhưng trước khi đổ bệnh vì lao vào rượu, Nino nói với Johnny rằng cậu ấy không ghen. Johnny nghĩ là vì gái, nhưng mình nghĩ đấy là sự mặc cảm của Nino. Cái này nhỏ thôi không có giá trị nhân văn gì sâu sắc ghê gớm nhưng mình thích, vì nó rất đời. Cảm giác thua kém người khác ai nói chưa từng kinh qua chắc chắn là nói dối, đúng không?
Một điều mà mình thấy nhiều người không thích ở Bố Gìa chính là hình tượng của các nhân vật nữ (khá là mờ nhạt, yếu đuối và hoàn toàn không có tiếng nói). Mình xin phép không bàn đến nữ quyền ở đây vì nó vô nghĩa với thông điệp truyện. Như mình đã nói trên, thế giới của Bố Gìa là thế giới đàn ông. Vậy nên tuy chính mình cũng là nữ, khi đọc cuốn này cũng thầm ước có một chiếc vòi bên dưới để cảm nhận quyển sách sâu hơn nữa.
Lảm nhảm thêm điều cuối, Ngọc Thứ Lang dịch Bố Gìa không sát nguyên văn. Đúng, nhưng mình thích =))).” – Như Cát (Goodreads)
Tìm hiểu thêm về sách tại Tiki hoặc Shopee hoặc Kim Đồng.
Review “Đất Máu Sicily”
“Sắp thành fan của mafia rồi =))
Nói chứ quyển này nhân vật chính ko phải là mafia, mà thậm chí là người đối nghịch nữa, vì lý tưởng khác nhau.
Quyển sách này rất hay, ko bằng Bố già nhưng vẫn rất xứng đáng để đọc. Có bao nhiêu cảnh chém giết và thảm kịch trong này, nhưng chỉ có 1 phân đoạn duy nhất khiến mình đau lòng xót xa.
Cũng như trong “Bố già”, mình thích cách những người trong câu chuyện này coi trọng gia đình và tình thân. Cách các thuộc hạ của Guiliano tôn trọng và trung thành với cậu cũng là 1 trong những điều làm nên cái hay của quyển sách.
Vào những lúc khác trong tương lai, sẽ đọc thủng thẳng hết 3 quyển còn lại hehe.” – Diêm Trang (Goodreads)
“Một tác phẩm của Mario Puzo. Rõ ràng là nhìn cái tên tác giả cũng biết chủ đề của cuốn sách này rồi. Và tất nhiên, chủ đề là Mafia.
Sicily – vùng đất nơi đã sinh ra Don Corleone, ông trùm của cuốn Bố Già nổi tiếng. Nếu như trong Bố già, Sicily chỉ được nhắc tới như một vùng đất do Mafia thống trị, nơi mà luật Omerta là thứ mà mọi gia đình phải tuân thủ, nơi mà luật pháp không phải là thứ họ nhờ tới khi gặp rắc rối, thì ở cuốn sách này, chúng ta mới hiểu rõ hơn về cái vùng đất đã sản sinh ra bao nhiêu anh hùng hảo hán này.
Sicily là nơi sinh ra Don Corleone, và bây giờ Michael, con trai ông, đã trở về đây để đây để lánh nạn. Cuốn sách này như là một cuốn ngoại truyện của Bố Già bởi thời gian ở đây ngắn hơn so với Bố Già và nó cho chúng ta rõ hơn về thời gian Michael ở đây.
Nhưng nói vậy, không có nghĩa là cuốn sách này không xứng đáng có một chỗ đứng trong những tác phẩm của Puzo. Đây vẫn là một cuốn sách rất đáng đọc, nhất là khi Sicily là cái nơi sinh ra Mafia – chủ đề chính của những tác phẩm do Puzo viết.
Tác phẩm này không tập trung về một cuộc chiến quyền lực cũng không tập trung về những chiêu trò, mặt tối của một số lĩnh vực trong xã hội, mà nó kể về cuộc đời của một người anh hùng, một người khao khát được đem lại sự tự do cho người Sicily. Anh chính là Turi Guiliano.
Turi là một người Sicily chính gốc. Anh sinh ra ở một cái xứ mà pháp luật của chính quyền Rome chẳng là cái đinh gì so với quyền lực của Hảo Huynh Đệ do trùm Croce đứng đầu. Băng Hảo Huynh Đệ, tuy trên danh nghĩa là b���o vệ dân chúng nhưng lại là những kẻ làm việc vì tiền, áp bức bóc lột dân đen. Đây không phải là Mafia đúng chất Sicily,nó đã bị tha hóa và biến chất. Chính quyền thì bóc lột dân chúng, cướp những thứ dân chúng làm ra để phát lại ( theo lý thuyết là vậy). Turi thì khác, ngay lần đầu tiên bị bọn Carabinieri (cảnh sát Ý) chặn đường hạch sách, cậu sẵn sàng rút súng bắn chết tươi một tên trong số bọn chúng, rồi cậu về nhà, từ biệt gia đình lên núi làm cướp.
Turi dám làm cái việc mà chưa ai dám làm. Anh lợi dụng ngày bọn cớm lên núi lùng bắt mà vòng lui tấn công trụ sở cảnh sát, cướp của cải đem chia do dân chúng, thu nạp nhiều huynh đệ và đặc biệt là gây tiếng vang trong lòng dân chúng.
Truyện đã cho thấy, mafia không chỉ là những băng nhóm xã hội đen sống chui lủi ngoài vòng pháp luật, mà ở đây mafia ngang nhiên, coi thường pháp luật và đặc biệt, chúng còn can thiệp vào chính phủ, chi phối bầu cử. Chúng tạo thành một khối vững chắc, gồm nhiều ông trùm, chính trị gia và cả chức sắc trong giáo hội.
Ước mơ của Turi là đánh tan tổ chức đó, giành lại tự do và quyền lợi cho người dân Sicily. Băng cướp của anh hoạt động vì lợi ích của người dân, bảo vệ người dân khỏi sự thống trị của Mafia. Nhưng họ không hề làm chuyện ấy bằng những cách thô lỗ hay tàn bạo. Thay vào đó, họ làm bằng những cách nhẹ nhàng, hạn chế thương vong nhưng đối tượng vẫn phải xì tiền ra. Nhưng đặc biệt, những đối tượng phản bội Guiliano đều phải chết. Đó là phong cách Sicily, nơi Omerta ( luật im lặng) là cái phải được mọi người tuân thủ. Turi hoạt động một cách thông minh, mưu trí. Băng của anh nhiều lần đánh cho cảnh sát phải thua tan tác. Nhưng anh cũng nhận ra, không thể cả đời làm thảo khấu được, chỉ cần thua một trận thì sẽ mất hết.
Ông trùm Crore mong muốn có một người kế thừa di sản của ông. Ban đầu ông rất mong muốn Turi sẽ là người nối bước nhưng những hành động chống đối quyết liệt của Turi đã cho thấy giữa Hảo Huynh Đệ và Turi thì chỉ có một người được sống.
Và ông đã lợi dụng Aspanu, người mà Turi tin tưởng nhất, người Turi không bao giờ đề phòng để giết hại anh. Cái chết quá bất ngờ đối với mọi người. Tưởng như anh sẽ qua Mĩ sống, thì bây giờ anh đã mãi mãi nằm lại Sicily và trở thành huyền thoại trong mắt mọi người. Aspanu cũng phải chết, nhưng ít ra thì hắn cũng được lưu danh tên tuổi trong những câu chuyện về người anh hùng Guiliano. Hắn chết trong tù, nơi mà hắn cứ nghĩ là sẽ ra khỏi đó sớm nhờ trùm Crore nhưng cuối cùng thì hắn đã thua trí ông. Hắn chết và trong người hắn có tờ giấy đã trở thành huyền thoại:”PHẢN BỘI GUILIANO LÀ CHẾT”.
Cuối cùng, bộ trưởng Trezza trở thành Thủ Tướng và ông này cũng là một người Sicily. Mafia lại được thêm nhiều quyền lực. Đàn ông Sicily phải bỏ quê hương đi khắp nơi vì nơi đây họ không thể sống một cách bình yên được. Sicily mãi vẫn là vùng đất máu, vùng đất mà người dân ở đó mãi mãi bị áp bức, từ người Hy Lạp, người Hồi Giáo cho tới quân Phát Xít và bây giờ là Mafia.
“Bổn phận trước tiên của một thằng đàn ông là làm sao sống sót. Rồi mới tới cái mà thiên hạ gọi là danh dự.”” – Minh Huynh Thê (Goodreads)
“VÀI DÒNG LINH TINH, NGỚ NGẨN SAU KHI ĐỌC ĐẤT MÁU SICILY – MARIO PUZO
Mình đọc Đất Máu Sicily khi chưa từng đọc một chữ hay xem 1 phút phim của tác phẩm Bố già. Anh lớn trong nhóm sách viết tụi mình giới thiệu cả nhóm đọc cuốn này để so sánh với tác phẩm vĩ đại Bố già và khám phá ngòi bút cũng như cách kể chuyện của Mario Puzo về thế giới Mafia.
Trong Đất Máu Sicily, Sicily hiện ra là một xứ sở oai hùng những năm 1940 – – Nơi con người sống bằng lòng kiêu hãnh đậm chất Sicily nhưng lại khổ đau đến tận cùng, bởi họ phải oằn mình chịu đựng cùng một lúc hai ách thống trị: Chính Phủ và Mafia. Mình đã cố tìm một tính từ để miêu tả lòng kiêu hãnh này nhưng không có, nên chắc người ta lấy luôn tên hòn đảo Sicily để nói chung cho tính cách và tinh thần của người dân ở đây.
Sicily qua lời kể của một người chị cũng trong nhóm sách viết tháng rồi tụi mình ngồi cùng nhau bàn luận là một hòn đảo thiên thời, địa lợi nhưng nhân không hòa. Nó đẹp nhưng vô cùng nguy hiểm. Bởi vì nó là “quê hương” của Mafia.
Vùng đất đầy nắng rực rỡ, cam và olive thi nhau phủ bóng mát và toả ngào ngạt hương thơm, nơi biết bao di tích lịch sử rải rác xung quanh tạo nên một bầu không khí đậm chất nghệ thuật và thiêng liêng. Một nơi đáng sống như thế mà con người phải bỏ xứ ra đi, phải đi tìm một chốn náu thân công bằng và an toàn hơn cho họ, để rồi có khi phải mãi mãi bỏ mạng nơi xứ người. Mình đã vô cùng ngẹn ngào và thổn thức khi đọc tới những trang cuối cùng của cuốn sách. Những lời dẫn hiện thực đến đau lòng về người dân ở đảo Sicily.
“Hai năm sau…, năm trăm ngàn dân Sicily, đa số là nam giới phải bỏ xứ ra đi. Họ qua Anh làm vườn, bán cà rem, làm bồi nhà hàng. Họ qua Đức làm mướn việc tay chân, qua Thụy Sĩ làm công lau dọn sách sẽ cái xứ ấy và làm đồng hồ cúc cu. Họ qua Pháp làm phụ bếp và quét dọn xưởng may. Họ qua Brazil chắt rừng phát quang. Có người qua tận mấy xứ lạnh Bắc Âu… Thế là Sicily thành vùng đất của những người già cả, con nít và đàn bà, những người phải chịu cảnh gia đình li tán…” (Trang 476)
Đọc tới đoạn này mình bàng hoàng đến mức không tin được. Trong cái đầu bé nhỏ và hạn hẹp của mình, những điều mô tả trên chỉ có trong thời chiến. Chỉ có chiến tranh mới khiến một nơi đáng sống trở thành địa ngục, mới khiến con người ta phải di cư và tị nạn. Thế nhưng Sicily vốn hòa bình nhưng vẫn phải chịu cảnh thê lương không khác gì địa ngục trần gian đấy thôi.
Ban đầu đọc hơn nửa cuốn này mình đã nói với vợ là mình không thích cuốn sách này, bởi vì nó bạo lực – không phải gu của mình. Nhưng cho tới khi đọc những trang cuối cùng, mình mới thỏ thẻ lại với vợ là mình cực kỳ thích nó lám luôn. Lâu lắm rồi mới thích một cuốn sách tưởng không hay mà cuối cùng hay không tưởng như vậy. Bởi nó không chỉ dừng lại ở cảnh vật mà còn tình yêu thương gia đình, tình bạn và tình anh em. Với mình nó giống như một câu chuyện trong số rất nhiều câu chuyện kiểu Thần thoại Hy Lạp, hay Thần thoại Bắc Âu. Nó như một trường ca về một anh hùng bi tráng.
Sau khi đọc đến trang cuối cùng, mình buồn với cách kết thúc câu chuyện lắm. Nhưng mình không thể buông một lời trách cứ ai. Mình nghĩ ai đọc đến hết cũng sẽ như mình. Cái Thiện và cái Ác phải luôn là hai bánh răng cùng hoạt động để đẩy mọi thứ đi lên. Quá nhiều cái Thiện đôi khi cũng chính là cái Ác, như việc anh hùng Turi của chúng ta đã hơn nhiều lần tự hỏi liệu điều mình đang bảo vệ, công lý cho người nghèo mình đang thực thi lại chiếm lấy hàng trăm sinh mạng, hàng vạn giọt máu, là đúng hay không đúng đây. Có lẽ đến cuối cùng anh cũng đã tìm được câu trả lời. Còn mình khi đóng sách lại vẫn còn loay hoay lắm. Nhứt là dòng chữ in hoa to bự đầy tính mỉa mai người đọc đến tự mãn của Turi Guiliano: XƯA KIA TA GIỐNG CÁC NGƯỜI – RỒI ĐÂY ĐẾN LƯỢT CÁC NGƯỜI GIỐNG TA.” – Quang Quân Quít (Goodreads)
“”Sống là để khỏi chết, chứ không phải là để trở thành anh hùng.”
Phần nào đó, mình thích quyển sách này hơn cả Bố già, dù Bố già nổi tiếng hơn, được nhiều người ưa chuộng và được đánh giá cao hơn. Có lẽ do xứ Sicily hiện lên trong sách mới lạ quá, thú vị quá đã làm mình bị ấn tượng mạnh. Đọc quyển này cũng giúp mình hiểu được phần nào cách cư xử của nhiều nhân vật trong Bố già lại đôi khi “ngu ngốc và nóng nảy”, là do cái máu dân Sicily cả ấy.
Một trong những thứ mình phải nể phục Mario Puzo, đó là tay nghề của ông rất ổn định, không hề bị bấp bênh, bị “lụi nghề”, nên quyển nào ông viết cũng hay. Không tả quá nhiều nhưng người đọc vẫn hình dung được, cảm nhận được cái bầu không khí của Sicily. Diễn biến hợp lý và tương đối bất ngờ với mình, dù cái kết thì có thể đoán trước. Sẽ đọc thêm các quyển khác nữa.” – Ngoc (Goodreads)
“Một tác phẩm đầy tính nhân văn. Guiliano – một tên thảo khấu đầy tình người. Mình cho rằng đây là tác phẩm nhân văn nhất về thế giới ngầm. Không phải ai sinh ra cũng xấu, do đời đẩy đưa họ buộc phải tự vệ nhưng trong lúc khốn cùng nhất họ cũng không phản bội lại lý tưởng, tôn chỉ và mục đích sống của mình. Không cần là thánh nhân rao giảng đạo đức, không cần là những chính trị gia luôn phô bày sự thánh thiện hay những người chỉ làm từ thiện để lấy tiếng, làm màu, thảo khấu cũng xứng đáng được tôn vinh nếu sống được như Guiliano.” – QuynhMai (Goodreads)
Tìm hiểu thêm về sách tại Tiki hoặc Shopee hoặc Kim Đồng.
Như Hiếu